Chị H cảm thấy tiếc nuối vì chiếc Mazda CX-3 mới mua gần 800 triệu đồng bị hư hỏng nặng một phần, thì lại buồn với cách hành xử của người mượn xe nhiều phần.
Cho mượn xe là một vấn đề khá nhạy cảm bởi liên quan tới trách nhiệm của cả bên mượn và cho mượn khi chiếc xe gặp bất cứ vấn đề gì trong quá trình mượn. Sự việc trở nên phức tạp hơn nhiều nếu chiếc xe gây tai nạn hoặc gặp tai nạn trên đường. Trường hợp của chị H đến từ Đăk Nông dưới đây là một ví dụ.
Chị H cho biết: “Hôm đó là ngày Chủ nhật 22/5, mình có cho bạn B mượn chiếc Mazda CX-3 vào lúc khoảng 19h tối. Khoảng 15 phút sau thì B gọi cho chồng mình nói rằng xe bị người ta húc vào đuôi. Chồng mình liên lạc về nhưng mình không tin tưởng nói đùa. Đến khi xem hình ảnh qua Facebook mới tin nổi đó là sự thật“.
Theo chia sẻ của chị H, chiếc Mazda CX-3 cho mượn bị một chiếc Kia Seltos đâm vào đuôi. Hiện trường cho thấy cú đâm khá mạnh khiến đầu chiếc Seltos và đuôi chiếc CX-3 vỡ nát. Rất may là không có thiệt hại về người. Thiệt hại vật chất ước tính của chiếc CX-3 có giá trị xấp xỉ 180 triệu đồng.
Ban đầu, chị H cảm thấy rất buồn khi chiếc xe mới mua được nâng niu như mới thì sau khi cho bạn mượn đã trở nên “nát bét”.
“Vợ chồng mình mới nhận xe hôm 6/5 vừa rồi thì 22/5 cho bạn mượn gặp tai nạn. Chiếc xe đó mua xong xuôi là 780 triệu đồng. Xe mua được 16 ngày nhưng mới đi có 500 km do vợ chồng ít sử dụng, chỉ đưa đón con đi học thôi. Vợ chồng mình rất giữ xe, nhà có hàng quán nên không dám để xe trước cửa so sợ trường hợp tai nạn như vừa rồi, toàn phải gửi ở cây xăng đối diện. Vậy mà mình tính không bằng trời tính, chiếc xe cho bạn mượn thì lại gặp tai nạn đúng như vậy“, chị H chia sẻ.
Không chỉ buồn về chiếc xe, chị H sau đó còn cảm thấy buồn hơn về người mượn. Chiếc xe bị hỏng một phần, nhưng điều đáng nói hơn cả là thái độ của người bạn mượn xe khiến chủ xe cảm thấy sốc. Chị H cho biết rằng anh B là người mượn xe của mình nhưng lại rũ bỏ trách nhiệm khiến vợ chồng chị lao đao giải quyết.
Cụ thể, theo chia sẻ của chủ xe, sau khi xe gặp tai nạn xong, B chỉ gọi vợ chồng chị xuống nhận xe để giải quyết với bên gây tai nạn. Sau vài dòng tin nhắn, B thay đổi thái độ và tỏ ra rũ bỏ trách nhiệm. Trong đoạn tin nhắn trao đổi với chủ xe, Bình còn cho rằng đó là việc của vợ chồng chủ xe nên họ phải tự đi giải quyết. Những ngày sau đó, B dừng liên lạc và không hề hỏi thăm tình hình ra sao. Công an gọi lên giải quyết thì B cáo bận.
Sự việc khiến vợ chồng chị H bỏ công bỏ việc để “chạy theo”, trong khi họ lại không trực tiếp liên quan tới vụ tai nạn. Chị H tâm sự: “Thoả thuận giữa các bên đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Phía bên kia nói mình lấy 500.000 đồng/ngày tính từ ngày xe tai nạn cho đến khi xe sửa xong để làm phí thuê xe đi lại. Hãng báo sửa hết 180 triệu đồng, mình thấy nhiều, nghĩ thương chủ xe gây tai nạn, chú lớn tuổi mà nhiệt tình giải quyết, nên sẽ lấy thêm 20 triệu đồng thôi, không làm khó dễ nhau làm gì. Thời gian sửa thì mất khoảng 3-4 tháng“.
“Cái sai ở đây là do mình cho mượn xe chứ không phải cho thuê xe không có hợp đồng, giấy tờ. Bạn nói không liên quan đến bạn, bảo mình cứ làm việc trực tiếp với người gây tai nạn“, chị H trải lòng.
Qua sự việc này, chị H mới biết được “bộ mặt thật” của người bạn. Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai cho mượn hoặc muốn mượn xe từ người khác để tránh trường hợp tương tự.
Ảnh: NVCC/ Theo Autopro
Xem thêm bài liên quan
- Loạt xe Mazda “ngược dòng” tăng giá dịp đầu năm 2024: Mazda2 bật tăng mạnh sau thời gian giảm nhẹ, CX-3 mới về cũng đắt hơn
- Lý do gì khiến Mazda CX-3 trở thành SUV cỡ B rẻ nhất tại Việt Nam? Bản mới rẻ hơn cả xe “gốc Anh” MG ZS
- Mazda điều chỉnh giá của hàng loạt mẫu xe: CX-3 chỉ còn từ 549 triệu rẻ bậc nhất phân khúc, CX-30 khởi điểm 664 triệu