Thị trường xe ô tô điện chưa bao giờ “nhộn nhịp” đến thế, sau sự thành công của Tesla, hàng loạt thương hiệu tới từ châu Á dặc biệt là Trung Quốc, Việt Nam đang là mối lưu tâm đặc biệt với các hãng xe điện châu Âu.
Đại diện của Zeekr trao đổi với tờ Autocar và cho biết: “Mục tiêu của Zeekr là đạt doanh số hàng năm 650.000 xe tới năm 2025 và lọt vào Top 3 hãng xe điện cao cấp toàn thế giới”.
Theo nhận định của tờ Autocar (tạp chí ô tô lâu đời nhất thế giới) thì ta không nên ngó lơ tham vọng này; Zeekr là một trong những cái tên nổi lên trong danh sách đang ngày một nới rộng trực thuộc Geely, gồm các thương hiệu như Lotus, Lynk & Co, Polestar, Smart, Volvo…
Đã có nhiều câu hỏi đặt ra về việc làm cách nào để Zeekr có thể buôn bán ổn trong phân khúc xe điện cao cấp mà không tạo nên tác động lên các thương hiệu con cùng trực thuộc Geely. Zeekr cho biết: “Tất cả các thương hiệu [trực thuộc Geely] đều tìm kiếm các hợp tác để đối đa nguồn lực và tạo cho khách hàng những giá trị ngày một tốt hơn”.
Điều được cho là khiến Zeekr khác biệt so với anh em cùng nhà và thị trường được cho là quan điểm trong thiết kế xe. Thương hiệu mới chỉ 2 tuổi này được thành lập với câu slogan “Không làm xe điện tẻ nhạt nữa” [Nguyên văn: No more boring EVs]của trưởng thiết kế Stefan Sielaff (từng là giám đốc thiết kế ngoại thất của Audi).
Câu nói này có vẻ giống với câu nói của cựu CEO Toyota khi hãng quyết định thay đổi thiết kế xe của mình – No more boring cars [tạm dịch: Không làm xe tẻ nhạt nữa], nhưng những gì mà Zeekr muốn làm là một chiếc xe điện trông cao cấp, mang lại cảm giác cao cấp mà không cần trở nên xa xỉ.
Thiết kế được xem là cách Zeekr thoát khỏi cách phân biệt theo phân khúc (phụ thuộc vào kích thước xe) mà rất nhiều hãng khác đang làm theo.
Cho đến hiện tại, Zeekr có Zeekr 001 – mẫu xe dáng fastback có gốc từ một mẫu xe ý tưởng mang logo Lynk & Co; và Zeekr 009 – mẫu MPV có 2 góc sau xe vuông 90 độ, kèm lưới tản nhiệt mạ crom, bóng đến độ người đi ngược chiều có thể thấy chính họ trong đó.
Mẫu crossover hạng trung Zeekr X thì vừa được giới thiệu tháng trước với những đường nét dập nổi đủ sắc để gọt một quả táo, đi kèm những chi tiết thiết kế đủ để được coi là đối thủ vừa tầm với Volkswagen ID.3.
Một điều cần nhắc đến là studio thiết kế của Zeekr đặt tại Gothenburg, Thụy Điển, và Zeekr thì cảm thấy rằng đặt studio tại đây là một việc quan trọng nếu hãng muốn vươn ra khỏi lãnh thổ tỷ dân.
Chính vì lẽ đó, những mẫu xe vừa nhắc tới được kỳ vọng sẽ sớm xuất hiện trong các showroom khắp thế giới. Zeekr chưa muốn bàn cụ thể tới việc họ sẽ tới đâu ngoài Trung Quốc, nhưng trong một email gửi tới nhân viên mà đã bị lộ ra ngoài, họ cho biết châu Âu đang nằm trong tầm ngắm.
Truyền thông Trung Quốc thì đánh giá rằng lục địa già là điểm mấu chốt giúp Zeekr đạt được kế hoạch 140.000 xe trong năm nay – gấp đôi doanh số 70.000 chiếc trong năm 2022.
Các thị trường mà xe điện phát triển mạnh ở khu vực phía bắc châu Âu có lẽ là những nơi lý tưởng. Đó là Đức, Na Uy và Hà Lan – nơi được coi là “sân nhà” của BMW và Mercedes, và cũng là nơi mà Tesla đang dẫn đầu thị trường.
Zeekr cũng đã nộp hồ sơ tại Mỹ để chuẩn bị phát hành lần đầu (IPO). Thông tin này do Reuters đưa, cho biết rằng Zeekr đặt mục tiêu kêu gọi được 1 tỷ USD và đạt giá trị 10 tỷ USD – tăng lên từ 9 tỷ USD sau lần gọi vốn lần đầu năm 2021.
Những con số hàng tỷ này dường như là bảo chứng cho kế hoạch vươn ra thế giới mạnh mẽ; thế nhưng, Mỹ sẽ chưa phải là ưu tiên trong thời gian gần, theo như lời của CEO Andy An tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) hồi tháng 1 vừa rồi, rằng Zeekr sẽ không tham gia thị trường Mỹ.
Song, Zeekr vẫn hiện diện trên đất Mỹ trong thương vụ hợp tác với Waymo – đơn vị phát triển xe tự lái trực thuộc công ty mẹ của Google (Alphabet). Tháng 11/2022, Zeekr hé lộ rằng Waymo sẽ sử dụng nền tảng SEA-M – do Zeekr phát triển từ nền tảng của Geely – để phát triển robotaxi tại Trung Quốc.
