Vụ bê bối của Daihatsu có thể gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin không chỉ đối với nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới Toyota, mà còn đối với ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản.
Nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới Toyota đang trải qua một tuần khó khăn, với việc cổ phiếu sụt giảm mạnh nhất trong 18 tháng, cùng với danh tiếng về chất lượng và độ an toàn bị đe dọa.
“Họa vô đơn chí”
Như người ta vẫn nói, “họa vô đơn chí”, rắc rối đã cùng lúc ập tới với Toyota khi công ty con của hãng này là Daihatsu bị điều tra vì gian lận liên quan đến kết quả thử nghiệm an toàn xe, đồng thời gã khổng lồ xe hơi Nhật Bản, trong một động thái khác, đã thu hồi 1 triệu xe ở Mỹ do vấn đề với túi khí của ô tô.
Câu chuyện bắt đầu từ hồi tháng 4 khi Daihatsu thừa nhận “các hành vi sai trái”, bao gồm làm giả kết quả thử nghiệm va chạm trên 88.000 xe được sản xuất tại Thái Lan và Malaysia và được bán trong năm qua.
Cuối tháng 5, Daihatsu thông báo họ đã phát hiện ra những điểm bất thường trong quy trình chứng nhận cho các thử nghiệm va chạm bên hông liên quan đến phiên bản hybrid của Daihatsu Rocky và Toyota Raize.
Những điều trên đã dẫn đến một cuộc điều tra độc lập của bên thứ ba do TUV Rheinland Japan dẫn đầu. Hôm 20/12, các nhà điều tra bên thứ ba cho biết những vi phạm này, bao gồm kết quả kiểm tra giả mạo và dữ liệu bị thao túng, đã có từ năm 1989 nhưng bắt đầu gia tăng vào năm 2014.
Cũng trong ngày 20/12, Daihatsu đã phải tạm dừng giao hàng đối với tất cả các mẫu xe do công ty này phát triển hiện đang được sản xuất, cả ở Nhật Bản và trên các thị trường toàn cầu, chủ yếu là Đông Nam Á và Mỹ Latinh. Là một phần thủ tục, hôm 21/12, Bộ giao Thông Vận tải Nhật Bản đã tiến hành cuộc kiểm tra tại chỗ trụ sở của Daihatsu ở Osaka.
Trụ sở của Daihatsu ở Ikeda, Osaka, Nhật Bản, ngày 20/12/2023. Ảnh: Kyodo News
Toyota, trong một tuyên bố hôm 20/12, xác nhận cuộc điều tra độc lập về Daihatsu đã phát hiện thêm 174 điểm mới bất thường trên 25 danh mục thử nghiệm đối với 64 mẫu xe và 3 mẫu động cơ – trong đó có 22 mẫu xe và một mẫu động cơ được bán dưới thương hiệu Toyota.
Trước đây, chỉ có khoảng chục mẫu xe được cho là bị ảnh hưởng bởi kết quả thử nghiệm gian lận, nhưng Toyota hiện cho biết hầu hết mọi mẫu xe trong dòng sản phẩm của Daihatsu đều có thể bị ảnh hưởng.
Cuộc điều tra tập trung vào bộ phận kiểm soát túi khí của ô tô và phát hiện ra rằng bộ phận điều khiển túi khí được sử dụng trong các cuộc thử nghiệm va chạm khác với bộ phận được sử dụng trên ô tô thực sự được bán cho công chúng. Theo Toyota, mặc dù các cuộc thử nghiệm sau đó cho thấy các tiêu chuẩn công nghiệp vẫn được đáp ứng, nhưng có thể có rắc rối về mặt pháp lý.
Trong một động thái khác cùng ngày 20/12, Toyota thông báo thu hồi 1 triệu ô tô tại Mỹ, bao gồm các mẫu xe Toyota và Lexus từ năm 2020 đến năm 2022. Theo tuyên bố của Toyota, các cảm biến ở ghế hành khách phía trước có thể không đánh giá chính xác trọng lượng của hành khách, dẫn đến túi khí không bung ra như thiết kế trong một số trường hợp. Toyota sẽ thông báo cho các khách hàng bị ảnh hưởng vào tháng 2 năm sau, công ty cho biết.
Đây không phải là lần đầu tiên Toyota gặp rắc rối với túi khí. Vào năm 2014, Toyota đã cùng với một số nhà sản xuất ô tô khác ban hành lệnh triệu hồi hàng triệu ô tô trên toàn thế giới do vấn đề với túi khí do Takata sản xuất. Một báo cáo ước tính rằng các nhà sản xuất ô tô đã thu hồi 42 triệu ô tô chỉ riêng ở Mỹ tính đến cuối năm 2022.
