Cả 2 tỷ phú Elon Musk và Phạm Nhật Vượng đều không chỉ bán xe với những tính năng vật lý của sản phẩm mà thực tế họ bán câu chuyện của mình: sự táo bạo, luôn vượt qua giới hạn và là người hùng của thời đại.
Trong khi Ford tốn cả triệu đôla chạy quảng cáo trong các trận đấu của NFL phát trên TNT, ông chủ Tesla mời phi hành gia Nasa lái Tesla Model X đến bệ phóng và từ đó bước lên tàu vũ trụ SpaceX Dragon.
Còn ở Việt Nam, tỷ phú Phạm Nhật Vượng mời được Thủ tướng huyền thoại 94 tuổi của Malaysia – Dr Mahathir Mohamad, cầm cái chiếc Lux SA 2.0 đi với vận tốc hơn 100 km/h.
Phi hành gia Nasa lái Tesla Model X và Thủ tướng huyền thoại 94 tuổi của Malaysia Mahathir Mohamad thử xe so với quảng cáo thương mại cùng phát trên một kênh truyền hình thì cái nào ấn tượng và được người xem nhớ lâu hơn? Chắc không cần có câu trả lời thì ai cũng biết.
Đây là chưa kể phi hành gia Nasa và Thủ tướng huyền thoại của Malaysia chắc chắn sẽ được ưu tiên hơn ở các chương trình tin tức hot nhất và cũng được viral khủng khiếp trên mạng xã hội. Còn với một video quảng cáo thương mại về ô tô thì…
Cũng từ quảng cáo khác nhau việc thúc đẩy nhu cầu đến người tiêu dùng khi sở hữu một chiếc xe cũng sẽ khác nhau rất lớn.
Nói đến nhu cầu, Elon Musk làm ô tô điện lúc mà trên thị trường, yếu tố công nghệ cho loại xe này còn chưa chín muồi. Thế nhưng, vị tỷ phú thiên tài và lập dị này nhìn vào khả năng giải quyết vấn đề về công nghệ, tạo ra sản phẩm đột phá và nhu cầu của thị trường chứ không nhìn vào những điều mà những người khác coi là không thể.
Còn ở Việt Nam, ông Vượng làm ô tô thương hiệu Việt khi chẳng có mấy ai tin là một doanh nghiệp trong nước nào có thể thực hiện điều đó bởi quá nhiều rào cản. Nhưng cũng giống như Elon Musk, Chủ tịch Vingroup chẳng quan tâm đến khó khăn mà tin rằng người Việt Nam làm được.
Khi đã có những thành công bước đầu với ô tô xăng, vị tỷ phú đặc biệt nhất của đất nước hình chữ S đã có một cú ngoặt ngoạn mục khi dồn toàn lực cho xe điện và chấm dứt sản xuất xe xăng từ đầu năm 2022.
Thế nhưng, không còn giống như lần đầu tiên sản xuất ô tô, lòng tin của người tiêu dùng với sản phẩm ô tô điện của ông Phạm Nhật Vượng đã khác. Hơn 37.000 xe được đặt hàng trước từ Việt nam cho thương hiệu xe điện của Vinfast, với tổng số tiền nếu toàn bộ số xe VF e34, VF8 và VF9 được đưa đến người tiêu dùng là gần 1,4 tỷ USD – con số chưa từng có trong lịch sử ngành ô tô Việt Nam. Còn nếu tính thêm số đơn hàng trên toàn cầu, con số sẽ lên gần 2 tỷ USD.
Và để làm được kỳ tích đó, ông Vượng đơn giản chỉ cần làm lễ ra mắt những chiếc xe điện mới toanh của mình tại CES 2021, mà không cần thêm các chiến dịch hoành tráng nào khác trước đó.
Vậy điều gì khiến người dùng tin vào sản phẩm xe điện của ông Phạm Nhật Vượng khi tỷ phú này không phải là dân công nghệ, mới làm xe điện và sản phẩm cũng chưa được chứng minh về chất lượng trên thực tế?
Có lẽ, giống như Elon Musk, người dùng tin vào lời hứa của 2 tỷ phú này, khi họ đều cam kết và thực hiện được những điều mà nhiều người coi là không thể. Elon Musk thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp xe điện ở Mỹ, còn ông Vượng thay đổi hoàn toàn suy nghĩ “người Việt không làm nổi con ốc vít”.
Tỷ phú Richard Branson là người sáng lập Tập đoàn Virgin, nhận xét về Elon Musk: “Bất cứ điều gì những người hoài nghi nói là không thể làm được, Elon đã đi ra ngoài và biến thành sự thật. Ở Việt Nam, điều đó cũng đúng với ông Vượng.
