Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Cục đã tiếp thu các ý kiến và điều chỉnh nâng cấp phần mềm thi mô phỏng sát hạch Giấy phép lái xe.
Sắp ra mắt phiên bản thi mô phỏng mới
Thời gian vừa qua, đã có nhiều ý kiến của học viên, chuyên gia đề xuất nên bỏ phần mềm mô phỏng sát hạch Giấy phép lái xe (GPLX) đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều khác nhau.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, bất kỳ ứng dụng công nghệ thông tin nào mới đưa vào sử dụng sẽ phải có quá trình điều chỉnh, sửa đổi mới hoàn thiện.
“Đơn cử như phần mềm giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe cũng phải qua nhiều lần bổ sung, chỉnh sửa”, bà Hiền nêu rõ.
Thông tin về vấn đề này, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết: “Cục đã tiếp thu các ý kiến và điều chỉnh nâng cấp phần mềm thi mô phỏng”.
Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ cho ra mắt phiên bản mới và chính thức được đưa vào sử dụng từ ngày 1/2/2024 tới đây. Các nội dung đã điều chỉnh trong phần mềm mô phỏng là 52 tình huống cho phù hợp.
Cụ thể, điều chỉnh, đồ họa lại 22 tình huống có ảnh mờ, độ phân giải thấp để giúp người học dễ quan sát, nhận diện tình huống dễ hơn, nhất là học viên học qua điện thoại.
Với phần mềm ôn tập, bổ sung ba tính năng gồm hiển thị tên của từng tình huống để người học nhận biết; bổ sung các nút cho phép chuyển sang các tình huống trước/sau, hiển thị thanh và cờ chấm điểm cho từng tình huống; phần thi thử được thiết kế giao diện như khi sát hạch để học viên làm quen.
Phần mềm sát hạch cũng được điều chỉnh theo hướng tăng thời gian đếm ngược giữa các tình huống từ 3 giây lên 10 giây; không cho nhấn đúp vào phần video, dẫn đến mất lệnh; kéo dài mốc thời gian chấm điểm từ khi xuất hiện tình huống nguy hiểm đến khi kết thúc (từ mốc 5 điểm đến mốc 0 điểm) để giúp người học có thêm thời gian nhận biết và thao tác.
“Để nâng cao chất lượng đào tạo lái xe thì việc trang bị kiến thức, nhận biết các tình huống mất ATGT là cần thiết”, ông Thống nhấn mạnh.
Theo ông Thống, đây là nội dung bắt buộc phải thực hiện vì đã được quy định tại Nghị định 138/2018 và Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT. Hơn nữa, trong quá trình xin ý kiến sửa đổi Nghị định 65 về đào tạo lái xe, Cục Đường bộ Việt Nam không nhận được ý kiến đề xuất bỏ phần mềm mô phỏng.
Nói về phần mềm thi mô phỏng, ông Thống lý giải, khi xây dựng Cục Đường bộ Việt Nam đã tham khảo các nước đã thực hiện là Anh, Nhật, Australia và các tình huống tai nạn giao thông đã xảy ra ở Việt Nam.
Chóng mặt hay buồn nôn khi học trên cabin là rất tốt
Giải thích về những ý kiến trái chiều, ông Thống khẳng định: “Nhiều người đang nhầm lẫn rằng phần mềm mô phỏng là phục vụ kiểm tra phản xạ và xử lý tình huống của học viên”.
“Cách hiểu này không đúng với mục đích của phần mềm mô phỏng. Việc sử dụng chỉ là giúp học viên nhận biết các tình huống nguy hiểm đang phát triển có thể dẫn đến tai nạn giao thông”, ông Thống nêu rõ.
Cũng theo ông Thống, việc phản ứng với thiết bị này đến từ các thầy giáo dạy lái xe đã lâu năm vì họ khó khăn trong tiếp cận dạy nội dung này. Lý do mà các thầy giáo phản ứng vì cho rằng việc dạy trên cabin đang bị ngược.
