Trong thời điểm đăng kiểm được siết chặt, một chủ xe Ford Ranger đã quyết định cho thuê một số đồ “zin” để các xe độ có thể vượt qua bài kiểm tra rất nghiêm ngặt từ các trạm đăng kiểm trong khu vực Tp. Hồ Chí Minh.
Các trạm đăng kiểm Tp. HCM quá tải
Trong những ngày gần đây, các trạm đăng kiểm ở Tp. Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng quá tải. Ghi nhận nhanh tại 3 trạm đăng kiểm ở Tp. Thủ Đức, quận Tân Bình và quận 7, hàng dài xe ô tô, xe tải đã nối đuôi nhau từ tờ mờ sáng khiến các con đường xung quanh chật kín xe đỗ.
Những ngày trước khi có tin tức nhiều trạm đăng kiểm ở Tp. HCM bị Công an kiểm tra và bắt giữ nhiều người, trạm đăng kiểm nằm trên quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Chánh, Tp. Thủ Đức vốn đã đông xe cộ.
Trong 4 ngày trở lại đây, lượng xe đổ về đây phải gấp 3 lần. Chị T.H. (người bán nước gần trạm đăng kiểm) cho hay mình làm không xuể và thu nhập rất tốt so với trước.
Tại đây, hàng dài các phương tiện đang chờ làm đăng kiểm và đã làm xong đỗ hàng dài trên con đường dân sinh và ra đến quốc lộ 13, tạo nên cảnh tượng rất hiếm gặp.
Nguyên nhân các trạm đăng kiểm bị quá tải trong 1 tuần trở lại đây là do có 4 trung tâm đăng kiểm bị đình chỉ hoạt động khiến các trạm còn lại hoạt động hết công suất vẫn không thể đáp ứng được hết.
Ở trạm đăng kiểm nằm trên Quốc lộ 13, có khi từ 3 giờ sáng, hàng dài phương tiện đã nối đuôi nhau chờ vào làm đăng kiểm.
Thống kê từ Phòng kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 11/2022, đã có 429.691 lượt phương tiện không đạt đăng kiểm ở lần đầu tiên trong tổng số hơn 4,3 triệu lượt phương tiện kiểm định trên toàn quốc. Các xe không đạt tiêu chuẩn đăng kiểm phải bảo dưỡng, điều chỉnh, sửa chữa để kiểm định lại.
Xuất hiện nghề hái ra tiền của các chủ xe “zin”
“Bác nào độ xe từ body kit đến đèn hay thảm lót sàn 4d, 5d thì về zin hết đi nhé, chứ ra đăng kiểm họ cũng trả về hết thôi, mất thời gian” là một trong những bình luận hoặc bài viết nhằm cảnh báo các bác tài sở hữu xe độ. Thậm chí, có người gắn bình ắc-quy lớn hơn nguyên bản cũng không được làm các thủ tục đăng kiểm.
Lúc này, ngoài các gara tất bật “về zin” cho xe thì còn có một nghề hái ra tiền khác bất chợt được các chủ xe “zin” nghĩ ra. Anh H.N. (chủ sở hữu chiếc xe Ford Ranger) chia sẻ với chúng tôi từng bị ép giá khi rao bán xe do là xe “zin”, không đủ các món đồ chơi cần thiết nên chưa bán.
Lúc này, anh đã quyết tâm không bán xe nữa mà cho thuê một số đồ “zin” để các xe độ có thể vượt qua các bài kiểm tra rất nghiêm ngặt từ các trạm đăng kiểm chủ yếu trong khu vực Tp. Hồ Chí Minh. Làm như vậy, anh có thể kiếm được vài chục đến trăm triệu đồng dễ như ăn kẹo.
Một lần cho thuê kiếm vài chục triệu đồng
Anh H.N. chia sẻ, cản trước/sau, bệ bước và pô “zin” đều đồng giá 5 triệu đồng/1 lượt thuê cho mỗi món. Nếu ai thiếu 3 món này thì vị chi sẽ phải bỏ ra 15 triệu đồng. Tiếp đến là đèn trước/sau có giá thuê 10 triệu đồng/1 lượt và đắt nhất là 4 bộ lốp theo xe có giá thuê 15 triệu đồng/1 lượt.
Nếu ai thiếu tất cả món đồ chơi kể trên, số tiền thuê phải trên 40 triệu đồng. Người cho thuê cũng lưu ý giá này chưa bao gồm chi phí lắp đặt, không xé lẻ từng món và khi có tem đăng kiểm phải ngay lập tức tháo ra, không được chạy ra đường.
Có thể thấy, những món đồ “zin” có giá thuê khá đắt đỏ. Tuy nhiên, trong tình cảnh các trạm đăng kiểm chủ yếu ở Tp. HCM đang siết chặt việc đăng kiểm, xe nào độ đều bị trả về và các chủ xe độ trước đó thường rao bán đồ “zin” theo xe nên cách thuê đồ là hợp lý nhất hiện nay thay vì đi mua đồ gắn vào.
Cũng bắt “trend” cho thuê đồ xe “zin” để xe độ vượt qua các bài đăng kiểm, anh T.N. đưa ra giá trung bình không khác nhiều so với trên nhưng có thể thuê từng món.
Ngoài ra, anh T.N. còn yêu cầu người thuê phải đặt cọc số tiền 5 triệu đồng để đề phòng trường hợp xảy ra va quẹt khi đăng kiểm hay tháo lắp, gây hư hại. Nhìn chung, các chủ xe “zin” đang rộ trào lưu cho thuê đồ để “kiếm thêm”.
