Chủ xe cho biết những đứa trẻ nhà hàng xóm đã dùng gạch tạo ra những nét vẽ nguệch ngoạc trên thân xe Mercedes-Benz của mình.
Hầu như mọi chủ xe đều rất nâng niu chiếc xế cưng của mình để tránh bị trầy xước ngoại thất. Những chủ sở hữu xe sang như Mercedes-Benz thì lại càng cẩn thận hơn.
Tuy nhiên, không ít trường hợp xe hơi bị làm xước sơn bởi những trò nghịch ngợm của trẻ em. Trương hợp của chủ xe dưới đây là một ví dụ điển hình.
Mới đây, trong nhóm chơi xe Mercedes-Benz, một chủ xe đã chia sẻ trường hợp khá đáng buồn của mình.
Cụ thể, chiếc xe Mercedes-Benz của anh khi đang đỗ trong sân nhà đã bị trẻ em hàng xóm dùng gạch vẽ nguệch ngoạc khắp toàn bộ thân xe. Do những đứa trẻ dùng gạch để vẽ nên lớp sơn ngoại thất của chiếc xe đã bị xước nghiêm trọng.
Theo chia sẻ của chủ xe, chiếc ô tô hạng sang này chỉ có thể được khắc phục bằng cách sơn lại toàn bộ phần ngoại thất.
Chi phí tham khảo trong hãng cho hạng mục sơn lại toàn bộ xe lên tới 30 – 40 triệu đồng. Đáng buồn hơn, theo chủ xe, anh vừa bỏ ra một khoản không nhỏ để phủ ceramic cho toàn bộ ngoại thất xe.
Những sự cố gây ra bởi trẻ em thường rất khó xử lý bởi các em chưa thực sự ý thức được hậu quả từ hành động của mình.
Để tránh những trường hợp tương tự, các phụ huynh nên dặn dò con em mình không nên viết, vẽ tùy tiện lên tường, xe, hay ở những nơi công cộng.
Kinh nghiệm sơn lại xe ô tô khắc phục bạc màu và vết trầy xước
Sơn lại xe ô tô giúp nhanh chóng lấy lại diện mạo như mới cho xế hộp. Tuy nhiên, bước ”tân trang” này sẽ trở thành thảm họa nếu chủ xe không nắm được các kinh nghiệm sơn lại xe ô tô để “chọn mặt gửi vàng”.
Sơn lại xe ô tô là lựa chọn tối ưu khắc phục tình trạng bạc màu, bong tróc hay đơn giản là khi chủ xe muốn chuyển sang màu xe khác.
Các kiểu sơn lại xe ô tô phổ biến hiện nay
Lớp sơn của xe ô tô có độ dày từ 67 microns (µm) đến 198 microns (µm) với 3 lớp chính.
Lớp đầu tiên – Primer Coat (sơn lót) tạo lớp nền đồng nhất để màu sơn phủ đều, tạo liên kết để sơn bám tốt hơn. Lớp sơn lót thường có độ dày từ 8 microns (µm) đến 38 microns (µm).
Lớp thứ 2 – Base Coat (sơn màu) quyết định màu sắc chính của xe. Sơn màu gồm một hoặc nhiều lớp tùy thuộc vào nhà sản xuất. Độ dày của lớp sơn màu từ 13 microns (µm) đến 38 microns (µm).
Lớp thứ 3 – Clear Coat (sơn bóng/mờ) nhằm bảo vệ màu sơn trước các tác động từ môi trường bên ngoài. Độ dày của sơn bóng dao động từ 38 microns (µm) đến 102 microns (µm).
Hiện nay, một số dòng xe được nhà sản xuất trang bị thêm lớp sơn chống gỉ (trước lớp sơn lót). Lớp sơn này sử dụng công nghệ sơn tĩnh điện nhằm ngăn chặn quá trình oxy hóa phá hủy từ bên trong thân vỏ xe.
Mức độ sơn lại xe ô tô được xác định phụ thuộc vào độ xuống cấp của màu sơn, tình trạng trầy xước xe.
1.1. Sơn dặm xe ô tô
Nếu xe chỉ xước nhẹ, sơn dặm sẽ là biện pháp khắc phục nhanh chóng và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, sơn dặm đòi hỏi kỹ thuật viên có kỹ thuật cao, nhất là trong khâu pha màu và phun sơn để đảm bảo sự đồng nhất với màu sơn cũ.
1.2. Sơn lại toàn bộ xe
Trước khi sơn lại toàn bộ xe cần bóc hết lớp sơn cũ, sau đó phủ đè lên 3 lớp sơn mới. Thời gian hoàn thiện có thể kéo dài đến 10 ngày với chi phí cao. Tùy vào nhu cầu của chủ xe, có hai hình thức sơn lại xe toàn bộ là sơn ngoài xe hoặc sơn toàn diện khung.
Sơn ngoài xe là sơn lại tất cả các chi tiết xe gồm cản xe ô tô và sau, hai tai xe, hai bên hông xe, hệ thống cửa, capo, nóc, ốp gương, nóc bình xăng.
