Một số người dân ở TP.HCM phản ánh biển số định danh của mình bỗng “mất tích” trên hệ thống, có trường hợp chờ gần 10 ngày vẫn chưa lấy được biển số gắn vào xe mới.
Ngày 2-11, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông N.V.H. (40 tuổi, người dân) cho biết khoảng đầu tháng 10-2023, ông có bán chiếc xe máy do ông sở hữu. Xe này có gắn một “biển số đẹp” và đã định danh sở hữu của ông H..
Sau khi bán xe, ông H. đến Đội cảnh sát giao thông – trật tự Công an huyện Hóc Môn (TP.HCM) làm thủ tục thu hồi biển số xe và giấy đăng ký xe.
Cách đây khoảng 10 ngày, ông H. đi mua chiếc xe máy mới và đến Đội cảnh sát giao thông – trật tự Công an huyện Hóc Môn để thực hiện thủ tục đăng ký xe và lấy biển số xe đã thu hồi trước đó gắn vào xe mới của ông.
Tuy nhiên, khi ông H. làm thủ tục đăng ký xe mới theo quy định thì được cán bộ công an tại đây thông báo biển số định danh của ông được thu hồi trước đó đã bị “thất lạc”, không còn trên hệ thống.

“Rất bất ngờ. Biển số thu hồi trước đó của tôi là biển số đẹp, đã định danh và thuộc sở hữu của tôi. Tới khi tôi đi đăng ký để gắn vào xe mới thì cán bộ thông báo không còn trên hệ thống. Đến nay xe tôi vẫn chưa đăng ký được biển số. Không hiểu tại sao biển số định danh lại không còn trên hệ thống”, ông H. thắc mắc.
Tương tự, anh T. (37 tuổi, ngụ quận 11) cho biết khoảng đầu tháng 10-2023, anh cũng bán một chiếc xe máy có gắn “biển số đẹp” và đến Đội cảnh sát giao thông – trật tự Công an quận 11 (TP.HCM) làm thủ tục thu hồi đăng ký xe, biển số xe.
Đến ngày 27-10, anh T. mua xe máy khác và đến Đội cảnh sát giao thông – trật tự Công an quận 11 để đăng ký xe, nhưng cán bộ công an thông báo hệ thống đang bị lỗi mạng, không hiển thị biển số định danh trước đó của anh.
“Cán bộ công an thông báo là hệ thống đang bị lỗi mạng và hẹn quay lại đăng ký xe sau. Nhưng đến nay (2-11), tôi hỏi lại thì cán bộ thông báo hệ thống vẫn đang bị lỗi”, anh T. cho hay.
Một lãnh đạo đội đăng ký xe tại TP.HCM cho biết khoảng 2 tuần nay phần mềm hệ thống đăng ký xe bị lỗi. Hiện tại Cục Cảnh sát giao thông đang kiểm tra lại và có hướng dẫn cụ thể cho đội để giải đáp cho người dân, khắc phục tình trạng này.
“Chúng tôi đang thống kê các trường hợp bị lỗi không đăng ký được biển số xe để báo cáo Cục Cảnh sát giao thông có hướng xử lý, khắc phục“, vị lãnh đạo này nói.
Biển số định danh giữ 5 năm
Theo quy định thông tư 24/2023 của Bộ Công an được áp dụng từ ngày 15-8, biển số xe được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe – gọi là biển số định danh. Khi chuyển quyền sở hữu thì biển số định danh được cơ quan đăng ký xe thu hồi và cấp lại khi chủ xe đăng ký cho xe khác thuộc quyền sở hữu của mình.
Số biển số định danh được giữ lại cho chủ xe trong 5 năm, kể từ ngày thu hồi; quá thời hạn nêu trên, nếu chủ xe chưa đăng ký thì số biển số định danh đó được chuyển vào kho biển số để đăng ký, cấp cho tổ chức, cá nhân theo quy định.
Theo: tuoitre
Truyền thông Ấn Độ: VinFast đang “rục rịch” tìm kiếm địa điểm lý tưởng cho nhà máy xe điện tại thị trường tỷ dân
Theo truyền thông Ấn Độ, hãng xe điện VinFast đang đánh giá các địa điểm tiềm năng cho nhà máy sản xuất xe điện mới của hãng tại Ấn Độ.
Trong thời gian gần đây, hãng xe điện Việt Nam VinFast đang xem xét các địa điểm tiềm năng để xây dựng cơ sở sản xuất ô tô mới tại Ấn Độ, theo tờ nhật báo kinh tế Economic Times (Ấn Độ).

Trong đó có 2 địa điểm thuộc bang Tamil Nadu là Manalur ở thành phố Chennai và thành phố Tuticorin. Bên cạnh đó, từ nhật báo cho hay một số địa điểm tại bang Gujarat cũng đang được VinFast nhắm đến.
