Fisker vừa cho ra mắt mẫu bán tải điện đầu tiên của thương hiệu, bất chấp những chỉ số kinh doanh khá khiêm tốn trong thời gian vừa qua.
Nhà sản xuất Fisker, đối thủ chính của Vinfast tại thị trường xe điện Mỹ vừa chính thức thông báo ra mắt mẫu bán tải thuần điện đầu tiên của mình. Chiếc xe mang đậm hơi hướng tương lai và hãng xe Mỹ cực kỳ tự tin về sản phẩm mới của mình.
Là một thương hiệu khởi nghiệp gần như cùng thời điểm khi Vinfast gia nhập cuộc chơi của ngành ô tô tại Mỹ, song thời gian vừa qua, Fisker đã có những báo cáo tài chính khá khiêm tốn, cho thấy sự hụt hơi của họ trong bối cảnh thị trường còn những khó khăn nhất định ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế.

SUV điện Ocean – sản phẩm đầu tiên và là chủ lực của Fisker hiện nay trên thị trường. Ảnh: Fisker
Mẫu SUV điện Ocean, sản phẩm đầu tiên và là mũi nhọn phân phối chủ lực của hãng vừa chính thức được xuất xưởng và bàn giao tới tay những khách hàng đầu tiên trong năm 2023 này.
Bên cạnh đó, nhằm nhanh chóng có thể có những bước tiến mạnh hơn nữa và thoát khỏi tình hình tài chính ảm đạm hiện nay, Fisker tiếp tục cho ra mắt Alaska, mẫu bán tải thuần điện đầu tiên và cũng là một phân khúc xe điện còn ít đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Theo nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành, ông Henrik Fisker cho rằng, mẫu bán tải Alaska sẽ mang đậm hơi hướng sang trọng lẫn thể thao. Nói cách khác, nó sẽ giống như “một chiếc Ferrari bán tải” chạy hoàn toàn bằng điện.
Khi được hỏi về mẫu xe mới, Henrik chia sẻ thêm rằng đây sẽ là một sản phẩm với khoang hành khách rộng rãi, dựa trên mẫu SUV Ocean của hãng nhưng sẽ bổ sung thêm 4 tính năng độc đáo khác và một số tính năng chưa từng có trên những mẫu bán tải trước đây.

Đồ họa 3D mẫu Fisker Alaska chuẩn bị được ra mắt. Ảnh: SRK.
Quý I năm 2023, doanh thu của Fisker chỉ đạt tổng cộng 198.000 đô la, giảm hơn 35% so với doanh thu quý IV năm 2022, đưa các chỉ số về tài chính của hãng đạt mức báo động.
Bên cạnh đó, tính tới tháng 5 năm 2023, dây chuyền sản xuất của Fisker mới chỉ chế tạo và bàn giao được tới tay khách hàng đúng 55 chiếc SUV Ocean. Đây đều là các dấu hiệu không khả quan dành cho công việc kinh doanh của hãng xe điện khởi nghiệp này và họ thực sự cần những cú huých để lấy lại tinh thần, một trong số đó chính là ra mắt mẫu bán tải điện Fisker Alaska mới.
theo Carscoops
VinFast chính thức sáp nhập với công ty Hông Kông, có mức định giá hơn 23 tỷ USD và tiếp tục kế hoạch IPO tại Mỹ!
VinFast Auto Pte. Ltd. và Black Spade Acquisition Co công bố thỏa thuận sáp nhập doanh nghiệp. Sau giao dịch, VinFast có mức định giá hơn 23 tỷ USD và tiếp tục kế hoạch niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.
Theo đó, việc sáp nhập với Black Spade là một trong những bước tiến quan trọng trong kế hoạch niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ của VinFast.
Sau sáp nhập, công ty hợp nhất sẽ có giá trị khoảng 27 tỉ USD. Trong đó, giá trị vốn chủ sở hữu là 23 tỉ USD, chưa bao gồm số tiền sẽ quy đổi từ 169 triệu USD tiền mặt tín thác.
Giao dịch dự kiến sẽ kết thúc trong năm 2023 sau khi nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý và cổ đông, cũng như các điều kiện hoàn tất khác theo thông lệ. Sau giao dịch, các cổ đông hiện hữu của VinFast sẽ sở hữu 99% trong công ty sau sáp nhập.

