Theo một số nguồn tin, hãng xe Nhật Bản Toyota và Daihatsu đang nghiên cứu, phát triển một số động cơ mới cho Vios và các xe có nguyên bản là Vios để phục vụ thị trường Đông Nam Á.
Cung cấp sức mạnh cho Toyota Vios trong nhiều năm qua vẫn là động cơ hút gió tự nhiên 1.3L và 1.5L. Tuy nhiên, giờ đây, xe được chuyển sang khung gầm DNGA mới, nên việc nâng cấp động cơ là điều tất yếu.

Khả năng cao mẫu sedan hạng B này sẽ được trang bị động cơ 1.0L tăng áp phun xăng trực tiếp.
Thông số đồn đoán của động cơ mới là 110 mã lực và 200 Nm, tăng đáng kể so với mức 106/138 đơn vị của dòng 1.5L cũ. Sức mạnh của động cơ này thậm chí còn nhỉnh hơn “đối thủ” Hyundai Accent (100 mã lực) và Nissan Almera (98 mã lực).

Hiện tại, phía hãng xe Nhật Bản vẫn chưa lên tiếng xác nhận về thông tin trên.
Toyota Vios thế hệ mới nhất được trình làng từ năm 2022. Chính vì thế, người dùng có thể sẽ phải đợi ít nhất từ 1 – 2 năm nữa mới có phiên bản nâng cấp vòng đời. Đến khi đó, thông tin kia mới được xác thực.
Theo: Tuoitrethudo
Daihatsu sẽ bị cơ quan chức năng Nhật Bản thu hồi giấy phép sản xuất ô tô trong tháng 1/2024 sau khi dính bê bối về an toàn
Theo Nikkei Asia, Bộ Giao thông của Nhật Bản đang lên kế hoạch hủy bỏ các chứng chỉ để sản xuất ba mẫu xe ô tô của Daihatsu Motor (thương hiệu con của Toyota), sau khi dính bê bối về gian lận an toàn.
Hiện Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Vận tải và Du lịch của Nhật Bản đang bắt đầu thủ tục để hủy chứng chỉ sản xuất đối với các mẫu xe: Gran Max, TownAce (bán dưới thương hiệu Toyota) và Bongo (bán dưới thương hiệu Mazda). Sau khi chứng chỉ bị hủy, Daihatsu sẽ không thể sản xuất các phương tiện này.
Trên thực tế, để sản xuất các mẫu xe mới tại Nhật Bản, các công ty đều phải trải qua quy trình thử nghiệm nhằm đáp ứng các yêu cầu an toàn. Sau đó, công ty sẽ được cấp giấy chứng nhận để có thể sản xuất xe.
Tuy nhiên, nếu giấy chứng nhận này bị hủy bỏ, mẫu xe đó sẽ phải trải qua một quá trình kiểm tra lại thật nghiêm ngặt và nhà sản xuất không thể sản xuất hàng loạt cho đến khi được cấp lại chứng nhận.

Vụ bê bối của Daihatsu bắt đầu từ hồi tháng 5/2023, một đơn khiếu nại đã tố cáo công ty này gian lận trong các cuộc thử nghiệm an toàn va chạm bên hông.
Cụ thể, Daihatsu đã sai phạm trong bài kiểm tra có mã ký hiệu UN R135 mô tả các thử nghiệm khi xe bị một vật như cột điện (hoặc vật thể tương tự tác động vào thành xe) trên các mẫu xe Toyota Raize hybrid, Daihatsu Rocky hybrid.
Theo quy định, hãng cần phải tiến hành thử nghiệm va chạm cả bên sườn trái và sườn phải của xe. Sau đó, hãng phải nộp dữ liệu thử nghiệm va chạm của cả hai bên sườn.
Tuy nhiên, Daihatsu lại chỉ tiến hành thử nghiệm va chạm bên sườn phía ghế phụ lái (bên trái) và lấp liếm thành kết quả của hai bên sườn trái và phải.

Thời điểm đó, vụ gian lận khiến cho 78.440 xe bị ảnh hưởng, trong đó có 56.111 chiếc Raize hybrid và 22.329 chiếc Rocky hybrid bị ngừng bán tại Nhật Bản.
Kết quả điều tra của lực lượng chức năng sau đó còn phát hiện nhiều vấn đề bất thường mới ở 174 điểm trong 25 hạng mục thử nghiệm.
Hiện tổng số mẫu xe có liên quan đến bê bối là 64, trong đó có 22 mẫu được bán mang thương hiệu Toyota và một số mẫu mang thương hiệu Mazda, Subaru.
Ngày 25/12/2023, Daihatsu thông báo sẽ tạm thời ngừng sản xuất tại các xưởng trong nước cho đến ít nhất cuối tháng 1/2024.

