Thậm chí có mẫu ô tô hybrid sạc điện (plug-in hybrid electric vehicle – PHEV) còn tốn nhiên liệu hơn cả phiên bản thuần động cơ đốt trong.

Các nhà sản xuất ô tô thường nói rằng xe hybrid sạc điện là bước đệm vững chắc hướng tới xe thuần điện. Xe PHEV vừa chạy điện êm ái không khí thải, vừa có động cơ đốt trong tiện lợi như xe truyền thống. Do đó, số lượng xe này bán ra ở châu Âu đang tăng lên mạnh mẽ, đặc biệt khi quy định về khí thải ngày càng khắt khe.
Tuy nhiên, xe PHEV không thân thiện môi trường như các hãng xe vẫn quảng cáo, bởi thói quen lái xe của người dùng thường rất khác so với điều kiện thử nghiệm. Mới đây, Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) đã tiến hành nghiên cứu và phát hiện ra sự khác biệt lớn giữa mức tiêu thụ nhiên liệu cũng như lượng CO2 thải ra mà các hãng xe công bố so với thực tế.

EEA đã thu thập dữ liệu từ 988.231 phương tiện, bao gồm 916.216 ô tô và 12.301 xe tải, trong số 9.821.479 phương tiện đăng ký thuộc EU, Iceland và Na Uy vào năm 2021. Đây là năm đầu tiên các thiết bị đo lường tiêu thụ nhiên liệu là trang bị bắt buộc.
Nghiên cứu này nhằm xác định sự chênh lệch giữa số liệu tiêu thụ nhiên liệu và phát thải CO2 theo Quy trình kiểm tra đồng bộ cho xe hạng nhẹ toàn cầu (WLTP) so với thực tế, đồng thời đề xuất các cải tiến để làm cho quy trình này phản ánh chính xác hơn thực trạng sử dụng xe.

EEA phát hiện ra các phương tiện chạy động cơ đốt trong có mức tiêu thụ nhiên liệu là 7,44 lít/100km, so với mức trung bình mà WLTP công bố là 6,13 lít/100km. Người lái sẽ tốn nhiên liệu nhiều hơn khoảng 1 đến 1,5 lít/100km so với con số công bố. Khoảng cách giữa lượng khí thải CO2 thực tế (180,3 gram/kilomet) và WLTP công bố (148,8 gram/km) là 21,2%.
Trong khi đó xe PHEV có mức tiêu thụ nhiên liệu cao hơn đến 3,5 lần (252%). Con số thực tế là 5,94 lít/100km và lượng khí thải CO2 là 139,5 gram/km, con số công bố theo WLTP tương ứng là 1,69 lít/100km và 39,5 gram/km. Kết quả này cho thấy các xe PHEV di chuyển bằng điện ít hơn nhiều so với kỳ vọng, và các giả định được dùng trong quy trình WLTP không phù hợp với điều kiện thực tế.
Dù vậy, EEA cũng chỉ ra rằng xe PHEV vẫn tiêu thụ ít nhiên liệu hơn xe thuần sử dụng xăng hoặc dầu khoảng 23%, nếu như chúng được sạc và sử dụng đúng cách.
Một số mẫu xe PHEV hoạt động vượt trội hơn hẳn các xe khác. Ví dụ Kia Sportage và Ceed tiêu thụ trung bình 3,87 lít/100km và thải CO2 88,13 gram/km. Con số trên vượt khá xa so với công bố, lần lượt là 1,48 lít/100km và 33,72 gram/km nhưng nó vẫn rất ấn tượng. Điều này chứng tỏ những chiếc xe này hiệu quả hơn hoặc người sở hữu chúng đã tích cực hơn trong việc sạc xe.

Những chiếc xe PHEV hạng sang và hiệu suất cao có mức chênh lệch tiêu thụ nhiên liệu cao nhất. Điều này phản ánh sự kém hiệu quả khi vận hành của chúng. Những xe này có quãng đường đi được thuần điện ngắn hơn và chủ sở hữu của chúng cũng ít sạc pin hơn.
Xe PHEV của Porsche có mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình là 10,79 lít/100km so với con số WLTP công bố là 3,03 lít/100km. Chiếc PHEV của Bentley duy nhất góp mặt trong nghiên cứu tiêu thụ trung bình 12,97 lít/100km, so với WLTP công bố là 3,6 lít/ 100km.
Ferrari chính là cái tên có mức nhiên liệu tiêu hao chênh lệch lớn nhất. Chiếc 296 GTB và SF90 Stradale/Spider sử dụng lên đến 20,06 lít/100km. Con số này vượt xa mức WLTP công bố là 6,88 lít/100km.
Điều này không hẳn là bất ngờ, vì động cơ điện được Ferrari tạo ra để tăng hiệu suất chứ không phải để tiết kiệm. Nhưng ngạc nhiên hơn là 296 GTB và SF90 Stradale còn tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn cả các mẫu xe thuần xăng Maranello cũng của Ferrari. Các mẫu xe Marannello nổi tiếng vì tiêu tốn nhiều nhiên liệu, nhưng cũng chỉ tiêu thụ trung bình 16,28 lít/100km.

