Hãng xe điện Việt Nam VinFast đang đẩy nhanh kế hoạch thâm nhập thị trường Ấn Độ, với hai mẫu xe điện đầu tiên dự kiến trình làng vào năm 2025.
VinFast “rục rịch” đổ bộ thị trường Ấn Độ
Theo tờ Autocar India, VinFast, hãng sản xuất xe điện của Việt Nam, có khả năng sẽ thâm nhập thị trường Ấn Độ với hai mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc – một chiếc SUV cỡ nhỏ và một mẫu crossover hatchback – vào nửa sau của năm tài khóa 2025.
Các nguồn tin cho biết VinFast sẽ nộp đơn xin áp dụng chính sách xe điện mới do Chính phủ Ấn Độ công bố gần đây và tận dụng các lợi ích từ việc nhập khẩu một vài mẫu xe.
Truyền thông Ấn Độ hé lộ rằng trong số sáu mẫu xe điện mà hãng xe Việt đang phân phối trên toàn cầu, VinFast VF e34 và VF 5 là hai mẫu xe tiềm năng có thể được tung ra thị trường ngay trong năm tới.
Mặc dù được nhập khẩu nguyên chiếc, các mẫu xe này dự kiến sẽ có mức giá cạnh tranh. Chúng sẽ thách thức các đối thủ như Tata Motors, MG Motor và Mahindra, những tên tuổi lớn đang thống trị thị trường xe điện Ấn Độ.
VinFast VF 5 và VinFast VF e34 có gì?
Chiếc SUV điện cỡ nhỏ VinFast VF 5 có kích thước thấp hơn một chút so với đối thủ Tata Nexon EV, được trang bị gói pin 37.23 kWh với phạm vi hoạt động là 326 km.
Chiếc xe điện này có động cơ điện 136 mã lực, mô-men xoắn 135 Nm, dẫn động cầu trước và có khả năng tăng tốc từ 0 lên 100 km/h trong 10.9 giây.
Phiên bản bán ra ở thị trường nước ngoài được trang bị màn hình hiển thị kỹ thuật số 7.0-inch, màn hình cảm ứng thông tin giải trí 8.0-inch, sáu túi khí và công nghệ hỗ trợ lái ADAS.
Trong khi đó, VinFast VF e34 là một chiếc hatchback với thiết kế lai SUV – crossover, sở hữu chiều dài 4.3 mét.
VF e34 được trang bị gói pin 41.9 kWh cho động cơ điện 150 mã lực, mô-men xoắn 242 Nm và có phạm vi NEDC là 318.6km. Nội thất của phương tiện có màn hình cảm ứng lớn 10-inch và được phối hai tông màu beige và đen.
Kế hoạch sản xuất của VinFast tại Ấn Độ
Kế hoạch ban đầu của VinFast là nhập khẩu xe dưới dạng CBU, sau đó dần dần chuyển sang nội địa hóa (sản xuất tại Ấn Độ). Pin dự kiến sẽ được nhập khẩu từ nhà máy ở Indonesia.
Công ty hiện đang xác định chiến lược ra mắt thị trường và mạng lưới đại lý. Phản hồi với Autocar, ông Phạm Sanh Châu, CEO VinFast Ấn Độ không tiết lộ chi tiết nhưng cho biết VinFast cam kết cung cấp cho khách hàng Ấn Độ nhiều sản phẩm ô tô điện hàng đầu thế giới.
“Cách bán hàng linh hoạt của VinFast sẽ giúp khách hàng tiếp cận dễ dàng hơn. VinFast Ấn Độ hiện đang làm việc với các đối tác đại lý Ấn Độ để thiết lập mặt bằng showroom và mạng lưới bán lẻ trên khắp đất nước. Kế hoạch kinh doanh chi tiết sẽ được công bố vào thời điểm thích hợp,” ông Châu nói thêm.
Ngoài việc phục vụ thị trường Ấn Độ đang phát triển, VinFast cũng có thể tận dụng kinh nghiệm sản xuất dồi dào của mình để xuất khẩu xe ra toàn cầu.
Cơ sở sản xuất rộng 400 mẫu của VinFast tại Khu công nghiệp của Tổng công ty Phát triển Công nghiệp Tamil Nadu (SIPCOT), có vị trí gần cảng biển để thuận tiện cho việc xuất khẩu. Dự kiến nhà máy sẽ bắt đầu sản xuất các mẫu xe nội địa từ năm 2025.
