‘Ông lớn’ sản xuất xe điện BYD đã làm rung chuyển ngành công nghiệp xe điện sau khi trình làng mẫu Seagull (Dolphin Mini) với giá khởi điểm chỉ từ 9.700 USD.
BYD ra mắt mẫu Seagull (Dolphin Mini) với giá khởi điểm chỉ từ 9.700 USD
Ô tô điện giá rẻ: Mấu chốt trong cuộc đua giành thị phần
Để phát động một cuộc chiến chống lại các phương tiện chạy bằng khí đốt, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD đã tung ra hàng loạt xe điện giá rẻ. Trong đó, mẫu Seagull EV Honor Edition mới (Dolphin Mini) ra mắt vào đầu tháng này đã gây sốc cho toàn thị trường khu có mức giá chỉ từ 9.700 USD.
Mẫu xe này được đặt biệt danh là “Lamborghini mini” nhờ những tính năng vượt trội và được đích thân cựu nhà thiết kế Lamborghini, ông Wolfgang Egger chỉ đạo thiết kế. Tuy là một dòng sản phẩm giá rẻ, bên trong chiếc xe điện lại được trang bị màn hình xoay 10,2 inch và có thiết kế tối giản giúp chiếc xe nhìn rộng rãi hơn.
Nội thất bên trong xe được thiết kế tối giản nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ
Được cung cấp năng lượng bởi pin Blade của BYD, dòng Seagull mới có sẵn ở các phiên bản 30,08kWh cung cấp phạm vi lên tới 190 dặm (305km) và 38,88 kWh cung cấp phạm vi lên tới 252 dặm (405km). Chiếc xe cũng có thể sạc từ 30% đến 80% pin chỉ trong vòng 30 phút.
Caresoft, một Công ty Tư vấn Kỹ thuật từng tiến hành kiểm tra mọi bộ phận của xe, cho biết BYD Seagull được thiết kế và chế tạo rất đơn giản nhưng chất lượng lại vượt mong đợi.
Theo ông Terry Woychowski, cựu giám đốc điều hành GM và hiện là chủ tịch phụ trách ô tô tại Caresoft Global, chiếc Seagull mới nhà BYD đang thúc đẩy cuộc chiến giá cả và “thực sự là một lời kêu gọi đối với toàn ngành”.
BYD có lợi thế lớn vì doanh nghiệp tự sản xuất gần như tất cả các bộ phận cho xe của mình. Đối với dòng BYD Dolphin, ngoại trừ cửa sổ và lốp xe, mọi thứ đều được sản xuất riêng cho chiếc xe giá rẻ này.
Các báo cáo cho thấy nền tảng xe điện thế hệ tiếp theo của BYD rất có thể sẽ còn có chi phí thấp hơn nữa. Điều này được dự báo sẽ trực tiếp gây áp lực lên các nhà sản xuất ô tô Mỹ nếu các doanh nghiệp này không có chiến lược thay đổi giá.
Ông Woychowski cho rằng ô tô điện giá rẻ sẽ là mấu chốt quan trọng cho các nhà sản xuất xe điện tại Mỹ nếu muốn theo kịp cuộc đua giành thị phần. “Với giá bán dưới 10.000 USD, những gì họ đã làm được là quá tốt. Mọi thứ đều được thực hiện một cách hiệu quả”, ông Woychowski nhận định.
Mặc dù BYD không có kế hoạch thâm nhập thị trường xe điện Mỹ, nhưng nếu Seagull đến Mỹ, dòng xe được dự đoán sẽ làm mưa làm gió tại quốc gia này khi có giá thành rẻ hơn ít nhất hàng chục nghìn USD so với một chiếc ô tô điện thông thường.
Các nhà sản xuất ô tô Mỹ nghĩ gì?
Các nhà sản xuất ô tô Mỹ đang mất dần thị phần. “Bộ ba lớn”, bao gồm Ford, GM và Chrysler (hiện thuộc sở hữu của Stellantis), trong thời gian qua đã mất dần thị phần trên thị trường Mỹ, giảm từ 75% vào năm 1984 xuống còn khoảng 40% vào năm 2023.
Giám đốc điều hành của Ford, ông Jim Farley, đã cảnh báo tại hội nghị Wolfe Research vào tháng trước rằng nếu các nhà sản xuất ô tô trong nước không theo kịp các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, như BYD, thì ít nhất 20% đến 30% doanh thu của hãng sẽ gặp rủi ro.
BYD Seagull được thiết kế bởi cựu nhà thiết kế Lamborghini, ông Wolfgang Egger
Ông Marin Gjaja, giám đốc điều hành của Ford Model E chia sẻ với hãng tin CNBC: “Như những gì chúng ta thấy trong thời gian qua, các nhà sản xuất ô tô đang thâm nhập vào tất cả các thị trường với mọi phân khúc”.
