Sáng 17/11, lũ trên sông Hương rút 2 m so với lúc đỉnh, hàng loạt ôtô sau hơn hai ngày ngập nước bị ch.ế.t máy, đang nằm trên đường chờ xe cứu hộ.
4h sáng nay, mực nước sông Hương ở trạm Kim Long xuống 2,24 m, thấp hơn đỉnh lũ chiều tối 15/11 là 2 m. Diện ngập ở Thừa Thiên Huế giảm từ hơn 17.000 nhà xuống còn dưới 1/3.
Tại TP Huế, lũ cơ bản đã rút ở những vị trí cao, người dân đang khẩn trương dọn dẹp. Tuy nhiên, hàng loạt ôtô sau hai ngày ngâm lũ bị chết máy, nằm chắn ngang cầu đường.
Tại cầu Kiểm Huệ trên đường Tố Hữu, trước lũ người dân sống ở khu đô thị mới An Vân Dương, chung cư Aranya, Xuân Phú, Vicoland chủ động đưa xe lên cầu tránh ngập.
Không ngờ nước dâng nhanh, vượt đỉnh lũ năm 2020 khoảng 10 cm nên các xe này bị ngập và chết máy, cản lối đi của người dân.
Chủ xe phải gọi cứu hộ đưa xe đến gara sửa chữa. Nhân viên cứu hộ đang dùng dây cáp móc vào bốn bánh xe trước khi cẩu.
Ôtô ngâm lũ được xe cứu hộ nhấc bổng lên để đưa đến gara. Khu vực đường Tố Hữu có hơn 100 ôtô chết máy.
Nằm ở vùng thấp trũng, nhiều ôtô của người dân sống ở chung cư Vicoland, Xuân Phú, vẫn chìm trong biển nước chiều 16/11.
Ở phường Xuân Phú, chiều qua lũ còn cao, xe cứu hộ vẫn vào trung chuyển ôtô bị ngâm nước tại khu chung cư Xuân Phú, Aranya, Vicoland.
Sau nhiều lần giải cứu ôtô ngập lũ, xe cứu hộ đã bị hư hỏng, nằm chờ trên đường Hà Huy Tập. Chủ xe tranh thủ sửa ngay trên đường.
Nhiều ôtô của người dân sống ở đường Bà Triệu, phường Phú Hội, vẫn đang nằm ở bãi đỗ xe chờ sửa chữa.
Ngoài ôtô, hàng loạt xe máy bị bỏ lại trong dòng nước lũ do không kịp di dời. Theo đánh giá của người dân Huế, lũ đợt này lên rất nhanh, chỉ sau vài tiếng đêm 13, rạng sáng 14/11 đã tràn vào nhà dân gây ngập cả mét.
Chiếc xe này đã được đưa lên khu vực cao ở công viên trước trụ sở UBND TP Huế, tuy nhiên vẫn bị ngập, bùn non bám đầy yên và đầu xe.
Các tuyến đường quanh khu đô thị mới An Vân Dương vẫn ngập, hàng nghìn người dân phải đi lại bằng thuyền, hoặc lội bộ.
Từ ngày 13 đến 16/11, miền Trung mưa to do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió đông trên cao. Tâm mưa là Thừa Thiên Huế. Trong hai ngày 14-15/11, huyện Nam Đông và Phú Lộc mưa phổ biến 600-900 mm, một số nơi cao hơn 1.000 mm.
Mưa xối xả, lũ thượng nguồn đổ về khiến nước sông Hương dâng cao, tràn vào toàn bộ 36 phường xã của TP Huế, gây ngập bình quân 0,6-1,2 m, làm hai người chết, một người mất tích.
Dự báo, hôm nay Thừa Thiên Huế còn mưa 30-60 mm, từ mai giảm nhanh, lũ rút.
Theo: vnexpress
Ô tô bị ngập nước: Hậu quả và giải pháp khắc phục
Những ngày qua, giông bão và mưa rào là nỗi ám ảnh của cánh tài xế khi tham gia giao thông tại các cung đường dễ ngập. Bởi, nước không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống điện, làm bẩn nội thất mà nghiêm trọng hơn còn gây hư hỏng động cơ khi tràn vào buồng đốt; xảy ra hiện tượng thủy kích.
Vì vậy, việc bộ phận nào của xe bị ảnh hưởng nặng nề nhất và làm thế nào để giảm thiệt hại khi đi trên đường ngập, có lẽ là vấn đề được nhiều bác tài quan tâm.
Trong những tình huống khẩn cấp buộc phải di chuyển qua vùng ngập, hãy trang bị cho mình những kinh nghiệm để có thể đưa xe vượt qua vùng ngập an toàn.
Hậu quả khi xe đi qua vùng nước ngập
Nước sẽ gây hại cho các ổ bi, ổ bạc dưới gầm xe, ảnh hướng đến máy đề, máy phát điện, các cánh quạt, cảm biến,…
Hệ thống điện rất nhạy cảm với nước. Sự có do chập mạch, hỏng hệ thống điều khiển trên ô tô xảy ra trước khi nước xâm nhập từ gầm lên sàn xe.
