Theo một số tư vấn bán hàng, mẫu xe điện Trung Quốc Wuling Bingo EV có thể được mở bán tại Việt Nam vào khoảng tháng 6 hoặc tháng 7/2024.
Trước đó, trên trang chủ của SGMW (liên doanh SAIC-GM-Wuling) cũng đăng tải một bài viết nói về việc sẽ giới thiệu Wuling Bingo EV tại Việt Nam. Tại thị trường Indonesia, Wuling Bingo EV là mẫu xe điện được khá nhiều người ưa chuộng và từng “cháy hàng” khi mới mở bán.
Wuling Bingo là sản phẩm của liên doanh SAIC, GM và Wuling, trong đó GM nắm giữ 44% cổ phần còn SAIC và Wuling có 56%.

Bingo sở hữu kích thước dài x rộng x cao lần lượt là 3.950 x 1.708 x 1.580 (mm), chiều dài cơ sở đạt 2.560 mm. Với kích thước này, xe được định vị trong phân khúc hatchback hạng A, “chung mâm” với Hyundai i10, Kia Morning và VinFast VF5.
Wuling Bingo EV sở hữu ngoại hình năng động và hiện đại. Là xe điện nên Bingo EV không có lưới tản nhiệt, chỉ có khe gió được đặt thấp, tích hợp trên cản trước. Cụm đèn chiếu sáng gợi sự liên tưởng tới mẫu xe Porshe.

Phía sau xe là cụm đèn hậu cũng có thiết kế tương đồng với đèn trước. Đèn phản quang của xe được đặt thấp, tích hợp trên cản sau và nối liền với nhau bằng thanh mạ chrome. Xe được trang bị bộ mâm có kích thước 14 inch, nhỏ hơn đáng kể so với con số 17 inch của VinFast VF 5.

Về nội thất, Wuling Bingo EV được trang bị ghế da tổng hợp, ghế lái chỉnh điện 6 hướng, điều hòa tự động một vùng, đồng hồ kỹ thuật kích thước 7 inch và màn hình giải trí có kích cỡ 10,25 inch.
Cung cấp sức mạnh cho Wuling Bingo EV là một mô-tơ điện với công suất tối đa 50 kW (khoảng 67 mã lực). Ở phiên bản Long Range, xe dùng pin lithium-sắt-photphat (LFP) với dung lượng 31,9 kWh và chỉ hỗ trợ sạc chậm AC.

Trong khi đó, phiên bản Premium Range được trang bị pin LFP với dung lượng 37,9 kWh và hỗ trợ cả sạc chậm AC lẫn sạc nhanh DC. Với bộ sạc nhanh, thời gian tăng dung lượng pin từ 30% lên 80% sẽ là 35 phút. Vận tốc tối đa của Bingo là 130 km/h.

Sau một lần sạc đầy pin, phiên bản Long Range có thể chạy được 333 km trong khi con số tương ứng của bản Premium Range là 410 km. Cả hai loại pin này đều đạt tiêu chuẩn chống nước, chống bụi IP 67.
Xe sở hữu một số trang bị an toàn cơ bản như: phanh ABS/EBD, phanh tay điện tử, hỗ trợ giữ phanh tự động, cân bằng điện tử, camera lùi, giám sát áp suất lốp, chìa khóa thông minh, khởi động nút bấm, kiểm soát hành trình.

Tại Indonesia, Wuling Bingo EV được phân phối với hai phiên bản là Long Range và Premium Range, đi cùng mức giá lần lượt là 358 triệu rupiah (khoảng 566,7 triệu VNĐ) và 408 triệu rupiah (khoảng 645,8 triệu VNĐ).
Tại Việt Nam, đối thủ VinFast VF 5 đang được bán ra với giá 468 triệu (thuê pin) và 548 triệu đồng (mua pin). Nếu muốn cạnh tranh, Wuling Bingo EV buộc phải có giá dưới 500 triệu đồng.
Theo: Tuoitrethudo
TMT Motors – Đơn vị phân phối, lắp ráp “Hồng Quang Tiểu Lôi Điện” báo lãi cả quý vỏn vẹn chỉ bằng giá 1 chiếc xe
Sau 3 tháng đầu năm, TMT Motors – Đơn vị phân phối, lắp ráp mẫu xe điện Wuling Mini EV đã thực hiện được 20% mục tiêu doanh thu thuần nhưng chưa tới 1% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
CTCP Ô tô TMT (TMT Motors, mã TMT) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024 với doanh thu thuần đạt 516 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2023. Giá vốn giảm tương ứng khiến lãi gộp của TMT đạt 57 tỷ, giảm 25% tương ứng biên lãi đạt 11%.
Doanh thu tài chính giảm mạnh xuống còn khoảng 300 triệu, các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng đồng loạt tiết giảm so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả, TMT Motors báo lãi sau thuế không đầy 270 triệu đồng, giảm mạnh 86% so với mức lãi gần 2 tỷ của cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, lý do dẫn tới việc lợi nhuận sau thuế giảm chủ yếu là do thay đổi báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ.
Tại BCTC riêng quý 1 của TMT, LNST giảm 43% xuống hơn 4 tỷ đồng. Nguyên nhân được trình bày do tình hình kinh tế khó khăn, các lĩnh vực bất động sản, sản xuất, logistic suy giảm trong quý đầu năm khiến TMT với sản phẩm ô tô tải phụ thuộc nhiều vào các lĩnh vực trên chịu ảnh hưởng.
Ngoài ra, lượng hàng hóa tồn kho dự trữ của các DN sản xuất và nhập khẩu phân phối lớn dẫn đến cạnh tranh gay gắt về giá, qua đó giảm tỷ lệ lãi gộp của doanh nghiệp.

