Theo VEC, từ ngày 1/1/2023, mức thuế giá trị gia tăng trở về 10% nên các tuyến cao tốc có thu phí sẽ có một số thay đổi so với mức giá cũ. Mức phí cao tốc bỗng dưng đắt đỏ hơn khi thuế VAT về 10% là do thu phí tự động nên phải “làm tròn số”.
Thuế VAT trở về 10%
Những ngày qua, nhiều tài xế đi trên các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, khai thác tỏ ra bức xúc khi số tiền trả phí đi qua các trạm thu phí cao bất thường so với thời điểm trước Tết dương lịch 2023.
Theo đó, một số tài xế cho biết, ngày 31/12/2022 xe 7 chỗ trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ; Cầu Giẽ – Ninh Bình và thấy phần mềm thu phí tự động (ETC) thông báo hết 103.000 đồng, gồm 8% thuế VAT.
Tuy nhiên, ngày 1/1 anh trở về Hà Nội cũng với hành trình trên thì phần mềm thu phí thông báo trừ 110.000 đồng tiền phí. Trong khi đó, trước ngày 1/2/2022, với thuế VAT 10% thì tổng tiền phải trả khi đi hết hai tuyến cao tốc này là 105.000 đồng.
Cách tính phí của tuyến cao tốc này khiến cho tài xế khó hiểu và không biết đơn vị quản lý là VEC đã tính phí theo công thức nào? mà lại có sự chênh lệch cao hơn như vậy.
Được biết, năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế -xã hội.
Theo đó, về thuế giá trị gia tăng (GTGT), giảm 2% thuế suất thuế GTGT từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%) trừ một số hàng hóa, dịch vụ.
Việc quy định phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ thuộc đổi tượng giảm thuế GTGT thì mới được áp dụng thuế suất 8% theo phản ánh của DN là làm tăng chi phí của DN (tăng chi phí thời gian của kế toán và chi phí sử dụng hóa đơn) vì đối với cùng một khách hàng, thay vì lập 01 hóa đơn ghi nhiều thuế suất khác nhau (5%, 8%, 10%) thì DN phải lập 02 hóa đơn: 01 hóa đơn ghi thuế suất 8% và 01 hóa đơn ghi các thuế suất khác (5%, 10%).
Lý giải về mức phí mới này, đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, từ ngày 1/1/2023 VEC điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng từ 8% lên 10%.
Cụ thể, mức phí thu sử dụng dịch vụ đường bộ cao tốc các tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Cầu Giẽ – Ninh Bình, Đà Nẵng – Quảng Ngải, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây được điều chỉnh thuế VAT từ 8% trở về mức 10%.
“Đây là những tuyến cao tốc có phương thức thu phí hệ thống đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư là phương thức thu phí kín”, đại diện VEC cho hay.
Do cách tính làm tròn mệnh giá
Theo đại diện VEC, khi chưa áp dụng thu phí không dừng chủ phương tiện trả phí bằng tiền mặt. Để phù hợp với các mệnh giá tiền lẻ, VEC đã tính toán giá vé đường cao tốc trên nguyên tắc làm tròn các mệnh giá cước phí giá trị thực được tính toán theo hướng có lợi cho người tham gia giao thông.
Đại diện VEC lấy dẫn chứng, tại dự án Cầu Giẽ – Ninh Bình xe loại 2 chặng Đại Xuyên – Liêm Tuyền tính toàn 62.100 đồng nhưng giá niêm yết là 60.000 đồng.
Chặng Đại Xuyên – Cao Bồ xe loại 1 theo tính toán là 75.045 đồng nhưng giá niêm yết là 70.000 đồng xe loại 2 là 112.568 đồng nhưng giá niêm yết là 100.000 đồng.
Đối với dự án TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây xe loại 2 chặng Long Phước – Dầu Giây tính toán 152.949 đồng nhưng giá niêm yết là 150.000 đồng. Dự án Nội Bài – Lào Cai: xe loại 1 chặng IC3 – Trạm Km237 theo tính toán 284.225 đồng nhưng giá niêm yết là 280.000 đồng.
Qua đó, từ ngày 1/8/2022, hệ thống thu phí không dừng đã đưa vào sử dụng toàn bộ trên các tuyến đường cao tốc, các giao dịch được trừ tự động trên tài khoản khách hàng tham gia giao thông, không phụ thuộc vào các mệnh giá như khi thu tiền mặt trước đây.
VEC chỉ thực hiện làm tròn các mệnh giá cước phí đến hàng nghìn đồng. Việc thay đổi về nguyên tắc tính trên, dẫn đến có một số thay đổi nhỏ giữa giá niêm yết trước đây và giá hiện tại.
‘Ông trùm’ cao tốc thu phí bình quân hơn 12 tỷ đồng mỗi ngày
Năm 2022, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thu phí hơn 4.442 tỷ đồng, tương đương bình quân 12,1 tỷ mỗi ngày.
Thông tin này được lãnh đạo VEC cho biết tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 mới đây. Doanh thu thu phí của “ông trùm cao tốc này tăng hơn 36% so với năm 2021.
Tổng lượng xe lưu thông trên 4 cao tốc của VEC gồm Nội Bài – Lào Cai, Cầu Giẽ – Ninh Bình, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây ước đạt khoảng 53,2 triệu lượt, tăng 41,1%. Nhờ đó, tổng doanh thu của VEC cũng tăng mạnh lên hơn 5.360 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ khoảng 5.015 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công ty này chưa công bố lợi nhuận năm nay. Theo chỉ tiêu được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao, VEC đặt kế hoạch doanh thu hơn 4.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 418 tỷ đồng năm 2022.
Để phát huy hiệu quả đầu tư, nâng cao năng lực của các tuyến cao tốc đã đi vào khai thác, VEC đã trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung hạng mục mở rộng cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình (đoạn Đại Xuyên – Liêm Tuyền), phương án đầu tư mở rộng cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Nội Bài – Lào Cai (đoạn Yên Bái – Lào Cai).
Năm 2023, VEC đặt mục tiêu hoàn thành đưa đoạn tuyến Km0+000-Km21+000 dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành vào khai thác và vận hành toàn tuyến vào năm 2025.
Ngoài ra, VEC được giao hoàn thành các hạng mục còn lại, xử lý dứt điểm tồn tại, tranh chấp tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, nghiên cứu mở rộng các tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đoạn Yên Bái – Lào Cai tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Xem thêm bài liên quan
- Tỷ lệ đọc thẻ thất bại cao gấp 3 lần VETC – ePass nói gì khi cả hai loại thẻ này đều sử dụng chung công nghệ RFID?
- Thu phí tự động không dừng gây ùn tắc, tranh cãi: Đi 13km nhưng tiền tài khoản phải đủ 131km
- Từ 1/6, chính thức thực hiện thu phí không dừng trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, xe không dán thẻ ETC bị phạt 2,5 triệu đồng