Ford cũng đang tập trung phát triển các dòng xe điện nhỏ hơn, giá cả phải chăng hơn bao gồm cả dòng bán tải chạy bằng điện và SUV. Theo một vài nguồn tin, mẫu xe đầu tiên trong phân khúc giá rẻ của hãng sẽ được ra mắt vào năm 2026 với giá khởi điểm từ 25.000 USD.
Ông lớn GM cũng đang có kế hoạch giới thiệu Chevy Bolt EV thế hệ tiếp theo, vẫn tiếp tục được phát triển dựa trên nền tảng Ultium đặc trưng của hãng nhưng sẽ tiết kiệm hơn đến hàng tỷ USD nhờ sử dụng pin LFP.
Pin LFP là dòng pin Lithium Ferrous Phosphate – Lithium sắt phốt phát – LiFePO4 có cấu tạo tích trữ năng lượng kiểu mới. Đây là loại pin có dòng xả ổn định ngay cả khi dung lượng pin dưới 50%, giúp xe không bị giảm tốc độ dù trong tình trạng yếu năng lượng.
So với pin Lithium và ắc quy axit chì truyền thống, pin LFP có nhiều ưu điểm vượt trội và hiện nay đang được ứng dụng rộng rãi trong ngành sản xuất xe điện toàn cầu.
Theo Electrek
Thất bại khi đưa xe giá rẻ vào Việt Nam cách đây 10 năm, ô tô Trung Quốc đang “quay trở lại” mạnh mẽ, liệu có làm nên chuyện?
Ô tô Trung Quốc giá rẻ từng thất bại thảm hại khi thâm nhập thị trường Việt Nam khoảng 10 năm trước vì chất lượng không ổn định, còn hiện nay thì sao?
Thời gian gần đây, chỗ đứng của ô tô Trung Quốc ở thị trường Việt Nam được cải thiện khi nhiều hãng xe liên tục mở bán sản phẩm mới.
Dồn dập “tấn công” thị trường Việt
Cuối tháng 1-2024, thương hiệu xe Chery Trung Quốc chính thức giới thiệu mẫu Omoda C5 thuộc phân khúc SUV hạng B với 2 phiên bản deluxe và luxury, sử dụng động cơ 1.5L turbo, giá bán trên dưới 700 triệu đồng/chiếc. Đây là mẫu xe cạnh tranh với Kia Seltos, Hyundai Creta và Honda HR-V.
Ngày 13-1 vừa qua, Lynk & Co Automobile International Sales Co.LtD và Công ty CP GreenLynk Automotives ra mắt thương hiệu ô tô Lynk & Co tại TP HCM, sau khi mở showroom tại Hà Nội hồi tháng 12-2023. Hãng này giới thiệu bộ 3 SUV Lynk & Co 01 với mức giá 999 triệu đồng/chiếc và Lynk & Co 05, 09 cùng có giá bán 1,599 tỉ đồng/chiếc.
Trước đó, tháng 8-2023, thương hiệu Haval mở bán mẫu xe hybrid H6 với giá 986 triệu đồng/chiếc tại Việt Nam. Tuy 4 tháng cuối năm 2023, hãng chỉ bán được 200 chiếc, đạt 40% mục tiêu đề ra song vẫn tự tin sẽ chinh phục được người tiêu dùng Việt nhờ khả năng tiết kiệm xăng lên đến 70%.
Theo giới thiệu của hãng, mẫu xe H6 hoạt động hoàn toàn bằng điện ở vận tốc 0 – 35 km/giờ, hoạt động theo cơ chế vừa xăng vừa điện ở vận tốc trên 35 đến trên 65 km/giờ và quay lại sử dụng điện khi xe đều ga ở vận tốc 80 – 100 km/giờ.
Haval dự kiến trong năm nay sẽ mở rộng thêm 25 đại lý ở Việt Nam, nâng tổng số lên 45 đại lý. Đồng thời, hãng sẽ đưa về thêm 2 mẫu khác là Jolion và Tank 300.
Một thương hiệu xe của Anh nhưng đã được SAIC Motor (Trung Quốc) mua lại cũng khai phá thị trường Việt Nam khá thành công là MG với các mẫu MG5, MG ZS và RX5. Ngoài ra, thị trường còn xuất hiện nhiều mẫu ô tô Trung Quốc khác được phân phối bởi Kylin-GX668 như Beijing X7 của Tập đoàn BAIC hay H9, E-HS9 của hãng xe Hongqi.
Đáng chú ý, ô tô thuần điện Trung Quốc cũng được giới thiệu ở thị trường Việt Nam khá nhiều, như mẫu đa dụng 7X, 7X-E của thương hiệu Haima. Haima còn tuyên bố sẽ mở các đại lý tại Hà Nội và TP HCM trong thời gian sớm nhất.
Hãng Chery Trung Quốc dự kiến ra mắt thêm mẫu ô tô thuần điện Omoda C5 EV, di chuyển được 450 km/lần sạc. Tương tự, MG cũng dự kiến đưa về thị trường Việt Nam một số sản phẩm thuần điện trong năm nay.
