Ngay cả một thương hiệu lớn như Ford cũng không thoát khỏi cảnh thua lỗ trong giai đoạn đầu sản xuất và kinh doanh xe ô tô điện.
Theo Carscoops, đơn vị xe điện Model E của Ford đang phải chịu khoản lỗ khá lớn trong khi các đơn vị chuyên trách ôtô động cơ đốt trong và xe thương mại lại sở hữu kết quả kinh doanh khả quan, qua đó giúp Ford vẫn có lãi trong giai đoạn đầu của quá trình điện hóa.
Theo nội dung báo cáo của Ford, tập đoàn này đang chịu khoản lỗ trung bình 58.333 USD trên mỗi xe điện bán ra trong 3 tháng đầu năm nay. Cụ thể, tổng số xe điện mà Ford bàn giao đến tay khách hàng trong quý I là 12.000 xe trong khi tổng khoản lỗ ròng ở mức 700 triệu USD.
Lý giải khoản thâm hụt này, Ford cho biết một phần nguyên nhấn đến từ sản lượng sụt giảm tại nhà máy Cuautitlan ở Mexico, nơi hãng xe nước Mỹ sản xuất các mẫu Mustang Mach-E. Được biết, đây là sự gián đoạn theo lịch trình đã định để nâng cấp nhà máy và đưa công suất lên mức 210.000 xe mỗi năm vào cuối năm nay.
Ngoài ra, đơn vị Ford Model E cũng đang phải chấp nhận chịu lỗ do mở rộng quy mô sản xuất, bao gồm khoản tiền 3,5 tỷ USD chi cho nhà máy sản xuất pin LFP đặt tại Marshall (Michigan) và BlueOval City ở tiểu bang Tennessee.
Hai địa điểm này sẽ là nơi xuất xưởng bán tải điện thế hệ kế cận của Ford vào năm 2025, với công suất thường niên có thể đạt đến 500.000 xe.
Trong quý đầu năm, đơn vị Ford Blue chuyên về ôtô động cơ đốt trong lại báo cáo khoản thu ròng trước lãi vay và thuế đạt 2,6 tỷ USD.
Bán tải F-150 vẫn là mẫu xe mang về nguồn thu nhập chính cho Ford Blue, còn Ford tiếp tục duy trì vị thế như là nhà sản xuất xe bán tải hàng đầu nước Mỹ. Số liệu báo cáo cho thấy cứ mỗi 30 giây trôi qua, Ford lại xuất xưởng một xe bán tải cho thị trường ôtô xứ cờ hoa.
Nhờ vậy, bất chấp kết quả kinh doanh bết bát của Ford Model E, hai đơn vị Ford Blue và Ford Pro (đơn vị xe thương mại) vẫn mang về cho tập đoàn ôtô nước Mỹ tỷ suất lợi nhuận ròng trong quý I lên đến 4,2%, cao nhất trong hơn một năm qua.
Tựu trung lại, Carscoops kết luận rằng mảng ôtô truyền thống của Ford vẫn đang giúp bộ phận xe điện Model E duy trì hoạt động dù chịu khoản lỗ đáng kể.
Dù hoạt động kinh doanh xe điện sẽ mất nhiều năm để phát triển, việc nhiều mẫu xe mới được ra mắt, cơ sở vật chất dành cho sản xuất được cải thiện cùng công suất tăng lên có thể sẽ giúp Ford Model E sinh lời trong tương lai không xa.
Chủ tịch VinFast nói gì về khoản lỗ 4,7 tỷ USD trên bản cáo bạch IPO?
Theo bà Lê Thị Thu Thủy, con số 4,7 tỷ USD không phản ánh đúng số lỗ thực tế của VinFast. Sự khác biệt về nguyên tắc hạch toán giữa Mỹ và Việt Nam dẫn đến các kết quả khác nhau.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch VinFast kiêm Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup vừa có những chia sẻ về triển vọng IPO của VinFast.
– Bà có thể cho biết vì sao VinFast lại nhất quyết IPO giữa thời điểm thị trường thế giới đang ảm đạm?
Thị trường thế giới được dự báo sẽ hồi phục trong năm 2023. Do đó, IPO thời điểm này là thích hợp để đón đầu làn sóng hồi phục và bứt phá. Về phía VinFast, việc IPO càng sớm càng nhanh tạo động lực để phát triển lên quy mô toàn cầu như mục tiêu đã định
– Là một tân binh, thương hiệu còn chưa mấy quen thuộc với người tiêu dùng quốc tế, VinFast dựa vào đâu để tự tin vào triển vọng IPO sắp tới, thưa bà?
VinFast là một công ty có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Dù chỉ mới gia nhập thị trường 5 năm, chúng tôi đã xây dựng thành công một hãng xe hiện đại, hoàn toàn làm chủ quy trình phát triển sản phẩm, chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất, cho ra thị trường các dòng xe đứng đầu phân khúc tham gia. Đối tác của VinFast đều là những tên tuổi hàng đầu của công nghiệp ô tô thế giới như như ZF, Durr, Bosch, ABB, Pininfarina….
