Theo một nguồn tin giấu tên, nhà máy ở Đông Nam Á này sẽ sản xuất 1 triệu xe ô tô điện mỗi năm, phù hợp với tham vọng của Tesla.
Tờ Bloomberg đưa tin, Tesla đã tiến gần đến thoả thuận sơ bộ nhằm xây dựng một nhà máy mới tại Indonesia. Đây là bước đi nằm trong chiến lược của Elon Musk nhằm tận dụng trữ lượng lớn các kim loại cho pin của quốc gia này.
Theo một nguồn tin giấu tên, nhà máy này sẽ sản xuất 1 triệu xe ô tô mỗi năm, phù hợp với tham vọng của Tesla là tất cả các nhà máy trên toàn cầu cuối cùng sẽ đạt được mức sản lượng đó. Những thảo luận về nhà máy này bao gồm cả các kế hoạch cho nhiều nhà máy trong nước phục vụ các chức năng khác nhau gồm sản xuất và chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, nguồn tin cho biết một thoả thuận vẫn chưa được ký và có thể còn kéo dài tới mùa thu.
Cổ phiếu Tesla đã tăng 2,3% trong phiên giao dịch ngày thứ 4 trên sàn New York.
Musk và đại diện của Tesla hiện không đưa ra phản hồi. Bộ trưởng bộ đầu tư Indonesia là Bahlil Lahadalia nói rằng những cuộc đàm phán với Tesla đang được dẫn dắt bởi sự phối hợp giữa Bộ điều phối các vấn đề về hàng hải và đầu tư.
Trên thực tế, Indonesia có thời gian dài “chèo kéo” Tesla. Tổng thống Widodo đã có cuộc găp với Musk vào tháng 5 năm ngoái và ký một thoả thuận cung cấp nickel trị giá 5 tỷ USD với nhà sản xuất ô tô này vào tháng 8. Trong một bài phỏng vấn vào tháng này, Tổng thống Widodo nói rằng ông muốn Tesla sản xuất ô tô tại quốc gia của ông chứ không chỉ là pin và sẵn sàng bỏ thời gian ra để thuyết phục Musk xem Indonesia không chỉ là nhà cung cấp những nguồn nguyên liệu chính.
Một nhà máy tại Indonesia nếu được xây dựng sẽ là nhà máy thứ 3 của Tesla bên ngoài quê nhà nước Mỹ của họ. Trong khi Indonesia cung cấp cho Tesla cánh cửa bước vào thị trường 675 triệu người tiêu dùng ở Đông Nam Á nhưng thị trường này cũng không hề dễ dàng với các nhà sản xuất ô tô toàn cầu khi giá xe ô tô ở đây chỉ dưới 20.000 USD.
Trong cuộc họp cổ đông của Tesla vào tháng 8, Musk nói rằng ông kỳ vọng công ty cuối cùng sẽ có 10 – 12 nhà máy trên toàn cầu. Nhà sản xuất ô tô này cũng đang đàm phán để xây dựng một nhà máy lắp ráp xe điện ở Mexico.
Tesla đã bàn giao 405.278 xe trên toàn thế giới trong quý IV năm nay, mức kỷ lục từ trước đến nay của hãng trong bối cảnh lãi suất tăng, lạm phát và gián đoạn sản xuất tại Trung Quốc.
Mặc dù vậy, kết quả này vẫn thấp hơn kỳ vọng của phố Wall. Trong một nỗ lực nhằm tăng doanh số, Tesla đã tung chương trình giảm giá đến 7.500 USD cho người tiêu dùng Mỹ khi mua xe trong những ngày cuối cùng của năm 2022. Các nhà phân tích kỳ vọng công ty có thể bán 420.760 xe.
Tổng kết 2022, Tesla đã bàn giao 1,31 triệu xe, tăng trưởng 40% so với năm trước đó trong khi lượng xe sản xuất ra tăng 47%, lên 1,37 triệu chiếc. Mặc dù vậy, mục tiêu trước đó của công ty là tăng trưởng 50% doanh số.
Theo Tesla, vẫn còn 34.000 xe khác tồn kho trong quý cuối cùng của năm.
Thị trường xe điện Đông Nam Á ngày càng sôi động
Tesla tăng cường sự hiện diện tại Đông Nam Á
Sau quãng thời gian dài chuẩn bị, Tesla vừa cho ra mắt hai mẫu xe điện (EV) tại Thái Lan, đánh dấu bước đột phá đầu tiên tiến vào thị trường này. Các mẫu xe Model 3 và Model Y – rẻ nhất trong các dòng sản phẩm của Tesla, sẽ được bán với mức giá từ 48.000-71.000 đô la. Hãng xe điện Mỹ cũng cho biết, sẽ bán xe điện của mình tại nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á thông qua các kênh trực tuyến, và dự kiến bắt đầu giao hàng vào đầu năm 2023.
Bà Yvonne Chan, Giám đốc quốc gia của Tesla tại Thái Lan, cho biết hãng sẽ mở xưởng dịch vụ đầu tiên tại Thái Lan vào cuối quí 1-2023, đồng thời xây dựng trạm sạc siêu nhanh đầu tiên để vận hành trong tháng 2. Ít nhất 10 trạm sạc như vậy sẽ được mở tại Bangkok trong năm tới.