EEA cũng chỉ ra rằng những chiếc xe SUV hay xe hạng sang tạo ra lượng khí thải CO2 nhiều hơn 1,5 đến 2,5 lần so với tuyên bố từ nhà sản xuất. Chúng thường tạo ra lượng khí thải nhiều hơn từ 20 đến 40 gram/km so với các phương tiện nhẹ hơn. Điều này cùng với các quan niệm về mức tiêu thụ nhiên liệu của các mẫu xe có kích thước lớn hơn đã khiến chúng giảm doanh số.
Vẫn còn quá sớm để kết luận xu hướng tiêu thụ nhiên liệu và sự chênh lệch phát thải, vì các xe được đăng ký mới chỉ hoạt động trên đường khoảng một năm. Tuy nhiên, sự chênh lệch đối với xe PHEV là rất lớn, nên EU đã bắt đầu thay đổi cách tính toán các số liệu cho chúng. Những thay đổi này sẽ được áp dụng từng bước vào năm 2025 và 2027.
Vậy nên, không phải cứ mua một chiếc PHEV là đồng nghĩa với việc tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải. Việc này sẽ phụ thuộc vào cả thói quen sạc và sử dụng xe của người chủ. Nếu sử dụng xe không đúng cách, thậm chí chúng có thể tiêu tốn nhiều nhiên liệu và tạo ra khí thải CO2 nhiều hơn các mẫu xe chỉ sử dụng động cơ đốt trong.
Theo: Dantri
Trạm sạc VinFast phủ khắp mọi nẻo đường, nạp điện ô tô tiện lợi chẳng kém đổ xăng
Nhờ quãng đường di chuyển dài mỗi lần sạc đầy, mật độ trạm sạc dày đặc và thời gian sạc dần rút ngắn, các chủ xe điện ngày càng tận hưởng những lợi ích to lớn xe điện mang lại.
“Sạc xe điện đã quá tiện”
Hơn 7 tháng kể từ ngày nhận chiếc VinFast VF9, chị Thanh Bình đã có đến 4 chuyến đi dài từ Hà Nội về Hà Tĩnh mà không mảy may lo lắng về chuyện sạc pin cho xe. Trụ sạc VinFast bố trí rộng khắp các tỉnh thành mang lại sự thuận tiện tối đa cho những chủ xe hiện tại.
“Mỗi lần sạc đầy chiếc VF9 có thể đi từ đến 480 km, nếu chỉ loanh quanh Hà Nội thì khoảng 10 ngày mới phải sạc 1 lần. Tôi thường dùng trụ 11 kW gần nhà sạc qua đêm, đến sáng là đủ pin sử dụng. Mỗi chuyến đi từ Hà Nội về Hà Tĩnh chỉ cần sạc ở trạm 250 kW khoảng 30 phút là đủ pin cho cả chuyến đi”, chị Thanh Bình cho biết.
Từ một số suy đoán, hoài nghi ban đầu về vấn đề sạc pin, ngày càng có nhiều chủ xe như chị Thanh Bình chia sẻ cảm giác an tâm sau những hành trình hoàn thành thuận lợi với xe điện VinFast.
“Tốn khoảng 60 phút sạc pin cho quãng đường di chuyển khoảng 300 km,nghe thì có vẻ ghê gớm nhưng mọi thứ lại rất nhẹ nhàng nếu bạn có kế hoạch cụ thể”, anh Trần Danh Nhân, chủ xe VinFast VF8 cho biết. Chuyển đổi xe xăng sang xe điện đã lâu, anh cảm thấy việc thay đổi thói quen là xứng đáng và hạnh phúc cùng chiếc xe xanh, thông minh của mình.