Thực tế là xe chuyển động và gặp tình huống, trong khi đó cabin đứng yên tại chỗ và tình huống đến. Hiện nay, một số cơ sở đào tạo không nhờ các thầy dạy trên cabin mô phỏng mà thay vào đó là người hiểu về công nghệ để dạy.
“Nhiều ý kiến cũng phản ánh bị chóng mặt, buồn nôn khi học trên cabin điện tử. Đi xe ô tô bị say vẫn gặp ở nhiều người. Chóng mặt hay buồn nôn khi học trên cabin cũng là điều tốt vì đó là cảm giác thật”, ông Thống lý giải.
Ông Thống chia sẻ, cabin điện tử bổ trợ rất tốt cho phần mềm mô phỏng, trong đó có đầy đủ các tình huống mà người lái xe phải mất 10 – 20 năm đi trên đường mới gặp hết được. Những học viên mới học họ rất thích và hứng thú, nhiều người học xong 3 giờ vẫn muốn học tiếp.
Theo: danviet
Bằng việc ‘rót’ 1,2 tỷ USD để xây nhà máy xe điện tại Indonesia, hãng xe điện Việt Nam VinFast đã thể hiện quyết tâm lớn tại thị trường này với dòng xe tay lái nghịch.
Theo tờ báo Detikoto (Indonesia), một nhà máy xe điện ở Bekasi, Tây Java, Indonesia do VinFast – nhà sản xuất ô tô đến từ Việt Nam đầu tư xây dựng sẽ được khởi công trong quý I/2024.
Theo đó, nhà máy này khi hoạt động với công suất tối đa có thể sẽ trở thành trung tâm sản xuất chính cho các mẫu xe VinFast tay lái nghịch (tay lái đặt bên phải).
Dòng xe VF5 sẽ là mẫu xe đầu tiên “tham chiến” tại thị trường này. Ảnh: VinFast.
Ông Surachman Nugroho – Giám đốc kinh doanh của VinFast tại Indonesia khẳng định, những chiếc xe tay lái nghịch được sản xuất tại nhà máy sau này sẽ được xuất khẩu sang một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia và Úc.
Được biết, nhà máy tại Indonesia có diện tích 200 ha, không chỉ để lắp ráp ô tô mà còn là nơi lắp ráp pin và động cơ điện. Nhà máy có mức đầu tư là 1,2 tỷ USD (khoảng 18.600 tỷ đồng).
Ông Surachman Nugroho cho biết thêm, bước đầu, VinFast Indonesia sẽ nhập khẩu toàn bộ sản phẩm từ Việt Nam dưới dạng xe nguyên chiếc.
Theo một thông báo gần đây, VinFast dự kiến sẽ giới thiệu 3 mẫu xe tay lái nghịch vào thị trường Indonesia trong năm tới, bao gồm VinFast VF e34, VF5, VF6 và VinFast VF7. Trong đó, VF5 sẽ chính thức ra mắt tại Triển lãm ô tô quốc tế Indonesia hay IIMS 2024.
Theo ông Surachman Nugroho, việc VinFast gia nhập Indonesia sẽ mang đến một màu sắc mới và cũng sẽ làm sôi động thị trường điện khí hóa ở quốc gia này.
VinFast VF5 trước đó đã được ra mắt tại Việt Nam và một số nước ở châu Âu. Ông Surachman Nugroho tuyên bố rằng, VinFast VF5 sẽ có giá rất rẻ.
Trên thực tế, mức giá này đang ngang bằng so với mẫu xe điện có giá phải chăng nhất ở Indonesia là Wuling Air ev. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này vẫn chưa đưa ra dự đoán liệu giá bán tại Indonesia sẽ thấp hay cao hơn giá bán tại Việt Nam.