Động thái này đánh dấu sự tăng cường hiện diện đáng kể của Tesla tại thị trường Đông Nam Á – nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với GDP ước đạt 3.200 tỉ đô la và dân số 700 triệu người. Trước đó, hãng đã mở phòng trưng bày đầu tiên tại Singapore để phân phối xe điện chính hãng.
Tesla đã mở một đợt tuyển dụng ở Thái Lan hồi tháng 9 giữa lúc có những đồn đoán về việc công ty đang tìm kiếm một cơ sở sản xuất mới ở Đông Nam Á. Ngoài ra, Tesla cũng được kỳ vọng sẽ sớm mở rộng hoạt động sang một quốc gia Đông Nam Á khác là Indonesia, bằng việc đầu tư vào thị trường pin và ô tô điện.
Sôi động cuộc cạnh tranh trên thị trường xe điện
Tuy nhiên, tham vọng tiến vào thị trường Đông Nam Á của hãng xe điện Mỹ được dự báo sẽ vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ khác, cả trong hoạt động kinh doanh xe lẫn sản xuất. Các hãng xe Hàn Quốc và Nhật Bản như Hyundai, Mitsubishi, Honda hay Toyota đều đang đẩy mạnh việc giới thiệu các mẫu xe điện mới tới người tiêu dùng Đông Nam Á.
Các nỗ lực sản xuất tại địa phương cũng đang được các hãng xe nước ngoài đẩy mạnh. Hãng xe Hàn Quốc Hyundai đã bắt đầu sản xuất mẫu xe điện Ioniq 5 tại Indonesia từ tháng 3, trong khi LG Chem bắt tay hợp tác với Công ty IBC của Indonesia trong việc phát triển phát triển pin xe điện.
Tập đoàn công nghệ Foxconn của Đài Loan cũng đã đầu tư vào liên doanh phát triển xe điện và pin xe điện với các đối tác tại đảo Trung Java, Indonesia. Các hãng xe châu Âu như Volvo hay Mercedes Benz cũng đã thông báo kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp tại Malaysia và Thái Lan.
Honda sẽ là hãng xe đầu tiên của Nhật Bản lắp ráp xe điện tại Thái Lan vào năm tới, trong khi Toyota đã chi 1,8 tỉ đô la để phát triển nhà máy xe điện tại Indonesia. Mitsubishi cũng đang có kế hoạch sản xuất xe điện tại Indonesia, dù điều này sẽ không được thực hiện trước năm 2025.
Cạnh tranh mạnh mẽ hơn cả là những công ty đến từ Trung Quốc – quốc gia có ngành công nghiệp xe điện phát triển bậc nhất thế giới. Theo Global Times, các công ty xe điện Trung Quốc đã tiến vào Đông Nam Á trong năm nay với tốc độ mạnh mẽ chưa từng thấy, từ xuất khẩu xe điện, thành lập nhà máy lắp ráp cho tới cung cấp dịch vụ tại địa phương.
Theo nguồn tin nội bộ, hầu hết các mẫu xe điện mà các doanh nghiệp Trung Quốc bán ở Đông Nam Á là các mẫu xe cỡ nhỏ, có giá khoảng 20.000 đô la để hấp dẫn thị trường đại chúng, một chiến lược tiếp thị đã được chứng minh là thành công rực rỡ.
Các thương hiệu Trung Quốc được dự báo sẽ dẫn đầu thị trường xe điện tại Thái Lan, chiếm khoảng 87% doanh số xe điện trong năm nay, và sẽ tiếp tục nắm giữ khoảng 80% thị phần của phân khúc này trong vòng ít nhất 5 năm tới. Chuyên gia Note Tumrasvin của GlobalData tin tưởng, ngay cả khi đánh mất một số thị phần vào tay các nhà sản xuất ô tô đến từ châu Âu và Nhật Bản, các hãng xe Trung Quốc vẫn sẽ duy trì được vị thế số 1 của mình tại thị trường khu vực.
Tiềm năng to lớn của thị trường xe điện Đông Nam Á
Theo các chuyên gia, cuộc cạnh tranh tại thị trường xe điện Đông Nam Á sẽ còn tiếp tục sôi động hơn nữa trong thời gian tới, bởi tiềm năng to lớn của thị trường này. Theo dữ liệu từ Liên đoàn Ô tô Đông Nam Á, doanh số bán ô tô tại Đông Nam Á đạt 2,79 triệu chiếc trong năm 2021, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước đó và một trong những động lực dẫn dắt đà tăng trưởng ấn tượng này chính là thị trường xe điện.
Một báo cáo khác của công ty nghiên cứu Mordor Intelligence cho thấy, đến năm 2027, thị trường xe điện Đông Nam Á có thể đạt giá trị 2,6 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 5 lần so với mức định giá thị trường 500 triệu đô la trong năm 2021, tương đương với tốc độ mở rộng hàng năm là 32,73% hàng năm.
