Đề xuất biển số ô tô đưa ra đấu giá trực tuyến là biển trắng, chưa được đăng ký và nằm trong dự kiến cấp mới của công an; ký hiệu seri là A, B, C….X, Y, Z.
Nội dung này nêu trong dự thảo nghị định về trình tự, thủ tục và các nội dung liên quan thí điểm đấu giá biển số ôtô, vừa được Bộ Công an ban hành.
Theo dự thảo, Bộ trưởng Công an sẽ quyết định số lượng biển đưa ra đấu giá tại mỗi phiên. Trường hợp chưa đến kỳ đấu giá tiếp theo mà công an các tỉnh, thành phố đã hết biển số để đăng ký thì Bộ Công an giao Cục trưởng Cảnh sát giao thông quyết định.

Kế hoạch tổ chức từng phiên đấu giá cũng do Bộ trưởng Công an phê duyệt, gồm: danh sách biển số đưa ra đấu giá; giá khởi điểm, bước giá và tiền đặt trước; hình thức, thời gian tổ chức và xử lý tình huống đấu giá. Kế hoạch phải công khai trên cổng thông tin điện tử Bộ Công an trong 5 ngày từ khi phê duyệt.
Các cuộc đấu giá sẽ do một tổ chức đấu giá tài sản thực hiện. Việc lựa chọn tổ chức nào dựa vào số điểm của tổ xét duyệt chấm, sau đó Bộ Công an ký hợp đồng dịch vụ.
Với mỗi biển đấu giá thành công, tổ chức đấu giá sẽ được trả thù lao bằng 8% giá khởi điểm. Giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá theo nghị quyết của Quốc hội là 40 triệu đồng nên 8% sẽ là 3,2 triệu đồng. Trường hợp biển số đấu giá không thành, tổ chức đấu giá nhận 10.000 đồng một biển số.
Về vấn đề này, Bộ Tư pháp cho rằng khi đấu giá không thành thì tổ chức đấu giá chỉ được thanh toán các chi phí đấu giá theo quy định thay vì hưởng 10.000 đồng một biển số. Hơn nữa, khi đấu giá không thành nhà nước không được thu tiền đấu giá nên không thể trang trải cho việc này.
Tuy nhiên, Bộ Công an giải trình đấu giá biển số ôtô mang tính đặc thù, khác với các loại tài sản đấu giá khác. Số tiền 10.000 đồng cho một biển số là mức thấp trong bối cảnh tổ chức đấu giá vận hành phần mềm đấu giá online tốn kém. Hơn nữa, các công đoạn đấu giá giữa cuộc đấu không thành và thành không cũng khác nhau về công sức, chi phí bỏ ra.

Khi có danh sách biển số để đấu giá, Bộ Công an sẽ đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, trang thông tin Cục Cảnh sát giao thông. Danh sách này cũng được chuyển tới tổ chức đấu giá để niêm yết công khai trong 30 ngày.
Người tham gia đấu giá được cấp một tài khoản để tham gia trả giá trực tuyến và được chọn biển số xe theo nhu cầu trong danh sách biển đưa ra đấu giá của các tỉnh, thành.
Sau khi đặt trước tiền biển đã lựa chọn, người tham gia được cấp mã số tham gia đấu giá trực tuyến. Tiền đặt trước nộp vào một tài khoản ngân hàng kể từ khi đăng ký tham gia đến trước thời điểm tổ chức đấu giá 3 ngày.
Kết thúc phiên cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá sẽ xác định người trúng và thông báo kết quả, cho hiển thị biên bản để người trúng xác nhận. Suốt cuộc đấu giá, Bộ Công an sẽ phân công cán bộ theo dõi, giám sát. Trong 5 ngày từ khi kết thúc, tổ chức đấu giá phải chuyển kết quả, biên bản, danh sách người trúng cho Bộ Công an phê duyệt.
15 ngày từ khi có thông báo kết quả, người trúng đấu giá phải thanh toán toàn bộ tiền trúng đấu giá sau khi trừ đi tiền đã đặt trước. Tiền trúng đấu giá chưa bao gồm lệ phí đăng ký xe.
Kết quả đấu giá sẽ bị hủy nếu người trúng đấu giá từ chối xác nhận vào biên bản hoặc không nộp đủ tiền trong thời gian quy định. Biển số trúng đấu giá mà bị hủy sẽ được đưa ra đấu giá lại. Biển số trúng đấu giá chỉ được cấp cho người trúng và sẽ bị thu hồi nếu sử dụng không đúng quy định. Tiền đấu giá sẽ nộp vào ngân sách trung ương.
Nghị định dự kiến có hiệu lực thi hành trong 3 năm từ ngày 1/7.
Đề xuất trích 30% tiền đấu giá biển số ôtô để đảm bảo an toàn giao thông
Bộ Công an đề xuất sử dụng 30% số tiền thu được qua đấu giá biển số ôtô để đầu tư cơ sở vật chất, tập huấn cán bộ, phục vụ công tác đảm bảo an toàn giao thông.
Bộ Công an vừa hoàn thiện dự thảo nghị định về trình tự, thủ tục, nội dung liên quan thí điểm đấu giá biển số xe ôtô và chuyển đến Bộ Tư pháp thẩm định.
Theo dự thảo, số tiền đấu giá thu được nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương. Bộ Công an mở một tài khoản để thu tiền trúng đấu giả. Tiền lãi phát sinh (nếu có) trên số dư tài khoản nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.
Căn cứ vào nhu cầu kinh phí, Bộ Công an xây dựng dự toán tương ứng với 30% số tiền thu được từ đấu giá biển số xe năm trước đã nộp ngân sách nhà nước để phục vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Theo Bộ Công an, số tiền này nhằm đầu tư cơ sở vật chất, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ làm đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; đấu tranh phòng chống tội phạm và đảm bảo an ninh trật tự.
Tiền thu được từ đấu giá biển số ôtô từng gây ý kiến trái chiều tại kỳ họp Quốc hội tháng 11/2022. Một số đại biểu đề nghị thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước sau khi trừ chi phí thực hiện đấu giá. Trong khi đó, một số đại biểu đề nghị quy định ngay trong dự thảo Nghị quyết tỷ lệ phân bổ cho ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tỷ lệ gợi ý là 70-30, 60-40 và 50-50.

