Những chiếc ô tô sau một thời gian sử dụng, những bộ phận dưới đây trên ô tô sẽ nhanh hỏng và cần phải chăm sóc đặc biệt hơn.
Lớp sơn xe
Lớp sơn xe ô tô không chỉ là tấm lá chắn bảo vệ khung vỏ kim loại của ô tô mà còn tạo cho chiếc xe vẻ đẹp và phong cách riêng. Tuy nhiên, dưới tác động khách quan của thời tiết, môi trường xung quanh và những tác động chủ quan như đâm đụng, va chạm thì lớp sơn sẽ bị xuống cấp nhanh chóng.
Lớp sơn bên ngoài chính là “da mặt” của một chiếc xe, do vậy cần chăm sóc thường xuyên.
Khi các vết xước xuất hiện nhiều, tính chất ngày càng nghiêm trọng sẽ làm bề mặt sơn xe bị hỏng sâu, lớp kim loại bên trong cũng sẽ nhanh chóng bị oxy hóa. Nếu không khắc phục kịp thời, các vết xước sẽ còn bị rỉ rồi loang rộng ra, gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng.
Dễ bị “tổn thương” nhất có lẽ là các vị trí ở 4 góc xe bởi các va quệt thông thường sẽ chủ yếu nhắm tới các vị trí này. Sau vài năm sử dụng, một chiếc xe phải sơn vá lại 4 góc là điều rất bình thường.
Bóng đèn
Trên ô tô thường được trang bị rất nhiều loại với những chức năng khác nhau như: Đèn pha (đèn chiếu xa) giúp người lái có tầm nhìn xa, đèn cốt (đèn chiếu gần) chiếu sáng ở phía trước đầu xe, giúp nhìn rõ các vật cản trên mặt đường. Ngoài ra còn có đèn xi-nhan, đèn hậu, đèn phanh, đèn soi biển số, cùng với một số loại đèn sương mù, đèn định vị ban ngày,…
Đèn pha và các loại đèn khác trên ô tô có thể bị hỏng bất chợt sau 2-3 năm sử dụng.
Trong quá trình di chuyển, nếu bị xóc mạnh hay xảy ra va chạm lớn thì các bóng này có thể bị hỏng bất chợt mà không báo trước. Ngoài nguyên nhân tác động từ phía bên ngoài xe như trên thì tác động từ phía trong động cơ xe như nguồn điện không ổn định cũng làm cho tuổi thọ của bóng đèn bị giảm.
Bóng đèn bị hỏng sẽ gây ra ít nhiều sự nguy hiểm và phiền phức. Thậm chí còn có thể bị cảnh sát giao thông xử phạt nếu thiếu một trong các loại đèn khi tham gia giao thông.
Ắc-quy
Ắc-quy là bộ phận cực kỳ quan trọng trên xe ô tô nhưng tuổi thọ của bộ phận này lại khá ngắn, chỉ từ 2-4 năm và việc ắc-quy bị hỏng, hết điện có thể đến bất chợt, gây ra không ít phiền phức cho chủ xe.
Ắc-quy là bộ phận có thể bị hỏng bất chợt mà không hề báo trước.
Các chuyên gia cho rằng, ngay cả khi không sử dụng, điện áp của ắc-quy vẫn bị hao hụt do phải cấp điện duy trì cho một số hệ thống khóa cửa, chống trộm, đồng hồ, đèn cảnh báo,… Ngoài ra, ắc quy dùng một thời gian cũng có thể gặp hiện tượng “tự xả cạn” trong thời gian xe không lăn bánh.
Do vậy, khi ắc-quy đã sử dụng trên 2 năm và có hiện tượng yếu điện, đừng tiếc tiền thay một chiếc ắc-quy mới để đảm bảo an toàn và tránh phiền phức không đáng có.
Lốp xe
Lốp xe là bộ phận duy nhất của xe tiếp xúc trực tiếp với mặt đường, thế nên có tính mài mòn cao. Lốp xe cũng rất dễ hư hỏng phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố bên ngoài như mặt đường hay môi trường làm việc.
Thông thường, một bộ lốp xe sẽ sử dụng được khoảng 50.000-60.000 km hoặc không quá 10 năm từ ngày sản xuất. Tuy nhiên, lốp xe cũng có thể bị hỏng bất cứ lúc nào nếu di chuyển trên những đoạn đường nhiều đoạn đường có ổ gà, địa hình khó hoặc dính phải những dị vật sắc nhọn.
Bộ lốp mới của một chiếc SUV tiền tỉ cũng bị hỏng do vấp phải ổ gà trên đường.
La-zăng
La-zăng được làm bằng kim loại, có độ cứng rất cao và trên lý thuyết sẽ khá bền. Tuy nhiên, thực tế thì đây lại là bộ phận rất dễ bị hư hỏng do thói quen lái xe của nhiều người.
Những tình huống va chạm đi bất cẩn, thường thấy nhất là “chém vỉa” không chỉ gây hại cho lốp mà còn cả la-zăng. Nếu bị va chạm mạnh ở bánh xe, la-zăng rất dễ dẫn đến tình trạng bị méo, gây nên hiện tượng xe bị rung ở một dải tốc độ nào đó. Nhẹ hơn thì khiến chiếc xe bị mất thẩm mĩ do la-zăng xước.
Cần gạt mưa
Gạt mưa cũng là bộ phận nhanh hư hỏng hơn nhiều so với các chi tiết khác trên xe. Nếu xe thường xuyên bị phơi dưới trời nắng gắt, lưỡi gạt mưa có thể bị giảm chức năng chỉ sau khoảng 1-2 năm sử dụng. Với loại gạt mưa chất lượng thấp, giá rẻ có thể bị hỏng sớm hơn.
Thông thường, một bộ cần gạt mưa chỉ sử dụng được khoảng 2 năm là phải thay.
Dấu hiệu dễ thấy khi gạt mưa hỏng là nước không được gạt sạch, gạt bị vấp, phát tiếng kêu “rộp rộp” trong quá trình di chuyển trên kính lái.
Các chuyên gia cho rằng, không nên gạt mưa khô, tức là không phun nước rửa kính khi gạt. Trong điều kiện đó, giữa lưỡi gạt mưa và kính lái sẽ có ma sát lớn, không chỉ làm khó cho mô-tơ và cơ cấu cần gạt, mà còn gia tăng nguy cơ làm xước kính lái.
Tổng hợp