VinFast VF5 có kích thước dài 3.967 mm, rộng 1.723 mm và cao 1.578 mm. Xe được trang bị bộ pin với công suất đạt 37,23 Kwh, có thể đi được quãng đường 324 km khi sạc đầy.
Theo: oto.detik
Reuters: Hãng xe điện Việt Nam VinFast đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất xe điện và pin trị giá 500 triệu USD tại Ấn Độ
Điều này đánh dấu bước ngoặt quan trọng của hãng xe điện VinFast trong chiến lược thâm nhập vào thị trường ô tô lớn thứ 3 thế giới.
Mới đây, VinFastvà bang Tamil Nadu (Ấn Độ) chính thức công bố hợp tác trong Bản Ghi nhớ đầu tư (MoU) nhằm phát triển giao thông xanh tại Ấn Độ.
Theo đó, VinFast và chính quyền bang này sẽ tích cực làm việc hướng tới mục tiêu đầu tư lên đến 2 tỷ USD. Trong đó, mức đầu tư 500 triệu USD cho giai đoạn 1 sẽ được triển khai trong thời gian 5 năm. Sự kiện ghi dấu bước ngoặt quan trọng của VinFast trong chiến lược thâm nhập vào thị trường ô tô lớn thứ 3 thế giới.
Kế hoạch mở rộng sang Ấn Độ được thực hiện nhằm nắm bắt cơ hội phát triển tại thị trường đông dân nhất và có ngành xe điện tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Đây là một phần trong kế hoạch thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ của VinFast tại các thị trường trọng điểm, cũng như hoàn thiện chuỗi cung ứng xe điện cho chiến lược phát triển toàn cầu.
Dự án xây dựng cơ sở sản xuất xe điện và pin của VinFast tại Tamil Nadu dự kiến sẽ tạo ra khoảng 3.000 – 3.500 cơ hội việc làm tại thị trường địa phương.
Thủ đô Chennai của Tamil Nadu, được mệnh danh là “Detroit của châu Á”, cùng các khu vực lân cận là nơi tập trung của nhiều hãng xe điện, bao gồm nhà sản xuất xe hai bánh Ấn Độ Ola Electric và BYD của Trung Quốc.
Reuters đưa tin, VinFast sẽ mở cơ sở sản xuất đầu tiên của Ấn Độ tại Thoothukudi ở Tamil Nadu, nơi hãng sẽ sản xuất pin xe điện. Dự án đặt mục tiêu phát triển thành trung tâm sản xuất xe điện hiện đại, tầm cỡ trong khu vực với quy mô sản xuất lên đến 150.000 xe điện/năm.
Dự kiến được khởi công ngay trong năm 2024, dự án này tạo tiền đề vững chắc cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế tại Tamil Nadu nói riêng và toàn bộ Ấn Độ nói chung.
Được biết, các mẫu xe điện chỉ chiếm khoảng 2% doanh số bán ô tô của Ấn Độ vào năm ngoái, nhưng quốc gia này đang đặt mục tiêu đạt 30% vào năm 2030 và đang thực hiện kế hoạch thu hút các nhà sản xuất xe điện.
Ông Thallikotai Raju Balu Rajaa, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Chính phủ Tamil Nadu, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng vì VinFast đã lựa chọn đầu tư vào Tamil Nadu để thiết lập cơ sở sản xuất xe điện và pin của hãng.
Sở hữu tiềm lực vững chắc và cam kết mạnh mẽ với tương lai xanh, tôi tin rằng VinFast sẽ là một đối tác kinh tế đang tin cậy, đóng góp vào tương lai phát triển bền vững của Tamil Nadu.”
Dự án nhằm phát triển giao thông xanh của VinFast là dự án xây dựng cơ sở sản xuất thứ 3 của doanh nghiệp, đồng thời cũng là mức đầu tư lớn nhất trong lịch sử của Tamil Nadu.
Chính phủ Tamil Nadu cam kết hỗ trợ tối đa cho VinFast trên phương diện đất sản xuất, nguồn cung năng lượng và cơ sở hạ tầng sản xuất.
