Chiếc xe sang Lexus IS 250C từng là niềm vui của anh Long với gói độ thân rộng (wide bodykit) cầu kỳ. Nhưng giờ đây việc “về zin” đang là mối quan tâm hàng đầu khi mà tình hình đăng kiểm đang siết chặt.
Những ngày cuối năm 2022, đầu năm 2023 này, dù còn nhiều công việc ngổn ngang, anh Đào Xuân Long (Hà Nội) vẫn phải dành thời gian để ý tới chiếc Lexus IS 250C hiện đang nằm trong một gara ở quận Long Biên.
Chiếc Lexus IS 250C đời 2010 được anh mua vào năm 2013 để thay thế cho chiếc xe cũ là Mitsubishi Lancer. Với công việc làm trong ngành hàng không, anh Long thường vắng nhà nên niềm vui hơn chục năm nay mỗi khi rảnh rỗi chính là độ xe và tập môn drift.
Chính vì quá đam mê, chiếc xe thể thao 2 cửa Lexus IS 250C đã được nam chủ nhân trẻ tuổi không tiếc tiền chi tới 400 triệu vào năm 2018 để độ gói thân rộng (wide bodykit), đúng theo “bài” của các tay đua xứ mặt trời mọc với công thức: xe thể thao dẫn động cầu sau + độ gầm thấp, thân rộng.
Tuy nhiên, giờ đây chiếc xe vốn được nhiều tay chơi đất Hà thành biết đến đang nằm im lìm nơi góc xưởng để chờ…đồ “zin”. Xe đã hết hạn đăng kiểm và với tình trạng “khó” đăng kiểm với những xe không nguyên bản đang diễn ra trên toàn quốc, anh Long buộc phải chọn giải pháp “về zin”.
“Hiện tại xưởng đang báo số tiền về dọn xe khoảng 60 triệu nhưng chưa đủ, vì để hoàn thành về nguyên bản chắc tôi còn tốn thêm nhiều nữa. Có thể lên tới cả trăm triệu vì còn tiền mua đồ zin”, anh Long nói.
Do chiếc Lexus đã độ gói wide bodykit nên nhiều chi tiết bên ngoài xe đã khác biệt rất nhiều so với xe gốc. Điển hình như phần hốc bánh xe đã nhô dài sang hai bên và được cố định bằng những chiếc đinh tán nhỏ.
Đây chính là điểm đặc trưng trên những mẫu xe độ widebody phong cách chơi xe Nhật Bản. Ngoài ra, bộ vành xe cũng là điểm nhấn mới với 6 chấu kích cỡ 18 inch sơn vàng và được bao bọc bởi lốp có kích thước 255/45.
Đầu xe cũng được làm mới khi thay thế cụm ca-lăng phiên bản 2010 bằng phiên bản IS đời 2016 với kiểu hình con suốt. Một số chi tiết khác đã được thay đổi như lưới hốc gió, cản trước mang phong cách thể thao của Lexus IS 250 F-Sport, giúp ăn nhập với gói độ thân rộng.
Phần đuôi xe là nơi có ít sự thay đổi nhất khi chỉ được bổ sung thêm một cánh gió nhỏ cố định trên nắp cốp. Hệ thống ống xả được độ lại với bầu pô đến từ hãng Vibrant của Mỹ. Các bộ phần còn lại của hệ thống pô đều được đặt hàng thiết kế và chế tạo riêng.
“Độ lên gói thân rộng đã khó vì không phải thợ nào cũng làm được, nhưng về “zin” còn vất vả hơn nữa bởi không đơn giản như các xe độ bodykit mua sẵn, chỉ việc tháo ra lắp vào mà cần gò hàn thân vỏ thu hẹp lại bề rộng. Chưa kể bộ cản trước cũ của xe tôi đã vứt lâu rồi, giờ phải chờ đặt hàng từ nước ngoài khá lâu”, anh Long than thở.
Hiện tại anh vẫn đang chạy đua với thời gian để hoàn thiện chiếc xe của mình kịp đi đăng kiểm, có phần hơi vất vả khác hẳn mọi năm.
Chia sẻ với VietNamNet, anh Bùi Thế Sơn, chủ xưởng độ Qs Performance ở Hà Nội, kể: “Nhiều chủ xe khi chi tiền nhiều để độ lên phong cách mới thường để lại các phụ tùng nguyên bản ngay tại xưởng, nhưng theo thời gian, họ cũng không quan tâm tới chúng nên cũng dần thất lạc. Gần đây nhiều người gọi hỏi tìm đồ cũ nhưng rất khó bởi xưởng của tôi đã qua vài lần chuyển địa điểm, không thể giữ lại được”.
