Lái xe ban đêm được xem là thử thách không chỉ với “tài mới” mà ngay cả những lái xe lâu năm đã có nhiều kinh nghiệm, do tầm nhìn bị hạn chế, cơ thể dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi. Một số lưu ý sau đây sẽ giúp tài xế đảm bảo an toàn khi lái xe ban đêm:
1. Lau sạch kính xe
Các bộ phận như kính chắn gió, cửa sổ hay gương chiếu hậu cần được làm sạch thường xuyên để tài xế có thể quan sát rõ ràng hơn khi lái xe, đặc biệt là di chuyển trong điều kiện trời tối.Ngoài ra, cần gạt lau kính hay đèn xe cũng nên được làm sạch và bảo dưỡng.
2. Căn chỉnh đèn pha xe hợp lý
Khi đèn pha được căn chỉnh phù hợp, xe sẽ ít gây chói mắt cho xe đối diện, qua đó giảm được nguy cơ va chạm khi đi trong đêm tối. Hãy chú ý căn chỉnh đèn đều nhau, không để quá cao hoặc quá thấp.Các chuyên gia cũng khuyên rằng bạn có thể sử dụng đèn pha nếu đi cao tốc trong đêm, tuy nhiên khi gặp xe ngược chiều, bạn nên chuyển sang dùng chế độ đèn cốt.
3. Chỉnh gương xe đúng cách
Chỉnh gương đúng vị trí sẽ giúp tài xế giảm được độ chói mắt và hạn chế điểm mù. Cách chỉnh gương đúng như sau: nghiêng sang bên trái và chỉnh gương trái sao cho tài xế có thể thấy góc bên trái phía sau xe. Làm tương tự với gương xe bên phải.
Cách chỉnh gương chiếu hậu ô tô chuẩn
Chỉnh gương chiếu hậu đúng cách sẽ giúp mở rộng vùng quan sát,phát huy tối đa tác dụng của gương hậu trung tâm. So với gương hậu trung tâm, chỉnh gương chiếu hậu hai bên khó.
Để chỉnh gương ô tô chuẩn nhất cần chỉnh ghế ngồi và ngồi ở tư thế lái chuẩn và thoải mái nhất. Do đó trước khi tiến hành chỉnh gương chiếu hậu ô tô nên lưu ý đến ghế ngồi và tư thế ngồi lái.
Hiện nay có hai cách chỉnh gương chiếu hậu xe ô tô:
Cách chỉnh gương góc nhìn hẹp
Bước 1: Chỉnh theo phương đứng (chiều hất lên – cúp xuống) của gương hậu sao cho mép gương dưới có thể quan sát ½ tay nắm cửa trước.
Bước 2: Chỉnh theo phương ngang (chiều đưa ra – quay vào) của gương hậu sao cho hình ảnh sườn xe chiếm ¼ chiều ngang trong gương, hình ảnh hông xe gần đuôi chiếm ¾ còn lại.
Bước 3: Chỉnh gương chiếu hậu trung tâm sao cho hình ảnh cửa sổ sau nằm ở ngay chính giữa gương.
Ưu điểm cách chỉnh gương này là giúp quan sát tối đa phần hông, đuôi xe, hỗ trợ đắc lực khi di chuyển xe vào bãi đậu đỗ hay các con đường nhỏ hẹp.
Nhược điểm là do chủ yếu tập trung ở phần đuôi xe nên phần thân xe tồn tại một vùng mù khá lớn. Điều này khiến người lái khó quan sát các phương tiện di chuyển song song bên cạnh khi cho xe chuyển hướng, chuyền làn. Ngoài ra khi chỉnh gương kiểu này, do gương hướng vào trong (góc hẹp) nên hình ảnh trong gương chiếu hậu ngoài dễ bị trùng lặp với gương chiếu hậu trung tâm.
Cách chỉnh gương góc rộng
Bước 1: Người lái nghiêng đầu chạm vào thành xe, chỉnh gương chiếu hậu bên lái sao cho bao quát hết góc phần tư phía sau của bên lái.
Bước 2: Người lái nghiêng người về phía chính giữa xe, chỉnh gương chiếu hậu bên phụ sao cho bao quát hết góc phần tư phía sau của bên phụ.
Bước 3: Chỉnh gương chiếu hậu trung tâm sao cho hình ảnh cửa sổ sau nằm ở ngay chính giữa gương.
Vì cấu trúc xe và kích cỡ gương của mỗi xe khác nhau nên cần kiểm tra xem đã giảm tối thiểu phần điểm mù chưa. Sau khi chỉnh cả ba gương chiếu hậu bên trong và bên ngoài hãy quan sát mép gương chiếu hậu trung tâm, xác định điểm đầu và cuối hình ảnh nhìn thấy. Tiếp theo quan sát mép gương chiếu hậu hai bên. Chỉnh gương ô tô chuẩn nhất là khi hình ảnh ở mép gương trong vừa chạm với hình ảnh ở mép gương ngoài. Lúc này hình ảnh của gương ngoài vừa không bị trùng lặp với gương trong, vừa không bị bỏ sót vùng quan sát.
Ưu điểm cách chỉnh gương chiếu hậu oto góc rộng là giúp ba gương ghép lại tạo thành một dải hình ảnh phản chiếu liền mạch, cung cấp tầm nhìn toàn cảnh. Như vậy khi phía sau có bất kỳ diễn biến gì, ví dụ như xe sau vượt thì hình ảnh xe đó sẽ chuyển từ gương trung tâm sang một trong hai gương chiếu hậu bên ngoài. Kiểu chỉnh gương này giúp người lái quan sát tốt khu vực hai bên hông xe, từ đó có thể chuyển làn, chuyển hướng an toàn hơn.
Nhược điểm cách chỉnh gương này là không quan sát phần đuôi xe tốt như cách chỉnh góc hẹp. Điều này khá bất lợi khi cần lùi, đậu đỗ hay di chuyển xe vào đường nhỏ hẹp.
4. Không nhìn trực tiếp vào đèn pha xe đối diện
Thay vì nhìn trực tiếp vào đèn pha xe đối diện, tài xế nên nhìn sang bên hoặc xuống dưới để quan sát làn đường mình đi. Nhờ đó, tài xế có thể quan sát xe khác và không bị đèn pha làm lóa mắt.
5. Kiểm tra thị lực thường xuyên để lái xe an toàn
Tài xế cũng nên thường xuyên kiểm tra thị lực của mình để biết nếu cần sử dụng kính cận hay dùng thuốc hay không. Nếu sử dụng kính cận, bạn cũng nên lau sạch và hạn chế làm xước kính gây giảm tầm nhìn.
Căn cứ Quyết định số 33/2008/QĐ-BYT ngày 30/9/2008 của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì tiêu chuẩn về thị lực như sau: Thị lực nhìn xa từng mắt (không/có điều chỉnh bằng kính) phải đạt từ 6/10 trở lên.
Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới được ban hành tại Quyết định số 4132/2001/QĐ-BYT ngày 4/10/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế để khám sức khỏe cho người lái xe ô tô.
Tại Mục II: Chức năng sinh lý, bệnh tật. Điểm 1. Mắt: Đã quy định:
“Chức năng sinh lý, bệnh tật sau đây là không đủ điều kiện:
Thị lực:
Khám tuyển: 2 mắt < 18/10 hoặc < 8/10 (không điều chỉnh bằng kính)
Khám định kỳ: 2 mắt < 16/10 hoặc 1 mắt < 6/10 (không điều chỉnh bằng kính)”.