Cũng giống như Elon Musk, trong khi các hãng xe xăng nổi tiếng thế giới phải mất cực nhiều công sức mới bán được vài nghìn xe ở Việt Nam thì ông Vượng chỉ cần ra mắt, mới là sản phẩm mẫu thì đã có hàng chục nghìn đơn hàng đặt mua trước và phải chờ rất lâu mới được nhận xe.
Nếu Tesla của Elon Musk đại diện cho “giấc mơ Mỹ” thì Vinfast của ông Vượng có thể coi là đại diện cho hình ảnh của một Việt Nam mới đang trỗi dậy mạnh mẽ trên bản đồ thế giới.
Trên thực tế, việc một người Mỹ mua xe Tesla hay một người Việt Nam mua ô tô điện của Vinfast đều có chung một đặc tính tương tự nhau, đó là được gắn liền hình ảnh: “Tôi đi trước thời đại”.
Cả tỷ phú Elon Musk hay ông Vượng đều không chỉ bán xe với những tính năng vật lý của sản phẩm mà thực tế họ bán câu chuyện của mình: sự táo bạo, luôn vượt qua giới hạn và là người hùng của thời đại.
Sức ảnh hưởng của chủ nhân Tesla hay Vinfast đã bao phủ lên thương hiệu xe điện mà họ bán khiến sản phẩm có một sức hút khó cưỡng, mà những thương hiệu ô tô truyền thống không thể có được.
Nếu như ở Mỹ, phi hành gia Nasa lái chiếc Tesla Model X thì ở Việt Nam, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đi chiếc Vinfast VF8, chở Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đi thăm nhà máy sản xuất ô tô ở Hải Phòng. Khó có thể có một cơ hội nào tốt hơn thế với một thương hiệu ô tô điện ở Việt Nam.
Điều còn lại là, ông Vượng có thể giống Elon Musk ở quyết tâm biến điều không thể thành có thể, cơ hội marketing đặc biệt mà không một hãng xe truyền thống nào làm được, cũng như khả năng bán một câu chuyện huyền thoại về chiếc xe điện… nhưng sản phẩm được chứng thực trên thị trường ra sao thì sẽ cần chờ thời gian mới có câu trả lời.
Cũng vì thế, dự báo Vinfast có thể được định giá tối thiểu 50 tỷ USD, cao hơn cả Honda và Ford khi niêm yết ở Mỹ vẫn chỉ là một giả định cần được kiểm chứng. Còn Elon Musk với Tesla hiện được định giá cao hơn cả 4 ông lớn sản xuất ô tô (Honda, Toyota, Daimler, Volkwagen) trên thế giới cộng lại, dù năm 2020 thì Tesla chỉ sản xuất 400.000 xe, còn 4 hãng kia cho ra thị trường tới 26 triệu xe.
Chủ tịch VinFast nói gì về tình hình tài chính trên bản cáo bạch IPO?
Ngày 15/12/2022 vừa qua, Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch VinFast kiêm Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup vừa có những chia sẻ về triển vọng IPO của VinFast.
– Bà có thể cho biết vì sao VinFast lại nhất quyết IPO giữa thời điểm thị trường thế giới đang ảm đạm?
Thị trường thế giới được dự báo sẽ hồi phục trong năm 2023. Do đó, IPO thời điểm này là thích hợp để đón đầu làn sóng hồi phục và bứt phá. Về phía VinFast, việc IPO càng sớm càng nhanh tạo động lực để phát triển lên quy mô toàn cầu như mục tiêu đã định
– Là một tân binh, thương hiệu còn chưa mấy quen thuộc với người tiêu dùng quốc tế, VinFast dựa vào đâu để tự tin vào triển vọng IPO sắp tới, thưa bà?
VinFast là một công ty có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Dù chỉ mới gia nhập thị trường 5 năm, chúng tôi đã xây dựng thành công một hãng xe hiện đại, hoàn toàn làm chủ quy trình phát triển sản phẩm, chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất, cho ra thị trường các dòng xe đứng đầu phân khúc tham gia. Đối tác của VinFast đều là những tên tuổi hàng đầu của công nghiệp ô tô thế giới như như ZF, Durr, Bosch, ABB, Pininfarina….
Mới đây nhất, VinFast đã xuất cảng lô xe điện đầu tiên sang Mỹ, sau chưa đầy một năm công bố chiến lược thuần điện khẳng định năng lực triển khai mạnh mẽ của doanh nghiệp.
– Vậy bà kỳ vọng thế nào về triển vọng IPO sắp tới?
Mục tiêu của VinFast là niêm yết thành công tại Mỹ để hướng tới các cơ hội lớn hơn, tạo đà đưa VinFast phát triển ở tầm vóc toàn cầu.
– Quay trở lại câu chuyện IPO, trong cáo bạch VinFast nộp lên SEC có khoản lỗ lũy kế lên tới gần 4,7 tỷ USD tính đến ngày 30 tháng 9 năm 2022. Thực hư thông tin này ra sao, thưa bà?