Cũng giống như các chủ xe độ bị ảnh hưởng bởi tình trạng siết chặt đăng kiểm đang diễn ra, xưởng của anh Sơn không còn tất bật làm xe cho khách cá nhân như thời điểm này những năm trước, mà đã chuyển hướng sang làm xe độ cho các câu lạc bộ đua xe biểu diễn.
Ô tô ‘độ’, chế như thế nào thì bị từ chối đăng kiểm?
Gần đây, nhiều xe ô tô lắp thêm hoặc ‘độ’, chế một số loại phụ kiện ngoài không phải của nhà sản xuất đã bị các đơn vị đăng kiểm thẳng tay từ chối.
Nguyên nhân đến từ việc những chiếc xe này đã thay đổi kết cấu, thiết kế, kiểu dáng mà nhà sản xuất đã đăng ký với cơ quan đăng kiểm. Dễ gặp nhất là những chiếc ô tô lắp thêm giá nóc, cản va hoặc độ chế thêm đèn Led, bi xenon, mâm (vành), dán decal đổi màu hay lắp thêm ghế với xe Van…
Thậm chí nhiều xe đã thay một bộ phận tưởng chừng như không mấy liên quan đến an toàn là mặt ca-lăng hay cánh lướt gió thể thao cũng bị phía cơ sở đăng kiểm “trả về”.
Giải thích về điều này, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2903S trên đường Lê Quang Đạo (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, xe nguyên bản chỉ có đèn halogen nhưng nếu lắp thêm đèn siêu sáng dạng Led hoặc Bi-xenon sẽ có cường độ sáng quá lớn, gây nguy hiểm cho xe đối diện.
Hoặc độ mặt ca-lăng có thể làm ảnh hưởng đến độ nhạy của các cảm biến, trong đó có cảm biến va chạm và túi khí không nổ hoặc không nổ đúng thời gian cần thiết nữa, gây nguy hiểm đến tính mạng của người trên xe.
“Có hai tiêu chí xét duyệt đăng kiểm đối với đèn xe ô tô. Đầu tiên là tiêu chuẩn của ngành quy định, bao gồm: hình dạng chùm sáng, cường độ sáng và góc chiếu. Thứ hai là chứng nhận kiểu loại mà nhà sản xuất đã đăng ký với Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Với các loại đèn cùng một hãng mà nhà sản xuất cho phép lắp trên một dòng xe, ví dụ như một chiếc Toyota Innova đời thấp lắp bóng đèn của xe đời cao hơn thì không vấn đề gì, trung tâm đăng kiểm vẫn chấp nhận” vị Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2903S cho hay.
Như vậy, việc “độ” đèn cho ô tô vẫn có thể được cơ quan đăng kiểm chấp nhận nếu thỏa mãn theo tiêu chí xét duyệt đã nêu ở trên. Song hiện nay nhiều gara bên ngoài nhận nâng cấp đèn nhưng lại không nắm hết được các yêu cầu kỹ thuật, lắp đặt theo kiểu “vô tội vạ” dẫn đến việc các phương tiện bị trượt khi đi kiểm định.
Còn với xe độ thêm cánh gió, bệ bước chân, cản trước và sau, ca-lăng… dù không thay đổi kết cấu, độ an toàn của xe, nhưng các phụ kiện này làm thay đổi kích thước, nhận diện xe của nhà sản xuất, nên không được kiểm định.
Tuy nhiên, xe ô tô thay la-zăng (vành), dù có thể khác mẫu mã, họa tiết, màu sắc nhưng nếu đảm bảo đúng kích cỡ và thông số lốp thì vẫn được cơ quan đăng kiểm chấp thuận.
Ngoài ra, xe lắp thêm các loại cảm biến lùi, cảm biến áp suất lốp, camera lùi, camera 360 độ,… dù xe nguyên bản không có nhưng làm tăng tính an toàn khi lái xe cũng không bị đăng kiểm “tuýt còi”.
Sang năm 2023, việc đăng kiểm xe ô tô sẽ tiếp tục được siết chặt để phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới.
Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thành lập Tổ công tác với các nhiệm vụ gồm: kiểm tra, rà soát hoạt động của các đơn vị đăng kiểm trên phạm vi toàn quốc nhằm nâng cao chất lượng phương tiện khi tham gia giao thông.
Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng khuyến cáo đến các chủ xe, doanh nghiệp, để giảm thời gian, không phải kiểm định nhiều lần, người dân nên chủ động kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện trước khi đi kiểm định để đảm bảo phương tiện đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi đi kiểm định.
Theo thống kê từ Phòng kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam), tính đến hết tháng 11/2022, đã có 429.691 lượt phương tiện không đạt đăng kiểm ở lần đầu tiên trong tổng số hơn 4,3 triệu lượt phương tiện kiểm định trên toàn quốc. Các xe không đạt tiêu chuẩn đăng kiểm phải bảo dưỡng, điều chỉnh, sửa chữa để kiểm định lại.
Tham khảo: Vietnamnet, Infonet