Mới đây, một trang mua bán xe tại Mỹ đã rao bán một chiếc Aston Martin DB4 đời 1962 với giá gần 270.000 bảng Anh (tương đương 7,6 tỷ đồng) dù đã xuống cấp nặng.
Trên trang web chuyên mua, bán ô tô cổ Gullwing Motor Cars vừa xuất hiện bài đăng bán một chiếc Aston Martin DB4 sản xuất năm 1962 trong tình trạng nguyên bản.
Mức giá được đưa ra là 270.000 bảng Anh (khoảng 325.000 USD) – tương đương giá của một chiếc Rolls-Royce Wraith mới.
Đáng chú ý, chiếc xe đã nằm trong kho suốt 30 năm qua, có ngoại hình cũ nát với nhiều chi tiết xuống cấp theo thời gian, đặc biệt ở phần thân vỏ.
Tuy nhiên, nếu được phục hồi về nguyên bản, tuỳ theo năm sản xuất, số km đã đi và nguồn gốc mà mỗi chiếc Aston DB4 có thể chạm tới mức giá hơn 1 triệu USD (khoảng 23,65 tỷ đồng).
Dưới phần thông tin xe, cửa hàng cho biết chiếc Aston Martin này có màu xanh và nội thất bọc da đỏ. Chủ nhân của xe đã cất giữ nó bên trong nhà kho trong 30 năm chỉ để chờ cơ hội phục hồi.
Cũng theo quảng cáo, chiếc xe này là món quà mà chủ xe được nhận trong thời gian làm việc tại một cửa hàng bán phụ tùng ôtô.
“Chủ xe sau khi trở về từ Việt Nam đã làm việc trong một cửa hàng bán phụ kiện ôtô. Tại đây, anh ấy đã giúp đỡ người chủ của mình trong việc sửa chữa xe và chiếc Aston Martin DB4 này chính là món quà người chủ để lại”, quảng cáo có viết.
Chiếc DB4 sau đó được chủ cũ kéo về lưu kho chờ phục hồi, song từ đó đến nay đã 30 năm, xe vẫn nằm yên vị trong kho của trang trại và chưa từng lăn bánh.
Chiếc xe có màu ngoại thất xanh dương, nội thất bọc da màu đỏ. Số khung, số máy nguyên bản và trùng khớp.
Được sản xuất từ năm 1958-1963 với số lượng chỉ khoảng 1.100 chiếc, DB4 được xem như biểu tượng cho một kỷ nguyên mới của Aston Martin và là chiếc xe thương mại đầu tiên có khả năng tăng tốc từ 0-160 km/h và trở lại trạng thái đứng yên trong chưa đầy 30 giây.
Đây cũng là mẫu ô tô đưa Aston Martin trở lại cuộc đua với những nhà sản xuất xe thể thao hiệu năng cao danh tiếng khác.
Aston Martin DB4 dùng động cơ xăng 6 xi-lanh thẳng hàng 3.7L, cho công suất 240 mã lực, mô-men xoắn 325 Nm, hộp số sàn 4 cấp hoặc tự động 3 cấp.
Tại thời điểm ra mắt, phiên bản DB4 mui cứng có giá 3.976 bảng Anh còn bản mui trần có giá 4.194 bảng Anh.
Lịch sử của Aston Martin – thương hiệu xe hơn 100 năm và gắn liền với điệp viên 007 James Bond
Khởi thủy của hãng xe Aston Martin ngày nay là một công ty có tên gọi “Bamford & Martin”, lấy từ 2 nhà đồng sáng lập Robert Bamford và Lionel Martin. Lúc này, công ty hoạt động chủ yếu với việc bán xe cho những nhãn hàng khác tại thị trường Anh Quốc.
Chiếc xe đầu tiên do 2 kỹ sư Bamford và Martin cùng nhau tạo ra là sự kết hợp của khung gầm chiếc Isotta Fraschini 1908 với động cơ 4 xy-lanh Coventry-Simplex.
Họ gọi nó là “Aston Martin”, trong đó chữ “Aston” lấy từ chiến thắng của Lionel Martin trong cuộc đua leo đồi Aston tại Herfordshire, vùng phụ cận thành London.
Sau Thế chiến I, Bamford & Martin đặt nhà máy tại Kensington, London. Những đột phá về kỹ thuật và hàng loạt chiến thắng trong các giải đua là không đủ để công ty có lợi nhuận.
Năm 1925, sau khi đã sản xuất được 55 chiếc xe, công ty phá sản và Bamford rời đi, buộc Martin nhượng lại quyền sở hữu cho một nhóm các nhà đầu tư và kể từ lúc này chính thức đổi tên thành “Aston Martin Motors”.
