Trên tuyến phố cấm dừng đỗ, nhất là tại các thành phố lớn, không ít trường hợp lái xe cố tình lách luật bằng cách mở nắp capo giả vờ, bật đàn khẩn cấp như xe bị trục trặc rồi đỗ lì cả ngày.
Trên tuyến phố cấm dừng đỗ, không ít trường hợp lái xe cố tình lách luật bằng cách mở nắp capo giả vờ như xe bị trục trặc rồi đỗ lì cả ngày. Dù ít khi bị cảnh sát xử phạt nhưng kiểu “khôn lỏi” này gây phản cảm cho những người chứng kiến.
Tại các đô thị “đất chật người đông” như Hà Nội hay TP.HCM, phần lớn các tuyến phố đều có biển cấm đỗ xe ô tô. Do đó, việc tìm một chỗ đỗ ô tô miễn phí trên đường là khá khó khăn, nhất là ở các khu vực trung tâm thành phố.
Để đối phó, cánh tài xế cũng nghĩ ra đủ chiêu trò, trong đó không hiếm trường hợp bật đèn dừng khẩn cấp và dựng nắp capo giả vờ bị hỏng xe.
Phản ánh tới VietNamNet, anh Nguyễn Duy Hùng ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, một số tuyến phố gần nhà anh thường xuyên gặp cảnh ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm sáng và chiều. Có hôm, dòng phương tiện phải nhích từng mét trên đường, ai nấy đều mệt mỏi.
Thế nhưng, ngay dưới lòng đường lại có hàng dài ô tô thản nhiên dừng đỗ dù có biển cấm. Không ít trong đó là những ô tô của khách đi ăn sáng, uống cà phê hoặc cánh taxi, xe công nghệ đứng chờ khách.
“Nhiều ô tô con thường xuyên đỗ ở dọc đường rồi bật đèn cảnh báo khẩn cấp, thậm chí có cả xe mở nắp capo khi đỗ. Nếu lực lượng chức năng đến xử lý thì họ nói xe của mình bị trục trặc nhưng không hiểu sao sau đó vẫn có thể lên xe rời đi được”, anh Hùng bức xúc kể.
Tương tự anh Hùng, anh Lý Duy Xuân ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cũng cho biết, khu vực các trục đường xung quanh bến xe Mỹ Đình gần nhà anh rất hay có những chiếc xe taxi dừng đỗ dưới lòng đường, ngay sau biển cấm trong tình trạng nắp capo được mở.
“Những xe này chẳng hỏng hóc gì, một lúc lại thấy tài xế ra sập nắp capo xuống rồi lên xe chạy đi bình thường. Có thể đây là mánh khoé để tránh bị phạt của cánh lái xe”, anh Xuân nhận định.
Chia sẻ về việc này, anh Vũ Văn Phục – một lái xe lâu năm ở Hà Nội cho biết: “Đây là cách được anh em truyền tai nhau để đỗ xe “free” ngoài đường mà gần như không lo bị phạt. Dù rằng xe không hề hỏng hóc gì nhưng làm như vậy thì cảnh sát sẽ rất ngại cẩu xe. Nếu họ gọi ra, mình trình bày rằng xe bị sôi két nước đang chờ nguội thì cũng gần như không phạt được mình”.
Tuy vậy, anh Phục cho rằng, kiểu đỗ xe này chỉ áp dụng với thời gian ngắn, lái xe đang có việc gì đó ở gần, có thể quan sát được ô tô của mình và có mặt bất cứ khi nào có “biến”.
Trao đổi với VietNamNet, một cán bộ thuộc Đội Cảnh sát giao thông – trật tự, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, trong quá trình đi làm nhiệm vụ gặp khá nhiều tình huống xe ô tô đỗ trái phép đang mở nắp capo khiến việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn.
“Cánh lái xe thường trình bày là xe đang bị trục trặc, không thể di chuyển được ngay. Nếu đúng như vậy thì đây là trường hợp bất khả kháng và sẽ không thể xử phạt về lỗi dừng đỗ xe trái phép. Chúng tôi thường chỉ nhắc nhở và hỗ trợ lái xe di chuyển đến một vị trí khác nếu cần thiết”, cán bộ này nói.
Nhiều người cho rằng, nếu ô tô bị hỏng hóc buộc phải “nằm đường” là điều bình thường và nên thông cảm. Tuy nhiên, lợi dụng sự cảm thông, dùng các chiêu trò vờ như xe bị hỏng để đỗ xe gây ùn tắc giao thông và lấy cớ “lý luận” với lực lượng chức năng là điều khó có thể chấp nhận, rất đáng bị lên án.
