Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sẽ không bỏ phần thi mô phỏng lái ô tô mà điều chỉnh các tình huống phù hợp với thực tế; người thi lại bằng lái do bằng lái quá hạn sẽ được miễn thi phần này.
Thông tư 04/2022 của Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2017 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ có hiệu lực từ 15/6/2022, yêu cầu môn thi mô phỏng lái xe ô tô được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với các hạng bằng B1, B2, C, D, E và FC.
Theo đó, từ tháng 6/2022, ngoài nội dung sát hạch lý thuyết 600 câu hỏi về Luật Giao thông đường bộ, học viên khi thi bằng lái xe phải thi thêm nội dung phần mềm mô phỏng với 120 tình huống. Học viên quan sát các tình huống giao thông trong video mô phỏng, khi tình huống nguy hiểm xuất hiện sẽ phải bấm nút dừng.

Sau hơn 1 năm Thông tư 04 có hiệu lực, nhiều địa phương, trung tâm sát hạch, đào tạo lái xe phản ánh còn nhiều bất cập trong phần thi mô phỏng.
Các đơn vị kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu vấn đề này trong quá trình xây dựng dự thảo thông tư bổ sung, sửa đổi quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Cụ thể, trong phần góp ý gửi Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT tỉnh Quảng Nam nhận định, phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông nên là công cụ hỗ trợ đào tạo, giúp trang bị kiến thức, kỹ năng cho người học vận dụng vào quá trình lái xe sau này.
Việc đánh giá kỹ năng thực hành lái xe của người học đã được thực hiện ở nội dung sát hạch thực hành lái xe.
Vì vậy, Sở này đề xuất đưa vào chương trình đào tạo môn xử lý tình huống giao thông trên clip mô phỏng để người học làm quen nhưng không phải thi.

Đồng tình với quan điểm này, Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho rằng các đơn vị cần đánh giá lại tính thực tế và hiệu quả phần thi mô phỏng mang lại, từ đó kết luận có cần thiết duy trì hay không.
Sở GTVT TP Đà Nẵng cũng đề xuất đưa vào chương trình đào tạo môn xử lý tình huống giao thông trên clip mô phỏng để người học làm quen, đồng thời bỏ quy định phải sát hạch nội dung này.
Tương tự, Sở GTVT TP. HCM cũng cho biết, theo phản ánh từ các trung tâm sát hạch lái xe, khi thi trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, thí sinh bị áp đặt theo ý chí chủ quan của người viết phần mềm, không phù hợp với thực tế khi tham gia giao thông.
Không chỉ vậy, phần mềm còn một số bất cập. Vì thế, các trung tâm góp ý, nếu tiếp tục áp dụng, đề nghị đơn vị viết phần mềm khắc phục hạn chế các lỗi để tránh thí sinh trượt oan; Cục Đường bộ Việt Nam cần điều chỉnh lại 120 câu hỏi mô phỏng tình huống và cách chấm điểm cho phù hợp với thực tế.

Sáng 26/12, trao đổi với PV VietNamNet về vấn đề này, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh, các nội dung trong quy định về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Thời gian vừa qua Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, lấy ý kiến các cơ quan, ban ngành, địa phương nhằm bổ sung, sửa đổi Thông tư 04 về đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe đường bộ.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ, Cục Đường bộ Việt Nam đã tiếp thu ý kiến góp ý của các địa phương. Hiện nay, Cục đang phối hợp với đơn vị xây dựng phần mềm điều chỉnh phần thi mô phỏng.
“Theo đó, chúng tôi sẽ điều chỉnh các tình huống phù hợp thực tế. Điều chỉnh cách chấm điểm theo hướng kéo dài thời gian nhận biết tình huống nguy hiểm. Đặc biệt, sẽ bỏ nội dung sát hạch này đối với người đã có bằng lái xe nhưng phải thi lại do bằng lái quá hạn”, vị đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho hay.Gần 46% người thi trượt bằng lái ô tô ở TP.HCM
Theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, năm 2023, công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe trên địa bàn giảm cả về số lượng và chỉ tiêu.