Bà Lê Thị Thu Thủy – Tổng Giám đốc VinFast cho biết: “VinFast đã chứng tỏ khả năng thâm nhập thị trường quốc tế nhanh chóng. Việc hợp tác với Black Spade và đưa VinFast niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ sẽ là một cột mốc phát triển quan trọng đối với Vingroup, mở ra cơ hội huy động vốn lý tưởng cho quá trình phát triển toàn cầu hóa của chúng tôi”.
Ông Dennis Tam – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Black Spade nhấn mạnh: “VinFast đã thể hiện năng lực triển khai và vận hành xuất sắc thông qua việc xây dựng một cơ sở sản xuất có công suất lên đến 300.000 xe điện mỗi năm và ra mắt dải xe điện chất lượng cao, thiết kế đẳng cấp chỉ trong 3 năm.
Với sự hỗ trợ của Vingroup, một trong những tập đoàn lớn nhất tại Việt Nam, VinFast có vị thế thuận lợi để nắm bắt xu hướng sống xanh cùng xe điện và chúng tôi đánh giá cao tiềm năng phát triển trong tương lai của VinFast tại Việt Nam và trên toàn cầu”.
Như vậy, sau nhiều thay đổi, VinFast đã lại trở lại với phương án niêm yết tại Mỹ qua cửa “SPAC”.
SPAC – Special Purpose Acquisition Company (Công ty mua lại có mục đích đặc biệt) là mô hình không mới, nhưng gây sốt trên thị trường tài chính Mỹ từ khi bắt đầu của làn sóng hồi phục sau COVID-19.
Bản chất SPAC là một công ty séc trắng, họ “không có gì ngoài tiền” của các nhà đầu tư. Sau khi SPAC niêm yết, họ đi tìm kiếm các công ty để sáp nhập. Như trong trường hợp này của VinFast, Black Spade chính là ‘SPAC’ được chọn.
Theo giới thiệu của Vingroup, Black Spade được tài trợ bởi Black Spade Capital hiện đang điều hành một danh mục đầu tư bao gồm nhiều khoản đầu tư xuyên biên giới.

VinFast thành lập năm 2017, là thành viên của Tập đoàn Vingroup với tầm nhìn trở thành thương hiệu xe điện thông minh thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng xe điện toàn cầu. VinFast sản xuất và xuất khẩu dải SUV điện, xe máy điện và xe buýt trên khắp Việt Nam, Bắc Mỹ và Châu Âu. Nhà máy VinFast tại Hải Phòng có mức tự động hóa lên tới 90%, công suất giai đoạn 1 là 300.000 ô tô/năm.
Từ năm 2022, VinFast chuyển sang thương hiệu thuần điện. Đến nay, VinFast đã bàn giao các mẫu xe điện VF e34, VF 8, VF 9 và VF 5 tới khách hàng Việt Nam. Hãng cũng đã xuất khẩu các lô xe VF 8 đầu tiên sang Bắc Mỹ và trở thành hãng xe điện quy mô toàn cầu.
Black Spade niêm yết trên sàn chứng khoán NYSE, Mỹ. Công ty được thành lập bởi Black Spade Capital hiện đang điều hành một danh mục đầu tư bao gồm nhiều khoản đầu tư xuyên biên giới.
Thông tin bổ sung về đề xuất hợp nhất, bao gồm bản sao của thỏa thuận sáp nhập, sẽ được cung cấp trong Báo cáo Hiện tại trên Mẫu 8-K do BSAQ nộp cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ (“SEC”) ngày 12/05/2023 tại www.sec.gov và sẽ được phát hành trên trang quan hệ nhà đầu tư của VinFast tại www.vinfastauto.com .
Thông tin chi tiết về đề xuất hợp nhất cũng sẽ được mô tả trong bản tuyên bố ủy quyền của BSAQ và bản cáo bạch của VinFast liên quan đến sự kết hợp kinh doanh nộp cho SEC.
Bloomberg: Hãng xe điện VinFast được nhận thêm 2,5 tỷ USD từ tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Vingroup ngay trước thềm IPO vào Mỹ
Theo Bloomberg, ông Phạm Nhật Vượng, người sáng lập Vingroup, sẽ đích thân trao 1 tỷ USD cho VinFast trong năm tới. Ngoài ra, Vingroup sẽ cung cấp cho VinFast khoản vay lên đến 5 năm trị giá 1 tỷ USD. Vingroup cũng sẽ cấp cho VinFast 500 triệu USD.
Năm 2019, ông Vượng từng cho biết sẽ dành 2 tỷ USD tài sản cho VinFast.

