Việc nhiều trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động khiến hàng nghìn tài xế chờ cả ngày trời không xong việc. Một số chủ xe còn chấp nhận chi 1-2 triệu đồng thuê người xếp hàng, chờ lấy số để tránh mất thời gian.
Cuộc sống và công việc của anh T.N (ở quận Hà Đông, Hà Nội) những ngày gần đây bị đảo lộn vì “việc từ trên trời rơi xuống”. Làm trong lĩnh vực bán quà Tết, thường xuyên phải lái xe đi giao hàng cho các đại lý, khách lẻ nhưng kinh doanh của gia đình bị đình trệ vì anh bận xếp hàng chờ kiểm định xe.
Hàng trăm đơn hàng nằm kho vì không có phương tiện vận chuyển, đối tác thì gọi điện “cháy máy” giục giao nhanh. Xe hết đăng kiểm nên anh N. không dám lưu thông, trong khi đó những ngày cuối năm rất khó để tìm bên vận chuyển hoặc cước phí cũng rất cao.
Mệt mỏi vì 2 ngày liên tiếp, đi 4 trạm đăng kiểm đều không được, phải ra về, anh N. chấp nhận chi tiền thuê người xếp hàng, thay mình đứng “canh” để lấy số thứ tự làm thủ tục đăng kiểm.
“Xe vừa hết hạn đăng kiểm nên đương nhiên là bị cấm lưu thông, ảnh hưởng đến “cần câu cơm” của gia đình. Mà giai đoạn cận Tết, lượng đơn hàng lớn, tôi không có thời gian xếp hàng chờ đợi như vậy nên đành phải tìm người đi đăng kiểm thay”, anh N. kể.
Người đàn ông 38 tuổi tiết lộ, vì không yên tâm thuê người lạ nên anh phải liên hệ bạn bè trợ giúp. Sau khi gọi điện cho 4-5 người, anh mới kết nối được với một thanh niên sống cùng tòa nhà hiện làm tài xế công nghệ, chủ động được thời gian để đi xếp hàng chờ đăng kiểm xe.
Sau khi thỏa thuận, hai bên “chốt giá”, anh N. đồng ý thanh toán 1 triệu đồng cho tài xế trên.
“Việc đăng kiểm hiện nay tuy không tốn sức nhưng lại mất thời gian, có khi phải thức xuyên đêm hoặc chờ đợi nửa ngày mới đến lượt đăng kiểm nên tôi thấy giá vậy hợp lý. Cùng khoảng thời gian đó, tôi có thể làm được hàng chục đơn hàng, giao cho các đối tác. Nhờ thế mà công việc không bị dồn đọng, lại vẫn đảm bảo doanh thu dịp cuối năm”, anh chia sẻ.
Liên tục “nổ” lịch thuê xếp hàng, đăng kiểm xe trong những ngày gần đây, anh L.T (ở quận Hoàng Mai) không khỏi bất ngờ trước công việc mang tính thời vụ bất đắc dĩ này.
Trước đây, anh T. từng có thời gian dài chạy xe dịch vụ, nắm được nhiều kinh nghiệm về máy móc, ô tô nên được người quen giới thiệu cho những chủ xe bận rộn, có nhu cầu thuê người xếp hàng.
Trung bình mỗi ngày, anh nhận 2-3 xe với chi phí dao động từ 1-2 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, có ngày nhận xe đã qua sửa chữa, độ phụ kiện trang trí… hay không đủ điều kiện đăng kiểm, tốn nhiều thời gian chờ đợi thì anh chỉ xử lý được một xe.
“Có hôm, tôi phải tới trung tâm đăng kiểm xếp hàng từ nửa đêm để sáng hôm sau kịp lấy số thứ tự sớm. Nếu xe đủ điều kiện, quá trình kiểm định nhanh thì chỉ 1-2 tiếng là xong.
