Doanh số xe bán tải Mazda BT-50 tại Việt Nam tăng hơn 100% so với tháng trước, trong khi đối thủ Mitsubishi Triton lại có doanh số giảm hơn 60%.
Thị trường xe bán tải trong tháng đầu năm ghi nhận tổng lượng xe được bán ra là 1.183 chiếc. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này giảm 552 chiếc, tương đương 31,82%.
Trong năm 2023, phân khúc xe bán tải phổ thông đã không còn Toyota Hilux.
Hiện tại chỉ có 5 mẫu xe là Ford Ranger, Mitsubishi Triton, Mazda BT-50, Isuzu D-Max và Nissan Navara. Mẫu xe Nissan Navara không được công bố doanh số.
Mitsubishi Triton bị Mazda BT-50 vượt mặt
Điểm nhấn phân khúc này trong tháng đầu tiên của năm đến từ sự cạnh tranh của 2 mẫu xe Nhật Bản, đó là Mitsubishi Triton và Mazda BT-50.
Sự suy giảm đáng kể về mặt doanh số của Triton so với tháng 12/2022 khiến mẫu xe này không còn giữ được vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng.
Cụ thể, Mitsubishi đã bán được 83 chiếc Triton trong tháng 1, giảm 125 chiếc so với tháng trước. Con số này thấp hơn khá nhiều so với mức 711 chiếc được bán ra thị trường thời điểm tháng 1/2022.
Đối thủ Mazda BT-50 lại tăng doanh số từ 42 chiếc lên 85 chiếc, tương đương 102%. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số này vẫn còn thấp hơn 35 chiếc.
Mitsubishi Triton từng được kỳ vọng sẽ tạo sức ép lên “ông vua” bán tải Ford Ranger, tuy nhiên màn thể hiện trong thời gian gần đây cho thấy mẫu xe này có phần hụt hơi.
Ở chiều ngược lại, mức tăng hơn 100% so với tháng trước là điều gây bất ngờ đối với Mazda BT-50 – mẫu xe từng nhiều lần xếp trong nhóm ôtô bán chậm nhất tháng.
Ford Ranger chiếm hơn 80% phân khúc
Tổng lượng xe Ranger được bán ra trong tháng 1 là 958 chiếc. Dù doanh số giảm hơn 1.466 chiếc so với tháng trước, Ford Ranger vẫn tạo được khoảng cách an toàn so với tất cả đối thủ trong phân khúc.
Không chỉ dẫn đầu phân khúc, mẫu xe bán tải của Ford còn gây bất ngờ khi giành được vị trí á quân toàn thị trường ôtô tháng 1.
Khả năng cao mẫu xe này sẽ tiếp tục trở thành xe bán tải bán chạy nhất phân khúc khi Ranger Raptor thế hệ mới sắp được mở bán.
Lợi thế của Ranger so với các đối thủ đến từ sự đa dạng phiên bản cũng như sức mạnh động cơ. Phiên bản Ranger Wildtrak cho công suất 210 mã lực và mô-men xoắn 500 Nm.
Những thông số này đều nhỉnh hơn Triton (181 mã lực, 430 Nm) hay Nissan Navara (190 mã lực, 450 Nm).
Hiện tại, Ford Ranger đang được bán với 6 phiên bản, trong đó có 2 phiên bản số sàn. Giá bán của mẫu xe bán tải này dao động từ 659 triệu đến 972 triệu đồng.
Cục diện thị trường cho thấy vẫn chưa có chiếc bán tải nào có thể cạnh tranh sòng phẳng với Ford Ranger tại thị trường Việt Nam.
Nhiều mẫu xe bán tải khan hàng, khách bị hoãn giao xe
Doanh số giảm chung theo đà rơi của thị trường, một số mẫu bán tải rơi vào tình trạng khan hiếm, hoãn giao xe tới nửa tháng.
Theo báo cáo VAMA tháng 1/2023, phân khúc xe bán tải tháng đầu năm tiêu thụ vỏn vẹn 1.210 chiếc, bởi 4 nhãn hiệu là Ford Ranger (985 xe), Mitsubishi Triton (85 xe), Mazda BT-50 (83 xe) và Isuzu D-Max (57 xe).
Các mẫu xe còn lại như Toyota Hilux hoặc Nissan Navara dừng bán hoặc không công bố doanh số. Tính chung phân khúc bán tải bị sụt giảm doanh số hơn 60%.
Đáng chú ý, mẫu xe bán tải của Ford chiếm đến 81,5% lượng tiêu thụ trong tháng của phân khúc đặc biệt này, và góp mặt tại vị trí á quân của Top 10 ô tô bán chạy nhất tháng 1 năm nay.
So với tháng trước Tết bán ra 2.424 xe Ford, lượng tiêu thụ tháng Tết giảm mạnh tới 60%, một phần là do kỳ nghỉ Tết nguyên đán, nhưng nguyên nhân quan trọng hơn là tình trạng khan hiếm xe.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một khách hàng đã đặt cọc mua xe Ranger XLS 6AT 4×2 tại đại lý Ford Thủ đô (đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, hợp đồng mua xe ghi rõ cam kết giao hàng trong tháng 2, nhưng nhân viên đại lý thuyết phục anh đợi thêm chục ngày đầu tháng 3, do khan hiếm.
Tính từ thời điểm đặt cọc (đầu tháng 2/2023), vị khách hàng này phải chờ đến 40 ngày mới được giao xe.
Trước đó anh tưởng rằng sau Tết sẽ là thời điểm thị trường “chùng xuống”, muốn lấy xe lúc nào cũng được.
Khảo sát ở một số đại lý khác trên địa bàn Hà Nội, các phiên bản cao cấp nhất Wildtrak 2.0 4×4 AT giá 965 triệu đồng là tương đối sẵn hàng, sẵn màu để khách chọn.
Còn các phiên bản “trong tầm tiền” như XLS 2.0 4×2 AT (688 triệu đồng), XLS 2.0 4×4 AT (756 triệu đồng) và XLT 2.0 4×4 AT (830 triệu đồng) lại phải chờ lâu, ít nhất là 3 – 4 tuần mới có xe giao.
Theo vị khách hàng, người mua xe bán tải đều là nam giới thích phom dáng vuông vức mạnh mẽ của Ranger thế hệ mới, tuy nhiên lại xu hướng chọn mua bản số tự động hơn là số sàn, cho nên các phiên bản vừa túi tiền như XLS số tự động 1 cầu và 2 cầu bán chạy nhất trong 6 phiên bản Ranger.
Tháng qua, doanh số phân khúc bán tải giảm (-60%) sâu hơn mức chung của toàn ngành (-51%), khiến các nhà sản xuất phải tính toán lại dự báo sức mua của những tháng tới.
Theo Zingnews, Tổng hợp
Xem thêm bài liên quan
- Doanh số bán tải: Ford Ranger gấp gần 10 lần Mitsubishi Triton trong tháng 11 tại Việt Nam
- “Tân binh” VinFast VF Wild có gì để cạnh tranh với các ông lớn thế giới trong phân khúc bán tải EV vốn đang ngày một “nóng” hơn?
- Điểm mặt những cái tên đã “gánh” thị trường xe Việt Nam trong năm 2023: Các “ông lớn” Nhật, Hàn, Mỹ đều góp mặt