Theo giới quan sát, trung bình một năm người sử dụng ô tô thường di chuyển ở mức phổ biến từ 10.000 km đến 15.000 km, tương đương khoảng 834 km – 1.250 km/tháng.
Như vậy, với những dòng xe điện VinFast đang bán ra thị trường, trung bình một tháng người sử dụng chỉ cần sạc pin khoảng 4 lần. Do đó, thời gian dành cho việc sạc pin không phải vấn đề quá lớn với chủ xe điện như một vài lầm tưởng.
“Nhìn bản đồ trạm sạc hiện tại, đi bất cứ đâu từ đồng bằng đến vùng đèo núi cũng có trạm sạc với đủ công suất khác nhau. Tỉnh lộ, quốc lộ khoảng 30-40 km lại có một trạm”, anh Đỗ Trường, một chủ xe VF 9 cho biết.
Thực hiện khá nhiều chuyến đi dài từ khi nhận xe, anh Trường chưa từng cảm thấy bất tiện vì chuyện sạc điện. Theo anh, chỉ cần lên kế hoạch để nghỉ ngơi đúng các điểm có trụ sạc trên lộ trình là ổn thoả.
Còn khi sử dụng hàng ngày, với tần suất đi khoảng 30 m/ngày, chủ xe VF 9 này chỉ cần sạc pin một lần vào dịp cuối tuần là đủ. Thời gian chờ đợi, anh thoải mái làm những việc khác như đi mua sắm, cafe… hay ngồi trong xe bật điều hoà nghe nhạc.
Ngoài sạc ở trạm công cộng, anh Trường cũng chủ động sạc ở nhà với bộ sạc 3,5 kW theo xe, qua khoảng 10 tiếng, tương đương một giấc ngủ qua đêm, chiếc VF9 của anh có thể đi được khoảng 130 km, đủ cho quãng đường đi làm vài ngày. Vị chủ xe còn ví von việc sạc pin “dễ dàng như cắm quạt hay sạc điện thoại”.
Đầu tư khủng, hệ thống trạm sạc sắp tăng tốc phủ sóng
Ngoài những chia sẻ từ chính chủ xe, tốc độ phát triển hạ tầng trạm sạc của VinFast cũng liên tục được cập nhật trên website của hãng và các ứng dụng bản đồ thông dụng. Với quy hoạch 150.000 cổng sạc, đến nay, hệ thống sạc VinFast đã phủ rộng ở 63 tỉnh, thành phố.

Trên 125 tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, cao tốc, chủ xe đều có thể dễ dàng tìm thấy trụ sạc, với khoảng cách trung bình giữa hai điểm sạc là 65km. Thậm chí, mật độ này trong đô thị còn thấp hơn, chỉ khoảng 3,5 km giữa mỗi điểm sạc.
Không dừng lại ở đó, hãng xe Việt cho biết vẫn tiếp tục công cuộc phát triển trạm sạc để thu hẹp hơn nữa khoảng cách giữa các điểm sạc. Điểm nhấn mới nhất trên hành trình này là sự xuất hiện của V-GREEN – công ty mới được tỉ phú Phạm Nhật Vượng thành lập, đóng vai trò đối tác phát triển mạng lưới trạm sạc xe điện cho VinFast trên quy mô toàn cầu.
Tại Việt Nam, V-GREEN có kế hoạch đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng trong vòng 2 năm tới để xây mới, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống trạm sạc đang có của VinFast.
Giới chuyên gia dự báo, với khoản đầu tư bổ sung này, hệ thống cổng sạc trong nước sẽ mọc lên như “nấm sau mưa” trong những năm tới. Từ đó, khoảng cách giữa việc sạc pin và đổ xăng sẽ gần như bằng không.
Ngoài việc phủ rộng về quy mô, VinFast đang cung cấp cho chủ xe hệ thống trụ sạc với công suất đa dạng từ 11 kW, 30 kW, 60 kW, 180 kW và 250 kW, được lắp đặt tại các địa điểm tiện lợi cho khách hàng như bãi đỗ xe, trạm xăng, dầu, trạm dừng nghỉ…
Gần đây, hãng xe Việt bắt đầu triển khai thử nghiệm loại trụ sạc công suất đến 360 kW tại Đà Nẵng, cho phép sạc nhiều xe cùng lúc với công suất tối ưu tùy theo số lượng xe và khả năng tiếp nhận, từ đó giảm thiểu thời gian chờ đợi cho khách hàng.