Theo dự thảo, Bộ trưởng Công an sẽ phê duyệt kế hoạch tổ chức cho từng phiên đấu giá, gồm danh sách biển số, giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước, hình thức, phương thức tổ chức đấu giá. Kế hoạch phải công khai trên cổng thông tin điện tử Bộ Công an trong 5 ngày từ khi phê duyệt.
Bộ trưởng Công an cũng quyết định số lượng biển số ôtô đưa ra đấu giá tại mỗi phiên. Trường hợp chưa đến kỳ đấu giá tiếp theo mà công an các tỉnh, thành phố đã hết biển số để đăng ký thì Bộ Công an giao Cục trưởng Cảnh sát giao thông quyết định.
Khi đã có danh sách biển số để đấu giá, Bộ Công an sẽ công khai trên cổng thông tin điện tử Bộ, trang thông tin Cục Cảnh sát giao thông. Danh sách này cũng được chuyển tới tổ chức đấu giá để niêm yết trong 30 ngày.
Người tham gia đấu giá được cấp tài khoản truy cập, hướng dẫn cách sử dụng, trả giá trên trang thông tin đấu giá trực tuyến. Họ được lựa chọn trong danh sách biển đưa ra đấu giá của tất cả địa phương trên cả nước.
Biển số đấu giá dự kiến bao gồm biển số ôtô của tỉnh, thành phố, ký hiệu series A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z có nền màu trắng, chữ và số màu đen, chưa đăng ký; dự kiến cấp mới; đang trong hệ thống đăng ký, quản lý xe của Bộ Công an.
Người tham gia phải nộp khoản tiền đặt trước vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá mở tại ngân hàng, tối thiểu 3 ngày trước khi phiên đấu giá diễn ra. Số tiền đặt trước cụ thể quy định theo Luật Đấu giá tài sản 2016. Trong 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá, người trúng phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá.
Hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày cấp văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá mà người trúng chưa đăng ký xe để gắn biển, phát sinh sự kiện bất khả kháng thì phải gửi đề nghị gia hạn bằng văn bản điện tử cho Bộ Công an qua hệ thống quản lý đấu giá. Trong trường hợp sự kiện bất khả kháng hay trở ngại khách quan, người trúng đấu giá chết nhưng biển số trúng đấu giá chưa đăng ký, người thừa kế được hoàn trả số tiền trúng đấu giá đã nộp.
Việc đấu giá biển số xe đẹp được Cục Cảnh sát giao thông đề xuất từ năm 1993, tuy nhiên gặp bế tắc vì Luật Đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá, các bộ liên quan không có căn cứ pháp lý triển khai. Tháng 12/2019, Văn phòng Chính phủ đã làm việc với Bộ Công an và thống nhất đẩy nhanh tiến độ, đưa việc đấu giá lên Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn).
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá. Dự kiến việc thí điểm đấu giá biển số xe bắt đầu thực hiện từ 1/7 và kéo dài trong 3 năm.
Theo Vnexpress
Xem thêm bài liên quan
- Hyundai Santa Fe 2023 trúng biển ngũ quý 1 “hét giá” gấp đôi lên tới 2,5 tỷ khiến dân tình xôn xao bàn tán
- Nghe đại gia Việt nói về cuộc “săn tìm” hàng trăm xe biển đẹp: Dày công thuyết phục, có bí quyết, chiến thuật riêng
- Loạt 7 ô tô bốc trúng biển VIP ngũ quý, sảnh tiến: Chủ xe bỗng nhận “lộc lá” tiền tỷ ngay đầu năm 2023