Đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình có thu phí, vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ xe Honda City bị hư hỏng khi va phải “cục đá”?.
Một ô tô đang đi trên đường cao tốc với vận tốc cho phép thì bất ngờ đâm vào vật cản trên đường là một khối đá thạch anh. Chiếc xe bị hư hỏng nhiều và phải sửa hết gần 70 triệu.
Công ty vận chuyển phải có trách nhiệm
Đó là quan điểm của luật sư Phan Minh Hoàng (Đoàn luật sư TP.HCM). Ông Hoàng phân tích: Theo quy định tại khoản 1, điều 20 và điểm a, điểm b khoản 1 điều 72 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, và thông tư 35/2013/TT-BGTVT quy định về xếp hàng hóa trên ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ, hàng hóa trên xe phải được xếp gọn gàng, chằng buộc chắc chắn. Khi vận chuyển hàng rời phải che đậy, không để rơi vãi dọc đường và không gây cản trở việc lái xe.
“Trong vụ việc này, xe vận chuyển hàng hóa của Công ty Gia Hân Logistics trực tiếp vận chuyển tảng đá là hàng hóa bị rơi vãi và nằm chắn trên làn đường cao tốc. Việc này vi phạm quy định pháp luật về an toàn giao thông liên quan đến sắp xếp và vận chuyển hàng hóa, và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến gây tai nạn cho xe ô tô của ông Chung.
Ngoài ra, theo ghi nhận tại camera hành trình từ xe ô tô của ông Chung tại thời điểm xảy ra tai nạn, xe này đi đúng quy định pháp luật, như giữ khoảng cách an toàn, chạy đúng làn đường, tốc độ quy định trên đường cao tốc”, ông Hoàng cho hay.
Do số tiền thiệt hại của ông Chung chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, nên căn cứ vào tình tiết vụ án, người đứng đầu đơn vị kinh doanh vận tải có lái xe và phương tiện gây tai nạn giao thông nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu có kết luận giải quyết của cơ quan chức năng về việc xe vận chuyển hàng hóa đã có hành vi vi phạm quy định pháp luật về an toàn giao thông đường bộ .
Khoản 1 điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định: người nào có hành vi xâm phạm tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Theo đó, đơn vị trực tiếp sở hữu và quản lý phương tiện giao thông vận chuyển tảng đá bị rơi vãi là Công ty Gia Hân Logistics phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại phát sinh liên quan đến tai nạn này cho chủ xe ô tô bị thiệt hại là ông Chung, theo quy định tại khoản 1 điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.
Ngoài ra, việc chằng buộc hàng hóa không cẩn thận để rơi vãi xuống đường gây ra tai nạn giao thông cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 12 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 8 điều 24 nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Trong trường hợp bên Công ty Gia Hân Logistics không chịu thỏa thuận bồi thường thiệt hại, chủ xe Honda City là ông Lương Quang Chung có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền (tòa án nơi địa chỉ của bị đơn) để đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Đơn vị quản lý đường cao tốc cần phải liên đới chịu trách nhiệm
Tuy nhiên, luật sư Phan Thị Tĩnh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) lại có quan điểm hơi khác. Bà Tĩnh cho rằng trách nhiệm bồi thường trong vụ việc tai nạn giao thông làm xe Honda City bị tai nạn sửa chữa hết gần 70 triệu đồng không dễ xác định.
Nếu nguyên nhân của vụ tai nạn do không làm chủ tốc độ khi lái xe của chủ xe thì chủ xe phải tự chịu trách nhiệm.
“Chủ xe có nói mình đi đúng tốc độ cho phép và clip cũng cho thấy chủ xe không có lỗi. Như vậy, theo tôi, đơn vị quản lý, khai thác, bảo trì công trình đường cao tốc cần phải chịu trách nhiệm”, bà đánh giá.
Theo bà Tĩnh, đơn vị quản lý khai thác có trách nhiệm tuần đường cao tốc theo quy định, nếu trong quá trình quản lý vận hành có hoạt động tuần đường (có kế hoạch) mà không phát hiện vật cản, hoặc có phát hiện mà không xử lý thì sẽ bị quy trách nhiệm bồi thường.
“Cao tốc là tuyến đường có thu phí và bên vận hành có nghĩa vụ đảm bảo chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý đường cao tốc và các cơ quan có thẩm quyền trong việc tổ chức quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc do mình quản lý; đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt, đúng quy định của pháp luật và hợp đồng”, bà Tĩnh nói.
Sau khi bồi thường cho khách hàng đi xe ô tô trên cao tốc, doanh nghiệp quản lý vận hành có quyền yêu cầu người đã làm rơi kiện hàng ra giữa đường bồi thường lại.
Đơn vị vận chuyển khối đá thạch anh là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ việc, và là người phải trả tiền bồi thường cho doanh nghiệp quản lý vận hành.
“Thực ra khi phát sinh vụ việc, tôi nghĩ cần có thêm quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành đường cao tốc. Họ thu phí rất cao, nếu có tai nạn trên đường cao tốc (loại trừ lỗi của người lái xe), lỗi phát sinh do vật cản trên đường gây ra, đơn vị quản lý có trách nhiệm bồi thường”, bà Tĩnh nói.
Khoảng 19h30 ngày 16-4, ông Lương Quang Chung (ngụ quận Tây Hồ, Hà Nội) cùng vợ đi trên cao tốc Hà Nội – Ninh Bình đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Nam bằng ô tô Honda City thì bất ngờ đâm trúng một vật cản có kích thước to ngay trước mũi xe.
Sau tai nạn, ông Chung kiểm tra phát hiện vật cản mình đâm phải là một tảng đá thạch anh nguyên khối màu hồng có kích thước 30cm x 40cm, ước tính nặng khoảng 100kg. Cách đó vài chục mét là một xe tải chở hàng đang đỗ ở làn khẩn cấp và rời đi luôn sau 2 phút.
Cú đâm mạnh khiến ô tô của ông Chung hư hỏng nặng cụm đầu xe bên phải, túi khí đã nổ, phần đầu xe bị vỡ, bánh thụt hẳn về phía sau, vỡ la zăng, gãy càng, hư hệ thống treo…
Xe được đưa tới Honda Ninh Bình thì được đại lý báo giá chi phí sửa chữa, thay thế linh kiện lên tới hơn 67 triệu đồng.
Đây là bưu kiện được gửi từ Hà Nội đi Lâm Đồng, người bán thuê đơn vị vận chuyển Dixere của Công ty Adam Việt (có địa chỉ ở Hà Nội) làm dịch vụ, sau đó công ty này thuê tiếp Công ty Gia Hân Logistics (có địa chỉ ở Hà Nội) để vận chuyển hàng hóa.
Tuy nhiên, khi liên lạc yêu cầu Công ty Gia Hân bồi thường thì công ty hứa sẽ xử lý và đến nay, đã 1 tuần trôi qua, ông Chung không nhận được phản hồi từ công ty.
Theo Tuổi trẻ