Quan điểm của Bộ Công thương là ủng hộ đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2023.
Bộ Công thương vừa có văn bản phản hồi Bộ Tài chính về đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo đó, quan điểm của Bộ Công thương là ủng hộ đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Bộ Công thương cho rằng thị trường tiêu thụ ô tô trong nước đang gặp nhiều khó khăn do chịu sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng và tâm lý người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu với những mặt hàng có giá trị cao.
Bộ Công thương cũng dẫn báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), kết quả bán hàng của Hyundai Thành Công và VinFast trong tháng 1/2023.
Những báo cáo này cho thấy doanh số ô tô tại thị trường Việt Nam trong tháng đầu năm 2023 đã giảm tới 60% so với tháng 12/2022 và giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 3 tháng đầu năm nay, toàn thị trường chỉ tiêu thụ 77.090 xe, giảm đến 31% so với quý I năm 2022.
Trong bối cảnh thị trường ô tô sụt giảm mạnh, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đều đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ kích cầu. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ thì sẽ không đủ để tạo ra sức bật giúp thị trường tăng trưởng trở lại một cách ổn định, bền vững.
Do đó, Bộ Công Thương cho rằng việc tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong một khoảng thời gian thích hợp là cần thiết và phù hợp với tinh thần chung.
Chính sách này sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đồng thời giúp các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho. Theo Bộ Công Thương, có thể cân nhắc thời gian áp dụng chính giảm lệ phí trước bạ ô tô đến hết năm 2023.
Bộ Công thương ủng hộ đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Trước đó, vào hồi đầu tháng 4/2023, Bộ Tài chính đã có công văn gửi trả lời về việc thực hiện Nghị quyết số 31/NĐ-CP.
Quan điểm của Bộ Tài chính là việc thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước hiện tại không còn phù hợp với tình hình thực tế do dịch Co.vid-19 đã được kiểm soát.
Nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì các nước thành viên WTO có thể nhìn nhận việc này như một khoản trợ cấp của Chính phủ.
Việt Nam có thể nhận được yêu cầu giải thích từ một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tại Việt Nam.
Cũng theo Bộ Tài chính, trường hợp cần thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô thì phải áp dụng chung cho cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu.
Điều này sẽ dẫn đến việc giảm thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách của địa phương.
Bộ Tài chính: Đề xuất tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ trong nước là không cần thiết!
Bộ Tài chính cho rằng, tình hình dịch Co.vid-19 đã cơ bản ổn định, doanh số bán ô tô đã tăng trở lại, do đó đề xuất tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là chưa phù hợp.
Trước đó, ngày 26/11/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2001/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô (sau đây gọi chung là ô tô) sản xuất, lắp ráp trong nước, theo đó, mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 50%.
Tuy nhiên, đến ngày 31/5/2022 Nghị định này đã hết hiệu lực. Nhiều ý kiến đề nghị Bộ Tài chính xem xét tiếp tục kéo dài việc giảm LPTB cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến ngày 31/12/2022.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, trên thực tế, tại thời điểm trình Chính phủ ban hành Nghị định số 103/2001/NĐ CP, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ những tác động tích cực và tác động tiêu cực.
Trong đó, Bộ Tài chính cho rằng việc giảm 50% mức thu LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định theo nguyên tắc Đối xử quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ WTO, các FTA và Việt Nam và có thể tiếp tục nhận được yêu cầu giải thích từ một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, đây là biện pháp hỗ trợ ngắn hạn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh Co.vid-19.
Do đó, trên cơ sở ý kiến thống nhất của các Bộ, ngành, địa phương, cũng như kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 103, giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để hỗ trợ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên cả nước cơ bản đang được kiểm soát, các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội đang dần phục hồi trở lại bình thường, trong đó có ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước).
Theo Báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam (VAMA) thì trong 7 tháng đầu năm 2022 doanh số bán hàng của xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021.
“Theo đó, đề nghị xem xét tiếp tục kéo dài việc giảm LPTB cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến ngày 31/12/2022 là chưa phù hợp” – Bộ Tài chính cho biết.
Theo Thanh Niên Việt / Theo ANTĐ
Xem thêm bài liên quan
- Việt Nam cần bao nhiêu tỉ USD đầu tư hạ tầng xe điện để hướng tới mục tiêu có 3,5 triệu xe vào năm 2040?
- Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu giảm lệ phí trước bạ ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước ngay trong tháng 5
- Bạn có thể sở hữu những mẫu xe thuần điện nào tại thị trường Việt Nam? Triển vọng phát triển thế nào trong tương lai?