Như mọi năm, nhiều người thường có kế hoạch mua xe cuối năm để phục vụ nhu cầu đi lại dịp Tết Nguyên đán nhưng năm nay đành phải chấp nhận tạm hoãn kế hoạch mua xe ô tô sang một thời điểm khác thích hợp hơn.
Tạm hoãn kế hoạch mua xe
Việc không thể tiếp cận vốn vay tín dụng ngân hàng cũng như mức lãi suất tăng quá cao đã khiến nhiều người trì hoãn kế hoạch mua xe ô tô dịp cuối năm 2022. Trong đó, không ít người mua ô tô trả góp trước đó đang gặp phải áp lực vì lãi suất tăng cao. Nhiều người đã phải bỏ cọc hủy kế hoạch tậu xế hộp vì lo không có khả năng trả nợ khoản vay này.
Anh Nguyễn Đình Dương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, gia đình anh có 2 con nhỏ lại ở tận miền Trung nên năm nay định mua xe ô tô để tiện về quê dịp nghỉ Tết nhưng vì lãi suất cho vay hiện ở mức cao nên đành tạm gác lại giấc mơ sở hữu xế hộp của mình.
“Tài chính gia đình có tầm 250 triệu gom góp cả năm định cuối năm mua chiếc xe cho tiện đi lại, nếu mua phải vay ngân hàng một khoản tầm 400 đến 500 triệu đồng từ ngân hàng rồi trả góp hàng tháng, nhưng hiện nay lãi suất quá cao nên phải gác lại kế hoạch này”, anh Dương nói.
Cùng ý định trên, anh Phan Văn Tâm (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết, anh gom được một số tiền khoảng hơn 400 triệu đồng, ý định mua 1 chiếc xe dòng SUV để tiện đi lại vào dịp Tết nguyên đán 2023, anh dự định vay ngân hàng khoảng 600 triệu đồng, nhưng hiện vì lãi suất ngân hàng đang tăng cao nên phải tạm hoãn kế hoạch mua xe lại.
Theo anh này, với tính hình lãi suất tăng cao như hiện tại, cùng việc các ngân hàng cho vay rất chặt chẽ nên để vay được tiền cũng khó, chưa biết thị trường sẽ biến động thế nào trong giai đoạn tới nên đành phải quyết định dừng việc mua ô tô đến một dịp thích hợp khác.
“Nếu như mua bây giờ với mức lãi suất vay cao sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tài chính của gia đình hàng tháng, mỗi tháng vợ chồng chỉ có thu nhập khoảng 30 triệu đồng, tiền sinh hoạt phí và cho con đi học nữa, nên nếu phải chi ra một khoản vượt mức 8 triệu để trả cho ngân hàng thì rất khó để duy trì”, anh này nói.
Lãi suất tăng cao
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Đức Hoàng, trưởng chi nhánh phòng giao dịch một ngân hàng ở khu vực Đống Đa cho biết, lãi suất cho vay mua ô tô hiện tại là khoảng trên 15%, nếu vay 400 triệu trong vòng 2 năm thì mỗi tháng khách hàng trả lãi 5 triệu đồng + 16,6 triệu tiền gốc, tổng mỗi tháng phải trả là 21,6 triệu đồng.
“Tuy nhiên, đây là thời điểm ngân hàng không còn nhiều room để cho vay, nên việc vay để mua xe ô tô không diễn ra nhiều như thời điểm trước, hơn nữa hồ sơ vay sẽ chặt chẽ hơn nhiều so với trước đây”, anh Hoàng nói.
Trong khi đó, theo khảo sát của phóng viên, tại các Showroom ô tô ở Hà Nội, nhiều nơi nhộn nhịp mua bán trước đây như khu vực Phạm Hùng, Nam Trung Yên, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Xiển nay khá vắng khách.
Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ showroom ở Bắc Từ Liêm cho biết, đây là thời điểm vào mùa giao dịch nhưng năm nay khá vắng lặng, do hoạt động cho vay mua ô tô từ các ngân hàng bị kiểm soát khá chặt chẽ, nên rất ít trường hợp mua xe trả góp mà chủ yếu là khách hàng có sẵn tiền mua và trả luôn 1 lần.
Ông Dũng cho biết, lãi suất tăng cao đã khiến nhiều người hoãn kế hoạch mua xe chờ lãi suất giảm, bởi phương án tài chính của họ bị ảnh hưởng khi lãi suất ngân hàng tăng cao, nếu vay các tổ chức tín dụng khác sẽ cao hơn mức 16 % nên khách hàng không mấy mặn mà thực hiện, kéo theo đó là hoạt động mua bán bị giảm xuống.
Đồng quan điểm trên, anh Bùi Nam Hưng, sale một showroom ở đường Nguyễn Xiển cho hay, thời điểm hiện nay giao dịch mua ô tô chùng xuống vì lãi suất tăng cao, nên nhiều khách hàng chưa mua mà có tâm lý chờ đợi thị trường giảm lãi suất.