Túi khí, đôi khi phát nổ với lực đủ mạnh có thể làm bắn mảnh vụn vào khoang hành khách, có liên quan đến hơn 30 trường hợp thiệt mạng và hàng trăm trường hợp bị thương trên toàn thế giới. Hiện các công ty vẫn đang triệu hồi những chiếc xe bị lỗi này. Vào tháng 1/2020, Toyota đã triệu hồi 3,4 triệu xe trên toàn cầu do lỗi điện tử khiến túi khí không thể bung ra.
Khủng hoảng niềm tin
Nhưng những tiết lộ mới nhất cho thấy phạm vi của vụ bê bối lớn hơn nhiều và đi xa hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây và có khả năng làm hoen ố danh tiếng của các nhà sản xuất ô tô về chất lượng và an toàn.
Daihatsu cung cấp ô tô và phụ tùng cho một số “ông lớn”, bao gồm Toyota, Mazda và Subaru. Điều này có thể khiến vụ bê bối lan sang phần còn lại của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản.
Đối với Toyota, việc xây dựng lại niềm tin của công chúng vào khả năng giám sát của mình sẽ là một thách thức vì đây là lần thứ hai một trong những công ty con lớn của hãng này bị “bắt quả tang” gian lận. Năm ngoái, Hino Motor thừa nhận đã làm sai lệch dữ liệu.
“Vì các cuộc kiểm tra nội bộ tự nguyện chỉ phát hiện một trường hợp hiệu suất xe không đáp ứng các yêu cầu pháp lý, chúng tôi cho rằng nguy cơ thu hồi trên diện rộng là thấp”, các nhà phân tích tại Citi Research cho biết trong một ghi chú được Bloomberg đưa tin hôm 21/12. “Tuy nhiên, nếu việc sản xuất bị đình chỉ trong thời gian dài, Toyota có thể bị thiệt hại lợi nhuận hoạt động lên tới hàng trăm tỷ Yên”.
Cổ phiếu của Toyota đã giảm tới 5,6% trong phiên giao dịch đầu ngày ở Tokyo hôm 21/12, mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ tháng 5/2022. Sau đó cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản đã phục hồi nhẹ và đến cuối ngày đóng cửa giảm 4,0%, kém hơn mức trung bình chuẩn của Chỉ số Nikkei, vốn đã giảm 1,6%.
Chủ tịch Daihatsu Motor Co. Soichiro Okudaira (ở giữa) cúi đầu trong cuộc họp báo ở Tokyo, ngày 20/12/2023, khi ông xin lỗi về những vấn đề liên quan đến thử nghiệm xe của công ty mình. Ảnh: Kyodo News
Ông Makoto Kaiami, người đứng đầu ủy ban điều tra bên thứ ba về vụ Daihatsu, cho biết Hội đồng không tin rằng Toyota phải chịu trách nhiệm về “các hành vi sai trái”, chỉ là Daihatsu đang cố gắng đáp ứng những kỳ vọng mà chính công ty này đã đặt ra cho mình.
Ông Soichiro Okudaira, Chủ tịch Daihatsu, cho biết mọi giấy phép mà công ty ông nhận được thông qua các biện pháp gian lận đều có thể bị các nhà chức trách thu hồi. Ngoài ra, Daihatsu không biết khi nào sẽ tiếp tục giao hàng, nhưng thừa nhận tác động đến thu nhập của họ sẽ rất đáng kể.
Trong trường hợp của Toyota, các nhà phân tích cho rằng tác động đến thu nhập của nhà sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới có thể là hạn chế do quy mô của Toyota. Ví dụ, việc đình chỉ sản xuất trong một tháng sẽ tương đương với 120.000 xe và khiến doanh thu của Toyota giảm 240 tỷ yên (1,68 tỷ USD), ông Masataka Kunugimoto, nhà phân tích ô tô của Nomura, cho biết.
Tác động lớn hơn có thể xảy ra với các nhà cung cấp của Daihatsu. Chuỗi cung ứng của hãng xe hơi này tại Nhật Bản bao gồm 8.316 công ty, đạt doanh thu hàng năm 2.210 tỷ Yên từ Daihatsu, dữ liệu của Teikoku Databank cho thấy.
Vụ bê bối này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng niềm tin không chỉ đối với nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, mà còn đối với ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản, đồng thời có khả năng dẫn đến các quy định chặt chẽ hơn và tăng cường giám sát các quy trình kiểm tra an toàn.
