Đây không phải làn đầu tiên THACO xuất khẩu linh kiện sang thị trường nước ngoài. Thời gian tới, Thaco sẽ tiếp tục sản xuất và cung ứng linh kiện thân vỏ ô tô của nhiều loại xe khác nhau.
Ngày 14/7, nhà máy sản xuất Linh kiện Thân vỏ ô tô THACO đã xuất khẩu 80 bộ linh kiện thân vỏ (moving parts) xe Kia Sorento All New bao gồm: cửa trước, cửa sau, nắp capo, cốp sau sang Malaysia.
Đây là đợt xuất khẩu thứ 3 sang thị trường này kể từ tháng 7/2022, góp phần khẳng định chất lượng sản phẩm của nhà máy trên thị trường thế giới.
Bộ linh kiện thân vỏ được sản xuất trên dây chuyền công nghệ chuyển giao từ Tập đoàn KIA, với các máy móc, thiết bị hiện đại: dây chuyền ép biên dạng tự động, robot hàn tự động, robot gấp mí, jig hàn tự động, jig hàn hoàn thiện…
Sản phẩm có chất lượng, độ bền cao, được kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chuẩn của hệ thống quản lý chất lượng IATF 16949.
Các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu của Tập đoàn KIA về thông số, quy cách sản xuất, đồng thời đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của thị trường Malaysia về thiết kế như: vị trí lắp ráp biển số, rèm cửa…
Thời gian tới, nhà máy sẽ tiếp tục sản xuất và cung ứng linh kiện thân vỏ ô tô của các dòng xe Kia K3, Kia Soluto, Kia Seltos, Kia Sonet, Kia Carnival, Kia Sorento, Mazda 3 All New, Mazda CX-5, Mazda CX-8… cho THACO AUTO và xuất khẩu sang Malaysia.
Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển đa dạng sản phẩm, phục vụ nhu cầu thị trường theo yêu cầu, tiêu chuẩn của đối tác.
Theo: thacogroup
Video: Bài phát biểu gây bão “Việt Nam chỉ sản xuất được ốc vít gắn biển số xe ô tô” của ông Phan Đăng Tuất
Bài phát biểu mới đây của PGS.TS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam về việc “doanh nghiệp Việt mới chỉ làm được ốc vít bắt biển số xe ô tô” đã gây ra nhiều tranh cãi trên không gian mạng. Thực hư vấn đề này ra sao?
Đó là câu phát biểu được cho là PGS.TS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí cung cấp thông tin về Triển lãm chuyên ngành công nghiệp phụ tùng và dịch vụ ô tô (Automechanika 2023) diễn ra hôm 21/2 tại Hà Nội.
Việt Nam chưa có nền công nghiệp ô tô “hoàn hảo”
Sáng nay, 24/2, PV VietNamNet đã trao đổi với PGS. TS Phan Đăng Tuất để xác nhận lại thông tin trên.
Ông cho biết, tại sự kiện, ông có nói về vấn đề của ngành công nghiệp ô tô với tình trạng thiếu linh kiện, phụ tùng nội địa. Tuy nhiên, nội dung chính của ông là nhấn mạnh vào những hạn chế của ngành công nghiệp vật liệu, cụ thể là ngành luyện kim.
Bên cạnh khó khăn về dung lượng thị trường còn nhỏ thì đây là một mấu chốt khiến ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chưa phát triển.
Theo tư liệu do Hiệp hội VASI cung cấp, nguyên văn lời phát biểu của PGS. TS Phan Đăng Tuất là: “Để có một nền công nghiệp ô tô, đầu tiên phải một nền khoa học kỹ thuật và công nghệ cơ bản.
Sau đó, phải có nền công nghiệp vật liệu, phải sản xuất ra thép hợp kim. Nhưng trên một chiếc ô tô (sedan) có hơn 20.000 chi tiết linh kiện, dùng hơn 200 mác thép kim loại và Việt Nam chưa chế tạo được mã nào trong số 200 mã thép đó để có được công nghiệp ô tô. Đó là một sự thật”.
“Có một thời tôi hay nói mỉa mai là, duy nhất chỉ làm cái ốc vít bắt cho biển số và chỉ 6 tháng sau, nó gỉ mất rồi. Chúng ta chưa có công nghiệp ô tô vì không có nền khoa học cơ bản. Công nghiệp ô tô là ngành tích hợp của rất nhiều ngành khoa học cơ bản, như ngành vật liệu, động lực học, điện, điện tử, môi trường sinh thái…”, ông Tuất nhấn mạnh.
Theo ông, năng lực hiện tại của các doanh nghiệp ô tô lớn ở Việt Nam như Thaco… mới chỉ dừng lại là nhập khẩu và lắp ráp. Việt Nam vẫn chưa có một nền công nghiệp ô tô thực sự.
Cũng tại đây, ông Phan Đăng Tuất đề nghị, Việt Nam cần phải sớm có một đạo luật riêng về công nghiệp hỗ trợ. Trong dự thảo Luật Phát triển công nghiệp do Bộ Công Thương soạn thảo hiện nay, mới chỉ có 1 chương riêng về công nghiệp hỗ trợ là chưa đủ.
