Số tiền “nuôi” ô tô cộng với khoản thanh toán ngân hàng đã khiến nhiều chủ xe phải khá chật vật khi cân đối kinh tế mỗi tháng.
Câu chuyện được anh Quang Thuận, nhân viên văn phòng 29 tuổi đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM, chia sẻ với Zing.
Tôi là một nhân viên văn phòng đã có hơn 10 năm sinh sống, học tập và làm việc tại TP.HCM.
Quãng thời gian hơn một thập kỷ đã giúp tôi tích lũy được một khoản tiền tiết kiệm với 9 chữ số. Dẫu không nhiều, đây cũng là thành quả từ những nỗ lực không mệt mỏi và là niềm tự hào đối với riêng chàng trai tỉnh lẻ như tôi.
Tôi lấy vợ cách đây hai năm. Việc lập gia đình đã khiến tôi thay đổi khá nhiều, từ thời gian biểu sinh hoạt cho đến cách điều tiết chi tiêu hàng tháng.
Tuy nhiên, có lẽ điểm thay đổi lớn nhất của tôi chính là quyết định mua ô tô để phục vụ gia đình.
Trước đây tôi là một người ham thích xê dịch bằng mô tô, từng cùng chiếc xe máy của mình chạy hàng trăm km để đến với điểm du lịch mình yêu thích.
Từ khi lập gia đình, tôi lại xiêu lòng với ô tô vì không nỡ nhìn cảnh vợ mình phải dầm mưa dãi nắng để phục vụ cho sở thích cá nhân. Tôi bàn với vợ và quyết định phải mua ôtô.
Tôi đã tham khảo nhiều mẫu xe khác nhau trước khi lựa chọn chiếc Honda City cho gia đình. Nhân viên tư vấn cho biết bên cạnh lựa chọn trả thẳng, tôi có thể vay ngân hàng đến 80% giá trị xe và trả dần trong thời hạn tối đa 8 năm.
Nhân viên gửi tôi tham khảo về kế hoạch thanh toán hàng tháng. Sau khi đối chiếu với mức thu nhập hơn 25 triệu đồng mỗi tháng của hai vợ chồng, chúng tôi quyết định trích tiền tiết kiệm để trả trước 20% giá trị xe. Riêng phần còn lại chúng tôi sẽ vay ngân hàng và chọn cách thức trả dần trong thời hạn 6 năm.
Ở thời điểm mua xe, nhờ sở hữu lịch sử tín dụng đẹp và có khả năng chứng minh thu nhập hàng tháng, chúng tôi được vay với lãi suất ưu đãi 7,75% trong hai năm đầu tiên.
Theo kế hoạch của ngân hàng, vợ chồng tôi sẽ phải trả hơn 8,1 triệu đồng mỗi tháng trong năm đầu tiên, bao gồm cả tiền lãi và phần gốc. Với tổng thu nhập hơn 25 triệu đồng từ cả hai vợ chồng, tôi và vợ đã khá tự tin rằng mình sẽ có thể yên tâm về tài chính và được phép thoải mái tận hưởng chiếc xe mới mua.
Tuy nhiên chúng tôi nhanh chóng cảm thấy đuối sức vì tiền “nuôi” ô tô hàng tháng, bao gồm khoản trả nợ cho ngân hàng, đã chiếm phần quá nhiều trong ngân quỹ gia đình.
Trung bình mỗi ngày tôi và vợ di chuyển bằng ô tô để đi làm trên quãng đường 50 km, nghĩa là tương đương khoảng 250 km mỗi tuần. Với mức tiêu thụ nhiên liệu thực tế khoảng 8 lít/100 km cho điều kiện đường đô thị, tôi sẽ phải đổ đầy bình xăng mỗi hai lần một tháng.
Với dung tích bình xăng 40 lít, tôi từng phải chi xấp xỉ 1,3 triệu đồng cho mỗi lần đổ đầy bình. Như vậy chỉ riêng tiền nhiên liệu mỗi tháng đã ngốn của tôi khoảng 2,6 triệu đồng ở cao điểm giá xăng, đó là nếu chỉ tính quãng đường di chuyển hàng ngày đến nơi làm việc.
