Mẫu xe SUV chủ lực của hãng xe Nhật Toyota Corolla Cross được trang bị khối động cơ Hydro đang được chạy thử trên phố.
Trong khi đa số các hãng xe khác đang nỗ lực hết mình để phát triển xe điện thì Toyota lại có những bước đi khác biệt, song song với việc phát triển xe điện và xe hybrid thì hãng xe Nhật Bản còn đang chế tạo cả xe pin nhiên liệu hydro và động cơ đốt trong chạy bằng hydro, nhằm mang đến giải pháp mới trong cuộc đua xe nhiên liệu sạch của Thế Giới.
Sau khi đạt được kỳ tích trong một cuộc đua với chiếc Toyota GR Corolla chạy bằng nhiên liệu hydro thì giờ đây nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã mang công nghệ mới này lên một chiếc SUV 5 chỗ, tạo ra một mẫu xe concept mới mang tên hydro Toyota Corolla Cross H2.
Mặc dù vẫn mang bình chứa hydro tương tự chiếc sedan Mirai được Toyota ra mắt trước đó, nhưng thay vì sử dụng pin nhiên liệu biến hydro thành điện như mẫu Mirai thì Toyota lại sử dụng động cơ đốt trong chạy bằng hydro cho mẫu xe mới này.
Động cơ được sử dụng là loại tăng áp kép, dung tích 1.6L lấy từ chiếc xe đua GR Corolla, dù Toyota chưa tiết lộ hiệu suất của Cross concept nhưng động cơ mà mẫu xe này trang bị có khả năng đạt công suất lên đến 300 mã lực. Đi kèm còn có cả hộp số sàng 6 cấp.
Toyota tuyên bố họ đã hoàn thành khoảng 40% lộ trình đưa những chiếc xe như H2 Corolla Cross ra mắt người dùng.
Rõ ràng Toyota đang tin rằng xe chạy hydro có tương lai hơn là xe điện nhờ việc có thể tiếp nhiên liệu nhanh chóng, đồng thời nó cũng không dựa vào các vật liệu như lithium và niken để chế tạo pin như trên các mẫu EV.
Có điều mà nhiều người chưa biết, lithium và niken là những vật liệu cần để chế tạo pin và chúng rất độc hại với môi trường, nếu như lượng pin khổng lồ được thải ra từ xe điện mà không được xử lý triệt để thì hậu quả có nó sẽ rất khó lường.
Không được ưu ái như xe điện, xe hydro có thực đã hết thời?
Ô tô chạy bằng pin nhiên liệu hydro từng nổi lên như một giải pháp thay thế xe điện và động cơ đốt trong truyền thống từ đầu những năm 2000. Đây được coi là “con đường hướng tới phổ cập ô tô xanh”, cung cấp năng lượng thông qua phản ứng hóa học giữa hydro và oxy, với “khí thải” duy nhất là nước.
Công nghệ này hứa hẹn về một trải nghiệm lái xe “truyền thống” do các tài xế có thể tiếp nhiên liệu ngay tại các trạm đổ xăng, đồng thời mang đến cơ hội cho các công ty dầu mỏ sản xuất, vận chuyển và tiếp nhiên liệu hydro tại các trạm hiện có.
“Chúng ta phải làm quen với thực tế là nền kinh tế xanh đắt hơn nền kinh tế dựa trên nhiên liệu hóa thạch. Đó là cái giá mà chúng ta phải trả cho việc bảo vệ khí hậu. Nhưng tất cả chúng ta đều quan tâm đến việc cứu thế giới.
Công nghệ này đã xuất hiện từ rất lâu nhưng vẫn còn ở giai đoạn đầu. Nếu được sử dụng trên quy mô lớn, giá thành sẽ rẻ hơn”, ông Andre Steinau, người đứng đầu dự án năng lượng Hydro, nói.
Theo CNA, nước Anh đã nhắc lại cam kết của mình đối với công nghệ hydro vào năm 2016 bằng cách đầu tư 2 triệu bảng Anh (tương đương 2,4 triệu USD) vào việc quảng bá ô tô chạy bằng nhiên liệu mới.
Nghị viện châu Âu cũng đã đồng ý thiết lập các mục tiêu tối thiểu cho việc triển khai cơ sở hạ tầng nhiên liệu thay thế. Theo đó, cứ 100km dọc theo các tuyến đường chính của EU, sẽ có ít nhất 1 trạm tiếp nhiên liệu hydro.
Tuy nhiên, bằng một cách nào đó, ô tô chạy bằng hydro đang dần biến mất. Toyota và Hyundai, những thương hiệu duy nhất sản xuất ô tô hydro cho thị trường Vương quốc Anh, chỉ bán được 12 chiếc vào năm 2021. Đầu năm nay, Shell cũng đã phải đóng cửa tất cả các trạm tiếp nhiên liệu hydro tại khu vực này.
Trong khi đó, xe điện, dù không cho phạm vi hoạt động hoặc khả năng tiếp nhiên liệu nhanh như xe hydro, đã trở nên vô cùng phổ biến. Năm 2010, số lượng xe điện đã bán ở Anh là 138 chiếc, sau đó tăng lên khoảng 190.000 vào năm 2021.
Theo các chuyên gia, bản thân các loại phương tiện không cạnh tranh hoàn toàn với nhau. Thay vào đó, đây là sự cạnh tranh giữa các hệ thống công nghệ quốc gia và trong trường hợp này, sản phẩm vượt trội về mặt kỹ thuật hiếm khi chiến thắng.
