Chẳng những là thương hiệu mới với người Mỹ, VinFast VF8 còn không được khấu trừ thuế theo đạo luật giảm lạm phát của chính phủ nước sở tại.
Vào hồi tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký đạo luật giảm lạm phát (Inflation Reduction Act – IRA) trị giá 430 tỷ USD. Đạo luật này được ra đời nhằm giải quyết các vấn đề về khí hậu, giảm giá thuốc theo đơn và giảm lạm phát. Trong đó, có hơn 300 tỷ USD được đầu tư cho lĩnh vực khí hậu.
Kể từ ngày 1/1/2023, đạo luật này đã chính thức có hiệu lực, giúp hàng loạt mẫu ô tô điện tại thị trường Mỹ được hưởng tín dụng thuế liên bang mới, lên đến 7.500 USD. Tín dụng thuế ô tô điện về cơ bản là chương trình ưu đãi, trợ giá của chính quyền liên bang, được thiết kế nhằm khuyến khích người dân mua xe thân thiện với môi trường. Mức khấu trừ đối với xe hybrid hoặc ô tô điện sẽ tùy theo dung lượng pin.
Tuy nhiên, để được khấu trừ thuế, ô tô điện tại thị trường này phải đáp ứng một số tiêu chí như sản xuất ở Bắc Mỹ, có giá không quá 80.000 USD đối với xe van, SUV, bán tải và dưới 55.000 USD đối với xe con. Bên cạnh đó, xe phải sở hữu ít nhất 40% vật liệu có nguồn gốc từ Mỹ hoặc từ các đối tác làm ăn với Mỹ.
Tiêu chí tiếp theo là sở hữu dung lượng pin ít nhất 7 kWh và trọng lượng tổng dưới 6.350 kg. Đồng thời, người mua xe được hưởng ưu đãi cần có thu nhập không quá 150.000 USD đối với cá nhân và 300.000 USD đối với cặp vợ chồng.
IRA còn bổ sung một số yêu cầu về quá trình sản xuất pin nhưng chưa áp dụng. Bộ Tài chính Mỹ đã trì hoãn việc áp dụng hướng dẫn về pin ít nhất đến tháng 3 năm nay.
Có thể thấy, ô tô điện của VinFast bán tại Mỹ không đáp ứng được tiêu chí đầu tiên, đó là nơi sản xuất. Nguyên nhân là bởi những chiếc VinFast VF8 đầu tiên cập bến thị trường Mỹ trong tháng 12 năm ngoái được sản xuất tại Việt Nam.
Điều này sẽ gây bất lợi không nhỏ cho VinFast VF8 ở thị trường Mỹ vì chẳng những đến từ thương hiệu xa lạ với người tiêu dùng địa phương mà còn không được trợ giá.
Lô xe gồm 999 chiếc VinFast VF8 đầu tiên đến Mỹ đều thuộc phiên bản City Edition. Không được bán ở Việt Nam, VinFast VF8 City Edition dành cho Mỹ cũng có 2 bản trang bị là Eco và Plus.
Giá bán tương ứng của 2 phiên bản này là từ 55.000 USD và 62.500 USD, chưa bao gồm 1.200 USD chi phí vận chuyển, giao xe. Hiện hãng VinFast đang áp dụng chương trình ưu đãi 3.000 USD cho khách hàng mua mẫu xe này.
Sau đây là danh sách những mẫu ô tô điện dự kiến sẽ được hưởng tín dụng thuế liên bang mới tính đến thời điểm này:
– Ford E-Transit
– Ford F-150 Lightning
– Ford Mustang Mach-E
– Chevrolet Bolt EV
– Chevrolet Bolt EUV
– Nissan Leaf
– Rivian R1S
– Rivian R1T
– Tesla Model 3 Model 3 RWD
– Tesla Model 3 Long Range
– Tesla Model Y AWD
– Tesla Model Y AWD Long Range
– Volkswagen ID.4
Ngoài ô tô điện, xe plug-in hybrid cũng thuộc diện được khấu trừ thuế theo đạo luật mới, ví dụ như Ford Escape Plug-in Hybrid, Lincoln Aviator Grand Touring hay Lincoln Corsair Grand Touring. Do đó, danh sách những mẫu xe được hưởng tín dụng thuế liên bang mới tại thị trường Mỹ sẽ còn kéo dài.