TMT Motors tiền thân là Công ty Thương mại và Sản xuất vật tư Thiết bị giao thông vận tải. Hoạt động chính của công ty là sản xuất, lắp ráp và kinh doanh xe ô tô, phụ tùng các loại. TMT Motors từ lâu đã được biết đến là đơn vị có các sản phẩm xe tải nổi tiếng như Cửu Long, Tata, Howo, xe đầu kéo Sinotruk,… có tải trọng lớn.
Mới đây, doanh nghiệp này gây tiếng vang khi tham gia vào thị trường xe điện bằng việc sản xuất, lắp ráp và phân phối mẫu xe điện Wuling Hongguang MiniEV tại thị trường Việt Nam.
Được biết, Wuling Mini EV là mẫu xe điện cỡ nhỏ nổi tiếng của Trung Quốc, đạt danh hiệu “ô tô điện cỡ nhỏ bán chạy nhất thế giới 4 năm liên tiếp, kể từ năm 2020 đến hết năm 2023. Tại Việt Nam, xe được sản xuất, lắp ráp bởi liên doanh TMT Motors và General Motors (GM) – (SAIC – WULING).
Trong đó, liên doanh GM – (SAIC – WULING) cung cấp linh kiện, ủy quyền cho TMT Motors độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng ô tô điện thương hiệu Wuling tại Việt Nam. TMT Motors đã phối hợp với các đại lý, chính thức khai trương hơn 20 đại lý Wuling ủy quyền tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Hiện giá bán đối với phiên bản tiêu chuẩn + pin 120km (LV1 – 120) là 239 triệu đồng, còn đối với phiên bản tiêu chuẩn + pin 170km (LV1 – 170) là 265 triệu đồng. Giá bán đối với phiên bản nâng cao + pin 120km (LV2 – 120) là 255 triệu đồng, đối với phiên bản nâng cao + pin 170km (LV2 – 170) là 282 triệu đồng.
Đây được đánh giá là mức giá bán khởi điểm rẻ nhất thị trường, thậm chí thấp hơn cả xe hạng A như Hyundai Grand i10 hay Kia Morning cùng với kiểu dáng thiết kế có thể xem là “độc, lạ”.
Tuy nhiên, một thực tế đang cho thấy TMT Motors “thần tốc” làm ô tô điện nhưng kết quả chưa tương ứng với tham vọng. Năm 2023, doanh nghiệp này chỉ bán được vẻn vẹn 591 chiếc xe điện Wuling HongGuang Mini EV ra thị trường, bằng 11% so với kế hoạch doanh số 5.525 chiếc đặt ra trước đó.
Với số lượng xe bán được, TMT Motors ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.634 tỷ đồng, giảm 13% và hoàn thành 55% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm mạnh 95% xuống gần 2,4 tỷ đồng và chỉ hoàn thành 3% kế hoạch.
“Ế ẩm” trong năm ngoái, bước sang 2024, TMT Motors đã lên kế hoạch tổng doanh số của dòng sản phẩm xe điện chỉ ở mức 1.016 chiếc. Dù tăng đến 71% so với mức thực hiện trong năm trước song đây vẫn là con số ở mức rất thấp.
Về chỉ tiêu kinh doanh 2024, TMT Motors đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.645 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 38,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 1% và 475% so với năm trước. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, phía doanh nghiệp đã thực hiện được 20% mục tiêu doanh thu thuần nhưng chưa tới 1% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của TMT Motors đạt mức 1.978 tỷ đồng, giảm 192 tỷ tương ứng 9% so với thời điểm đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền đạt mức 38 tỷ đồng, tăng 31% so với thời điểm đầu năm.
Trong khi đó, giá trị hàng tồn kho tính đến cuối quý 1 là 1.189 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ so với thời điểm đầu năm và chiếm hơn 60% tổng tài sản.
Tổng nợ phải trả của TMT Motors ghi nhận 1.540 tỷ đồng, giảm hơn 11% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ vay 1.137 tỷ, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu đạt 438 tỷ đồng với 53 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Theo: An ninh Tiền Tệ
Xem thêm bài liên quan
- Rộ tin Kia Sonet facelift 2024 có thể sẽ “cập bến” Việt Nam ngay trong năm nay?
- “Mini car” Wuling HongGuang MiniEV chốt lịch ra mắt thị trường Việt: Phù hợp với người lương 15 triệu, chạy tối đa 170 km/sạc
- TMT Motors – Đơn vị phân phối, lắp ráp “Hồng Quang Tiểu Lôi Điện” báo lãi cả quý vỏn vẹn chỉ bằng giá 1 chiếc xe