Khoản tài trợ và cho vay trị giá 2,5 tỷ USD này sẽ tạo thêm nguồn lực để thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho VinFast, đẩy nhanh tốc độ phát triển để nhanh chóng đạt được mục tiêu tăng trưởng trên phạm vi toàn cầu, Vingroup cho biết trong thông cáo.
Cũng theo Bloomberg, VinFast đang xem xét tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) tại Mỹ ngay trong quý 2 năm nay. Trong khi đó, việc sản xuất xe điện của VinFast tại Mỹ dự kiến không bắt đầu cho đến năm 2025.
Các thông tin được đưa ra trong bối cảnh nhà sản xuất ô tô Việt Nam tăng cường nỗ lực thâm nhập thị trường nước ngoài. VinFast có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở Bắc Carolina và đã vận chuyển lô xe điện thứ hai đến Bắc Mỹ vào ngày 16/4. Công ty cũng lên kế hoạch giao xe tại Mỹ vào tháng 5, đến Canada vào tháng 6 và gửi những chiếc xe đầu tiên đến châu Âu vào tháng 7.

Đợt giao hàng thứ hai tại Bắc Mỹ và Canada của VinFast diễn ra khi nhà sản xuất ô tô non trẻ này đang cố gắng tạo dựng chỗ đứng tại các thị trường nước ngoài cạnh tranh khốc liệt.
Theo thông tin từ Bloomberg, ông Phạm Nhật Vượng có giá trị tài sản ròng khoảng 4,1 tỷ USD, là chủ tịch của Vingroup, một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, công viên giải trí và có một trường đại học.
VinFast được ông Vượng thành lập vào năm 2017. Tính đến cuối năm ngoái, Vingroup cùng các công ty con và các bên cho vay bên ngoài đã “bơm” khoảng 8,2 tỷ USD vào VinFast, theo hồ sơ trước IPO của VinFast.

Ông Vượng trực tiếp sở hữu 18,12% cổ phần của Vingroup, theo số liệu của Bloomberg. Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, hay VIG, trong đó ông Vượng có khoảng 92% cổ phần, nắm giữ 33% cổ phần của Vingroup.
Ông Vượng không trực tiếp nắm giữ bất kỳ cổ phần nào trong VinFast, nhưng tính đến ngày 30/9, Vingroup sở hữu 51,5% cổ phần của VinFast, VIG nắm giữ 33,5% cổ phần của công ty và Công ty TNHH Thương mại & Đầu tư Ngôi sao Châu Á có 15% cổ phần.
Xem thêm bài liên quan
- Hãng xe điện Mỹ đứng trên bờ vực “tăm tối” khi âm thầm gửi email cho nhân viên “có thể sắp bị sa thải ngay trong tháng sau”
- Mẫu bán tải hybrid của “ông lớn” đến từ Trung Quốc BYD chính thức lộ diện, có thể sẽ về Việt Nam?
- Truyền thông quốc tế: “VinFast VF Wild vừa ra mắt thể hiện tham vọng thống trị thị trường xe bán tải điện tại Mỹ”