Zeekr cho biết rằng nền tảng này sẽ có mặt trên nhiều sản phẩm trong tương lai, và họ cũng “sẵn sàng làm việc với những đối tác hàng đầu trên thế giới để khai phá tiềm năng”. Từ đây có thể suy luận rằng trong tương lai, có thể sẽ có nhiều mẫu xe tự hành được thiết kế dựa trên nền tảng của Zeekr, hoặc do Zeekr sản xuất.
Ông lớn ô tô điện số 2 thế giới xây nhà máy sản xuất linh kiện xe hơi tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức
Hãng xe Trung Quốc BYD đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy tại Việt Nam để sản xuất linh kiện ô tô. 3 nguồn tin thân cận với kế hoạch này đã hé lộ thông tin với tờ Reuters.
Đây là động thái nhằm giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc và tăng cường chuỗi cung ứng ở khu vực Đông Nam Á trong kế hoạch mở rộng toàn cầu của hãng BYD.
Theo 1 trong 3 nguồn tin kể trên, khoản đầu tư vào miền Bắc nước ta sẽ lên đến hơn 250 triệu USD nhằm tăng cường sự hiện diện của công ty mẹ BYD ở Việt Nam, nơi đơn vị điện tử của hãng này đang sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời.
Động thái của BYD một lần nữa cho thấy một xu hướng ngày càng phổ biến của các nhà sản xuất ô tô, đó là giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc giữa những căng thẳng thương mại với Mỹ và sự gián đoạn sản xuất do lệnh giãn cách xã hội để chống đại dịch Covid-19 của chính quyền Bắc Kinh trước đó.
Hiện hãng BYD vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về thông tin này. Đặt trụ sở tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, BYD bán được nhiều ô tô điện hơn đối thủ Tesla ở thị trường Trung Quốc trong năm ngoái.
Nếu tính trên thị trường toàn cầu, BYD là hãng ô tô điện bán chạy thứ 2, chỉ sau Tesla. BYD hiện còn đang mở rộng sang thị trường châu Á, bao gồm cả Singapore, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia,… và châu Âu.
Hãng xe có sự chống lưng của tỷ phú Mỹ Warren Buffett hiện sản xuất cả xe plug-in hybrid và ô tô thuần điện. Tương tự Tesla, BYD cũng kiểm soát phần lớn chuỗi cung ứng của mình, bao gồm cả việc sản xuất pin. Đây là chiến lược giúp BYD khác biệt so với những hãng ô tô tiếng tăm.
Vào hồi tháng 9 năm ngoái, BYD đã công bố sẽ sản xuất ô tô điện ở Thái Lan với công suất hàng năm 150.000 xe từ năm 2024.
Bằng việc đầu tư vào Việt Nam, BYD hi vọng sẽ tăng sản lượng, kiểm soát chi phí và đa dạng hóa dây chuyền sản xuất chứ không chỉ tập trung vào Trung Quốc – thị trường lớn nhất của hãng.
Theo các nguồn tin, BYD vẫn đang trong quá trình tìm kiếm địa điểm đặt nhà máy tại Việt Nam. Một nguồn tin cho biết nhà máy có thể sẽ được khởi công vào giữa năm nay.
Hiện chưa rõ nhà máy của BYD tại Việt Nam sẽ sản xuất loại linh kiện nào, có bao gồm pin hay không. Chỉ riêng khoản đầu tư dự kiến của BYD và dự án trị giá 400 triệu USD của hãng sản xuất màn hình kỹ thuật số BOE đã bằng 1/4 tổng số vốn 2,5 tỷ USD mà các công ty Trung Quốc rót vào Việt Nam trong cả năm ngoái.
Các công ty Mỹ như Apple và nhà cung cấp của họ, ví dụ như Foxconn của Đài Loan và Luxshare của Trung Quốc, cũng đang tìm kiếm địa điểm sản xuất thay thế. Việt Nam là một trong những lựa chọn hàng đầu của các công ty này.
Nguồn tin thứ hai cho biết, BYD dự kiến sẽ thuê khoảng 80 hecta đất công nghiệp trong khi đơn vị điện tử của hãng thuê 60 hecta. Nhà máy ở Việt Nam sẽ xuất khẩu linh kiện sang nhà máy lắp ráp ô tô BYD tại Thái Lan.
Theo một nguồn tin, dây chuyền sản xuất tại Việt Nam có thể cũng sẽ phục vụ cả thị trường địa phương, chủ yếu thông qua dịch vụ bảo dưỡng và phụ tùng thay thế cho xe BYD nhập khẩu từ Trung Quốc.
Như vậy, BYD sẽ trở thành đối thủ trực tiếp của VinFast – hãng xe điện Việt Nam đã bắt đầu bán xe từ năm 2019 và lên kế hoạch mở rộng sang Mỹ, châu Âu.
Theo: Thể thao & Văn hóa
Xem thêm bài liên quan
- Các “ông lớn” châu Âu đang gặp nhiều khó khăn để chống lại sự “bành trướng” của xe điện Trung Quốc đang phát triển thần tốc
- Những hãng xe bán chạy nhất tại “thị trường tỉ dân” Trung Quốc: Xe nội địa vẫn áp đảo phần còn lại
- Lỗ tới 850 triệu cho mỗi xe bán ra nhưng start-up đến từ Trung Quốc này vẫn khiến ngành xe Mỹ, Âu phải “đau đầu”