Lợi dụng đèn khẩn cấp dừng, đỗ xe trên tuyến đường cấm, xử phạt thế nào?
Bạn đọc Dương Hoàng Lan, sống tại quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh hỏi: Tôi thấy nhiều tuyến đường ở đô thị với mật độ dân số cao có biển cấm các phương tiện ô tô dừng, đỗ.
Tuy nhiên, thực tế nhiều xe vẫn cố tình dừng, đỗ thành hàng và lợi dụng việc bật đèn khẩn cấp, gây ùn tắc giao thông. Trường hợp này có thể bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Theo Khoản 1 Điều 11 Chương II Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (Luật số: 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008) quy định người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ, trong đó có hệ thống biển báo.
Dừng, đỗ xe được định nghĩa chi tiết tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 18 Chương II Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như sau:
* Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.
* Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.
Do vậy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi dừng, đỗ xe phải tuân thủ quy định không được để phương tiện ở lòng đường, hè phố trái quy định cũng như nơi có biển cấm dừng, đỗ xe.
Đèn khẩn cấp hay còn gọi là đèn cảnh báo nguy hiểm được dùng trong một số trường hợp nhất định. Hiện chưa có quy định pháp luật về các trường hợp sử dụng đèn khẩn cấp, tuy nhiên, các nhà sản xuất khuyến cáo người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông nên bật đèn khẩn cấp nếu:
* Xe gặp sự cố phải dừng, đỗ trên đường: Khi đi trên đường mà xe gặp sự cố bất ngờ, không thể di chuyển đến nơi dừng, đỗ theo quy định, bắt buộc phải đỗ trên đường, lái xe cần bật đèn khẩn cấp để các xe khác chủ động tránh.
* Xe đang trong tình trạng nguy hiểm: Trường hợp xe gặp trục trặc mà không thể tấp vào lề dừng đỗ, lái xe nên bật đèn cảnh báo khẩn cấp để thông báo cho các phương tiện khác biết rằng để xử lý tình huống.
* Thời tiết quá xấu: Nếu trời mưa, sương mù bình thường thì có thể chỉ cần bật đèn sương mù/đèn chiếu gần là được, không nên bật đèn khẩn cấp vì phương tiện phía sau sẽ không biết khi nào xe phía trước sẽ rẽ, chuyển làn…
Nhưng nếu gặp thời tiết xấu, trời mưa to, sương mù dày đặc, tầm nhìn bị hạn chế chỉ còn vài mét thì nên bật đèn khẩn cấp để các xe phía sau chú ý giữ khoảng cách an toàn.
Trong tình huống thời tiết quá xấu, lái xe nên chủ động dừng, đỗ xe bên đường và bật đèn khẩn cấp, đợi đến khi thời tiết thuận lợi rồi di chuyển.
Nếu tham gia giao thông mà xe thực sự gặp sự cố, trục trặc, phải dừng, đỗ xe ở nơi có biển cấm dừng, đỗ và bật đèn khẩn cấp thì sẽ không bị xử phạt. Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện cần nhanh chóng liên lạc với các đơn vị cứu hộ tiến hành di chuyển phương tiện đến vị trí thích hợp, tránh gây ùn tắc giao thông.
Trường hợp các phương tiện mặc dù không bị sự cố kỹ thuật nhưng vẫn lợi dụng bật đèn khẩn cấp để dừng, đỗ xe ở những tuyến đường có biển cấm phương tiện dừng, đỗ là vi phạm quy định tại Điểm e Khoản 3 Điều 5 Mục 1 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ và bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng với hành vi đỗ xe tại nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”.
Do vậy, lái xe không nên sử dụng đèn khẩn cấp “vô tội vạ” vừa tránh gây nguy hiểm cho người khác, đồng thời cũng tránh bị phạt vi phạm hành chính.
Theo Vietnamnet, Dangcongsan
Xem thêm bài liên quan
- Thói “khôn lỏi” của nhiều tài xế Việt: Vờ hỏng xe, bật đèn dừng khẩn cấp để thản nhiên đỗ ở đường cấm
- Hãng taxi điện VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tuyển tài xế với tiêu chuẩn ngoại hình như nhân viên ngân hàng: Cao trên 1,65m, không hình xăm lộ
- 10 thói quen “xấu xí” của cánh tài xế Việt cần bỏ ngay trong năm mới 2023 kẻo rước họa vào thân