Đầu thế kỷ XX là thời điểm nền công nghiệp xe hơi bắt đầu phát triển trên thế giới và những chiếc xe hơi cũng nhanh chóng xuất hiện trên đường phố Việt Nam. Người Việt Nam đầu tiên sở hữu xe hơi chính là một chàng công tử nổi tiếng.
Chiếc xe hơi đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện tại Sài Gòn vào năm 1907. Tuy nhiên lúc bấy giờ, chủ sở hữu của chiếc xe là một người Pháp. Nói về người Việt Nam đầu tiên sở hữu ô tô, phải nhắc đến chàng công tử Châu Văn Tú, hay còn được biết đến là thầy Năm Tú.
Vốn sinh ra trong một gia đình giàu có, chàng công tử Châu Văn Tú được cho sang Pháp du học. Sau đó, chàng có quốc tịch Pháp mang tên Pierre Tú và rất sính đồ ngoại. Người ta biết đến chàng nhờ vào khả năng nói tiếng Pháp hay như hát, với âm vực mũi tỏ ra sang trọng.
Ông Châu Văn Tú, có tên Tây Pierre Tú, biệt danh thầy Năm Tú.
Đến khi quay về An Nam, chàng đòi sắm một chiếc ô tô đi rong chơi. Vì thế chàng đã mua ngay chiếc xe hơi thứ hai xuất xưởng tại Sài Gòn.
Như vậy, vào năm 1907, ông Tú chính thức trở thành người Việt Nam đầu tiên sở hữu ô tô. Chiếc xe theo ông đi khắp nơi, khi thì đi la cà đây đó với đám hát đờn ca tài tử, lúc thì chạy xe chở bạn đi khắp nơi.
Ông là người đầu tiên ở Mỹ Tho lập gánh hát cải lương mang tên “Ban hát Thầy Năm Tú – Mỹ Tho” một thời gây sôi nổi khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Giữa lúc đường phố Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ còn nhan nhản xe kéo tay, đào kép danh tiếng nay đã tìm lối “chơi sang” riêng cho mình, tiếp theo gương “thầy Năm Tú”, chiếc số 7 và số 8 về xứ “An Nam” là của ông Nguyễn Minh Tho ở Gò Công, số 10, số 11 và 12 là của ông Lê Phát Tân.
Ông Tân là em ruột ông Lê Phát Đạt biệt danh “Huyện Sỹ”, ông ngoại của Nam Phương Hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại. Thời đó, Báo Phụ Nữ Tân Văn số 207 ngày 6.7.1933 viết: “… Coi bộ trong ba người “An Nam” sắm xe hơi trước nhứt thì cũng đã thấy nhà giàu Nam Kỳ ta xài lớn. Xe mới có mà ông Tho mua một lần hai cái, ông Tân lại mua tới 3 cái một lần, xài lớn thiệt”.
Xe tay bên cạnh xe Tây ở Sài Gòn,đấy là những “anh Hai” chơi xe đầu tiên ở Nam Kỳ. Trung Kỳ có xe hơi năm 1913, người đầu tiên mua xe hơi đất Trung Kỳ là ông Nguyễn Văn Đương ở Thanh Hóa. Đây cũng là năm chiếc xe hơi đầu tiên xuất hiện tại Bắc Kỳ.
Ông Bạch Thái Bưởi ở Hà Nội là người đầu tiên có xe hơi xứ Bắc, xe hơi làm quen với vựa lúa Đông Dương đầu tiên là hiệu Clément rồi mới tới các hãng: Peugeot, Comtal, Griffon, Cottereau, Bolide, Panhard, Aleyon, Darracq, Diérich, Richard, De Dion, Berliet, Foullaren, Saving, Zidel…Cho đến năm 1920 thì hãng Citroen mới biết xứ Nam Kỳ và theo một số tài liệu còn lưu giữ lại, “… Năm mới có xe hơi ở đất Nam Kỳ thì trọn năm đầu bán được lối 14 cái. Năm thứ nhì lối 60 cái. Năm thứ ba lối 30 cái, năm thứ tư khoảng 50 cái. Mấy năm đầu thì cũng không lên xuống gì mấy.
Qua tới năm 1919 là lúc vừa xong cuộc Âu chiến lần thứ nhứt, thì số xe hơi nhập vào Sài Gòn bốc lên như lửa cháy. Đang ở số mấy chục, bỗng nhảy lên số mấy trăm. Năm 1920 tại Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ tính chung bán cũng được khoảng ba bốn trăm cái. Đến năm 1926, thì toàn cõi Đông Dương (Việt, Miên, Lào) cũng chưa tới một ngàn chiếc xe.”
Nói về thú chơi xe, vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn và cũng là của nước Việt Nam, tỏ ra “sành điệu” hơn cả, là một con rối về chính trị, nhưng Bảo Đại rất thành thạo các lĩnh vực ăn chơi, từ nhảy đầm, đánh gôn, đến sưu tầm ôtô, máy bay, du thuyền. Daniel Grandclément, tác giả cuốn Bảo Đại – Hay Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam hóm hỉnh so sánh sở thích của Vua Louis XVI nước Pháp với ông vua cuối cùng của triều Nguyễn:
“Louis XVI thì mê các ổ khóa, còn Bảo Đại thì thích hí hoáy hàng giờ với động cơ ôtô”, bộ sưu tập ôtô của Bảo Đại thời đó toàn những xe đắt tiền, ấn tượng và hiện đại nhất: 1chiếc Mercedes lớn, nặng 4 tấn, có kính dày 3 cm, vỏ chống được đạn 8 ly của tiểu liên và súng máy; 4 chiếc Limousine; 1 chiếc Citrôen động cơ bánh trước; những chiếc xe thể thao hiệu Ferrari hay Bentley. Ngoài ra ông còn là chủ sở hữu của nhiều máy bay và du thuyền.
Ông là người có năng khiếu, lái xe giỏi và nhanh, thoải mái, bình tĩnh mỗi khi tăng tốc độ, biết sử dụng tính năng của động cơ, không mất thời gian để gây ấn tượng như những tay chơi kiểu cách nhưng đôi khi cũng suýt gây tai nạn khi quành một chỗ rẽ.”
Trên đường phố “ngựa người, người ngựa”, những những phu xe oằn mình kéo xe tay, ông hoàng An Nam đã có Mercedes tung hoành, thế mới biết, chơi xe, sưu tập xe đâu chỉ là chuyện ở phương Tây mà đã nở rộ ở Việt Nam từ thời kỳ Pháp thuộc.