Mới đây nhất, VinFast đã xuất cảng lô xe điện đầu tiên sang Mỹ, sau chưa đầy một năm công bố chiến lược thuần điện khẳng định năng lực triển khai mạnh mẽ của doanh nghiệp.
– Vậy bà kỳ vọng thế nào về triển vọng IPO sắp tới?
Mục tiêu của VinFast là niêm yết thành công tại Mỹ để hướng tới các cơ hội lớn hơn, tạo đà đưa VinFast phát triển ở tầm vóc toàn cầu.
– Quay trở lại câu chuyện IPO, trong cáo bạch VinFast nộp lên SEC có khoản lỗ lũy kế lên tới gần 4,7 tỷ USD tính đến ngày 30 tháng 9 năm 2022. Thực hư thông tin này ra sao, thưa bà?
Không phải toàn bộ con số 4,7 tỷ USD là phản ánh đúng số lỗ thực tế của VinFast. Sự khác biệt về nguyên tắc hạch toán giữa Mỹ và Việt Nam dẫn đến các kết quả khác nhau. Đơn cử, khoản bị cho là lỗ – 1,879 tỷ USD – thực chất là chi phí nghiên cứu, phát triển (R&D) cho các mẫu xe VinFast.
Theo chuẩn kế toán Việt Nam, hầu hết các chi phí này được tính là khoản đầu tư dài hạn của doanh nghiệp và sẽ được khấu hao dần trong suốt vòng đời sản phẩm. Tuy nhiên, khi áp dụng chuẩn mực kế toán Mỹ (US GAAP), các khoản này lại được hạch toán là chi phí ngay khi phát sinh dẫn đến lỗ luỹ kế bị đội lên.
Ngoài ra, trong tổng lỗ còn lại có khoảng 690 triệu USD là chi phí khấu hao. Đối với doanh nghiệp thì đây không được coi là lỗ, mà là một phần của khoản đầu tư ban đầu.
– Vậy bà giải thích sao về khoản nợ lên tới 8,8 tỷ USD, trong đó nợ ngắn hạn là 5,3 tỷ USD và dài hạn là 3,5 tỷ USD của VinFast trong bản cáo bạch?
Về mặt bản chất, không phải toàn bộ 8,8 tỷ USD này là nợ, cụ thể thì có một số khoản phải trả không mang tính chất nợ. Ví dụ như có 2,092 tỷ USD là khoản phải trả phát sinh do giao dịch tái cấu trúc sở hữu nội bộ để VinFast Singapore có thể niêm yết tại Mỹ.
Sau khi IPO thành công, khoản phải trả này sẽ được tất toán giữa các công ty trong nhóm và VinFast sẽ không còn phải chịu nghĩa vụ này nữa. Nói cách khác, 2,092 tỷ USD này không phải nợ mà chỉ là một cơ cấu nội bộ cho mục đích tái cấu trúc phục vụ IPO.
Một ví dụ nữa, trong tổng “nợ” này còn có 603 triệu USD là nghĩa vụ phải trả cho giao dịch chuyển nhượng phần nhà xưởng (không bao gồm máy móc thiết bị) cho Công ty Đầu tư BĐS Công nghiệp Vinhomes (“VHIZ”).
Việc chuyển nhượng này nhằm tái cấu trúc hoạt động kinh doanh để phù hợp với quy hoạch chung về cấu trúc ngành nghề giữa các công ty thành viên trong Tập đoàn Vingroup. Theo đó, VHIZ là công ty duy nhất hoạt động trong lĩnh vực phát triển và khai thác BĐS công nghiệp.
Với khoản này, thực tế VinFast đã nhận được tiền thanh toán chuyển nhượng nhà xưởng từ VHIZ và đang thực hiện trả tiền thuê định kì cho VHIZ theo hợp đồng thuê dài hạn. Theo đó, khoản tiền nhận từ VHIZ từ giao dịch chuyển nhượng nhà xưởng được hạch toán là khoản phải trả trong tương lai theo hình thức thuê dài hạn nhiều năm.
Như vậy, nếu loại bỏ 2 khoản phải trả không có yếu tố nợ nêu trên, tổng phải trả của VinFast còn lại là 6,1 tỷ USD; trong đó nợ vay các tổ chức tín dụng là 3,077 tỷ USD, vay nội bộ là 1,313 tỷ USD, còn lại là các khoản phải trả phát sinh trong quá trình hoạt động và được cân đối với các khoản phải thu khác.
– Như bà vừa phân tích thì VinFast hoàn toàn đủ cơ sở để tự tin bước ra sân chơi toàn cầu?
Đúng vậy, chúng tôi hoàn toàn tự tin đủ sức khỏe tài chính để tiến ra thế giới. Đây sẽ là cơ hội lớn để VinFast nâng quy mô và đẳng cấp lên thành hãng xe điện toàn cầu, góp phần thúc đẩy tương lai của di chuyển.
– Xin cảm ơn bà!
Theo Zingnews, Nhịp sống thị trường