Sau khi lăn bánh liên tục 60.000 km mà không được thay dầu nhớt một lần nào, chiếc xe ôtô Seat Leon thuộc bản máy xăng 1.8 TSI này đã bị tổn thất nặng.
Thay dầu định kỳ cho ôtô là một trong những việc mà chủ xe nào cũng phải nhớ. Việc làm này sẽ giúp kéo dài tuổi thọ động cơ, đảm bảo khả năng vận hành cho xe và tránh những hư hỏng gây mất nhiều tiền của.
Tuy nhiên, không phải tài xế nào cũng chăm chỉ thay dầu cho chiếc ôtô của mình. Chủ sở hữu của chiếc ôtô trong đoạn video trong bài viết này là một ví dụ điển hình.
Chiếc ôtô này mang thương hiệu Seat Leon thuộc bản máy xăng 1.8 TSI. Trong một thời gian dài sử dụng, chủ sở hữu của chiếc xe hatchback cỡ C này không hề thay dầu nhớt cho xe. Chỉ đến khi thấy đèn “cá vàng” (check engine) nổi trên bảng đồng hồ, chủ xe mới mang chiếc Seat Leon đến gara để kiểm tra.
Tại đây, chủ xe đã thừa nhận với thợ của gara là không thay dầu cho xe trong suốt 60000 km. Hậu quả là dầu bôi trơn động cơ của chiếc xe đã chuyển thành màu đen và ở trong tình trạng đặc sệt.
Tất nhiên, do chủ xe lâu không thay dầu nên khối động cơ xăng 4 xi-lanh, tăng áp, dung tích 1.8L của chiếc Seat Leon do tập đoàn Volkswagen sản xuất đã bị hỏng. Sở dĩ đèn “cá vàng” nổi trên mặt táp-lô vì bộ biến tốc của trục cam đã bị hỏng.
Hiện chưa rõ chi phí sửa chữa chiếc Seat Leon này. Tuy nhiên, có thể dự đoán là chi phí sửa chữa sẽ không nhỏ vì có liên quan đến động cơ – bộ phận quan trọng hàng đầu của xe xăng, dầu.
@cundo110 60k km on oil 🤮🤮 #fy #worklife #work #mechanic #cars #fypシ #foryoupage ♬ som original – racasdecaes89
Vì sao cần thay dầu nhớt cho ôtô?
Dầu nhớt đóng một vai trò quan trọng đối với động cơ nói riêng và ôtô nói chung. Tác dụng chính của dầu nhớt là giảm ma sát, hạn chế mài mòn, chống gỉ và làm mát piston trong động cơ. Khoảng 75-95% dầu nhớt được làm từ dầu gốc ra đời trực tiếp từ các nhà máy lọc dầu.
Phần còn lại của dầu nhớt là các chất phụ gia như chất chống ăn mòn, chất ức chế ăn mòn, chất chống oxy hóa, chất tẩy, chất phân tán, chất chống nổi bọt hay chất điều chỉnh độ nhớt.
Dầu nhớt được chứa trong các-te dầu và được bơm đến động cơ để bôi trơn các chi tiết như trục cam, trục khuỷu, piston, thanh truyền hay xu-páp. Nếu không có dầu nhớt, các chi tiết bên trong động cơ sẽ bị mài mòn vì ma sát trong quá trình hoạt động.
Chưa hết, quá trình đốt cháy hỗn hợp không khí – nhiên liệu trong buồng đốt của động cơ sẽ tạo ra muội than và cặn bẩn. Những chất phụ gia trong dầu nhớt kể trên lúc này sẽ phát huy tác dụng và làm sạch bề mặt của các bộ phận trong động cơ.
Muội than và cặn bẩn sẽ bị phân tán thành những phần tử nhỏ rồi lưu giữ trong dầu bôi trơn. Sau khi được dùng, dầu nhớt sẽ rơi trở lại các-te để tái sử dụng cho đến khi giảm chất lượng và cần phải thay.
Khi nào nên thay dầu cho ôtô
Các nhà sản xuất thường khuyến nghị người dùng ôtô nên thay dầu dựa trên số quãng đường di chuyển hoặc mốc thời gian. Thông thường, sau khi chạy khoảng 3.000 – 5.000 km hoặc 3 tháng, người dùng ôtô nên thay dầu nhớt động cơ.
Tất nhiên, việc thay nhớt động cơ sau bao nhiêu km còn tùy thuộc vào từng loại xe hay loại dầu theo yêu cầu của nhà sản xuất. Một số hãng xe hiện đã kéo dài được khoảng cách thay nhớt lên đến 12.000 – 16.000 km hoặc 6 – 12 tháng.
Ngoài ra, theo khuyến cáo của các chuyên gia tư vấn ôtô, với loại dầu đa cấp loại 5W và 10W thì nên thay thế sau 3 tháng sử dụng, dù xe chạy ít hay nhiều. Trong khi đó, loại dầu 0W thì cần thay thế sau 6-12 tháng.
Bên cạnh đó, tuổi đời của xe, môi trường hoạt động (khí hậu hay đường xá) và thói quen lái của người dùng cũng ảnh hưởng đến thời điểm thay dầu cho động cơ. Người dùng không nhất thiết là phải chạy đủ số km như trên thì mới thay dầu nhớt.
Nếu thường xuyên vận hành trong những điều kiện như tắc đường, ngập nước hay dừng, đỗ nhiều, người dùng ôtô nên thay dầu sớm hơn.