Dẫn đến hiện tượng báo lỗi các bộ phận hoặc các chức năng của ô tô hoạt động sai quy trình. Xe càng ngập sâu và ngâm lâu trong nước, hệ thống điện càng dễ hư hỏng.
Nếu nước ngập đến nắp capo, thông qua ông hút gió, nước sẽ tràn vào làm máy hỏng và chết máy đột ngột. (Hiện tượng thủy kích). Nếu bị nhẹ thì phải thay tay biên, nặng thì có lẽ phải thay cả hệ thống động cơ, hệ thống điện với chi phí rất đắt đỏ.
Trường hợp khác, nước có thể tràn vào xy-lanh cũng gây nguy hiểm. Bởi, lúc này lòng xy-lanh có thể bị gỉ và sau đó thì việc xe “uống xăng như nước” là điều khó tránh khỏi.
Một vài giải pháp giảm thiệt hại khi đi trên đường nước ngập
Chú ý đi tốc độ chậm và đều ga – Khi đi qua vùng ngập nước, đầu tiên phải xác định mực nước ở thời điểm đó nông hay sâu và xe sử dụng là dòng SUV hay Sedan. Nếu mực nước không quá 20 cm, xe có thể di chuyển qua một cách an toàn.
Lưu ý: Lái xe nên đi số thấp, tắt tất cả các hệ thống như điều hòa, màn hình giải trí… để tăng khả năng vận hành của động cơ.
Bên cạnh đó, với dòng xe số tự động, người lái nên chuyển sang chế độ S, các lái xe nên tăng ga từ từ và không nên thốc ga. Việc thốc ga và phanh lại khiến nước có thể tràn vào cổ hút, xâm nhập vào máy gây hiện tượng thủy kích.
Đặc biệt, không dừng lại quá lâu trong vùng ngập. Nếu bắt buộc thì phải về số N (mo), kéo phanh tay và vẫn giữ ga. Khi có thể tiếp tục lăng bánh, nhanh tay vào số và di chuyển qua vùng ngập.
Không nên cố khởi động lại xe khi xe chết máy – Với những ô tô bị chết máy khi đi qua đoạn ngập nước, tuyệt đối không được khởi động lại máy vì nếu người lái cố đề máy, khi nước vào dễ xảy ra hiện tượng bó máy.
Nếu có nước trong động cơ, hộp số hay hệ thống nhiên liệu mà bạn vẫn cố khởi động thì đây là cách…”phá xe nhanh nhất”.
Vì thế, cách tốt nhất là không cố khởi động mà nên rút chìa khóa điện, đẩy xe vào vị trí cao và gọi ngay cho cứu hộ.
Tháo cực âm ắc quy – Đây được xem là giải pháp tình thế để hạn chế thiệt hại và cũng góp phần tránh hiện tượng đoản mạch, giúp bảo vệ ECU hoặc hộp máy tính khỏi bị hư hỏng.
Kiểm tra que thăm dầu – Việc kiểm tra này nhằm xem có dấu hiệu của nước lọt vào hệ thống bôi trơn không. Nếu có nước, khả năng rất cao là động cơ cũng đã bị ngập nước và nếu xuất hiện giọt nước bám ở đuôi que thăm thì cần phải thay dầu và lọc dầu.
Nước ngập vào khoang nội thất thì xử lý như thế nào?
Xe bị ngập nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống điện, do đó nên tắt chìa khóa điện. Việc này giúp bảo vệ các thiết bị điện tử và tránh bị chập. Hơn nữa, khi mực nước ngập quá cao thì tuyệt đối không mở cửa xe.
Nước sẽ tràn vào bên trong làm hư hỏng các bộ điều khiển và nội thất xe. Nếu cần rời khỏi xe, lái xe nên hạ kính và chui ra khỏi xe.
Việc cửa xe bị ngập nước sẽ đọng lại rất nhiều nước bên trong, ảnh hưởng đến hệ thống loa và dây dẫn, hệ thống chiếu sáng cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Cho dù có hút sạch nước và sấy khô, khả năng xảy ra các rủi ro sau này như đường dây bị chập cháy, hở, bị ăn mòn tại các tiếp điểm là khó tránh khỏi. Sau mỗi lần ngập, bạn nên mang xe tới xưởng kiểm tra, bảo dưỡng toàn bộ để tránh mất thêm chi phí sửa chữa.
Lưu ý: Nếu quan sát thấy mực nước sâu thì không nên liều lĩnh chạy qua. Rất có thể nước sẽ tràn vào trong khoang nội thất, lúc này người lái cần phải gọi ngay cho cứu hộ, đưa xe đến trung tâm sửa chữa để được xử lý kịp thời.
Theo: vovgiaothong