Mới đây, hãng thông tấn lớn nhất thế giới Reuters đã gọi bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu, là “người thách thức” Elon Musk của Việt Nam, khi hãng xe điện mới nổi dự định tranh thị phần với Tesla tại nước ngoài.
Theo Reuters, dù Việt Nam khó có thể trở thành quê hương của một “Elon Musk thứ 2”, nhưng bà Thủy là một trong những nhân vật nên được dõi theo vào năm 2023 bởi nữ CEO 48 tuổi đang đứng sau những bước tiến nhanh nhẹn và táo bạo của VinFast bên trời tây.
“VinFast đã thành danh với việc bán xe chạy xăng tại Việt Nam, nơi công ty mẹ Vingroup là tập đoàn hàng đầu. Giờ đây, bà Thủy đang đi theo một hướng hoàn toàn mới bằng cách chuyển thương hiệu VinFast thành nhà sản xuất ô tô chạy điện hoàn toàn và đưa thương hiệu của mình ra toàn cầu”, trích đoạn giới thiệu về thương hiệu VinFast Việt Nam và bà Lê Thị Thu Thủy được Reuters đăng tải hôm 21/12.
Theo trang tin này, chỉ trong vòng một năm, bà Thủy, người đứng sau chiến lược đẩy mạnh hoạt động tại thị trường toàn cầu của VinFast, đã lên kế hoạch mở 70 showroom của hãng xe điện trên khắp Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu để bán những chiếc xe như xe thể thao đa dụng VF9, có giá 76.000 USD, cao hơn khoảng 15% so với dòng Model Y của Tesla.
Thay vì việc phát triển công nghệ độc quyền, VinFast Việt Nam đã lựa chọn dựa vào các nhà cung cấp có tiếng để hoàn thiện các sản phẩm của mình, như nhà sản xuất pin Contemporary Amperex Technology và công ty sản xuất thiết bị điện Aptiv.
Theo chiến lược của nữ Tổng Giám đốc, hãng xe Việt cũng đang xây dựng một nhà máy địa phương ở Mỹ, điều mà các đối thủ ô tô Trung Quốc như Nio và Xpeng khó có thể bắt chước khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng gia tăng.
Ngoài ra, một chiến dịch tiếp thị tốn kém đã được sử dụng và đang bắt đầu mang lại kết quả khi VinFast báo cáo có 58.000 lượt đặt trước xe tính đến tháng 12/2022.
Theo đánh giá của Reuters, một đợt IPO ở New York trong thời gian tới sẽ được coi là “chìa khóa” cho việc mở rộng hoạt động của công ty tại Mỹ. Tuy nhiên, hãng truyền thông Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về việc lên sàn của VinFast, đặc biệt sau khi tập đoàn mẹ là VinGroup công bố khoản lỗ ròng lên tới 34.5000 tỷ VND (1,48 tỷ USD) trong 3 quý đầu năm 2022.
Cho tới nay, chỉ có 9 công ty Việt Nam niêm yết tại nước ngoài, huy động được chưa đầy 1,5 tỷ USD. Do đó, nếu thành công, việc niêm yết của VinFast sẽ mang đến cơ hội hiếm có để khai thác nền kinh tế mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kỳ vọng sẽ tăng trưởng 6,2% vào năm 2023. Điều này cũng có nghĩa là bà Thủy có thể tận dụng chiếc “chìa khóa” này để thúc đẩy nỗ lực tại thị trường nước ngoài.
Trong một diễn biến liên quan, mới đây, VinFast đã xuất khẩu lô 999 xe điện đầu tiên sang thị trường Mỹ. Đây là lô xe 999 chiếc VF8, nằm trong số 65.000 đơn đặt hàng xe điện VinFast VF8 và VF9 trên toàn cầu. VinFast cho biết sẽ tiếp tục xuất khẩu các lô xe VF8 tới thị trường Canada và châu Âu để kịp bàn giao cho khách hàng vào năm 2023.
Chủ tịch VinFast: ‘Chúng tôi tự tin về tài chính khi ra thế giới’
Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch VinFast kiêm Phó Chủ tịch Vingroup cho biết công ty tự tin về tài chính và IPO là cơ hội lớn để tập đoàn nâng quy mô, đẳng cấp thành hãng xe điện toàn cầu.
Ngày 7/12, VinFast nộp hồ sơ lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng. Bà Lê Thị Thu Thuỷ – Chủ tịch VinFast kiêm Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ thêm với VnExpress về sự kiện này.
– Vì sao VinFast quyết định IPO giữa thời điểm thị trường thế giới đang ảm đạm, thưa bà?
– Thị trường thế giới được dự báo sẽ hồi phục trong năm 2023. Do đó, IPO thời điểm này là thích hợp để đón đầu làn sóng hồi phục và bứt phá. Về phía VinFast, việc IPO càng sớm càng nhanh tạo động lực để phát triển lên quy mô toàn cầu như mục tiêu đã định.
– Là một tân binh VinFast dựa vào đâu để tự tin vươn ra thế giới?
– VinFast là một công ty có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Dù chỉ mới gia nhập thị trường 5 năm, chúng tôi đã xây dựng thành công một hãng xe hiện đại, hoàn toàn làm chủ quy trình phát triển sản phẩm, chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất, cho ra thị trường các dòng xe đứng đầu phân khúc tham gia.
