Để đạt được các tiêu chuẩn ESG, lãnh đạo hãng xe điện VinFast thừa nhận công ty đã phải đánh cược với rủi ro lớn khi chuyển sang phát triển xe điện vào năm 2021.
Ngày 26/10, Hội thảo “Tương lai ESG – Tương lai Việt Nam” đã được tổ chức bởi PwC Việt Nam phối hợp cùng VIOD, với sự tham gia của các tổ chức và doanh nghiệp hàng đầu như Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), VinaCapital, VinFast, PNJ, Ong&Ong.
Chia sẻ tại Hội thảo, Morgan Carroll, Giám đốc ESG của Vingroup và VinFast khẳng định tầm quan trọng của ESG đối với một nền kinh tế bền vững: “VinFast mong muốn có thể phát triển những phương tiện chạy điện thành một hệ sinh thái xanh. Chúng tôi muốn tính bền vững phải trở nên hữu hình và đo đếm được. Và ESG sẽ cho phép điều đó thành hiện thực.”
Theo Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG của PwC Việt Nam mới công bố, 80% doanh nghiệp đã cam kết hoặc đang lên kế hoạch thực hành ESG trong những năm tới. Trong đó, yếu tố Quản trị được ưu tiên nhất trong chiến lược ESG của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hành ESG trong các doanh nghiệp Việt vẫn rất hạn chế. 34% doanh nghiệp chưa có chương trình ESG, trong khi đa số các chương trình ESG hiện hữu vẫn chỉ tập trung vào một yếu tố riêng lẻ.
“Hiểu rõ về ESG mà thiếu cam kết hoặc ngược lại thì đều là vô nghĩa. Để xây dựng một Việt Nam tốt đẹp hơn và bền vững hơn, chúng ta cần sự cam kết tập thể và hợp tác giữa nhiều bên liên quan, bao gồm cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, doanh nhân, cơ quan quản lý, chính phủ cũng như giới truyền thông”, Andrew Chan, lãnh đạo từ Trung tâm Bền vững Châu Á Thái Bình Dương PwC cho biết.
Vì vậy, để có thể thúc đẩy thực hành ESG, các chuyên gia nhất trí phải giải quyết được các vấn đề như: Trang bị đủ kiến thức về ESG, Giải bài toán tài chính và Có các quy định về minh bạch báo cáo ESG. Đây là một quá trình không dễ dàng, và VinFast là một ví dụ.
“Vào thời điểm đó, khái niệm ESG vẫn còn mới mẻ và chúng tôi không chắc mình có thể đi xa đến mức nào. Việc chuyển dịch đã tác động đến mọi mặt, từ chính sách cho đến quy trình sản xuất, vật liệu, nhân sự… Đấy là một rủi ro lớn và chúng tôi đã phải thuyết phục các nhà đầu tư không rời bỏ. Và họ đã ở lại. Giờ đây chúng tôi đã làm ra được các sản phẩm xe điện tuyệt vời, là niềm tự hào của Việt Nam”, Morgan chia sẻ tại hội thảo.
Đại diện các tập đoàn đều nhất trí rằng những lợi ích trong dài hạn mà ESG mang lại cho doanh nghiệp là rất to lớn. Đặc biệt là sự ủng hộ của người tiêu dùng, người lao động và nhà đầu tư.
Theo khảo sát, những quan ngại về ESG đang ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của một nửa số người tiêu dùng trên toàn cầu. Trong khi đó, 50% nhà đầu tư sẵn sàng thoái vốn khỏi các công ty không thực hiện ESG. Do vậy, việc theo đuổi các giá trị bền vững sẽ là yếu tố tiên quyết để một doanh nghiệp có thể thành công trong tương lai.
“Chiến lược chuyển từ xe xăng sang xe điện rõ ràng đang góp phần giảm khí thải các bon. Nhưng VinFast sẽ không dừng ở đó. Chúng tôi đang phấn đấu để toàn bộ các thành phần của chiếc xe được tái sử dụng. Cả thế giới đang trên con đường tiến tới những phương tiện hoàn toàn xanh và đó cũng chính là con đường của VinFast”, Giám đốc ESG của VinFast bày tỏ.
Theo Nhịp sống thị trường