Theo hoinhap.vanhoavaphattrien.vn
Hơn nửa số ôtô điện của “ông lớn” Tesla trên toàn cầu là xe “Made in China”?
Sản lượng tại nhà máy Gigafactory ở Thượng Hải (Trung Quốc) thường xuyên chiếm khoảng 51% tổng sản lượng xe điện Tesla trên toàn cầu.
Model 3 là một trong 2 mẫu xe được sản xuất tại nhà máy Gigafactory Thượng Hải. Ảnh: Car and Driver.
Theo InsideEVs, nhà máy Gigafactory của Tesla ở Thượng Hải (Trung Quốc) đang là nơi cung cấp phần lớn ôtô điện thương hiệu này cho khách hàng toàn cầu. Nhà máy này là một trong 4 cơ sở sản xuất ôtô điện của Tesla đang hoạt động trên khắp thế giới, bên cạnh các Gigafactory khác tại 2 tiểu bang California và Texas của Mỹ cùng một Gigafactory ở Berlin (Đức).
Dù Tesla chỉ báo cáo dữ liệu sản xuất toàn cầu chứ không đi sâu vào chi tiết về sản lượng của từng nhà máy, InsideEVs đã xem xét số liệu do Hiệp hội Ôtô du lịch Trung Quốc (CAAM) cung cấp và nhận ra hơn nửa ôtô điện thương hiệu Tesla trên thị trường được sản xuất tại nhà máy của hãng ở Thượng Hải.
Lấy ví dụ ở quý đầu năm nay, Tesla xác nhận đã hoàn thành sản xuất 433.371 xe điện trên phạm vi toàn cầu. Trong khi đó, sản lượng tại Gigafactory Thượng Hải theo dữ liệu do CAAM cung cấp là 220.876 xe trong cùng kỳ, tương đương gần 51% tổng sản lượng.
Thậm chí, InsideEVs cho hay nhà máy Gigafactory Thượng Hải đã duy trì tỷ trọng xấp xỉ 51% tổng sản lượng xe điện mà Tesla đạt được trong liên tiếp 7 quý gần nhất.
Duy nhất vào quý II/2022, cơ sở sản xuất này chỉ đóng góp 43,5% tổng sản lượng của hãng sản xuất xe điện nước Mỹ. Theo InsideEVs, sự sụt giảm này xuất phát từ những đợt đóng cửa tạm thời để nâng cấp của nhà máy Gigafactory Thượng Hải.
Lượng ôtô xuất xưởng từ Gigafactory Thượng Hải (màu xanh lá) luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng sản lượng xe điện Tesla. Ảnh: InsideEVs.
Dữ liệu nói trên cho thấy tầm quan trọng của Gigafactory Thượng Hải đối với Tesla. Được biết, cơ sở sản xuất ở Trung Quốc là nơi phụ trách xuất xưởng Model 3 và Model Y cho khách hàng tại đất nước tỷ dân, bên cạnh xuất khẩu đi các quốc gia châu Á, châu Âu, Canada, Australia cùng nhiều thị trường khác.
Gigafactory Thượng Hải được Tesla khởi công vào tháng 1/2019 và đến tháng 12 cùng năm, lô xe Model 3 đầu tiên sản xuất tại đây đã được bàn giao đến tay khách hàng. Cơ sở này sau đó được mở rộng để sản xuất thêm Model Y và Tesla đã chính thức bàn giao những mẫu Model Y “Made in China” cho khách hàng vào ngày 18/1/2021.
Báo cáo quý IV/2023 của Tesla cho thấy Gigafactory Thượng Hải đang là nhà máy sản xuất ôtô điện lớn nhất thế giới với công suất thường niên hơn 950.000 xe. Tính đến hết quý I năm nay, sản lượng tích lũy tại nhà máy này đạt khoảng 2,5 triệu xe, trong khi tổng số xe điện mà Tesla sản xuất từ trước đến nay rơi vào khoảng 6 triệu xe.
Gigafactory Thượng Hải có vai trò quan trọng với Tesla. Ảnh: Bloomberg.