Đối tác của VinFast đều là những tên tuổi hàng đầu của công nghiệp ôtô thế giới như như ZF, Durr, Bosch, ABB, Pininfarina….
Mới đây nhất, VinFast đã xuất cảng lô xe điện đầu tiên sang Mỹ, sau chưa đầy một năm công bố chiến lược thuần điện khẳng định năng lực triển khai mạnh mẽ của doanh nghiệp.
– Vậy bà kỳ vọng gì về đợt IPO sắp tới?
– Mục tiêu của VinFast là niêm yết thành công tại Mỹ để hướng tới các cơ hội lớn hơn, tạo đà đưa VinFast phát triển ở tầm vóc toàn cầu.
– Trong cáo bạch VinFast nộp lên SEC có khoản lỗ lũy kế lên tới gần 4,7 tỷ USD tính đến ngày 30/9. Bà lý giải ra sao về khoản lỗ này?
– Không phải toàn bộ con số 4,7 tỷ USD là phản ánh đúng số lỗ thực tế của VinFast. Sự khác biệt về nguyên tắc hạch toán giữa Mỹ và Việt Nam dẫn đến các kết quả khác nhau. Đơn cử, khoản bị cho là lỗ – 1,879 tỷ USD – thực chất là chi phí nghiên cứu, phát triển (R&D) cho các mẫu xe VinFast.
Theo chuẩn kế toán Việt Nam, hầu hết các chi phí này được tính là khoản đầu tư dài hạn của doanh nghiệp và sẽ được khấu hao dần trong suốt vòng đời sản phẩm.
Tuy nhiên, khi áp dụng chuẩn mực kế toán Mỹ (US GAAP), các khoản này lại được hạch toán là chi phí ngay khi phát sinh dẫn đến lỗ luỹ kế bị đội lên.
Ngoài ra, trong tổng lỗ còn lại có khoảng 690 triệu USD là chi phí khấu hao. Đối với doanh nghiệp thì đây không được coi là lỗ, mà là một phần của khoản đầu tư ban đầu.
– Công ty còn khoản nợ lên tới 8,8 tỷ USD, trong đó nợ ngắn hạn là 5,3 tỷ USD và dài hạn là 3,5 tỷ USD. Điều này ảnh hưởng gì đến kế hoạch niêm yết tới?
– Về mặt bản chất, không phải toàn bộ 8,8 tỷ USD này là nợ, cụ thể thì có một số khoản phải trả không mang tính chất nợ. Ví dụ như có 2,092 tỷ USD là khoản phải trả phát sinh do giao dịch tái cấu trúc sở hữu nội bộ để VinFast Singapore có thể niêm yết tại Mỹ.
Sau khi IPO thành công, khoản phải trả này sẽ được tất toán giữa các công ty trong nhóm và VinFast sẽ không còn phải chịu nghĩa vụ này nữa. Nói cách khác, 2,092 tỷ USD này không phải nợ mà chỉ là một cơ cấu nội bộ cho mục đích tái cấu trúc phục vụ IPO.
Một ví dụ nữa, trong tổng “nợ” này còn có 603 triệu USD là nghĩa vụ phải trả cho giao dịch chuyển nhượng phần nhà xưởng (không bao gồm máy móc thiết bị) cho Công ty Đầu tư Bất động sản Công nghiệp Vinhomes (VHIZ).
Việc chuyển nhượng này nhằm tái cấu trúc hoạt động kinh doanh để phù hợp với quy hoạch chung về cấu trúc ngành nghề giữa các công ty thành viên trong Tập đoàn Vingroup.
Theo đó, VHIZ là công ty duy nhất hoạt động trong lĩnh vực phát triển và khai thác bất động sản công nghiệp. Với khoản này, thực tế VinFast đã nhận được tiền thanh toán chuyển nhượng nhà xưởng từ VHIZ và đang thực hiện trả tiền thuê định kì cho VHIZ theo hợp đồng thuê dài hạn.
Theo đó, khoản tiền nhận từ VHIZ từ giao dịch chuyển nhượng nhà xưởng được hạch toán là khoản phải trả trong tương lai theo hình thức thuê dài hạn nhiều năm.
Như vậy, nếu loại bỏ 2 khoản phải trả không có yếu tố nợ nêu trên, tổng phải trả của VinFast còn lại là 6,1 tỷ USD; trong đó nợ vay các tổ chức tín dụng là 3,077 tỷ USD, vay nội bộ là 1,313 tỷ USD, còn lại là các khoản phải trả phát sinh trong quá trình hoạt động và được cân đối với các khoản phải thu khác.
Chúng tôi hoàn toàn tự tin đủ sức khỏe tài chính để tiến ra thế giới. Đây sẽ là cơ hội lớn để VinFast nâng quy mô và đẳng cấp lên thành hãng xe điện toàn cầu, góp phần thúc đẩy tương lai của di chuyển.
Xem thêm bài liên quan
- Thế lực VinFast vọt lên 160 tỷ USD, chỉ sau một đêm, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đạt 55,8 tỷ USD, giàu thứ 3 châu Á
- Reuters: Bà Lê Thị Thu Thủy “nữ hổ tướng” thách thức ông trùm xe điện Elon Musk với đế chế Tesla hùng mạnh
- Bà Lê Thị Thu Thủy: VinFast sẽ hòa vốn ngay trong năm 2025, đặt mục tiêu đầy tham vọng thu hút khách hàng ở 50 thị trường, từ Mỹ cho tới Ấn Độ