Có người phải xếp hàng từ 8 giờ tối và đến 5 giờ sáng hôm sau mới sạc xong pin cho chiếc ô tô điện của mình. Một số trạm sạc của Nio và Geely đã bị chính quyền yêu cầu ngừng hoạt động.
Trung Quốc vừa trải qua mùa hè nóng nhất trong lịch sử kể từ năm 1961 với nhiệt độ trung bình từ ngày 1/6 – 31/8 là 22,3 độ, cao hơn 1,1 độ so cùng cùng kỳ những năm trước. Theo Trung tâm Khí hậu quốc gia Trung Quốc (NCC), số ngày trung bình có nhiệt độ cao nhất trên 35 độ C là 14,3 ngày, nhiều hơn 6,3 ngày so với những năm trước. Ngoài ra, 15 trạm khí tượng cấp quốc gia của nước này ghi nhận nhiệt độ lên tới 44 độ C.
Chính quyền các tỉnh miền Nam của Trung Quốc như Tứ Xuyên, Chiết Giang, Hồ Nam và Giang Tây – nơi nhiệt độ dao động từ 40 – 45 độ C – đã bắt đầu áp dụng biện pháp phân phối điện. Những nhà máy ngốn nhiều điện năng đã tạm thời ngừng hoạt động, văn phòng tắt hết điều hòa, người lao động làm việc tại nhà và các cửa hàng bán lẻ vận hành với lượng điện tối thiểu.
Trong khi đó, những trạm đổi pin ô tô điện của hai hãng nội địa Nio và Geely đã bị chính quyền yêu cầu ngừng hoạt động. Các trạm sạc nhanh DC cũng phải hoạt động với năng suất thấp hoặc tạm ngừng. Tại thành phố Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên, chỉ có 2 trong số 31 trạm sạc Tesla Supercharger vẫn còn hoạt động.
Điều này đẩy nhiều người dùng ô tô điện Trung Quốc vào tình trạng không có chỗ để sạc. Thật trớ trêu khi ô tô điện – một trong những giải pháp để chống biến đổi khí hậu – giờ đây lại trở thành “cục gạch” giá cao vì chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp phân phối điện để ngăn điện lưới bị quá tải do nhu cầu sử dụng điều hòa tăng vọt.
Nhiều trạm sạc pin DC tại Trung Quốc hiện chỉ hoạt động trong khoảng thời gian từ 12 giờ trưa đến 8 giờ sáng hôm sau. Công suất đầu ra của các trạm sạc pin này cũng giảm so với trước khiến thời gian sạc pin kéo dài.
Trên các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc, có thể thấy nhan nhản hình ảnh và video quay cảnh người dùng ô tô điện thức đến nửa đêm, rong ruổi trên đường để tìm kiếm trạm sạc pin còn hoạt động. Ngay cả khi tìm thấy thì họ cũng phải xếp hàng dài để chờ đến lượt mình.
Trong đoạn video được tổng hợp từ Weibo và Douyin (Tiktok) dưới đây, có thể thấy cảnh người dùng ô tô điện xếp hàng lúc 2 giờ sáng để chờ sạc pin. Dù đã quá nửa đêm nhưng nhiệt độ ngoài trời vẫn ở mức cao và nhiều tài xế ngồi đợi trong xe còn không dám bật đèn vì ô tô sắp hết pin.
Cũng trong đoạn video này, một tài xế taxi dùng ô tô điện cho biết anh xếp hàng từ 8 giờ tối nhưng phải đến 4 – 5 giờ sáng hôm sau mới sạc xong. Sau khi sạc đầy pin, chiếc xe của tài xế này có thể chạy 400 km. Tuy nhiên, theo nam tài xế, xe sụt pin rất nhanh, có thể là do trời nóng và liên tục phải sử dụng điều hòa.
Dù chiếc xe vẫn còn chạy được 170 km nữa nhưng tài xế này không dám nhận thêm khách vì nếu không xếp hàng sớm, thời gian chờ sẽ còn dài hơn nữa. Khi được hỏi cảm nghĩ của bản thân về ô tô điện, nam tài xế này khẳng định vẫn thích loại phương tiện này.
Đoạn video kết thúc bằng cảnh tượng những chiếc ô tô xếp hàng dài đến vài cây số ở khu vực xung quanh một trạm sạc pin.
Đóng cửa hoặc ngừng hoạt động dịch vụ sạc nhanh là một vấn đề lớn vì các thành phố tại Trung Quốc có mật độ dân cư rất đông đúc. Việc sạc chậm qua đêm không phải là một giải pháp phù hợp cho nhiều người dùng ô tô điện nên họ phải dựa vào các trạm sạc nhanh DC.
Chính sách cho người dân đăng ký xe dùng động cơ đốt trong dưới dạng rút thăm để giới hạn số lượng hàng tháng đã được áp dụng trong khoảng 5 năm qua tại các thành phố của Trung Quốc.
Do đó, để rút ngắn thời gian chờ đăng ký xe mới, nhiều người dân đã chuyển sang ô tô điện. Điều này khiến lượng xe ô tô điện tại Trung Quốc tăng chóng mặt trong thời gian qua.
Chính sách hạn chế đăng ký xe dùng động cơ đốt trong tại các thành phố Trung Quốc khiến người dân chuyển sang mua ô tô điện
Hiện nay, lượng ô tô cần sạc pin tại Trung Quốc đã lên đến con số 10 triệu chiếc. Trong đó, có 8 triệu chiếc ô tô thuần điện (BEV) và 2 triệu chiếc xe plug-in hybrid (PHEV).
Ngoài nhu cầu sử dụng điều hòa của người dân tăng cao, tình trạng đập thủy điện khô hạn cũng góp phần dẫn đến khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc. Ví dụ điển hình là tỉnh Tứ Xuyên, nơi thủy năng đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng điện của người dân.
Trung Quốc từng dựa vào các nhà máy điện đốt than truyền thống. Tuy nhiên, nhiều nhà máy điện gây ô nhiễm môi trường này đã bị hoặc đang trong quá trình giải thể như một phần trong kế hoạch đạt mục tiêu trung hòa carbon của chính phủ Trung Quốc. Trong khi đó, năng lượng có thể hồi phục như năng lượng mặt trời lại không đủ để đáp ứng nhu cầu dùng điện tăng đột ngột.
Theo Thanh Niên Việt
Xem thêm bài liên quan
- Mạng lưới trạm sạc xe ô tô điện liên kết 5 quốc gia Đông Nam Á sẽ hoạt động từ cuối năm 2024: Cơ hội và thách thức cho VinFast của Việt Nam
- Trạm sạc – Yếu tố quan trọng nhất nếu muốn xe điện phát triển nhưng đó có phải là tất cả?
- Việt Nam cần bao nhiêu tỉ USD đầu tư hạ tầng xe điện để hướng tới mục tiêu có 3,5 triệu xe vào năm 2040?