Xe cứu hoả đặc biệt này là sự kết hợp “vô tiền khoáng hậu” của các nhà thiết kế thế giới. Với sức mạnh khổng lồ của mình, Big Wind không được sử dụng cho những đám cháy nhà thông thường vì có khả năng sẽ thổi bay luôn căn nhà.
Kết hợp một chiếc xe tăng cũ của Liên Xô với hai động cơ phản lực cùng với rất nhiều nước, bạn sẽ nhận được gì? Câu trả lời là Big Wind, một trong những chiếc xe cứu hoả có thuỷ lực mạnh nhất thế giới.
Được tạo ra từ máy bay tiêm kích MiG-21 và xe tăng T-34, xe cứu hỏa Big Wind đã góp phần ngăn chặn thảm họa ô nhiễm môi trường trong chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.
Những tháng đầu năm 1991, Kuwait chìm trong địa ngục lửa. Khoảng 605-732 giếng dầu tại quốc gia này bị đốt bởi quân Iraq, có thời điểm lượng khói thoát ra hấp thụ tới 75-80% bức xạ mặt trời. Người dân và nông dân địa phương phải đối đầu với thảm họa ô nhiễm môi trường.
Giữa tình thế ngặt nghèo ấy, một cỗ xe tăng đồ sộ mang tên gọi Big Wind (Gió Lớn) xuất hiện, chậm rãi di chuyển tới từng giếng dầu, phóng nước lấy từ các vũng chứa được đào gần đám cháy với tốc độ kinh hoàng và dập lửa.
Đám cháy lên tới nhiệt độ 1100 độ C, và thậm chí không khí xung quanh chúng là 350 độ C, ngay cả khi bất cứ ai tìm cách đến đủ gần thì việc dập lửa là một nhiệm vụ gần như bất khả thi. Đó chính là loại công việc mà Big Wind được tạo ra. Chiếc xe tăng cứu hoả này mạnh đến nổi, nếu dùng để dập lửa thông thường thì nó có thể phá huỷ luôn một căn nhà đang cháy. Công việc của nó là dập những đám cháy dầu.
Big Wind được kết hợp từ xe tăng T-34 có từ thời Thế chiến 2, với tháp pháo được thay thế bằng hai động cơ máy bay chiến đấu MiG-21 và sáu vòi phun nước. Nó trông giống như một cái gì đó từ một bộ phim khoa học viễn tưởng cũ và khi hai động cơ đó được bật lên, nó cũng phát ra âm thanh như các cỗ máy trong phim.
Theo trang Car and Driver, Liên Xô đã có thể thổi tắt các đám cháy giếng dầu và khí đốt và dọn sạch tuyết bằng cách sử dụng một động cơ phản lực MiG-15 gắn vào gầm của một chiếc xe tải lớn. Lấy cảm hứng từ ý tưởng này, công ty MB Drilling của Hungary đã phát triển một phiên bản cải tiến sử dụng hai động cơ phản lực mạnh mẽ được gắn vào một bệ đỡ vững chắc hơn, một chiếc xe tăng cũ.
Big Wind thực sự không thể sử dụng trong bất kỳ vụ cháy nhà bình thường nào, vì nó rất có thể gây hại nhiều hơn đám cháy. Đó là bởi vì hai động cơ phản lực của nó có thể tạo ra lực đẩy khổng lồ, nước được bắn đi với tốc độ 1240 km/h, tương đương với tốc độ âm thanh. Điều đó đủ để thổi bay các cửa sổ và cửa ra vào, thậm chí có thể là cả các bức tường của một ngôi nhà.
Do đó, cỗ máy cứu hỏa cực kỳ mạnh mẽ này được thiết kế đặc biệt để dập tắt các đám cháy giếng dầu. Các luồng không khí mạnh mẽ được bơm ra bởi hai động cơ phản lực, trộn với nước đi ra qua sáu vòi phun phía trên động cơ, đủ để cắt đứt dòng dầu chảy ra khỏi mặt đất, về cơ bản làm mất đi ngọn lửa trên nhiên liệu.
4 đến 9m đầu tiên của dầu thoát ra khỏi giếng không cháy, bởi vì nó di chuyển quá nhanh để ôxy trộn với nó và bốc cháy. Đây là dòng dầu mà Big Wind nhắm đến với sự kết hợp mạnh mẽ của không khí và nước. Cắt qua dòng dầu sẽ giết chết ngọn lửa và nước cũng làm mát không khí xung quanh khu vực, do đó ngăn chặn sự bùng phát trở lại.
Tổ điều khiển Big Wind có 3 thành viên, gồm người lái, người điều khiển động cơ máy bay và chỉ huy cứu hỏa. Cùng Big Wind, những tổ đội này đã chiến thắng nhiều đám cháy lớn trên thế giới.
Sau những chiến tích ấy, Big Wind không dừng lại mà vẫn tiếp tục dập tắt những vụ cháy dầu và dọn sạch nhiều đường băng trên khắp thế giới. Cỗ xe phun nước khổng lồ trở thành một minh chứng cho những gì công nghệ quân sự có thể làm được.
Theo: Moto1