Vì quê của cả hai vợ chồng khá gần TP.HCM, chúng tôi thường dành ra một dịp cuối tuần trong tháng để lái xe về thăm ông bà. Với quãng đường 300 km chủ yếu trên cao tốc cả đi lẫn về, chiếc xe của chúng tôi phải “ngốn” thêm chừng 500.000 đồng tiền xăng, cộng với khoản phí sử dụng cao tốc rơi vào khoảng 200.000 đồng cho cả 2 chiều đi và về.
Ngoài ra, chi phí gửi xe hàng tháng tại bãi đỗ gần nhà cũng chiếm 1,8 triệu đồng ngân quỹ của gia đình. Các khoản phí phát sinh như gửi xe tại các trung tâm thương mại, chi phí sửa chữa lặt vặt hay tiền rửa xe theo ước lượng của tôi cũng rơi vào khoảng 500.000 đồng mỗi tháng.
Như vậy nếu giữ nguyên được mức lãi suất ưu đãi nói trên, chỉ riêng mỗi tháng chúng tôi đã bỏ ra đến hơn 13 triệu đồng để trả ngân hàng và các chi phí “nuôi” xe.
Mức sống ở TP.HCM tương đối cao khiến gia đình tôi phải khá chật vật sau khi đã chi hơn một nửa tiền lương hàng tháng cho việc “nuôi” xe.
Ngoại trừ tiền thuê chung cư, các chi phí còn lại như ăn uống, mua sắm, tiền điện, nước, truyền hình và Internet, chúng tôi đều phải tìm cách cân đối và hạn chế hơn so với thời điểm trước.
Ngoài ra, khi hai vợ chồng tôi vừa đón tin vui, các chi phí phát sinh còn xuất hiện nhiều hơn, khiến những ngày cận thời điểm thanh toán với ngân hàng gần như trở thành cơn đau đầu không hề dễ chịu cho cả hai vợ chồng.
Tất nhiên, tôi sẽ phải tuân theo lộ trình tăng lãi vay của các ngân hàng vốn đã được ghi sẵn trong hợp đồng cho vay. Cụ thể, lãi suất sau thời gian ưu đãi sẽ được điều chỉnh theo công thức lãi suất huy động 24 tháng của ngân hàng cộng thêm biên độ 3,5%/năm.
Như vậy nếu dựa vào mức lãi suất huy động hiện nay của các ngân hàng thương mại, khả năng cao tôi sẽ phải chấp nhận mức lãi suất cao hơn con số 10%/năm trong giai đoạn còn lại của thời hạn vay.
Nếu đem so sánh với khoản vay hơn 400 triệu đồng ban đầu giữa tôi với ngân hàng, khoản tiền lãi mới sẽ vượt qua con số 40 triệu đồng mỗi năm, gánh nuôi xe lại càng thêm nặng.
Nhìn lại hành trình vừa qua, tôi và vợ vẫn cho rằng mình đã quyết định đúng khi mua ôtô, dù không phải lúc nào tôi cũng thấy hài lòng.
Nhờ có chiếc xe, chúng tôi đi làm đỡ vất vả hơn bởi tránh được khói bụi và những cơn mưa rào. Tôi cũng an tâm hơn khi chở vợ đi khám tại các bệnh viện bởi dù sao ngồi ôtô vẫn đảm bảo an toàn hơn so với di chuyển bằng xe máy.
Chúng tôi có điều kiện về thăm ông bà thường xuyên hơn. Đây là điểm khiến ba mẹ hai bên rất hài lòng, nhờ vậy mà tình cảm gia đình ngày một khăng khít.
Tôi cũng đã nhận thêm việc bên ngoài để cải thiện thu nhập, nhờ đó mà các kỹ năng công việc được nâng cao, kinh tế gia đình cũng bớt khủng hoảng như giai đoạn nói trên.
Mặc dù phải trả khoản tiền lớn mỗi tháng cho chiếc ôtô, chúng tôi nhìn chung vẫn khá xứng đáng với số tiền bỏ ra.
Tuy nhiên từ kinh nghiệm của mình, tôi sẽ nhắn nhủ những ai có ý định vay ngân hàng mua xe cần có sự tính toán kỹ lưỡng để khỏi phải rơi vào cảnh miệt mài trả vay và chật vật với những hóa đơn sinh hoạt hàng tháng.
Theo Zing