Đến hết tháng 11/2023, Sở GTVT tổ chức 2.150 kì thi với 394.557 lượt thí sinh tham dự (giảm 60,12%). Trong đó, số lượng thí sinh đậu và được cấp giấy phép lái xe là 274.813 thí sinh với 194.925 thí sinh đạt sát hạch mô tô, tỷ lệ đậu là 78,72% (giảm 36%). Với các thí sinh dự thi sát hạch ô tô, có 9.888 thí sinh đậu, tỷ lệ đậu là 54,19% (giảm 55,4%).
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số quy định mới trong đào tạo như áp dụng thiết bị theo dõi thời gian, quãng đường học lái xe trên đường, cabin điện tử, tăng nội dung sát hạch… khiến nhiều thí sinh ngại đi thi. Cũng vì nguyên nhân này mà tỷ lệ thi đậu trong các kì thi cấp giấy phép lái xe giảm so với năm 2022.
Theo: nguoiquansat
Đề xuất người có bằng lái ô tô dưới 1 năm không được chạy quá 60km/h gây xôn xao dư luận
Sở GTVT TP.HCM vừa đề nghị Bộ GTVT xem xét quy định người có bằng lái ô tô dưới 1 năm (kể từ ngày cấp lần đầu) không được chạy quá 60km/h, không được chạy xe trên cao tốc.
Đây là một trong những nội dung được Sở GTVT TP.HCM gửi Bộ GTVT ngày 31/12/2021, góp ý kiến đối với Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 về đào tạo, sát hạch, giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và Thông tư số 38/2019/ TT-BGTVT ngày 8/10/2019 của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12.

Đề xuất này ngay lập tức gây chú ý và được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội với nhiều bình luận trái chiều.
Nhiều độc giả cho rằng đề xuất không cho người có bằng lái ô tô dưới 1 năm (kể từ ngày cấp lần đầu) lái xe vượt quá 60km/h và không được lái xe vào cao tốc là vô lý. Bởi khi đã có bằng lái xe tức đã vượt qua hàng loạt bài thi từ lý thuyết tới thực hành đạt chuẩn, đặc biệt trong phần thi bằng lái ngoài bài thi sa hình còn có cả bài thi lái xe đường trường.
“Tôi không hiểu tại sao lại có đề xuất này, vì những người có bằng lái đã trải qua một kỳ thi sát hạch theo chuẩn chung, theo khung chung của cơ quan chức năng. Khi cấp bằng lái, tức là người được cấp bằng đã đủ điều kiện điều khiển phương tiện tương đương với cấp của bằng ra đường rồi, sao lại cấm”, độc giả Minh Khang băn khoăn.
Trong khi đó, nhiều độc giả lại tỏ ra thận trọng và cho rằng hiện rất nhiều người tuy có bằng lái ô tô rồi nhưng khả năng lái trên đường rất kém, thậm chí có cả những trường hợp “vì lý do này kia để có bằng”. Những trường hợp này khi tham gia giao thông sẽ gây nguy hiểm cho người khác.

“Tôi thấy đề xuất kia cũng hợp lý, vì thực tế chứng minh rất nhiều người tuy có bằng nhưng khả năng lái xe trên đường rất kém, có người còn “mua” cả bằng. Cho nên, để đảm bảo an toàn chung, vẫn nên có biện pháp cụ thể. Rồi sau này qua 1 năm thực chiến, lái tốt rồi thì lại thoải mái thôi”, độc giả Quang Tiến nêu quan điểm.
Có độc giả lại băn khoăn về tính thực tế của đề xuất trên, vì đâu biết người nào có bằng lái ô tô dưới 1 năm, rồi xử phạt thế nào nếu trường hợp bằng mới đổi?
“Giờ lại phải xây dựng thêm quy định xử phạt, rồi làm sao kiểm soát được ai có bằng dưới 1 năm, ai có bằng trên 1 năm. Chả nhẽ lại kiểm tra từng người trên đường sao? Như vậy quá mất thời gian và quá nhiêu khê”, độc giả Minh Trần bình luận.
Theo VTC
Xem thêm bài liên quan
- Bộ GTVT đang dự thảo lắp trạm sạc xe điện trong các bến xe khách: Cục Đường bộ có trách nhiệm gì?
- Có thể sẽ cấm xe khách, xe tải đi vào cao tốc Cam Lộ – La Sơn để đảm bảo an toàn lưu thông sau nhiều vụ việc đau lòng
- Sau hơn 4 tháng chấp hành xử lý và khắc phục hậu quả, nhà xe Thành Bưởi đã được phép hoạt động trở lại