Vụ bê bối bối này có thể khiến Daihatsu phải chịu thiệt hại hơn 100 tỷ yên (tương đương gần 17.000 tỷ VNĐ), bao gồm khoản chi phí đến từ việc đóng cửa nhà máy và bồi thường cho các nhà cung cấp.
Ngày 21/12, Toyota Việt Nam cho biết sẽ nhanh chóng kiểm tra, xử lý. Đồng thời, hãng cũng tạm dừng việc chuyển những lô xe có liên quan đến Daihatsu tới đại lý và thông báo chỉ có một mẫu xe bị ảnh hưởng là Avanza Premio phiên bản số sàn (MT).
Theo: Tuoitrethudo
Nhìn lại những bê bối ôtô lỗi, hỏng đáng chú ý nhất tại Việt Nam năm 2023: Từ Toyota, Hyundai đến Mercedes, Porsche
Hỏng hộp số Porsche Macan khi đi thay cản trước, Hyundai Tucson lỗi động cơ phải bổ máy và Daihatsu ‘đóng’ logo Toyota vướng bê bối gian lận an toàn… là những vụ việc khiến người dùng ôtô ‘ngao ngán’ nhất trong năm 2023.

Ôtô đang là phương tiện di chuyển phổ biến nhất, đây cũng là tài sản có giá trị lớn, đặc biệt những chiếc xe mới có giá cả tỷ đồng là ước mơ của nhiều người dùng, gia đình Việt.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp bỏ ra cả tỷ đồng, nhưng nhận lại những chiếc ôtô lỗi hỏng ở Việt Nam khiến cộng đồng người dùng “ngao ngán” vì mua phải “cục tức” vào thân.

Cuối 2022, chủ Porsche Macan đời 2016 Phạm Anh Tấn (TP HCM) đến Porsche Sài Gòn để thay thế cản trước. Khoảng một tuần sau, xe hiện hàng loạt lỗi trên màn hình, không thể vào số để di chuyển.
Ngay sau khi liên hệ hãng thì được hướng dẫn thêm dầu máy vào động cơ, nhưng lỗi không được khắc phục. Do cơ sở thông báo trong kỳ lễ Giáng sinh, không tiếp nhận xe, nên anh đưa xe ra garage tư nhân để kiểm tra.

Garage tư nhân cho rằng xe Porsche Macan bị lỗi nặng, khuyên mang đến cơ sở chính hãng để sửa chữa.
Sau khi qua lễ, Tấn mang xe qua Porsche Sài Gòn kiểm tra, được thông báo là chiếc Macan của anh chảy dầu hộp số, hư van điều khiển, chi phí sửa chữa hộp số là 600 triệu đồng. Anh Tấn cho rằng hộp số chỉ hỏng sau khi nằm tại xưởng chính hãng, trước đó không bị.

Phía Porsche Việt Nam cho rằng dựa vào các bất thường như dầu hộp số được thay thế không đúng chủng loại, ron đáy các-te dầu hộp số có dấu hiệu dán keo, cho nên “việc xe hỏng hộp số không thuộc phạm vi trách nhiệm của Porsche” nhưng theo chủ xe thì điều này không đúng.

Phía Porsche Việt Nam thừa nhận có sai sót trong quy trình tiếp nhận, sửa chữa và bàn giao xe của anh Tấn, nên đã đề nghị mức ưu đãi 40% giá trị sửa chữa.
Tuy nhiên, chủ xe vẫn không chấp nhận yêu cầu trên và cho biết đã gửi thẳng thư khiếu nại sang Porsche ở Đức. Sự việc đã được chủ xe gửi đơn kiện đến Tòa án và vẫn đang trong quá trình giải quyết.

Hyundai Tucson lỗi động cơ, chạy 20.000km đã phải bổ máy – Sự việc diễn ra vào giữa năm nay, một chiếc Hyundai Tucson 1.6 Turbo của khách hàng tại Lào Cai mới chạy 20.000km đã phải bổ máy do lỗi động cơ. Theo chia sẻ từ người dùng, chiếc xe bắt đầu có dấu hiệu bất ổn về động cơ từ tháng 3/2023.

Thời điểm đó, người dùng phát hiện xe không tăng tốc khi ông đạp chân ga và khoang máy phát ra tiếng kêu lạ.
Qua quá trình kiểm tra của nhân viên kỹ thuật đại lý Hyundai chính hãng, chiếc Hyundai Tucson này được kết luận dây cam động cơ bị hỏng, gây ra hiện tượng bó máy, yêu cầu phải bổ máy để sửa chữa những phần bị hỏng.

Đại diện Hyundai Lào Cao đưa ra đề nghị bổ máy chiếc Hyundai Tucson để khắc phục, nhưng chủ xe không đồng ý bởi sẽ mất giá trị xe.

Honda Civic bị sơn lại cửa, chủ xe được đổi mới thuộc sở hữu của khách hàng Trần Thiên Thông mua tại đại lý Honda Ô tô Sài Gòn – Võ Văn Kiệt. Sau khi nhận xe, khách hàng phát hiện màu sơn ở cửa sau bên lại có sự khác biệt với tổng thể màu xe

Nghi ngờ có vấn đề, anh Thông đã liên hệ với tư vấn bán hàng của đại lý Honda Ô tô Sài Gòn – Võ Văn Kiệt để kiểm tra. Tuy nhiên, đại lý cam kết không phải bị sơn lại, còn khách hàng giữ nguyên quan điểm.