Hiện nay, có nhiều thương hiệu như Hyundai, Kia, Mazda, Mercedes-Benz, Mitsubishi, Subaru và Toyota chưa sản xuất ô tô điện tại thị trường Mỹ nên không xuất hiện trong danh sách.
Riêng Mercedes-Benz đang sản xuất mẫu ô tô điện EQS tại nhà máy ở Mỹ nhưng mẫu xe này có giá vượt ngưỡng 55.000 USD nên không được khấu trừ thuế. Trong khi đó, một số hãng xe như Hyundai và Kia đã công bố kế hoạch lắp ráp xe tại Bắc Mỹ trong thời gian tới.
Bản thân thương hiệu xe Việt VinFast cũng dự định sẽ lắp ráp ô tô điện tại Mỹ từ năm 2024. Trong năm ngoái, VinFast và bang North Carolina đã ký kết ghi nhớ về việc xây dựng nhà máy với mức đầu tư 2 tỷ USD trong giai đoạn 1.
Nhà máy này được đặt ở khu công nghiệp Triangle Innovation Point thuộc hạt Chatham, bang North Carolina, và có diện tích khoảng 800 ha.
Sau khi nhận giấy phép xây dựng, giai đoạn 1 được khởi công trong năm 2022. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào vận hành từ tháng 7/2024 với công suất giai đoạn 1 đạt 150.000 xe/năm. Các mẫu xe đầu tiên của VinFast được lắp ráp tại nhà máy này là VF8 và VF9.
Để được bán tại Mỹ, VinFast VF8 phải đáp ứng những điều kiện gì?
Mỹ hiện là thị trường xe hơi lâu đời, khó tính và lớn thứ hai thế giới ở thời điểm hiện tại. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi những mẫu xe như VinFast VF8 phải đáp ứng nhiều điều kiện để được bán ở thị trường này.
Là thị trường xe hơi lâu đời và khó tính nên Mỹ luôn là mục tiêu mà các hãng xe trên toàn thế giới muốn chinh phục. Khi một mẫu xe được phép bán tại Mỹ, ví dụ như VinFast VF8 mới cập cảng California, cũng đồng nghĩa nó được công nhận về chất lượng, khả năng vận hành cũng như mức độ an toàn. Vậy để được bán tại Mỹ, VinFast VF8 phải đáp ứng những điều kiện gì?
Đầu tiên, phải nhắc lại rằng Mỹ không tham gia vào Hiệp định thống nhất các quy định kỹ thuật cho phương tiện có bánh xe của Liên Hợp Quốc. Các nước phát triển ô tô lớn trên thế giới như Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản và Hàn Quốc đều tham gia Hiệp định này. Do đó, Mỹ có một số quy chuẩn riêng, áp dụng cho cả xe sản xuất nội địa lẫn xe nhập khẩu.
Tất cả các mẫu xe đều sẽ phải tuân thủ các quy định của Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NHTSA). Vì vậy, để được bán tại Mỹ, xe phải được thử nghiệm bởi NHTSA để đánh giá mức độ an toàn.
Những tiêu chuẩn cơ bản của NHTSA
Mức độ an toàn của một chiếc xe sẽ được NHTSA đánh giá sau đó xếp hạng theo tiêu chuẩn từ 1 đến 5 sao. Mức 5 sao là tốt, 4 sao là trên trung bình, 3 sao là trung bình, 2 sao là dưới trung bình và 1 sao là kém. Về cơ bản, một chiếc xe sẽ được thị trường Mỹ chấp thuận khi đạt được chứng nhận an toàn 4 sao.
NHTSA bắt đầu thử nghiệm khả năng bảo vệ hành khách trên xe của phương tiện trong va chạm trực diện vào năm 1978. Tới năm 1996, các bài đánh giá an toàn với va chạm bên hông đã được bổ sung vào quy trình thử nghiệm. Năm 2000, NHTSA đưa vào quy định bắt buộc thử nghiệm phương tiện về khả năng chống chịu va chạm do lật xe.
Năm 2013, nhằm giúp ngăn ngừa sự cố xảy ra khi lùi xe, NHTSA đưa hệ thống camera lùi vào danh sách công nghệ được khuyến khích trang bị. Các xe sản xuất từ năm 2018 trở đi bán tại Mỹ bắt buộc phải có camera lùi. Hệ thống phanh khẩn cấp tự động cũng được NHTSA khuyến khích trang bị từ năm 2016 và năm 2022 trở thành tính năng bắt buộc.