Cùng đó, ngành công nghiệp vật liệu, đặc biệt là ngành luyện kim cũng cần có chiến lược phát triển bứt phá.
Trao đổi thêm với VietNamNet phát ngôn “gây bão” trên, ông Phan Đăng Tuất diễn giải: “Về sản phẩm ốc vít, Việt Nam sản xuất được nhưng vì chỉ thiếu mác thép hợp kim nên ta chỉ sản xuất được ốc vít gắn biển số xe”.
Ốc vít Việt Nam dần tiến bước vào thị trường toàn cầu
Trên thực tế, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ cho ô tô nói riêng đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ.
Trong đó, nhiều sản phẩm cơ khí chính xác, đòi hỏi trình độ cao như ốc vít đã được một số doanh nghiệp Việt sản xuất, đạt tiêu cung cấp cho ngành ô tô và xuất khẩu đi nước ngoài.
Ông Nguyễn Tiến Thưởng, Giám đốc công ty CP Ốc vít Brother Việt Nam (xã Thuận Thành, Bắc Ninh) chia sẻ, công ty hiện nay đã và đang cung cấp các loại ốc vít chất lượng cao cho nhiều hãng xe như Toyota, Honda, Yamaha, Piagio, VinFast…
Tuy nhiên, công ty mới chỉ là nhà cung cấp cấp 3, cấp 4.Ốc vít Brother được sử dụng cho các vị trí khó tính, đòi hỏi đáp ứng yếu tố khắc nghiệt của môi trường như nắp bình xăng xe máy, ghế ô tô chứ không đơn giản là ốc vít gắn biển số xe.
Hiện, ngành ốc vít gặp khó về vấn đề nguyên vật liệu. Đầu vào cho sản xuất ốc vít là thép hợp kim, chủ yếu phải nhập khẩu.
Đến nay, công nghệ luyện kim của Việt Nam đã sản xuất được thép carbon chất lượng cao để làm ốc vít nhưng không thể đáp ứng đủ nhu cầu cho ngành sản xuất linh kiện cơ khí chính xác.
Ông Thưởng cho rằng, vấn đề lớn của doanh nghiệp ốc vít Việt là bài toán về dung lượng thị trường, vốn đầu tư, công nghệ và quy trình quản lý chất lượng.
“Chúng tôi có thể sản xuất được ốc vít cao cấp. Tuy nhiên, khi thị trường chưa đủ dung lượng, quy mô nhỏ thì đầu tư sản xuất sẽ không hiệu quả.
Do đó, bước đi của chúng tôi là vẫn phải đi song song, vừa sản xuất loại chất lượng phổ thông phục vụ cho ngành dân dụng để đảm bảo vốn, vừa theo đuổi mục tiêu ở phân khúc cao cấp hơn như phục vụ ngành ô tô”, ông Thưởng nói.
Ngoài Brother, nhiều thương hiệu ốc vít Việt Nam đã đi ra thế giới như ốc vít Songnam đã cung cấp cho Panasonic, LG, Toto, Inax, Eurowindow, Austdoor…. và xuất khẩu đi 6 nước trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính như Nhật Bản, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Đức; ốc vít Lidovit cung cấp cho Honda, Suzuki Việt Nam, IKEA, Samsung …. với 50% xuất khẩu đi châu Âu…
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho hay, công nghệ vật liệu là ngành rất quan trọng.
Tuy nhiên, do chi phí đầu tư rất lớn nên dung lượng thị trường phải đủ lớn thì sản xuất mới hiệu quả. Các mác thép làm phần lớn ốc vít không khó về công nghệ. Vấn đề mấu chốt là do sản lượng nhỏ, làm chưa có lãi nên chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất.
Theo Cục Công nghiệp, tính đến hết năm 2022, cả nước có khoảng hơn 350 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô; trong đó, hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô… với sản lượng sản xuất lắp ráp trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước.
Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu với các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ…
Phụ tùng xuất khẩu chủ yếu là cụm dây diện chiếm trên 50% và thị trường chủ yếu là Nhật Bản (50%) và Hoa Kỳ (13%). Phụ tùng xuất khẩu lớn thứ hai là linh kiện hộp số chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu phụ tùng, linh kiện ô tô, và điểm đến chủ yếu là Nhật Bản, Mexico, và Trung Quốc.
Năng lực công nghệ của nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô Việt Nam đã được tăng cường nhờ việc đầu tư công nghệ, máy móc của các nước EU và Nhật Bản, áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý tiên tiến.
Nguồn: Vietnamnet
Xem thêm bài liên quan
- Sau 8 tháng năm 2022, người Việt ưa chuộng xe gầm cao Nhật Bản hay Hàn Quốc?
- Chỉ vừa ra mặt thị trường Việt Nam chưa lâu, Mazda2 2023 đã có đáy mới tại đại lý khi chỉ còn ngang Hyundai Grand i10 và KIA Morning
- Loạt xe Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam năm 2023: Từ xe điện hơn 200 triệu đến SUV hơn 2 tỷ, đấu xe Nhật, Hàn ở nhiều phân khúc