Nhưng có ngày, nhiều trung tâm đã hết chỗ, ngừng phát số, tôi phải chờ đợi nửa ngày hay thậm chí di chuyển vài trăm cây số tới các tỉnh thành lân cận như Hưng Yên, Hải Dương… để kịp làm đăng kiểm xe, đảm bảo yêu cầu của khách”, anh kể.
Người đàn ông này cũng tiết lộ, có lần chờ 8 tiếng đồng hồ để đưa xe vào đăng kiểm. Chừng 15 phút, anh nghe loa thông báo phải vào nhận xe và mang đi sửa lại đèn thì mới đủ điều kiện đăng kiểm.
“Chờ nửa ngày khá thấm mệt, tôi lại phải lấy xe của khách ra khỏi trung tâm, mang tới tiệm để tháo các phụ tùng mà chủ xe đã độ trước đó rồi quay ngược lại, tiếp tục xếp hàng thêm vài tiếng chờ đến lượt mình”, anh nói thêm.
Anh T. thừa nhận, dịch vụ xếp hàng thuê, lấy số thứ tự để chờ đến lượt đăng kiểm có thể kiếm được nguồn thu nhập tốt nhưng chỉ mang tính thời vụ và vất vả không kém các công việc khác.
Những ngày “trắng đêm” xếp hàng như vậy, anh phải tranh thủ chợp mắt, nghỉ ngơi nhiều vào ban ngày hay ăn vội suất cơm hộp mua để sẵn trên xe nhằm giữ sức.
Tài xế xếp hàng xuyên đêm, có người trốn viện chờ tới lượt đăng kiểm xe
Có chủ xe dù đang phải nằm viện điều trị nhưng cũng cố tìm cách trốn ra ngoài để đi đăng kiểm, người khác thậm chí bị vợ nghi ngờ có bồ nhí vì suốt 2-3 ngày đi xếp hàng lấy số.
Mất gần 2 ngày mới có thể đăng kiểm được cho chiếc xe của mình, anh Hà Đình Tiến (33 tuổi, sống tại khu đô thị Nam Cường, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nói rằng cuộc sống bị đảo lộn chỉ vì vấn đề này. Dậy từ sớm, thức khuya là cách anh và nhiều người lựa chọn trước tình trạng quá tải ở nhiều trung tâm kiểm định xe.
Chia sẻ với PV Dân trí, anh Tiến cho hay, 5h sáng ngày 10/1, anh ra Trung tâm đăng kiểm 29-27D (trên đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội) để xếp hàng. Dù mới tờ mờ sáng nhưng đã có rất đông tài xế đến chờ đợi từ trước đó.
“5h sáng nhưng xe xếp hàng dài tới 300-400m. Xe của tôi ở số thứ 45. Phía sau tôi, các tài xế kéo đến ngày một đông. Đến khoảng 7h sáng, vì có công việc đột xuất, tôi đành nhường nốt của mình cho một người bạn”, anh Tiến nhớ lại.
22h tối cùng ngày, dù đơn vị đăng kiểm đã hết giờ làm việc, anh Tiến cùng một hàng xóm vẫn đánh xe đến gần sát trung tâm để “nhận chỗ”. Ra tới nơi, anh không ngờ vì có rất nhiều tài xế đã cho xe đỗ dọc đường Phạm Văn Đồng để chờ tới lượt đăng kiểm vào sáng hôm sau.
“Vì nhà tôi cách trung tâm này khoảng 1km nên tôi để xe ở lại đó rồi về nhà ngủ, chấp nhận để xe ngoài đường một đêm. Tuy nhiên, về đến nhà, trong lòng thấp thỏm không yên nên đến 4-5h sáng, tôi lại lọ mọ ra ngồi chờ trên xe”, anh Tiến cho hay.
Cũng theo người đàn ông này, chủ nhân của chiếc xe Ford xếp sau anh trò chuyện rằng họ đã phải dậy từ 1h sáng, di chuyển từ phố Đặng Tiến Đông cách đó hơn chục km để xếp hàng. Một người khác sở hữu chiếc xe BMW thì phải dậy từ 2h sáng. Cả hai người này đã ngủ qua đêm trên xe.