Máy ghi băng Betamax từng thất bại trong việc kiểm soát thị trường vào những năm 1980 dù vượt trội về mặt kỹ thuật hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Hệ thống video gia đình (VHS) chất lượng thấp khi đó lại chiếm phần lớn thị phần do cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng tốt. Tóm lại, VHS dễ tiếp cận hơn Betamax.
Xe hydro và xe điện cũng phụ thuộc vào các hệ thống công nghệ rộng lớn: một dựa trên việc sản xuất pin điện và một dựa trên việc cung cấp hydro.
Tuy nhiên, xe điện có một lợi thế là có thể phụ thuộc vào hệ thống phân phối và phát điện hiện có. Chúng có thể được sạc bất cứ lúc nào, tại bất cứ nơi nào có ổ cắm.
Nhà sản xuất xe điện Tesla đã tận dụng điều này. Hãng cho sản xuất hơn 900.000 phương tiện mới vào năm 2021, đồng thời lắp đặt mạng lưới tiếp nhiên liệu toàn cầu gồm 35.000 bộ sạc siêu tốc nhằm hỗ trợ các chủ phương tiện.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng cho xe chạy bằng hydro lại hạn chế và cần những gói đầu tư khủng. Chỉ riêng cơ sở hạ tầng đường ống cần thiết cho một hệ thống phân phối hydro tại châu Âu đã rơi vào khoảng từ 80-143 tỷ euro (tương đương 83-148 tỷ USD).
Nguyên nhân là bởi hydro cần được điều áp và vận chuyển dưới dạng khí hoặc chất lỏng. Hiện sản xuất hydro chỉ chiếm 3% nhu cầu năng lượng toàn cầu.
Phía chính phủ và doanh nghiệp không sẵn sàng thực hiện các khoản đầu tư cần thiết. Họ cho rằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho một mạng lưới xe quá nhỏ không mang lại nhiều ý nghĩa về kinh tế, trong khi nhu cầu đối với xe hydro chỉ tăng lên nếu chúng có được cơ sở hạ tầng tương thích.
Theo CNA, việc giới thiệu các công nghệ và cơ sở hạ tầng phức tạp phụ thuộc vào việc đầu tư hệ thống công nghệ quy mô lớn. Chính phủ khi đó phải đối mặt với sự lựa chọn về công nghệ mà họ hỗ trợ.
Các dự án cơ sở hạ tầng quốc gia quy mô lớn, bao gồm các chương trình năng lượng hạt nhân và vũ khí, điện khí hóa đường sắt, phát triển tàu cao tốc và các sứ mệnh không gian có người lái, đều diễn ra trong suốt phần còn lại của thế kỷ. Chúng liên quan đến tài trợ chính phủ, thành lập các tổ chức mới cũng như đặt ra các mục tiêu rõ ràng.
Một nền kinh tế ô tô hỗn hợp, bao gồm xe hydro và xe điện, có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh không phát thải, song việc hiện thực hóa chúng cần một khoản đầu tư không nhỏ. Chính phủ khi đó sẽ có rất nhiều thứ phải làm, từ xây dựng các hệ thống công nghệ mới đến thay đổi tư duy, thị hiếu người tiêu dùng.
Dẫu vậy, nhiều người vẫn kỳ vọng vào tương lai của xe hydro. Trên thế giới, Nhật Bản tuyên bố chuyển đổi sang nền kinh tế hydro từ năm 2014.
Các quốc gia Trung Đông, đặc biệt là Saudi Arabia, cũng đang sử dụng tiền thu được từ dầu mỏ để tái đầu tư vào năng lượng hydro, nhằm giữ vững vị trí dẫn đầu trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Trong khi đó, EU đã công bố chiến lược hydro, với mục tiêu tăng tỷ trọng sử dụng nguyên liệu hydro từ 3% hiện nay lên 14% vào năm 2050.
Trong nỗ lực tăng cường sử dụng năng lượng mới, Trung Quốc cũng tuyên bố đầu tư mạnh vào công nghiệp sản xuất hydrogen. Trong đó, thành phố Thượng Hải cam kết trong 3 năm tới sẽ xây dựng 70 trạm tiếp nhiên liệu hydro với chuỗi công nghiệp hơn 100 tỷ Nhân dân tệ (14,6 tỷ USD).
Theo Liên minh Hydrogen Trung Quốc, giá trị sản lượng ngành công nghiệp này năm ngoái đã đạt 360 tỷ Nhân dân tệ (54,5 tỷ USD). Đến năm 2025, giá trị sản lượng được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần, lên hơn 1.000 tỷ Nhân dân tệ (147 tỷ USD).
Theo CNA, Reuters, Người đưa tin
Xem thêm bài liên quan
- Nhiều người đặt dấu hỏi lớn về chất lượng xe Toyota Veloz Cross dễ bị biến dạng sau va chạm dù rất nhẹ, vì sao lại tệ đến vậy?
- Top 5 xe ô tô tiết kiệm nhiên liệu “đỉnh của chóp” tại VN, số 1 bán chạy nhất thị trường nhìn muốn “chốt đơn” ngay
- Toyota Corolla Cross 2024 có giá tại Việt Nam: “Đỉnh cao phong cách” với nhiều thay đổi, có điểm khác bản Thái