Sau chuỗi tăng giá 6 ngày liên tiếp, cổ phiếu VFS của VinFast bất ngờ quay đầu giảm mạnh. Đóng cửa thị trường, cổ phiếu VFS của VinFast đã mất gần 44%, khiến giá trị vốn hoá của VinFast “bốc hơi” 84 tỷ USD chỉ sau một ngày. Tài sản tổng của ông Phạm Nhật Vượng cũng biến động theo.
Cổ phiếu VFS mất hơn 44%, giá trị vốn hoá của VinFast giảm 84 tỷ USD
Ngay từ đầu giờ sáng ngày 29/8, trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa, cổ phiếu VFS của VinFast trên sàn Nasdaq (Mỹ) đã lao dốc xuống còn 75,25 USD/cổ phiếu, tương ứng giảm gần 9% so với mức giá đóng cửa 82,35 USD/cổ phiếu trong ngày 28/8.
Đây được xem là tín hiệu cho thấy giới đầu tư đang tiến hành chốt lời cổ phiếu VFS sau đà tăng kéo dài 6 ngày liên tiếp vừa qua. Trong các phiên giao dịch trước, cổ phiếu của hãng xe điện Việt Nam đều tăng vọt ngay trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa.
Bước vào phiên giao dịch chính thức của ngày 29/8, giá mở cửa của cổ phiếu VFS đạt 74,52 USD/cổ phiếu. Cổ phiếu VFS nhanh chóng “chìm trong sắc đỏ”, giảm xuống chỉ còn quanh mốc 54 USD/cổ phiếu chỉ sau 60 phút giao dịch. Tại quanh ngưỡng này, xuất hiện lực cầu “bắt đáy” giúp thị giá cổ phiếu VFS dần ổn định.
Tuy nhiên, lực cầu dần yếu đi trước áp lực bán gia tăng mạnh mẽ, khiến cổ phiếu VFS tiếp tục lao dốc trong suốt thời gian giao dịch buổi chiều.
Đóng cửa phiên giao dịch chính thức ngày 29/8, cổ phiếu VFS chỉ còn đạt 46,25 USD/cổ phiếu, giảm 43,84% so với mức giá đóng cửa ngày 28/8, với thanh khoản đạt 10,68 triệu đơn vị. Qua đó, chấm dứt mạch tăng giá “ấn tượng” kéo dài 6 ngày vừa qua.
Đà giảm của cổ phiếu VFS diễn ra trái ngược với xu hướng chung của thị trường chứng khoán Mỹ. Trong ngày 29/8, chỉ số Nasdaq Composite đã tăng hơn 1%, chỉ số Dow Jones Industrial Average tăng 0,85%, thậm chí chỉ số S&P 500 đã tăng tới 1,45% – mức tăng cao nhất trong vòng gần 3 tháng trở lại đây khi giới đầu tư phản ứng tích cực với các dữ liệu kinh tế mới của Mỹ.
Với mức thị giá hiện nay, tổng giá trị vốn hoá thị trường của VinFast đã mất hơn 84 tỷ USD chỉ sau một ngày giao dịch, xuống còn 107,4 tỷ USD. Tuy nhiên, VinFast vẫn đang tiếp tục giữ vị trí Top 3 hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới (sau Tesla và Toyota) về giá trị vốn hoá thị trường.
Giới đầu cơ rút đi là nguyên nhân khiến cổ phiếu VFS lao dốc?
Đà tăng vọt của 1 cổ phiếu “tân binh” như VinFast đã khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế ngỡ ngàng và cảm thấy có phần kỳ lạ. Thậm chí, hãng tin Bloomberg từng nhận định việc đặt cuộc chống lại cổ phiếu VinFast (bán khống) là một quyết định đầy rủi ro.
Mặc dù có hơn 2,3 tỉ cổ phiếu VFS được lưu hành, nhưng hiện chỉ có khoảng 4,5 triệu cổ phiếu VFS được tự do giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ (free float). Do tỷ lệ free float của cổ phiếu VinFast rất thấp, các nhà bán khống (short sellers) sẽ phải chịu mức chi phí rất cao nếu muốn đi vay cổ phiếu này. Ngoài ra, tỷ lệ free float thấp đồng nghĩa chỉ 1 động thái nhỏ của 1 nhà đầu tư riêng lẻ cũng sẽ khiến giá cổ phiếu biến động mạnh.