Xe để lâu không chạy có cần thay dầu không?
Nhiều người cho rằng xe để lâu mà không dùng đến thì cũng chẳng cần thay dầu. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm vì dầu lưu giữ trong động cơ sẽ bị giảm chất lượng dần theo thời gian.
Do đó, các hãng ôtô thường quy định thời hạn sử dụng dầu nhớt là 1 năm. Sau 1 năm sử dụng, dù xe chưa đạt số km quy định nhưng người dùng vẫn nên thay dầu cho xe.
Ô tô đi 60.000 km cần bảo dưỡng và thay thế 4 bộ phận sau
Với nhiều chủ xe khi chưa vượt qua mốc 100.000 km (thời gian kết thúc của một chu kỳ cam kết bảo hành thường thấy của hãng xe), thường có tâm lý chủ quan, thậm chí lơ là bỏ qua việc thăm khám định kỳ nên dễ bỏ qua phát hiện một số lỗi nhỏ, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng không đáng có.
Dưới đây là 4 bộ phận cần lưu ý bảo dưỡng và thay thế khi ô tô đã đi được 60.000 km.
Hệ thống phanh
Hệ thống phanh thực sự rất quan trọng, nó liên quan đến an toàn tính mạng và tài sản của chủ xe.
Khi xe đã hoạt động được khoảng 60.000 km, về cơ bản má phanh đã hết tuổi thọ, hao mòn nghiêm trọng, nếu không được thay mới thì hiệu quả phanh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giảm sự an toàn khi lái xe.
Với những tài xế có thói quen chạy tốc độ cao, sử dụng phanh thường xuyên, hoặc hay di chuyển ở đường đèo núi cần kiểm tra độ mòn má phanh. Theo các chuyên gia, khi độ dày của má phanh khi chỉ còn từ 2-3mm thì nên được thay thế.
Lốp xe
Lốp xe là bộ phận quan trọng nhất trên xe bởi nó không chỉ liên quan đến độ an toàn, đi đến nơi về đến chốn mà còn ảnh hưởng tới cả mức tiêu hao nhiên liệu. Bằng mắt thường, chúng ta có thể tự “khám” được cho bộ lốp, nhưng nhiều người dễ bỏ qua và cho rằng còn chạy được nghĩa là chưa có vấn đề gì.
Thực tế theo thời gian độ mòn của lốp sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn, đến mức độ nào đó dễ bị thủng, trượt, nứt và phồng, đe dọa đến sự an toàn khi lái xe.
Vì vậy, nếu quãng đường đi được khoảng 60.000 km thì phải kiểm tra và thay lốp kịp thời, nếu thường xuyên đi trong môi trường xấu thì độ mòn của lốp càng nghiêm trọng nên số km bảo dưỡng và thay thế càng phải rút ngắn.
Dây cu-roa
Dây cu-roa hay còn gọi là dây đai là loại dây khá phổ biến với người lái xe vì là bộ phận có thể nhìn thấy hoạt động bằng mắt thường khi mở nắp ca-pô. Trong khoang máy có rất nhiều bộ phận cần được dẫn động liên tục như: trục cam, hệ thống bơm trợ lực tay lái, lốc điều hòa, máy phát điện, hay bơm nước làm mát,…
Và để các bộ phận này dẫn động được thì cần đến sự trợ giúp đắc lực của dây cu-roa. Với công nghệ cũ, mỗi bộ phận sẽ được dẫn động bằng một dây cu-roa riêng lẻ, tuy nhiên nhiều loại xe đời mới hiện nay thì chỉ cần một dây curoa có thể dẫn động tất cả bộ phận đó.
Tuổi thọ của dây cu-roa trung bình khoảng 5 năm, nhưng cũng có thể thấp hơn tùy vào điều kiện sử dụng. Vì vậy cũng nên kiểm tra thường xuyên trong các mốc bảo dưỡng, và đặc biệt lưu tâm ở mốc 60.000 km.
Nếu dây cu-roa có dấu hiệu hư hỏng không được thay thế kịp thời, các hiện tượng sau có thể xảy ra: một là tiếng ồn phát ra bên trong động cơ, hai là va chạm giữa trục cam và trục khuỷu. Cuối cùng sẽ khiến động cơ phải đại tu hoặc thậm chí là hỏng.
Bugi
Bugi có nhiệm vụ đánh lửa, nếu bộ phận này hoạt động không ổn định sẽ sẽ làm tăng mức tiêu hao nhiên liệu, xăng/dầu đốt cháy không triệt để dễ gây đóng cặn carbon, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất của động cơ, gây hư hỏng.
Tuổi thọ của bugi phụ thuộc theo các vật liệu khác nhau, nhưng vào khoảng 40.000 km, và chất lượng của bugi tốt có thể đạt 60.000 km. Vì vậy, khi quãng đường đi được 60.000 km, nên kiểm tra hoặc thay bugi mới.
Theo Tri thức cuộc sống, Vietnamnet
Xem thêm bài liên quan
- Thái Lan: Xe điện BYD giảm giá sâu “chưa từng có”, “chiêu” bán hàng gây mất niềm tin
- Dân tình “tá hỏa” khi Toyota Fortuner tiền tỷ lại dùng tấm che nắng bằng bìa carton bên ghế phụ: Chuyên gia giải thích lý do
- Việc xe ô tô điện VinFast VF8 liên tục bị ngắt điều hòa khi đi trời nóng: Chuyên gia nói lý do, hãng xử lý thế nào?