Bên cạnh đó, cũng có không ít hội nhóm anh em giúp đỡ nhau qua lần đăng kiểm ngặt nghèo nhất từ trước đến nay. Ví dụ, một hội nhóm chuyên về xe Hyundai Elantra đã kêu gọi anh em xe “zin” hỗ trợ các xe độ với chi phí là bữa nhậu của nhóm, siết chặt tình hữu nghị.
Có thể nói, chưa bao giờ câu “đỉnh cao của độ xe là về zin” lại chính xác và thấm thía như lúc này.
Chủ xe đổ xô thuê phụ tùng ‘zin’ để được đăng kiểm
Lo ngại “rớt” đăng kiểm, các chủ ôtô đổ xô đến garage để tháo phụ kiện độ thêm hoặc thuê các bộ phận “zin” như đèn, la-zăng.
Sở hữu chiếc Chevrolet Colorado đời 2017, anh Văn Đức (TP HCM) mới đây bị từ chối đăng điểm vì đèn pha (halogen nguyên bản) độ lên loại bi-LED. Do không còn giữ đèn pha theo xe, anh phải thuê ở một garage quận 2.
“Chi phí thuê bộ đèn ‘zin’ khoảng 500 nghìn đồng/ngày. Mâm (la-zăng) của xe cũng được độ mới nên tôi phải thuê bộ 4 cái như xe nguyên bản, giá 1 triệu đồng/ngày”, anh Văn Đức cho biết.
Anh Đức là một trong số nhiều chủ xe tại TP HCM, Hà Nội đang tất bật đưa xe về nguyên bản để đăng kiểm, khi các trung tâm kiểm định xe siết quy trình hoạt động. Số lượng chủ xe đưa đến garage tháo phụ kiện, lắp đồ “zin” tăng đột biến những ngày gần đây.
Anh Tống Quang Phú, chủ chuỗi cửa hàng Mobile Car Care (quận 12, TP HCM), cho biết, mỗi ngày có khoảng 3-4 chủ xe đến để nhờ tháo bodykit, đèn, la-zăng… và thay bằng loại theo xe nguyên bản. “Theo các chủ xe, nhiều trung tâm đăng kiểm hiện quá tải, quy trình kiểm duyệt lâu hơn, khắt khe hơn nên họ chủ động đưa xe về nguyên bản để tránh trường hợp bị từ chối, tốn thời gian quay lại”, anh Phú nói. “Trước đây, nhu cầu này hầu như không có”.
Theo anh Minh Định, chủ garage Nam Sài Gòn (quận 7, TP HCM), công việc ở xưởng từ trước đến nay chủ yếu là sửa chữa, bảo dưỡng xe. “Nhưng nay có thêm nhiều khách đến nhờ tháo phụ kiện, lắp lại các trang bị như xe nguyên bản để tránh ‘rớt’ đăng kiểm”, anh nói.
Nhu cầu về “zin” của chủ xe tăng cũng đồng nghĩa với việc các garage bận rộn hơn ở thời điểm cuối năm. Với những xe độ nhiều, việc tháo, lắp các món phụ kiện cho xe thường tốn khá nhiều thời gian, khoảng vài giờ đến nửa ngày. Tiền công cho thợ ở xưởng khoảng 500.000-1.000.000 đồng và không cố định, tùy vào độ phức tạp của các chi tiết cần tháo, lắp.
“Tiền công tháo, lắp cản trước, cản sau, la-zăng (4 chiếc), bậc cửa, đèn pha, thuê lại đồ zin để đi đăng kiểm khoảng 2,8 triệu đồng/ngày”, anh Minh Quân (Hà Nội), người sở hữu chiếc Ford Ranger đời 2018 và đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng để độ các chi tiết mới, cho hay. Theo anh, việc độ xuất phát từ những nhu cầu có thật. Ví dụ, công việc thường di chuyển ban đêm nên anh nâng cấp đèn, bậc lên xuống vì gia đình có trẻ nhỏ, người già và cuối tuần gia đình cùng về quê…
Không chỉ tháo các phụ kiện lắp thêm, các chủ xe cũng tìm kiếm đồ “zin” theo xe để lắp lại nguyên bản. Nếu bản thân không giữ đồ “zin”, họ phải đi thuê ở những nơi khác. Số ít garage chuyên độ xe hỗ trợ miễn phí cho khách “vì chỉ là hàng mượn sau đó trả lại”, những nơi khác cho thuê lấy phí tính bằng ngày với giá 500.000 đồng đến một triệu đồng hoặc hơn cho một linh kiện.
Tuy nhiên, không phải xe nào cũng có sẵn đồ để thuê về “zin”. Anh Đức Khôi (Hà Nội) đi chiếc Nissan Navara VL 2015 đang gặp khó khăn khi tìm nhiều garage cũng không còn đồ để cho thuê. Sau nhiều năm sử dụng chiếc xe với nhiều chi tiết độ thêm, giờ anh phải xoay xở để kiếm đồ “zin” nhưng sau một ngày vẫn chưa có giải pháp.
Những ngày gần đây, các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội và TP HCM rơi vào tình trạng quá tải, khi những xe độ, nâng cấp linh kiện, phụ tùng bị từ chối đăng kiểm. Theo quy định, xe không được thay đổi kết cấu, lắp thêm đồ nếu gây mất an toàn cũng như ảnh hưởng môi trường. Tuy vậy, việc định nghĩa cụ thể thế nào là mất an toàn hay vượt quá quy định lại chưa được định nghĩa cụ thể khiến nhiều tài xế thắc mắc và tỏ ra không tán thành.
Theo Thanh niên Việt, Vnexpress