Với những nỗ lực của VinFast, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia có hạ tầng trạm sạc tốt nhất thế giới, đi tiên phong trong công cuộc chuyển đổi sang các loại phương tiện xanh.
Theo tính toán, trong năm 2023, hạ tầng trạm sạc của VinFast có mức tăng trưởng lên tới 75% (so với năm 2022). Đây là tốc độ phát triển đáng nể, thậm chí vượt trội so với nhiều nước phát triển trên thế giới.
Trong bối cảnh thị trường xe điện ngày càng thu hút sự quan tâm của những thương hiệu “ngoại binh”, việc sở hữu hạ tầng trạm sạc có độ phủ rộng nhất, được đầu tư kỹ lưỡng sẽ là lợi thế cho hãng xe Việt duy trì vị thế đứng đầu, đồng thời tiến gần hơn tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành hình mẫu về giao thông xanh trong khu vực.
Theo: Tienphong
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Nhà sáng lập VinFast thành lập Công ty Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN
Hà Nội, ngày 18/03/2024 – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, đồng thời là nhà sáng lập VinFast – ông Phạm Nhật Vượng công bố thành lập Công ty Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN.
Mục tiêu của V-GREEN là đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng trạm sạc nhằm hỗ trợ tối đa cho VinFast nhanh chóng vươn ra toàn cầu, đồng thời đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mật độ trạm sạc xe điện lớn nhất thế giới.
Công ty V-GREEN do nhà sáng lập VinFast thành lập với tỷ lệ sở hữu 90% cổ phần, được tách ra từ bộ phận phát triển trạm sạc của hãng xe điện VinFast. V-GREEN sẽ hoạt động hoàn toàn độc lập trong vai trò đối tác phát triển mạng lưới trạm sạc cho VinFast trên quy mô toàn cầu.
Theo đó, công ty sẽ chịu trách nhiệm đầu tư toàn bộ hạ tầng xe điện, qua đó giảm tải áp lực tài chính và triển khai cho VinFast để hãng xe tập trung mở rộng thị trường và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, với mục tiêu rõ nét là phát triển hệ sinh thái xanh, góp phần thúc đẩy cuộc cách mạng giao thông điện hóa, V-GREEN sẽ có cơ hội thuận lợi hơn trong việc tiếp cận và huy động các nguồn vốn xanh với lãi suất ưu đãi, qua đó hỗ trợ VinFast nhanh chóng vươn ra các thị trường quốc tế.
Giai đoạn đầu, V-GREEN sẽ trực tiếp tìm kiếm mặt bằng và đối tác để thiết lập, mở rộng mạng lưới trạm sạc tại các thị trường trọng điểm trên khắp thế giới, đồng thời hợp tác với các đối tác là đơn vị cung cấp trạm sạc bên thứ 3 để cung cấp dịch vụ sạc xe cho các chủ xe điện VinFast.
Tại Việt Nam, V-GREEN sẽ chịu trách nhiệm vận hành, quản lý hệ thống trạm sạc sẵn có của VinFast, đồng thời sẽ đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng trong vòng 2 năm tới để xây mới và nâng cấp, hoàn thiện hệ thống.
Với việc nâng tổng mức đầu tư cho hạ tầng lên gấp 3 lần so với kế hoạch ban đầu của VinFast, V-GREEN hướng đến mục tiêu phủ trạm sạc trên khắp đất nước và đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về phát triển hạ tầng trạm sạc cho xe điện.
Sau khoảng 5 năm vận hành, tùy theo từng thị trường cũng như khả năng huy động thực tế, V-GREEN có thể cân nhắc chuyển sang mô hình kinh doanh dịch vụ sạc ô tô điện cho các hãng xe điện khác ngoài VinFast.
Ông Nguyễn Đức Thanh – Tổng giám đốc V-GREEN cho biết: “Quyết định thành lập V-GREEN là bước đi mang tính chiến lược của nhà sáng lập VinFast trong việc hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ cho VinFast phát triển bền vững, ổn định trên quy mô toàn cầu. Việc Chủ tịch Phạm Nhật Vượng sẵn sàng dùng tài sản cá nhân thành lập V-GREEN để giảm tải áp lực đầu tư hạ tầng cho VinFast, hỗ trợ tối đa cho hãng xe phát triển đã khẳng định quyết tâm mãnh liệt trong việc thúc đẩy giao thông xanh tại Việt Nam và thế giới”.
Theo kế hoạch, trong năm 2024, VinFast sẽ mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh ra tối thiểu 50 quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh các thị trường trọng điểm như Mỹ, Canada và châu Âu, VinFast đang mạnh mẽ tiến ra các quốc gia láng giềng trong khu vực châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Philippines…, khu vực Trung Đông hay gần đây nhất là châu Phi với những thị trường đầu tiên là Nigeria, Ghana…
Ngoài Việt Nam, hiện VinFast cũng đang xúc tiến xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Mỹ, Ấn Độ và Indonesia.
Theo: VinFast
Xem thêm bài liên quan
- “Xe giám đốc” Toyota Camry 2025: Được loại bỏ động cơ V6 thay thế bằng hybrid, “át chủ bài” của thương hiệu Nhật
- Trạm sạc – Yếu tố quan trọng nhất nếu muốn xe điện phát triển nhưng đó có phải là tất cả?
- Những cuộc lái thử bất ổn trong dịp ra mắt mẫu ô tô đầu tiên của Xiaomi, CĐM Trung Quốc: “Sản phẩm có thể chưa hoàn thiện?”