Doanh số bán xe điện tại các quốc gia đều đang ghi nhận những tín hiệu tích cực. Trong tám tháng đầu năm nay, doanh số bán xe điện ở Thái Lan đã vượt 5.200 chiếc, cao gần gấp 3 lần mức 1.900 chiếc trong năm 2021.
Trong cả năm 2022, doanh số bán xe tại thị trường này được dự báo sẽ đạt 13.000 chiếc (chiếm 3,2% doanh số bán xe). Còn tại Indonesia, trong tám tháng đầu năm, doanh số bán xe điện đã đạt 1.600 chiếc, và có thể cán mốc 9.000 chiếc trong cả năm nay, cao hơn nhiều lần so với con số chỉ 667 chiếc trong năm ngoái.
“Thị trường xe điện Đông Nam Á vẫn chưa cất cánh nhưng tiềm năng là rất hứa hẹn”, Peter Chen – một chuyên gia của nhà sản xuất phụ tùng ô tô ZF TRW ở Thượng Hải (Trung Quốc) nhận định. “Việc sản xuất tại địa phương sẽ giúp các hãng xe đạt được thị phần lớn trong thập kỷ tới”.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến thị trường Đông Nam Á, bởi so với các thị trường khác, khu vực này tương đối ổn định cả về địa chính trị lẫn góc độ chuỗi cung ứng. Các nhà quan sát trong ngành nhấn mạnh, sự ổn định là một trong những lý do chính thúc đẩy sự hiện diện của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tại đây.
Các chính sách hỗ trợ của các chính phủ
Để thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện, chính phủ nhiều nước Đông Nam Á cũng đang chạy đua quyết liệt trong việc triển khai các chương trình thu hút đầu tư sản xuất và khuyến khích người dân chuyển đổi sang loại phương tiện này một cách rộng rãi hơn.
Thái Lan – nhà sản xuất ô tô lớn thứ 4 tại châu Á đã bắt đầu đưa ra chính sách thúc đẩy sản xuất xe năng lượng sạch từ năm 2017. Năm nay, nước này tiếp tục tiến thêm một bước nữa khi giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện từ 8% xuống 2%, và thuế nhập khẩu xe điện nguyên chiếc chỉ từ 0-40% cho tới năm 2023.
Mỗi chiếc xe điện sản xuất trong nước bán ra cũng sẽ được trợ cấp tối đa 150.000 baht, tương đương khoảng 4.600 đô la. Trong trung hạn, Thái Lan đang đặt mục tiêu xe điện sẽ chiếm tối thiểu 30% tổng lượng xe bán ra của nước này vào năm 2030.
Còn tại Indonesia, chính phủ nước này lại tận dụng lợi thế từ sự dồi dào về các tài nguyên khoáng sản cần thiết cho sản xuất xe điện như niken, cobalt, kẽm, mangan… để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài.
Tiếp sau các nhà máy vừa khánh thành của Hyundai (Hàn Quốc) và SAIC Motors (Trung Quốc), Chính phủ Indonesia cũng đã kêu gọi Tesla mở nhà máy tại nước này. Nhằm tạo điều kiện cho các nhà sản xuất quốc tế, Indonesia cũng đã đưa ra chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp với sản xuất xe điện, pin, động cơ điện và bộ điều khiển điện. Việc trợ giá cho ô tô điện cũng sẽ được xem xét trong năm tới.
Một quốc gia khác là Singapore lại tập trung vào các chính sách khuyến khích người dân sử dụng xe điện thay cho xe xăng truyền thống.
Bên cạnh đó, Singapore cũng phối hợp với một quốc gia khác là Malaysia thúc đẩy dự án mạng lưới trạm sạc bao phủ trên cả hai nước, giúp đáp ứng nhu cầu khi số lượng xe điện tiêu thụ ngày càng tăng.
Theo chuyên gia Note Tumrasvin của GlobalData, cơ sở hạ tầng sạc xe điện là một trong những yếu tố chính khuyến khích người mua lựa chọn loại phương tiện này thay vì xe chạy xăng.
Do vậy, việc hỗ trợ cho cơ sở hạ tầng xe điện từ các chính phủ trong những năm tới sẽ là yếu tố rất quan trọng để tạo ra một hệ sinh thái xe điện phù hợp, từ đó giúp doanh số bán xe tăng trưởng bền vững.
Nguồn: Bloomberg, Global Times, SCMP, Just Auto, LMC Auto, Bangkok Post, Xinhua, ThinkChina, Nikkei Asia/Nhịp sống thị trường
Xem thêm bài liên quan
- Các ông lớn xe điện thế giới đối diện nguy cơ thua lỗ do nhu cầu thị trường giảm dần, VinFast có bị ảnh hưởng?
- Tỷ phú Elon Musk thừa nhận “Thùng tôn di động” Tesla Cybertruck sẽ rất khó bán tại thị trường quan trọng này, vì sao?
- Tesla của tỷ phú Elon Musk triệu hồi hơn 2 triệu xe điện tại Mỹ để khắc phục lỗi lái xe tự động Autopilot