Một trong những nguồn tin cho biết: “VinFast rất quan tâm đến bang Tamil Nadu và Gujarat bởi họ cần nhà máy gần bến cảng”. Dường như bang Tamil Nadu đang được hãng xe Việt Nam ưu tiên hơn do khả năng kết nối tốt hơn với các thị trường Đông Á, phù hợp với lợi ích của VinFast.
Bang Tamil Nadu tự hào có 3 cảng biển lớn, xếp hạng cao nhất trong số các bang của Ấn Độ về tầm quan trọng của cảng. Ba cảng này là Cảng Chennai, Cảng Kamarajar gần Chennai và Cảng vụ VO Chidambaranar ở Tuticorin.

Trước đó, VinFast đã bày tỏ ý định xây dựng cơ sở sản xuất ô tô mới tại Ấn Độ. Công ty dự kiến đầu tư khoảng 200 triệu USD (khoảng gần 5 nghìn tỷ đồng). Mục tiêu là bắt đầu lắp ráp xe điện vào năm 2026 tại một thị trường mà theo VinFast là “đầy tiềm năng”.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup – bà Lê Thị Thu Thủy – cho biết mỗi cơ sở mới của hãng dự kiến sẽ có công suất ban đầu là 50.000 xe/năm với mức đầu tư ước tính khoảng 150 – 200 triệu USD.
Bà Thủy nhấn mạnh ý định khai thác thị trường xe điện đang phát triển ở cả Indonesia và Ấn Độ, hai thị trường mà việc sử dụng xe điện vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, chi tiết cụ thể về địa điểm của nhà máy Ấn Độ và các thông tin khác vẫn chưa được tiết lộ.
Chiến lược của VinFast bao gồm xây dựng các cơ sở sản xuất ở Indonesia và Ấn Độ, tạo điều kiện tiếp cận các ưu đãi của chính phủ dành cho sản xuất tại địa phương, giảm thuế quan và nguyên liệu thô tiết kiệm chi phí.

Được thành lập vào năm 2017, VinFast Auto dự kiến sẽ mở rộng sự hiện diện của hãng tại các thị trường mới (bao gồm Ấn Độ) bắt đầu từ năm 2024.
Mặc dù có quy mô nhỏ hơn so với Tesla, VinFast đang ráo riết theo đuổi thị trường xe điện và đặt mục tiêu thách thức vị trí thống trị của Tesla tại Mỹ, nơi Tesla chiếm hơn 50% thị trường.
VinFast hiện đang vận hành một nhà máy sản xuất tại Hải Phòng và đã động thổ nhà máy đầu tiên của hãng ở thị trường Mỹ, đặt tại bang Bắc Carolina.
Nhà máy tại Mỹ của VinFast có diện tích khoảng 733 ha, dự kiến giai đoạn đầu sẽ có công suất 150.000 xe/năm.
Theo: hoinhap.vanhoavaphattrien.vn
Forbes Ấn Độ: Hãng xe điện VinFast trở thành câu trả lời của Việt Nam với “ông lớn” Tesla
Bài viết trên Forbes Ấn Độ có tiêu đề: “Sau Tesla, Ấn Độ sẽ sớm đón một hãng xe điện toàn cầu khác. VinFast đang có kế hoạch gì?”.
“VinFast, với những chiến lược đúng đắn và khả năng thích ứng, có tiềm năng tạo ra chỗ đứng cho riêng mình và giành được sự tin tưởng của người tiêu dùng Ấn Độ”, tạp chí Forbes Ấn Độ nhận định về kế hoạch xây dựng nhà máy tại đất nước Nam Á của VinFast.
Lợi thế của VinFast khi thâm nhập Ấn Độ
Bài viết trên Forbes Ấn Độ có tiêu đề: “Sau Tesla, Ấn Độ sẽ sớm đón một hãng xe điện toàn cầu khác. VinFast đang có kế hoạch gì?”.
Mở đầu bài phân tích, tạp chí nổi tiếng dẫn lại thông tin cho hay, VinFast – hãng xe có mức định giá lớn thứ 3 thế giới lựa chọn Ấn Độ bởi đây là thị trường ô tô lớn thứ 3 trên thế giới trong khi tỉ lệ xe điện chỉ chiếm 1%. Điều kiện này mang đến nhiều dư địa để phát triển.
VF 5 Plus được cho là một trong những mẫu xe VinFast bán tại Ấn Độ.
Theo Forbes, VinFast hiện đang nghiên cứu thị trường và dự kiến sẽ xây dựng một nhà máy lắp ráp (CKD) tại Ấn Độ. Nhà máy có thể đặt tại Gujarat hoặc Tamil Nadu – hai trung tâm ô tô của Ấn Độ. Với hình thức CKD, xe sẽ được lắp ráp tại Ấn Độ từ các bộ phận và linh kiện nhập khẩu với mức thuế suất thấp nhất 15%.