Theo hãng phân tích dữ liệu S3 Partner, các nhà bán khống đủ dũng cảm để đặt cược cổ phiếu VinFast sẽ lao dốc đã thua lỗ gần 1 triệu USD (trên giấy tờ) kể từ khi VinFast chính thức niêm yết trên sàn Nasdaq. Tuy nhiên, với việc giá cổ phiếu VFS mất gần 44%, giới bán khống cổ phiếu này có thể đã bù đắp được phần nào khoản lỗ nói trên, thậm chí bắt đầu ghi nhận lợi nhuận.
Đáng chú ý, khối lượng giao dịch một phiên thời gian gần đây của cổ phiếu VFS hiện đang cao hơn từ 2 – 3 lần lượng cổ phiếu free loat. Qua đó cho thấy giới đầu tư đang “quay vòng” giao dịch cổ phiếu VFS ở mức rất cao. Điều này có thể cuốn theo sự giao dịch của các nhà đầu cơ và gây ra các biến động lớn đối với cổ phiếu VFS.
Theo nhận định của một số chuyên gia phân tích, trong các thương vụ đầu cơ thông thường, khi các nhà đầu cơ rút đi hoặc tiến hành chốt lời thì động lực tăng giá của một cổ phiếu sẽ nhanh chóng “nguội dần” và thị giá của cổ phiếu đó sẽ khó duy trì được mức cao.
Với cú giảm mạnh của cổ phiếu VinFast trên sàn Nasdaq, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, chủ VinFast giảm nhanh chóng từ mức 66 tỷ USD trong phiên liền trước xuống còn 39 tỷ USD, xếp thứ 30 trên thế giới, xếp thứ 3 châu Á và số 1 Đông Nam Á.
Sau phiên 29/8, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã xuống dưới tỷ phú Chung Thiểm Thiểm – Zhong Shanshan (61,7 tỷ USD tính tới 29/8) và ông trùm dầu khí và bán lẻ Mukesh Ambani của Ấn Độ (người có 94,3 tỷ USD).
Dù vậy, ông Vượng vẫn đứng ở vị trí giàu số 1 Đông Nam Á, trên 3 tỷ phú giàu nhất Indonesia, gồm 2 anh em Budi Hartono và Michael Hartono. Tới hết 29/8, R. Budi Hartono có 25,9 tỷ USD; Michael Hartono có 24,8 tỷ USD và Low Tuck Kwong có 26 tỷ USD.
Theo danh sách của Forbes, ông Vượng vẫn đang giàu hơn người giàu nhất Nhật Bản là ông chủ Uniqlo Tadashi Yanai và gia đình (có 34,2 tỷ USD tính tới hết ngày 29/8), người giàu nhất Thái Lan (14 tỷ USD), người giàu nhất Singapore (14 tỷ USD) và người giàu nhất Malaysia (11 tỷ USD).
Ông Vượng cũng xếp trên người giàu nhất Hàn Quốc là Chủ tịch Samsung Jay Y. Lee (8,4 tỷ USD) và một số doanh nhân tên tuổi khác của Trung Quốc như Mã Hóa Đằng (Ma Huateng) – Tencent (34,9 tỷ USD hay Mã Vân (Jack Ma) – Alibaba (25,7 tỷ USD).
Bloomberg vẫn chưa đưa ông Phạm Nhật Vượng trở lại danh sách 500 tỷ phú USD hàng đầu thế giới của tạp chí này.
Trong nước, tính tới hết ngày 29/8, Việt Nam vẫn có 6 tỷ phú USD theo bảng danh sách Forbes. Xếp sau ông Vượng là ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát) với khối tài sản 2,3 tỷ USD (tăng 100 triệu USD so với ngày 28/8).
Chủ tịch VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo hiện sở hữu khối tài sản 2,1 tỷ USD. Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh có 1,6 tỷ USD. Ông Trần Bá Dương Thaco và gia đình sở hữu khối tài sản 1,5 tỷ USD. Ông chủ Masan Nguyễn Đăng Quang có 1,2 tỷ USD.
Nguồn: tapchicongthuong
CEO VinFast “khoe” lợi thế của xe điện Việt Nam trên đất Mỹ: Tiếp cận 73.000 cổng sạc, đủ khả năng “đánh đông dẹp bắc”?
Theo tiết lộ của CEO VinFast bà Lê Thị Thu Thủy, hãng xe điện VinFast có thể kết nối với hơn 73.000 cổng sạc trên đất Mỹ. Đây sẽ là một lợi thế không nhỏ của hãng xe điện Việt Nam tại thị trường khó tính này.
