Không chỉ là mức định giá cao nhất từ trước đến nay dành cho một công ty đến từ Việt Nam, hãng xe điện VinFast được kỳ vọng là người “khai mở” ra cánh cửa sang Mỹ cho các công ty Việt Nam khác, trong bối cảnh nhiều đơn vị cũng có nhu cầu tìm đến một thị trường vốn có quy mô lớn hơn.
Ngày 15/08, cổ phiếu VFS của VinFast Auto Pte. Ltd. – công ty con do Tập đoàn Vingroup nắm 51,52% – chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq Stock Market LLC (Nasdaq) sau khi hợp nhất với công ty SPAC Black Spade Acquisition Co.
Theo thoả thuận hợp nhất giữa VinFast và Black Spade, sau giao dịch, công ty hợp nhất sẽ có mức định giá lên đến hơn 27 tỷ USD.
Không chỉ là mức định giá cao nhất từ trước đến nay dành cho một công ty đến từ Việt Nam, với sự kiện này, VinFast được kỳ vọng là người mở cánh cửa sang Mỹ cho các công ty Việt Nam khác, trong bối cảnh nhiều đơn vị cũng có nhu cầu tìm đến một thị trường vốn có quy mô lớn hơn.
Sự ra đời của VinFast – bước ngoặt từ kinh doanh bất động sản sang sản xuất ô tô của Vingroup – là một sự bất ngờ và đầy những nghi ngờ. Kế hoạch niêm yết trên sàn Mỹ càng gặp nhiều nghi ngờ hơn nữa. Có thời điểm tưởng chừng kế hoạch này đã thất bại. Nhưng cuối cùng VinFast cũng thành công đem chuông đi đánh sàn ngoại.
Nhìn lại, hành trình “go global” của VinFast là một hành trình bài bản bắt tay cùng những đối tác “xịn sò” trong ngành tài chính cũng như trong chuỗi cung ứng ô tô để rút ngắn thời gian đến với người tiêu dùng và nhà đầu tư quốc tế.
Ở thương vụ hợp nhất của VinFast và Black Spade, cố vấn sáp nhập và mua lại cho VinFast là Chardan Capital Markets, LLC (Chardan) và cố vấn tài chính cho Black Spade là Jones Trading Institutional Services.
Chardan được thành lập từ năm 2002 với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư (investment bank). Có trụ sở chính tại Thành phố New York, Chardan hiện là thành viên của FINRA, SIPC, NASDAQ và NYSE Arca, Inc.
Theo thông tin tự giới thiệu, đơn vị đã tham gia bảo lãnh, cố vấn và tài trợ cho hơn 170 thương vụ liên quan tới SPAC với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 38 tỷ USD.
Chardan cho biết cũng đã hỗ trợ huy động vốn cho 54 đợt IPO SPAC quốc tế, với giá trị giao dịch hơn 4,1 tỷ USD và 27 thương vụ sáp nhập SPAC quốc tế, với giá trị giao dịch hơn 10 tỷ USD.
Trong hoạt động kinh doanh, VinFast hợp tác với Autonomy – Công ty cho thuê xe lớn nhất nước Mỹ để khách hàng Mỹ có thể trải nghiệm VinFast sớm và nhanh nhất. Autonomy đã đặt hàng 2.500 chiếc xe từ VinFast, đưa VinFast thành công ty sản xuất ô tô của Việt Nam đầu tiên bán sản phẩm tại thị trường Hoa Kỳ.
Autonomy không phải là công ty đầu tiên mở dịch vụ cho thuê xe theo gói đăng ký, cho phép khách hàng không cần sở hữu một chiếc xe ô tô mà vẫn có quyền sử dụng thông qua một khoản phí định kỳ.
Tuy nhiên, với hai nhà điều hành cực kỳ chất lượng là Scott Painter – người từng sáng lập ra công ty cho thuê xe cũ theo gói là Fair và Georg Bauer – một kỹ sư từng làm việc cho Tesla, Autonomy rất nhanh trở thành một trong những công ty cho thuê xe theo gói đăng ký lớn nhất tại Mỹ.
Không chỉ cung cấp nhiều dịch vụ lý tưởng cho người sử dụng, Autonomy còn giúp khách hàng được lái những chiếc ô tô đời mới nhất.
Tự xây dựng hệ thống phân phối của mình tại châu Âu và Mỹ, VinFast liên tục thành lập ra các công ty thành viên và nhà máy, với vai trò phân hóa trong 3 mảng chính là bán hàng, R&D và sản xuất.
Theo đó, tháng 11/2021, VinFast chính thức đưa vào hoạt động trụ sở chính của chi nhánh Mỹ, đặt tại khu vực Playa Vista – được mệnh danh là “Bãi biển Silicon” của bang California với rất nhiều các công ty công nghệ hoạt động.
Sau Mỹ, Công ty TNHH Sản xuất & Kinh doanh VinFast lần lượt đưa các chi nhánh tại Pháp, Đức, Hà Lan, Canada, Úc vào vận hành.
Sau khi phát triển mạng lưới bán hàng rộng khắp châu Âu và châu Mỹ, VinFast đã tổ chức lễ xuất khẩu lô ô tô điện thông minh đầu tiên, gồm 999 chiếc VF 8 ra thị trường quốc tế.