Do đó, anh Thông đã khiếu nại với Honda Việt Nam và sau nhiều lần kiểm tra, phía nhà phân phối đã cử chuyên gia xác minh và kết quả xác định có sự chênh lệch màu sắc trên cánh cửa. Sau đó, Honda Việt Nam đã thay một chiếc Honda Civic RS tương ứng cho khách hàng và lo toàn bộ chi phí lăn bánh.

Toyota Wigo đi 2 năm “bổ máy” 2 lần vẫn không hết lỗi là trường hợp của anh Nguyễn Tuấn Hòa tại Quảng Nam. Anh mua chiếc Toyota Wigo tại Đà Nẵng vào năm 2021 nhưng từ đó đến năm 2023, xe liên tục bị lỗi động cơ kêu lạch cạch. Đại lý Toyota thực hiện bảo hành sửa chữa nhiều lần mà không khắc phục được hết lỗi.

Hãng Toyota lại đề nghị anh Hòa cho phép “bổ máy” lần 2 để thay thế thêm hàng loạt chi tiết như mặt quy lát, supap, lò xo supap, cò mổ cam, xích cam, dẫn hướng cam, tăng cam tự động, dẫn hướng cam,…
Các chi tiết này được lấy từ một động cơ khác chưa sử dụng. Mặc dù rất chán nản, anh Hòa một lần nữa đồng ý với hi vọng, việc “tân trang” động cơ xe sẽ khắc phục dứt điểm được sự cố.

Anh Hòa cho biết, bản thân là một lái xe chuyên chở khách, anh rất hoang mang khi phải chạy một chiếc xe lỗi động cơ, có nguy cơ bị hỏng hóc giữa đường bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, mỗi lần gác lại công việc đưa xe vào đại lý sửa là một lần mất thời gian, công sức và tiền bạc. Hiện anh chỉ muốn thay động cơ mới hoặc mong Toyota Việt nam mua lại chiếc xe để anh ổn định cuộc sống.

Trong số các thương hiệu ôtô đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, Mercedes-Benz là hãng xe thực hiện nhiều đợt triệu hồi nhất.
Số liệu được tổng hợp từ dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy hãng xe sang đến từ Đức đã triển khai đến 9 đợt triệu hồi xe trong năm 2023, với số lượng xe bị ảnh hưởng lên đến 8.866 xe.

Ngoại trừ ôtô điện, còn lại gần như hầu hết các dòng sản phẩm xe Mercedes-Benz tại Việt Nam đều gặp những vấn đề khác nhau dẫn đến việc phải triệu hồi để khắc phục.
Từ những mẫu sedan như C-Class, E-Class, S450 4 Matic, GLE, AMG GLE cho đến những dòng cao cấp như Maybach GLS480 hay thế hệ mới của CLC ra mắt hồi tháng 5 cũng dính lỗi, phải triệu hồi.

Daihatsu “đóng” logo Toyota vướng bê bối gian lận an toàn là sự kiện nhận được làn sóng dư luận dữ dội nhất vừa qua.
Cụ thể, Daihatsu đã gian lận trong các cuộc thử nghiệm an toàn va chạm vào tháng 4 liên quan đến 88.000 ôtô, hầu hết các xe được bán dưới thương hiệu Toyota và cuộc điều tra mới nhất cho thấy phạm vi bê bối lớn hơn rất nhiều.

Các hành vi gian lận trong thử nghiệm túi khí, các bài thử nghiệm tác động tới tựa đầu ghế và tốc độ thử nghiệm với một số mẫu xe đã được Daihatsu thực hiện từ năm 1989, nhưng đến sau 2014 thì bắt đầu phổ biến.

Ở Việt Nam, hiện những chiếc xe Daihatsu “đóng” logo Toyota đang bán có thể kể đến như: Toyota Wigo, Yaris Cross, Avanza Premio, Veloz Cross..
Tuy nhiên, Toyota Việt Nam hiện mới chỉ đưa ra thông báo Toyota Avanza Premio MT bị ảnh hưởng và ngừng bàn giao đến người dùng. Trong khi đó, những chiếc xe còn lại vẫn bị đặt dấu hỏi lớn.
Theo: Tri Thức & Cuộc Sống
Xem thêm bài liên quan
- Toyota Raize bất ngờ được “giải oan”: Không thuộc nhóm xe dính bê bối kiểm tra an toàn của Daihatsu
- Daihatsu sẽ bị cơ quan chức năng Nhật Bản thu hồi giấy phép sản xuất ô tô trong tháng 1/2024 sau khi dính bê bối về an toàn
- Triệu hồi 280.000 xe Toyota do lỗi hộp số khiến xe tự di chuyển, có cả “chuyên cơ mặt đất” Lexus LX600, Tundra, Sequoia