Ngoài ra, theo quy định của NHTSA, xe bán tại Mỹ phải có đèn vàng ở hai bên hông, có thể đặt vào đèn pha hoặc bên cạnh hốc bánh trước tùy theo thiết kế thẩm mỹ của từng hãng.
Đồng hồ trên xe phải có khả năng hiển thị theo hệ MPH (dặm/giờ). Xe bán tại Mỹ cũng không được phép mở tính năng xem video và phải có khả năng đọc tin nhắn thành lời khi đang di chuyển. Bên cạnh đó, còn có một số tiêu chuẩn khác về ghế ngồi đối với xe bán tại Mỹ.
Chứng nhận tuân thủ do EPA cấp
Chứng nhận Tuân thủ (Certificate of Conformity – COC) là tài liệu mà Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) cấp cho nhà sản xuất xe để chứng nhận một mẫu xe tuân thủ các yêu cầu của EPA.
EPA sẽ đánh giá các khía cạnh như lượng phát thải khí CO2 của phương tiện, tuổi thọ của xe… Với các mẫu xe điện, thành phần hóa học của pin, mạng lưới điện được sử dụng để sạc cũng là yếu tố được xem xét.
Giấy chứng nhận EPA COC chỉ có giá trị cho một năm sản xuất của một dòng xe. Ví dụ, VinFast VF8 2022 xuất khẩu sang Mỹ đã nhận được chứng nhận COC. Tuy nhiên, VinFast VF8 2023 sẽ phải xin lại chứng nhận COC.
Đáp ứng tiêu chuẩn về mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình
Tiêu chuẩn về mức tiêu thụ trung bình (Corporate Average Fuel Economy – CAFE) tại Mỹ hiện đang ở mức 8,55 lít/100 km và mục tiêu là áp chuẩn 4,3 lít/100 km trong năm 2025. Đây là quy định được đặt ra nhằm cải thiện khả năng tiết kiệm nhiên liệu của xe hơi đồng thời giảm khí thải.
Các mẫu xe điện như VinFast VF8 dễ dàng đáp ứng CAFE vì chúng vốn không tiêu thụ xăng, dầu.
Đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn phương tiện cơ giới liên bang (FMVST)
Bộ tiêu chuẩn an về an toàn phương tiện cơ giới liên bang (FMVST) được đưa ra từ năm 1996. Qua nhiều lần sửa đổi, FMVST vẫn duy trì 3 tiêu chuẩn an toàn chính, bao gồm:
– Tránh va chạm
– Khả năng chịu va chạm (mức độ hiệu quả của phương tiện trong việc bảo vệ người ngồi trong xe)
– Khả năng sống sót sau tai nạn
Về cơ bản, FMVST yêu cầu các hãng sản xuất ô tô thông báo mọi khía cạnh của chiếc xe mà họ sản xuất ra. Đồng thời, hãng phải tuân thủ các quy tắc chính xác và khắt khe mà FMVST đặt ra như vị trí đặt cần gạt nước trên kính chắn gió, tốc độ động cơ, các thành phần buộc phải có trên ô tô…
Các quy định của tiểu bang
Bên cạnh luật và các quy định liên bang, xe hơi bán tại Mỹ còn có thể phải tuân thủ các quy định của các tiểu bang. Ví dụ, trong trường hợp của xe VinFast VF8, bên cạnh quy định liên bang, mẫu xe này còn phải tuân thủ quy định của Cơ quan Bảo vệ Môi sinh California (CARB).
Quy định này có tên Executive Orders viết tắt là EO và được CARB cấp cho các phương tiện được chứng nhận đạt tiêu chuẩn khí thải cụ thể. Tiêu chuẩn của CARB cũng được chấp nhận bởi 14 bang khác và thủ đô Washington DC.
Tham khảo: Thanh niên Việt
Xem thêm bài liên quan
- VinFast thu hồi lô 999 chiếc xe ô tô điện VF8 đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ
- Tàu Silver Queen chở lô 1879 xe VinFast VF8 thứ 2 đã cập bến cảng Benicia, California cho thị trường Mỹ và Canada: Bản tiêu chuẩn xịn hơn bản City Edition của đợt 1
- Truyền hình nước Anh: VinFast VF8 là tương lai của xe điện công nghệ cao Việt Nam, VinFast mang đến góc nhìn mới mẻ về một Việt Nam năng động, kiên cường