Forbes dẫn nguồn tin cho biết VinFast sẽ thâm nhập thị trường Ấn Độ với 3 mẫu xe VF 3, VF 5 và VF e34.
Harshvardhan Sharma, người đứng đầu bộ phận bán lẻ ô tô tại Viện nghiên cứu Nomura đánh giá, VinFast tiếp cận thị trường Ấn Độ theo một chiếc lược khác – mô hình CKD, trái ngược với chiến lược sản xuất tại địa phương của Tesla.
“Mặc dù cam kết của Tesla đối với việc sản xuất ở Ấn Độ là đáng khen ngợi nhưng việc đi theo hình thức CKD có thể mang lại một số lợi thế, bao gồm tốc độ thâm nhập thị trường nhanh hơn, giảm đầu tư ban đầu và linh hoạt trong việc thích ứng với nhu cầu thị trường. Chiến lược này cũng cho phép VinFast đánh giá phản ứng của thị trường trước khi cam kết sản xuất quy mô lớn”, tạp chí nổi tiếng chuyên về tài chính dẫn lời vị chuyên gia.
VinFast có tiềm năng tạo chỗ đứng tại Ấn Độ
“Tại sao lại là Ấn Độ?”, Forbes đặt ra câu hỏi và cho rằng, kế hoạch mở rộng vào thị trường Ấn Độ của VinFast diễn ra vào thời điểm chính phủ nước này đang giám sát chặt chẽ việc gia nhập của các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc. Tại thị trường Ấn Độ, các thương hiệu xe điện đến từ Trung Quốc hiện mới chỉ có BYD và MG Motors.
Tuy nhiên, theo Harshvardhan Sharma, việc BYD khẳng định được mình tại Ấn Độ là minh chứng cho thấy nhu cầu về xe điện cao cấp ở Ấn Độ. VinFast với tư cách là một người mới, chắc chắn cũng có thể tận dụng được thị trường tiềm năng tại đây.
VinFast có dải sản phẩm đa dạng được đánh nhiều tiềm năng tại Ấn Độ.
Trong những năm gần đây, xe điện tại Ấn Độ đang cho thấy sức hút lớn khi các nhà sản xuất ô tô trong và nước ngoài bắt đầu phát triển các mẫu xe xanh. Trên toàn cầu, các nhà sản xuất ô tô như GM, BMW, Ford dự kiến sẽ chi hơn 500 tỷ USD để phát triển xe điện trong vài năm tới.
Riêng tại Ấn Độ, các nhà sản xuất ô tô, từ Tata đến Mahindra cũng đã nỗ lực phát triển các mẫu xe của riêng mình, trong bối cảnh Chính phủ nước này mong muốn có 30% tổng số xe bán ra trong nước là xe điện vào năm 2030.
Thị trường xe điện của Ấn Độ dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 90% trong thập kỷ này và chạm mốc 150 tỷ USD vào năm 2030, mang lại rất nhiều cơ hội cho những công ty như VinFast.
Nói về khả năng thâm nhập thị trường của VinFast, ông Harshvardhan Sharma đánh giá: “Ấn Độ có một thị trường rộng lớn và năng động với nhu cầu ngày càng tăng về xe điện. Để có được sự tin tưởng và kết nối với khách hàng Ấn Độ, VinFast phải tập trung vào chất lượng, uy tín, giá cả hợp lý và đặt khách hàng làm trọng tâm.
Ngoài ra, việc đưa ra mức giá cạnh tranh và danh mục sản phẩm đa dạng sẽ giúp VinFast kết nối với người tiêu dùng Ấn Độ, những người coi trọng sự lựa chọn và khả năng chi trả”.
Từ đó, Forbes phân tích, việc nhanh chóng mở rộng sang các thị trường có tiềm năng to lớn như Ấn Độ là hợp lý đối với những hãng xe như VinFast khi công ty đang đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực xe điện và trở thành “câu trả lời của Việt Nam với Tesla”.
“Thị trường ô tô của Ấn Độ rất đa dạng và đầy cơ hội. VinFast, với những chiến lược đúng đắn và khả năng thích ứng, có tiềm năng tạo ra chỗ đứng cho riêng mình và giành được sự tin tưởng của người tiêu dùng Ấn Độ”, Forbes dẫn đánh giá của Harshvardhan Sharma.
Theo: autodaily
Xem thêm bài liên quan
- Đại gia Thanh Hoá người trúng đấu giá biển số xe 51H-888.88 và 30K-567.89 với tổng hơn 45 tỷ nói gì khi gây xôn xao CĐM?
- Phiên đấu giá biển số xe ô tô sáng 20/10 diễn ra với nhiều bất ngờ khi 232 biển không có khách đặt cọc
- Mới chỉ có 7 người nộp đủ tiền trúng đấu giá biển số xe, 2 “siêu biển” của đại gia Thanh Hóa với hơn 45 tỷ đã thanh toán?