Năm 1932, công ty tiếp tục phá sản và rơi vào tình trạng qua tay nhiều chủ sở hữu khác nhau. Mãi đến năm 1947, tức là sau khi Thế chiến II đã kết thúc, một nhà sản xuất máy kéo và thiết bị nông nghiệp tên David Brown đã mua lại Aston Martin Motors. Ông bắt đầu nghiên cứu các mẫu xe thể thao với tên gọi DB (viết tắt tên chính mình).
Năm 1950, chiếc DB2 ra mắt và lập tức thành công, trên đường đua cũng như trên thị trường. Loạt xe mới tiếp tục ra đời với chiếc DB2/4 năm 1953, DB2/4 Mark II năm 1955, DB2/4 Mark III năm 1957 và tuyệt tác kinh điển DB4 năm 1958. Đây chính là nền tảng tạo nên những chiếc xe Aston Martin hiện đại ngày nay.
Được khích lệ bởi các thành công trên, David Brown quyết định chế tạo thêm nhiều mẫu xe tham gia giải vô địch đua xe thể thao thế giới. Aston giành chiến thắng tại giải này năm 1959 với DBR1, đồng thời về nhất luôn tại giải đua Le Mans trong cùng năm. Thập kỷ 60 là quãng thời gian ra đời các xe DB5 và DB6 và sau đó là DB6 Volante mui mềm.
Trong thời gian này, việc được xuất hiện cùng điệp viên James Bond trong phần phim Goldfinger đã giúp Aston Martin nâng cao danh tiếng lên đáng kể. Trong phim, chiếc của chiếc DB5 mà 007 điều khiển trang bị súng máy, bảng số thay đổi bằng cách bấm nút, bọc thép, có màn chắn khói, phun dầu làm trơn đường và có thể phóng ghế lái ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp như trên máy bay tiêm kích.
Đột nhiên Aston Martin trở nên quen thuộc ở mọi ngóc ngách trên đất Mỹ và ai cũng muốn có một chiếc. Đó là thời điểm cực thịnh của Aston Martin.
Đến năm 1972, David Brown đã trả hết toàn bộ những khoản nợ cũ của công ty Aston Martin, nhưng đồng thời ông cũng quyết định sang nhượng lại cho một nhóm các nhà đầu tư khác liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, đứng đầu bởi William Willson.
Willson sở hữu Aston Martin đến năm 1975 thì tiếp tục bán lại cho những người khác. Dù đổi chủ liên tục nhưng hãng xe vẫn cho ra đời nhiều tuyệt phẩm như V8 Vantage hay Volante.
Sản lượng sụt giảm, tình hình kinh doanh khó khăn trong bối cảnh thế giới có nhiều cuộc xung đột về dầu mỏ và bắt đầu những quy định nghiêm khắc về khí thải khiến Aston Martin bị bán lại lần nữa vào năm 1981. Năm 1987, Ford Motor mua 75% quyền sở hữu Aston Martin và chính thức đặt dấu ấn lên đường hướng tương lai của công ty.
Với sự hậu thuận mạnh mẽ từ đại gia lớn thứ hai ngành công nghiệp ô tô thế giới lúc bấy giờ, Aston Martin đột nhiên tìm lại được sự ổn định. Năm 1991, Ford thâu tóm trọn vẹn hãng xe Anh Quốc. Năm 1993, Aston Martin cho ra lò DB7, chiếc xe nhanh chóng gặt hái thành công chưa từng có trong lịch sử công ty.
Năm 2001, Aston Martin tung ra chiếc Vanquish, một trong những thiết kế đẹp nhất từ trước tới nay. Mối lương duyên giữa Ford và Aston Martin kết thúc năm 2007. Thời điểm đó, chủ tịch của công ty Prodrive chuyên xe đua thể thao là David Richards quyết định mua lại thương hiệu Anh Quốc.
Năm 2013, ông Richards để lại Aston Martin cho Ulrich Bez và Andy Palmer nắm quyền điều hành. Cũng trong năm đó, hãng xe Anh Quốc ký kết hợp tác với Daimler AG để được sử dụng động cơ Mercedes-AMG hiệu năng cao cho các mẫu xe tương lai của mình
Hiện nay, sở hữu thương hiệu Aston Martin là công ty TNHH đại chúng Aston Martin Lagonda Global Holdings PLC, đã niêm yết trên sàn chứng khoán London từ năm 2018.
Dù đã từng 7 lần xin bảo hộ phá sản và được trao tay qua hơn nửa tá chủ sở hữu trong suốt 9 thập kỷ qua, Aston Martin vẫn luôn nhận được sự kính trọng trong ngành công nghiệp xe hơi thế giới.
Theo Zingnews, Aston Martin