VinFast cũng đã chi rất nhiều tiền vào công tác nghiên cứu và phát triển (R&D). Mạng lưới R&D ở nước ngoài được VinFast thiết lập thông qua nhóm công ty đặt tại Mỹ để đẩy mạnh phát triển công nghệ pin và trạm sạc để sử dụng cho các dòng xe điện, tiến đến mục tiêu trở thành một trong những hãng xe điện thông minh và tiện ích nhất thế giới.
Về vốn vay, tháng 7/2022, VinFast Singapore đã ký kết thoả thuận khung với hai định chế tài chính quốc tế Credit Suisse và Citigroup, nhằm huy động tối thiểu 4 tỷ USD cho nhà máy của hãng tại Bắc Carolina (Mỹ).
Trước đó vào cuối tháng 3/2022, VinFast và chính quyền bang Bắc Carolina (Mỹ) đã công bố ký kết ghi nhớ về việc xây dựng nhà máy sản xuất đầu tiên của VinFast tại thị trường Bắc Mỹ.
Ngay sau công bố xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Mỹ, VinFast tiếp tục công bố hợp tác với Electrify America – một trong những công ty sở hữu trụ sạc nhanh lớn nhất tại Mỹ.
Electrify America sở hữu 800 trạm sạc xe điện và khoảng 3.500 cổng sạc riêng lẻ đang hoạt động và trong giai đoạn hoàn thiện. Công nghệ sạc siêu nhanh của Electrify America bao gồm các bộ sạc 150kW và 350kW – tốc độ sạc nhanh nhất hiện nay với thời gian sạc chỉ từ 30 phút.
Theo Nhịp sống thị trường
Ông Phạm Nhật Vượng – Người sáng lập VinFast sắp “nhảy vọt” hơn 300 bậc, tiến sát top 100 tỷ phú giàu nhất hành tinh?
Theo đánh giá từ trang tin uy tín bậc nhất thế giới Bloomberg, tài sản ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Người sáng lập ra VinFast có thể tăng thêm 11 tỷ USD nhờ VinFast, từ mức 5 tỷ USD lên 16 tỷ USD.
Theo dữ liệu mới nhất của Forbes, tính tới ngày 14/8, ông Phạm Nhật Vượng có khối tài sản đạt 5,8 tỷ USD, đứng thứ 471 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh.
Ngày mai, nhà sản xuất xe điện Việt Nam, VinFast, sẽ IPO thông qua sáp nhập với một công ty SPAC do ông trùm sòng bạc Lawrence Ho thành lập. Thỏa thuận này sẽ mang lại cho VinFast định giá ở mức 23 tỷ USD.
“Nếu suôn sẻ, đây sẽ là giao dịch mua lại công ty có mục đích đặc biệt lớn thứ ba trong lịch sử và trên giấy tờ, tài sản của ông Vượng có thể tăng từ khoảng 5 tỷ USD lên tới 16 tỷ USD”, theo tính toán Bloomberg Billionaires Index.
Ông Vượng và Vingroup mới đây cũng đã cam kết sẽ rót thêm nguồn tài chính tỷ USD cho công ty này.
Vừa qua, VinFast cũng vừa khởi công dự án nhà máy sản xuất xe điện giai đoạn 1 tại hạt Chatham, Bắc Carolina (với vốn đầu tư 2 tỷ USD), đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng thị trường.
Hồ sơ pháp lý cho thấy ông Vượng sẽ kiểm soát 99% cổ phần sau khi sáp nhập, một phần thông qua cổ phần do vợ ông là bà Phạm Thu Hương và Vingroup nắm giữ. Tỷ phú sòng bạc Ho và nhánh đầu tư của ông, cùng với một nhóm người khác có liên kết với công ty SPAC, sẽ nắm giữ số cổ phần còn lại.
Với tốc độ tăng tài sản nhanh như vừa qua và nếu đúng như theo dự báo của Bloomberg, ông Vượng có thể sẽ tiến sát tới top 100 người giàu nhất hành tinh.
Tính tới ngày 14/8, tỷ phú giàu thứ 107 và 108 thế giới là ông Leonard Lauder người Mỹ và ông Micheal Platt người Anh, sở hữu tài sản 16 tỷ USD
Nếu tài sản lên mức 16 tỷ USD, ông Vượng sẽ lọt top 110 tỷ phú giàu nhất.
Thống kê vào ngày 14/8, Việt Nam có 6 tỷ phú USD theo Forbes. Đứng đầu là ông Phạm Nhật Vượng.
Đứng thứ hai là tỷ phú Trần Đình Long, với tài sản 2,4 tỷ USD. Thứ ba là tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện sở hữu khối tài sản 2,2 tỷ USD. Tỷ phú Hồ Hùng Anh có khối tài sản 1,6 tỷ USD.
Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và gia đình sở hữu khối tài sản 1,5 tỷ USD. Cuối cùng là ông Nguyễn Đăng Quang với tài sản 1,3 tỷ USD.
Theo Nhịp sống thị trường
Xem thêm bài liên quan
- Báo hàng đầu nước Mỹ nhận định: “Kế hoạch niêm yết của VinFast đang đi đúng hướng”
- Sếp VinFast lên sóng trực tiếp, cổ phiếu VFS “đạp ga” tăng gần 140% vượt xa đỉnh cũ, giá trị công ty tiến sát ngưỡng 100 tỷ USD
- Chủ tịch VinFast bà Lê Thị Thu Thủy bất ngờ khi cổ phiếu của VinFast “tăng thẳng đứng” trên sàn Nasdaq