Vào ngày 22/08 vừa qua, trong chương trình “First Move with Julia Chatterley” của CNN, CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy đã có một cuộc trò chuyện kéo dài 11 phút.
Khi được hỏi về những khó khăn mà hãng đang phải đối mặt như giá hoặc hệ thống trạm sạc, bà Thủy khẳng định: “Hệ thống trạm sạc của Mỹ tới nay đã và đang phát triển rộng rãi. VinFast có thể kết nối với hơn 73.000 cổng sạc tại Mỹ.
Với sự phát triển của hệ thống trạm sạc và hệ thống đối tác hiện có, chúng tôi tự tin đây không phải vấn đề lớn”.
Theo thống kê từ Bộ năng lượng Mỹ, tính đến ngày 23/08, quốc gia này hiện đang có 64.249 trạm sạc với số lượng cổng sạc ước tính đạt khoảng hơn 166.000 cổng.
Nếu con số cổng sạc mà VinFast có thể tiếp cận lên tới hơn 73.000 cổng, đồng nghĩa với việc xe điện của hãng đã tiếp cận gần 1 nửa số cổng sạc hiện có trên đất Mỹ.
VinFast vẫn chưa tiết lộ các kế hoạch cụ thể để tiếp cận hệ thống trạm sạc tại Mỹ. Trước đó, hồi tháng 4/2022, hãng mới chỉ công bố màn hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ sạc Electrify America.
Electrify America cho biết công ty hiện có 822 trạm sạc tại Mỹ (sắp mở thêm 108 trạm mới) với hơn 3.5000 cổng sạc nhanh. Dẫu vậy, đây vẫn là một con số không đáng kể so với lượng cổng sạc mà CEO VinFast mới tiết lộ.
Bởi vậy, rất có thể hãng ô tô điện Việt Nam sẽ gia nhập liên minh NACS (Tiêu chuẩn sạc Bắc Mỹ) do Tesla phát triển. Hiện đã có Ford và GM tham gia.
Theo đó, Tesla sẽ cho phép người dùng xe điện Ford và GM sử dụng toàn bộ hệ thống trạm sạc siêu nhanh (Supercharger) của hãng tại Mỹ.
Tesla hiện đang là công ty có hệ thống trạm sạc lớn thứ hai tại Mỹ với gần 6.000 trạm và 28.000 cổng sạc. Trong số đó, trạm sạc siêu nhanh chiếm 1.600 trạm với 17.000 cổng sạc nhanh.
Tuy nhiên, các xe điện muốn sử dụng hệ thống trạm sạc của Tesla sẽ phải chuyển đổi đầu sạc CCS sang chuẩn sạc NACS. Các chuyên gia cho biết việc chuyển đổi này không gây quá nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, VinFast có thể hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ sạc khác như ChargePoint, EVgo, Greenlots hay Francis Energy.
Hiện tại, hệ thống trạm sạc tại Mỹ cũng đang ngày một phát triển, dự sẽ lên đến 500.000 cổng sạc vào năm 2023.
Ngoài vấn đề trạm sạc, VinFast cũng cần giải “bài toán” doanh số tại thị trường này. Bà Thủy cho biết hãng sẽ áp dụng mô hình hybrid, tức là sử dụng đồng thời hệ thống bán lẻ riêng của thương hiệu cùng với hệ thống của các nhà phân phối.
Theo CEO Lê Thị Thu Thủy, VinFast đã nhận được khoảng 10.000 đơn hàng và VF9 chiếm đến 2/3 trong số đó.
Về năng lực sản xuất, bà Thủy khẳng định nhà máy tại Việt Nam có thể xuất xưởng 300.000 xe/năm và sẽ mở rộng lên đến 950.000 xe/năm.
Ngoài ra, nhà máy tại Mỹ có thể đạt công suất 150.000 xe/năm khi đi vào hoạt động từ năm 2025.
Theo hoinhap.vanhoavaphattrien.vn
Xem thêm bài liên quan
- Cổ phiếu VFS liên tục “lập đỉnh” mới trên sàn chứng khoán Mỹ mở ra cơ hội gọi vốn cho VinFast
- Cổ phiếu VinFast tiếp tục “lập đỉnh” mới, vốn hóa xấp xỉ 160 tỷ USD, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau “ông lớn” Tesla
- Tesla của tỷ phú Elon Musk khẩn cầu khách hàng thôi “đừng test độ chịu đựng” của “thùng tôn di động” Cybertruck nữa