Nâng chất lượng ô tô xuất sang Việt Nam
Ông Trần Nam Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH SAIC Motor Việt Nam, cho hay khách hàng đã quan tâm đến thương hiệu MG nhiều hơn nên tăng trưởng doanh số của hãng khá tốt.
Nhiều khách hàng phản hồi hãng có chính sách hậu mãi tốt, giá phụ tùng rẻ. Cũng theo ông Thắng, thị trường ô tô trong nước vẫn còn nhiều dư địa để phát triển nên dễ hiểu vì sao các hãng xe Trung Quốc tích cực đưa sản phẩm sang.
Theo ông Vũ Văn Thường, Giám đốc Công ty CP Haval Thành An Sài Gòn – nhà phân phối ô tô Haval, chất lượng xe Trung Quốc hiện nay đã khác trước nhờ sử dụng nhiều công nghệ.
Ông Thường dự báo thời gian tới, nhiều hãng xe Trung Quốc sẽ tiếp tục đổ bộ vào thị trường Việt Nam, tạo nên làn gió mới và tăng sự cạnh tranh. “Ô tô Haval tuy có giá gần 1 tỉ đồng/chiếc nhưng được trang bị công nghệ tương đương dòng xe cao cấp giá tầm 2 tỉ đồng/chiếc. Hầu hết hãng xe Trung Quốc đang đưa ra sản phẩm giá cao với chất lượng ổn định để lấy lại lòng tin của khách hàng” – ông Thường giới thiệu thêm.
Ông Trần Ngọc Phúc, chuyên gia ô tô, cho rằng trước xu hướng chuyển đổi sang sử dụng xe điện trên toàn cầu, các hãng xe Trung Quốc buộc phải thích nghi nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, sẽ có không ít nhà máy không thể chuyển đổi, buộc phải tìm đến những thị trường còn tiềm năng tiêu thụ xe xăng, trong đó có Việt Nam. Cũng dự báo sắp tới sẽ có nhiều hãng xe từ nước láng giềng tràn vào thị trường Việt Nam, ông Phúc giải thích thêm rằng Trung Quốc có chính sách mạnh mẽ về việc chuyển từ sử dụng xe xăng sang xe điện nên nếu các hãng không sớm chinh phục thị trường mới thì sẽ không còn “đất sống”.
Nhiều chuyên gia ô tô đánh giá giai đoạn này, các hãng xe Trung Quốc có khả năng thành công trên đất Việt. Nếu như trước đây, các hãng chủ yếu phân phối xe qua kênh trung gian thì hiện nay, hãng hợp tác với đối tác Việt Nam để cùng xây dựng thương hiệu, mở đại lý chính hãng và chăm sóc khách hàng nên hiệu quả kinh doanh tốt hơn.
Vẫn còn hoài nghi
Giới chuyên gia ô tô vẫn ít nhiều hoài nghi về sự thành công của xe Trung Quốc ở thị trường Việt, nhất là xe động cơ đốt trong.
Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho biết chưa rõ chất lượng ô tô động cơ đốt trong của Trung Quốc ra sao nhưng riêng dòng xe điện của nước này thì có sức cạnh tranh rất tốt ở thị trường châu Âu, Mỹ. Nhờ đó, người tiêu dùng Việt Nam sẽ dần có cái nhìn khác về sản phẩm ô tô từ công xưởng lớn nhất thế giới.
“Tuy chất lượng xe Trung Quốc đã được chứng minh trên thị trường thế giới nhưng để thị trường Việt Nam chấp nhận còn phải chờ thêm khoảng 5 – 10 năm nữa” – ông Đồng nhận định.
Trung Quốc thuộc tốp đầu bán ô tô cho Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1-2024, số lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu giảm 9,1% so với tháng 12-2023. Theo đó, cả tháng đầu năm nay chỉ nhập về 6.955 ô tô nguyên chiếc.
Đáng chú ý, Indonesia dẫn đầu các thị trường cung cấp xe nguyên chiếc cho Việt Nam với 2.647 chiếc, Trung Quốc vươn lên vị trí thức 2 với 1.987 chiếc và Thái Lan tụt hạng xuống thứ 3 với 1.858 chiếc.
Tháng 2-2024, nhập khẩu xe Trung Quốc giảm còn 1.000 chiếc, về lại thứ 3, trả vị trí thứ 2 cho Thái Lan với 3.788 chiếc. Indonesia vẫn giữ vị trí dẫn đầu với 4.441 ô tô nhập khẩu từ nước này vào Việt Nam.
Theo Người lao động
Xem thêm bài liên quan
- Hãng xe Nhật Bản Toyota gây chú ý tại Auto China 2024 khi ra mắt bộ đôi xe điện mới bZ3C và bZ3X
- Cuộc chiến dành thị phần của ô tô Trung Quốc: Dùng những “công nghệ xa xỉ” mà người dùng các nước chưa từng thấy
- Doanh số xe điện của “ông lớn” Tesla vượt mặt BYD trong quý I/2024, Volkswagen lại gặp nhiều khó khăn