Chuyên trang InsideEVs nhận định Gigafactory Thượng Hải có thể sẽ tiếp tục duy trì vai trò quan trọng với Tesla trong vòng vài năm kế tiếp. Nhà máy của hãng tại Đức chưa có kế hoạch mở rộng sản xuất, trong khi cơ sở sản xuất ở Texas (Mỹ) dường như được định hướng tập trung sản xuất các mẫu bán tải điện Cybertruck.
Hồi đầu năm, chuyên trang Car News China dẫn số liệu từ Hải quan Trung Quốc cho hay nước này đã hoàn thành xuất khẩu hơn 5,2 triệu ôtô trong năm 2023. Thành tích này giúp Trung Quốc chính thức vượt qua Nhật Bản để trở thành quốc gia xuất khẩu ôtô lớn nhất thế giới trong năm vừa rồi.
Năm ngoái, Chery là đơn vị xuất khẩu ôtô từ Trung Quốc nhiều nhất với tổng cộng 922.830 xe. Tesla Trung Quốc cũng đóng góp 344.078 xe vào sản lượng xuất khẩu chung của quốc gia tỷ dân trong năm 2023.
Theo: Znews
“Thùng tôn di động” Tesla Cybertruck liên tục gặp sự cố ngay sau khi bàn giao tới khách hàng, phải gọi cứu hộ
Sau vài km di chuyển, chủ nhân chiếc Tesla Cybertruck đã hiện thông báo lỗi, khiến chủ xe phải khởi động lại nhiều lần và kết thúc bằng việc gọi cứu hộ để đưa vào trung tâm sửa chữa của Tesla.
Vừa qua, một sự cố đáng tiếc đã xảy ra với chiếc Tesla Cybertruck ngay sau khi được bàn giao.
Sau hơn 1km di chuyển, chủ chiếc xe đã phải gọi cứu hộ vì cụm dây điện hạ áp bị lỗi. Vụ việc này tiếp tục làm dấy lên những lo ngại về chất lượng sản phẩm của Tesla, vấn đề mà thương hiệu này từng nhiều lần bị chỉ trích.
Thomas Remo, người dẫn chương trình của kênh YouTube Gear Down, đã trực tiếp trải qua sự cố này. Anh đã mời khán giả theo dõi quá trình nhận chiếc xe bán tải mới của mình. Sau vài phút khám phá các tính năng của xe, anh ấy ngồi lên ghế lái và cho xe di chuyển bình thường.
Khi đang đi trên phố, màn hình trung tâm của xe đã nhấp nháy đỏ cùng với tiếng kêu bíp liên tục. Tuy nhiên, Remo không lập tức quay lại showroom. Anh tiếp tục lái thêm một đoạn nữa trước khi chiếc xe bị hạn chế tốc độ chỉ còn vài km/h và buộc anh phải dừng lại. Sau khi khởi động lại, chiếc xe hoạt động bình thường và lỗi không xuất hiện nữa.
Thế nhưng, mỗi lần bật chế độ Beast (hiệu suất cao) của xe, chiếc Cybertruck lại rơi vào tình trạng cũ và điều này đã khiến Remo thực sự thất vọng. Lỗi này đã xuất hiện 5 lần trong quãng đường 71km đầu tiên, đến mức chủ xe đã quá quen với việc phải nhanh chóng khởi động lại chiếc xe giữa đường phố.
Tuy nhiên, Remo đã đánh giá sai về sự nghiêm trọng của vấn đề. Chiếc xe tải điện một lần nữa bị buộc dừng trong cơn mưa và anh lại phải tiếp tục gọi cứu hộ.
Trong tài liệu của Bộ phận dịch vụ của Tesla, vấn đề được mô tả liên quan đến cụm dây điện hạ áp kết nối với khu vực phụ trợ. Đội ngũ Tesla đã thay thế miễn phí và sau đó chiếc Cybertruck hoạt động bình thường trở lại .
Theo: Dan tri
Xem thêm bài liên quan
- Không phải Mỹ, đây mới là quốc gia mà lượng xe điện vượt xe xăng: Cứ 10 xe bán ra, có tới 9 chiếc là “xe xanh”
- Hơn nửa số ôtô điện của “ông lớn” Tesla trên toàn cầu là xe “Made in China”?
- Tài xế xe công nghệ chỉ cách tiết kiệm tới 350 triệu sau vài năm dùng xe điện VinFast chạy taxi: Không còn muốn quay về xe xăng nữa!