Theo anh Hưng, thường cứ 10 người mua ô tô thì chỉ có 2/3 trong số đó có khả năng trả thẳng. Số còn lại là có nhu cầu được hỗ trợ vốn từ ngân hàng. Nhưng hiện nay, lãi suất tăng quá cao, lại khó giải ngân, nên lượng người mua xe tại đại lý giảm tới 25-30% so với mọi năm.
“Đây là dịp mà những năm trước thường rầm rộ giao dịch mua bán xe để kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại dịp Tết nguyên đán, nhưng năm nay khá trầm lắng do ngân hàng siết chặt cho vay tiêu dùng”, anh này nói.
Đại lý cũng than khó
Theo nhiều nguồn tin, số lượng khách mua ôtô dưới hình thức vay ngân hàng chiếm khoảng 30-40% khách hàng tại đại lý. Tuy nhiên khi trao đổi với phóng viên, một nhân viên bán hàng ước tính con số này có thể chiếm đến khoảng 60-70% lượng khách.
Do vậy trước tình trạng lãi suất tăng cao cùng động thái siết tín dụng từ ngân hàng, lượng khách mua xe theo ghi nhận từ đại lý đã giảm đáng kể.
“Từ thời điểm ngân hàng siết tín dụng là lượng khách đã giảm mạnh. Còn trên thực tế, khách hàng đã khó vay mua xe hơn kể từ giai đoạn giữa năm”, nhân viên này cho biết.
Trong khi đó một nhân viên hãng xe khác cho biết với tình hình hiện tại, những khách hàng không thể chứng minh thu nhập sẽ rất khó được ngân hàng chấp thuận khoản vay.
Người này cũng tiết lộ trong trường hợp đại lý hỗ trợ thực hiện hồ sơ vay thành công thì khách hàng cũng phải chấp nhận mất nhiều khoản phụ thu từ phía ngân hàng.
“Từ sau ngày 10/12, lãi suất vay mua ôtô còn có khả năng tăng lên cao hơn nữa”, nhân viên này nói khi trao đổi với phóng viên. Tuy nhiên, thông tin người này cung cấp vẫn chưa được xác thực.
Cũng theo nhân viên tư vấn, khách hàng chọn vay tại các ngân hàng nước ngoài sẽ được giải ngân sớm hơn và nhận lãi suất ưu đãi hơn. Tuy nhiên người này nhận định cả hai yếu tố vừa nêu đều sẽ bị ảnh hưởng sau thời điểm nói trên, bất kể ngân hàng trong nước hay nước ngoài.
“Ngân hàng siết việc cho vay mua xe, trong khi lượng khách hàng tìm đến hỗ trợ tài chính từ ngân hàng luôn chiếm tỷ trọng lớn khiến các đại lý rơi vào thế khó. Hiện tại, nhiều khách hàng khó mua được xe, còn đại lý vì thế cũng không bán được”, một nhân viên bán hàng nói.
Theo số liệu được Hiệp hội các Nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) công bố, toàn thị trường Việt Nam tiêu thụ 36.560 xe trong tháng 10, tăng 9,3% so với tháng 9 và cao hơn 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, ôtô du lịch đạt doanh số 28.230 xe, chiếm hơn 77% tổng lượng xe tiêu thụ toàn thị trường trong tháng 10. Ngoài ra còn có 8.003 xe thương mại và 327 xe chuyên dụng được các doanh nghiệp giao đến tay khách hàng.
Nếu tính từ đầu năm, doanh số toàn thị trường ôtô Việt đã chạm mốc 332.963 xe, tăng đến 52% so với 10 tháng đầu năm 2021.
Ô tô cũ ế ẩm, dân buôn “nghiến răng” cắt lỗ
Nếu như những tháng đầu năm 2022, thị trường ô tô cũ trở nên sôi động và nhộn nhịp, thậm chí là tạo ra sự “nghịch lý” về giá thì ở những tháng cuối năm, mọi thứ đang cho thấy một tình cảnh trái ngược.
Có thể nói, thị trường xe ô tô cũ ở thời điểm hiện tại đang khá trầm lắng. Nhiều cửa hàng kinh doanh xe cũ thường xuyên trong tình trạng cả tháng “ngồi chơi xơi nước”, còn may mắn gặp khách thì cũng chỉ bán được 1 – 2 xe.
Nguyên nhân là ở mảng xe mới, nhiều hãng đang liên tục tung ra ưu đãi, giảm giá để kích cầu trong giai đoạn cuối năm. Điều đó đã tác động mạnh đến thị trường xe cũ, đặc biệt ở phân khúc xe giá từ 800 triệu đến hơn 1 tỷ đồng hầu như không có khách ngó ngàng.
Theo tìm hiểu, thời điểm này khách hàng mua xe cũ chủ yếu là những người sử dụng tiền tích lũy nhưng bộ phận này không nhiều. Tệp khách hàng chính là người kinh doanh lại đang thắt chặt chi tiêu và gặp khó trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng. Giao dịch ảm đạm đã khiến nhiều người kinh doanh xe cũ đứng ngồi không yên khi vốn không được xoay vòng.