Không phải toàn bộ con số 4,7 tỷ USD là phản ánh đúng số lỗ thực tế của VinFast. Sự khác biệt về nguyên tắc hạch toán giữa Mỹ và Việt Nam dẫn đến các kết quả khác nhau. Đơn cử, khoản bị cho là lỗ – 1,879 tỷ USD – thực chất là chi phí nghiên cứu, phát triển (R&D) cho các mẫu xe VinFast.
Theo chuẩn kế toán Việt Nam, hầu hết các chi phí này được tính là khoản đầu tư dài hạn của doanh nghiệp và sẽ được khấu hao dần trong suốt vòng đời sản phẩm. Tuy nhiên, khi áp dụng chuẩn mực kế toán Mỹ (US GAAP), các khoản này lại được hạch toán là chi phí ngay khi phát sinh dẫn đến lỗ luỹ kế bị đội lên.
Ngoài ra, trong tổng lỗ còn lại có khoảng 690 triệu USD là chi phí khấu hao. Đối với doanh nghiệp thì đây không được coi là lỗ, mà là một phần của khoản đầu tư ban đầu.
– Vậy bà giải thích sao về khoản nợ lên tới 8,8 tỷ USD, trong đó nợ ngắn hạn là 5,3 tỷ USD và dài hạn là 3,5 tỷ USD của VinFast trong bản cáo bạch?
Về mặt bản chất, không phải toàn bộ 8,8 tỷ USD này là nợ, cụ thể thì có một số khoản phải trả không mang tính chất nợ. Ví dụ như có 2,092 tỷ USD là khoản phải trả phát sinh do giao dịch tái cấu trúc sở hữu nội bộ để VinFast Singapore có thể niêm yết tại Mỹ.
Sau khi IPO thành công, khoản phải trả này sẽ được tất toán giữa các công ty trong nhóm và VinFast sẽ không còn phải chịu nghĩa vụ này nữa. Nói cách khác, 2,092 tỷ USD này không phải nợ mà chỉ là một cơ cấu nội bộ cho mục đích tái cấu trúc phục vụ IPO.
Một ví dụ nữa, trong tổng “nợ” này còn có 603 triệu USD là nghĩa vụ phải trả cho giao dịch chuyển nhượng phần nhà xưởng (không bao gồm máy móc thiết bị) cho Công ty Đầu tư BĐS Công nghiệp Vinhomes (“VHIZ”).
Việc chuyển nhượng này nhằm tái cấu trúc hoạt động kinh doanh để phù hợp với quy hoạch chung về cấu trúc ngành nghề giữa các công ty thành viên trong Tập đoàn Vingroup. Theo đó, VHIZ là công ty duy nhất hoạt động trong lĩnh vực phát triển và khai thác BĐS công nghiệp.
Với khoản này, thực tế VinFast đã nhận được tiền thanh toán chuyển nhượng nhà xưởng từ VHIZ và đang thực hiện trả tiền thuê định kì cho VHIZ theo hợp đồng thuê dài hạn. Theo đó, khoản tiền nhận từ VHIZ từ giao dịch chuyển nhượng nhà xưởng được hạch toán là khoản phải trả trong tương lai theo hình thức thuê dài hạn nhiều năm.
Như vậy, nếu loại bỏ 2 khoản phải trả không có yếu tố nợ nêu trên, tổng phải trả của VinFast còn lại là 6,1 tỷ USD; trong đó nợ vay các tổ chức tín dụng là 3,077 tỷ USD, vay nội bộ là 1,313 tỷ USD, còn lại là các khoản phải trả phát sinh trong quá trình hoạt động và được cân đối với các khoản phải thu khác.
– Như bà vừa phân tích thì VinFast hoàn toàn đủ cơ sở để tự tin bước ra sân chơi toàn cầu?
Đúng vậy, chúng tôi hoàn toàn tự tin đủ sức khỏe tài chính để tiến ra thế giới. Đây sẽ là cơ hội lớn để VinFast nâng quy mô và đẳng cấp lên thành hãng xe điện toàn cầu, góp phần thúc đẩy tương lai của di chuyển.
– Xin cảm ơn bà!
Theo Doanh nghiệp tiếp thị, Nhịp sống thị trường
Xem thêm bài liên quan
- Thế lực VinFast vọt lên 160 tỷ USD, chỉ sau một đêm, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đạt 55,8 tỷ USD, giàu thứ 3 châu Á
- Sự giống nhau thú vị trong cách ô tô của 2 tỷ phú Elon Musk và Phạm Nhật Vượng: Thành bại tại kỹ năng?
- Xanh SM do tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập là chiến lược marketing đỉnh cao của VinFast?