Sau một đêm dài chờ đợi giữa thời tiết mưa rét, đến 7h sáng ngày 11/1, anh Tiến cùng nhiều tài xế khác cũng được nhận số thứ tự vào đăng kiểm. Được nhận con số 15, anh tự hào khoe với bạn bè và gọi vui “đây là con số quyền lực”.
Anh Tiến kể: “Nhiều người phải dậy từ 3h sáng đến đây nhưng số thứ tự vào đăng kiểm cũng tới 60, nghĩa là khoảng chiều hôm đó họ mới tới lượt làm thủ tục.
Cùng thời điểm này, một anh bạn của tôi đi đăng kiểm ở TPHCM mà nhận số thứ tự là 1.048. Quả thực suốt 6 năm đi ô tô, chưa bao giờ tôi thấy đi đăng kiểm khổ sở, vất vả như thế. Bình thường tôi đi đăng kiểm chỉ mất khoảng 1 tiếng nhưng nay mất tới gần 2 ngày. Mấy anh em nói vui với nhau rằng, khổ sở xếp hàng như thời tem phiếu”.
Đến 10h sáng cùng ngày, sau khi đăng kiểm xong và lái xe ra về, anh Tiến thấy hàng xe xếp hàng chờ tới lượt đã dài gần 2km.
Các trung tâm đăng kiểm đột ngột dừng hoạt động vào dịp cận Tết khiến tình trạng quá tải càng trở nên nghiêm trọng. Nhiều tài xế cho biết, dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại tăng cao. Nếu không đăng kiểm thời điểm này thì Tết họ sẽ không có xe để đi. Vậy nên, họ buộc phải đăng kiểm bằng mọi giá, nếu không họ sẽ phải đối diện với các mức phạt rất nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế.
“Trong khoảng thời gian chờ đợi, chúng tôi được nghe không ít chuyện dở khóc dở cười. Có người dù đang phải nằm viện điều trị nhưng cũng cố tìm cách trốn ra ngoài để đi đăng kiểm. Có người con nhỏ không ai trông, gia đình cuối năm bận rộn phải gọi điện hỏi tôi cụ thể về các quy trình để sắp xếp thời gian đi xếp hàng”, anh Tiến cho hay.
Anh Trần Thành L. (38 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng khốn đốn vì đăng kiểm xe. Anh cho biết đã phải đi 6 trạm, “canh” 2-3 ngày để lấy số.
“Đêm hôm trước, tôi tới trung tâm đăng kiểm ở quận Thanh Trì, xếp hàng chờ từ 12 rưỡi đêm đến trưa hôm sau mới hoàn tất. Công việc cá nhân vì thế cũng ảnh hưởng nghiêm trọng. Xe tôi chỉ 2 ngày nữa hết hạn đăng kiểm, nếu không làm kịp, xe bị cấm lưu thông thì mất cần câu cơm”, anh L. nói.
Anh cho biết, cũng vì liên tục tìm nơi đăng kiểm, xếp hàng xuyên đêm chờ lấy số nên có hôm tận khuya anh mới trở về nhà. Vợ anh vì thế nghi ngờ anh có bồ nhí, liên tục tra hỏi với thái độ bực tức.
Sau khi giải thích, đưa bằng chứng là tấm ảnh chụp ở trung tâm đăng kiểm, anh mới xoa dịu được vợ khỏi sự đa nghi, suy nghĩ lung tung.
Hiện nay, cả nước có 33 trung tâm đăng kiểm phải tạm dừng hoạt động, rải rác tại 13 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hòa Bình.
Riêng Hà Nội có 11 trung tâm đăng kiểm phải dừng, chỉ còn 20 đơn vị được hoạt động. Trước tình trạng quá tải, Sở GTVT Hà Nội vừa yêu bố trí nhân lực để làm thêm thời gian (kể cả ngày nghỉ) nhằm đáp ứng nhu cầu kiểm định xe.
Theo Dân trí