Bên cạnh việc xây dựng cơ sở sản xuất tại Tamil Nadu, VinFast cũng đặt mục tiêu thiết lập mạng lưới đại lý phân phối và bán lẻ trên toàn quốc nhằm xây dựng kết nối sâu rộng và nhanh chóng tiếp cận khách hàng Ấn Độ.
Theo: nguoiquansat / www.reuters
Sau Indonesia, VinFast sẽ “đổ bộ” Philippines, mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực ĐNÁ: Quảng cáo rầm rộ, đã có xe điện chạy trên đường
Sau Indonesia, thị trường tiếp theo trong Đông Nam Á mà hãng xe điện Việt Nam VinFast tiếp cận là Philippines.
Tạp chí ô tô Autoindustriya của Philippines đưa tin năm 2024 sẽ ghi nhận sự hiện diện của một số tên tuổi mới ở nước này, trong đó có VinFast. Trước đó, năm 2022 và 2023 ghi nhận một số hãng xe Trung Quốc đã đầu tư mạnh tay vào đây.
Theo đó, VinFast đã thành lập một văn phòng xe máy tại Philippines dưới dạng công ty con, không phải đối tác phân phối địa phương.
Hãng này cũng đang tăng cường hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội. Các trang mạng cũng đã xuất hiện nhiều bài đăng nói về việc những chiếc xe điện VinFast chạy ở Bonifacio Global City – một khu đô thị cực lớn chuyên về kinh doanh tài chính ở Taguig, Metro Manila, Philippines.
Mặc dù thông tin về việc bán ô tô điện tại Philippines vẫn còn hạn chế, nhưng báo chí Philippines cho biết VinFast đang tìm kiếm những nhân sự quản lý cấp cao, một động thái tương tự như cách thức tuyển dụng của các thương hiệu ô tô khác trước đây.
Việc VinFast mở rộng sang Philippines đã có kế hoạch từ trước. Theo thông tin từ trang CleanTechnica hồi tháng 9/2023, VinFast có kế hoạch mở rộng sang thêm 7 thị trường Châu Á, trong đó có Philippines.
Đó là những địa điểm tiềm năng cho việc xây dựng nhà máy xe điện và pin do chi phí thấp và nguồn nguyên liệu thô dồi dào.
Giám đốc điều hành toàn cầu của VinFast, bà Lê Thị Thu Thủy, cũng từng nhấn mạnh sự quan tâm của VinFast đối với thị trường Philippines. Phát biểu với các phóng viên tại sự kiện Vingroup Elite Vietnam Tour 2022, bà nói: “Nơi mà chúng tôi quan tâm là Philippines”.
“Mở rộng sang khu vực Đông Nam Á là một phần của chiến lược phát triển toàn cầu của VinFast. Chúng tôi đặt mục tiêu mang đến cho các nước ASEAN những giải pháp di chuyển thông minh, an toàn và trải nghiệm hoàn thiện, từ đó thúc đẩy tương lai xanh cho tất cả mọi người”, bà nói thêm.
Philippines là thị trường ô tô lớn tại khu vực và đã có chính sách phát triển xe điện từ năm 2021, nhưng cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt do sự xuất hiện của nhiều thương hiệu mới.
Theo Đời sống Pháp luật
Xem thêm bài liên quan
- VinFast chơi lớn khi tặng khách hàng loạt ưu đãi trị giá đến hơn 100 triệu: Mua 1 tặng 3 với ô tô điện trong tháng 9
- “Có hẹn” công bố doanh số, VinFast bất ngờ thông báo sẽ không công bố số liệu hàng tháng kể từ tháng 9 này, nhưng…
- VinFast VF6 bản thương mại gần như đã hoàn thiện, thuê pin khoảng 2,2 triệu/tháng, sẵn sàng bán ra vào 22/9