Còn quá sớm để dự đoán hậu quả lâu dài của vụ bê bối nhưng chắc chắn đây sẽ là thách thức lớn đối với Toyota và Daihatsu trong những tháng và năm tới.
Cải cách cơ bản
Hôm 21/12, Toyota cho biết “cải cách cơ bản” là cần thiết để hồi sinh Daihatsu, cũng như xem xét lại các hoạt động chứng nhận. “Đây sẽ là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng không thể hoàn thành trong một sớm một chiều”, hãng xe hơi danh tiếng cho biết trong tuyên bố của mình về phản ứng của họ đối với vụ việc.
“Nó không chỉ đòi hỏi phải xem xét lại công tác quản lý, hoạt động kinh doanh mà còn phải xem xét lại tổ chức, cơ cấu cũng như sự thay đổi trong phát triển nguồn nhân lực và nhận thức của mỗi người lao động”, Toyota cho biết.
Ông Hiroki Nakajima, Giám đốc Công nghệ Toyota, cho biết trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Daihatsu Soichiro Okudaira và Phó Chủ tịch Hiromasa Hoshika rằng “những nỗ lực tối đa hóa sản xuất trong nước và toàn cầu đã tạo ra một gánh nặng không được chú ý và chúng tôi xin lỗi vì điều đó”.
Ông Hoshika cho biết các lô hàng đã bị đình chỉ nên hoạt động sản xuất có thể sẽ chậm lại hoặc dừng lại trong những ngày tới. Daihatsu có hàng trăm khách hàng ở Nhật Bản, hơn 10% trong số đó phụ thuộc vào nhà cung cấp này để có hơn 1/10 thu nhập của họ, theo ông Hoshika. Ông nói: “Điều này sẽ có tác động đáng kể. Có khả năng bảo hiểm cũng sẽ trở thành một vấn đề”.
Tuy nhiên, không có thay đổi nào về quản lý ngay lập tức được công bố, theo Bloomberg.
Mẫu hybrid Toyota Raize (trái) và Daihatsu Rocky. Ảnh: Wap Car
Daihatsu đã sản xuất 1,1 triệu xe trong 10 tháng đầu năm 2023, gần 40% trong số đó là ở nước ngoài, theo dữ liệu của Toyota. Công ty này đã bán được khoảng 660.000 xe trên toàn thế giới trong thời gian đó và chiếm 7% doanh số bán hàng của Toyota.
Daihatsu nắm giữ khoảng 30% thị phần xe kei – loại xe cỡ nhỏ đã được khách hàng Nhật Bản đặc biệt ưa chuộng – khiến hãng trở thành công ty dẫn đầu ngành so với đối thủ Suzuki.
Ngoài xe kei, Daihatsu, có trụ sở tại Osaka, còn được biết đến với dòng xe hạng nhẹ và sedan phổ biến trên khắp Nhật Bản và Đông Nam Á, bao gồm xe bán tải và xe tải Gran Max cũng như xe chở khách Terios và Xenia.
Đây là công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Toyota kể từ năm 2016 và chiếm khoảng 4% doanh số bán xe toàn cầu của tập đoàn Toyota.
Toyota là nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới về số lượng xe bán ra, bán được 10,5 triệu xe vào năm 2022, vượt xa con số 8,3 triệu xe được bán bởi Tập đoàn Volkswagen. Daihatsu và Hino Motors, một công ty con khác của Toyota, đã sản xuất 909.000 xe được Toyota bán ra.
Hino cũng gặp rắc rối. Năm ngoái, công ty con sản xuất xe tải và xe buýt này thừa nhận đã làm sai lệch dữ liệu khí thải trên một số động cơ từ năm 2003. Vụ bê bối đó đã ảnh hưởng đến hơn 640.000 xe và cũng dẫn đến việc ngừng sản xuất.
Theo Bloomberg, Reuters, Fortune / Người Đưa Tin
Xem thêm bài liên quan
- Toyota Raize bất ngờ được “giải oan”: Không thuộc nhóm xe dính bê bối kiểm tra an toàn của Daihatsu
- Toyota Raize tiếp tục bị “đóng băng” sau bê bối, 30.000 khách hàng bị hủy đơn, hãng đề nghị khách chọn mẫu xe khác
- Cơ quan quản lý Nhật Bản bất ngờ cho phép Daihatsu – công ty con của Toyota được nối lại sản xuất nhiều mẫu xe