Sơn toàn diện khung diễn ra phức tạp hơn sơn ngoài xe do phải tháo hết nội thất và máy móc để phun sơn lên mặt ngoài và trong của thân vỏ xe. Trong đó, bao gồm cánh cửa, cốp, nắp capo, và khoang máy động cơ.
2. Quy trình sơn lại xe ô tô
Sơn lại xe ô tô đòi hỏi kỹ thuật cao và sự tỉ mỉ trong các công đoạn. Mỗi trung tâm chăm sóc xe sẽ có những phương pháp thực hiện riêng nhưng đều áp dụng quy trình sơn lại xe ô tô chung như sau:
Bước 1: Kiểm tra, đánh giá mức độ sơn của xe
Kỹ thuật viên kiểm tra và đánh giá mức độ hư hại, độ dày của lớp sơn bằng đèn kiểm tra chuyên dụng, máy đo độ dày sơn. Trên cơ sở dữ liệu thu được, kỹ thuật viên đưa ra tư vấn cho khách hàng về hướng khắc phục phù hợp.
Bước 2: Mài sơn cũ, làm sạch gỉ sét làm đồng sơn xe ô tô
Máy mài lắp giấy nhám có độ mịn thích hợp được dùng để xử lý lớp sơn cũ và gỉ sét nếu có. Với những chiếc xe bị biến dạng do va chạm, kỹ thuật viên làm đồng ô tô trở về trạng thái ban đầu bằng các kỹ thuật như gò, nắn kéo, rút tôn… Mục đích của bước này là khôi phục bề mặt, giúp màu sơn lên đồng nhất và chân thật hơn.
Bước 3: Sơn chống gỉ ô tô
Khi bề mặt đạt tiêu chuẩn, lớp sơn chống gỉ sẽ được phủ lên thân vỏ xe. Sau khi lớp sơn này khô, kỹ thuật viên tiến hành mài nhám để tăng độ bám cho lớp bả matit và sơn lót ở bước tiếp theo.
Bước 4: Xử lý các vết lõm bằng bả matit (nếu cần)
Nếu kỹ thuật làm đồng xe ô tô chưa khắc phục triệt để các vết lõm nhỏ thì đánh bả matit sẽ giúp làm đầy bề mặt hiệu quả. Khi hoàn thiện, lớp bả matit sẽ gồ cao hơn bề mặt để trừ hao sau bước sấy khô và đánh nhám tạo hình.
Bước 5: Sơn lót
Sơn lớp lót lên bề mặt đã làm sạch, chờ sấy khô, đánh nhám để tăng độ liên kết và bám dính của sơn màu, giúp màu lên bóng, đẹp hơn.
Bước 6: Sơn màu
Là lớp sơn quyết định nên sơn màu luôn đòi hỏi kỹ thuật cao. Trong đó, 70% chất lượng màu sơn phụ thuộc vào kỹ thuật pha màu. Hiện nay, hầu hết các hãng xe đều cung cấp thông tin mã màu tới khách hàng. Ngoài ra, các trung tâm chăm sóc xe còn có sự hỗ trợ của thiết bị pha màu vi tính cho độ chính xác gần như tuyệt đối ở khâu pha màu.
Bước phun sơn màu quyết định 20% – 30% chất lượng màu sơn. Kỹ thuật viên căn chỉnh súng sơn, góc phun sơn, khoảng cách với bề mặt sơn, tốc độ di chuyển phun sơn, mức độ chồng đè theo tiêu chuẩn để sơn phun màu đẹp và đều nhất.
Bước 7: Sơn bóng
Kỹ thuật phun sơn bóng tương tự như phun sơn màu. Lớp sơn sau khi phun được sấy khô theo tiêu chuẩn riêng về thời gian và nhiệt độ giúp tăng tuổi thọ cho lớp sơn màu.
Bước 8: Đánh bóng, kiểm tra
Đánh bóng giúp tăng độ sáng bóng của bề mặt sơn. Để hoàn tất, kỹ thuật viên kiểm tra lần cuối bằng các thiết bị chuyên dụng để đảm bảo lớp sơn mới hoàn hảo đúng như mong đợi.
3. Kinh nghiệm sơn lại xe ô tô
Với sơn dặm hoặc sơn lại toàn bộ xe theo màu cũ, màu sơn mới cần pha dựa vào mã màu của nhà sản xuất. Có thể tìm thấy mã dưới kính chắn gió, nắp capo hoặc các ấn phẩm quảng cáo, hướng dẫn sử dụng của hãng xe. Trường hợp không tìm được mã màu, kỹ thuật viên pha thử sơn và phun lên tấm panel để so sánh màu và tiến hành các bước phun sơn theo quy trình.
Xe bị trầy xước ở phạm vi nhỏ sẽ khó thực hiện kỹ thuật sơn đồng nhất. Trường hợp này, các chuyên gia khuyên nên sơn dặm lại cả mảng thay vì chỉ sơn tại các vị trí này.
Trường hợp sơn lại toàn bộ xe với màu sắc khác với màu nguyên bản, chủ xe phải tiến hành đăng ký đổi màu xe trước khi lưu hành.
Theo Thanh niên Việt, Tổng hợp