Tham vọng mới nhất của VinFast là bán xe ô tô điện ra thị trường Đông Nam Á. Nikkei cho rằng, điều này có thể sẽ khiến VinFast phải quan tâm đến một chi tiết mới.
Theo đó, VinFast chỉ rõ những quốc gia Đông Nam Á mà công ty đang nhắm mục tiêu. Tuy nhiên, cần phải lưu ý một điều, những tài xế ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Brunei lái xe ở bên trái đường, có nghĩa là vô lăng thì ở bên phải của ô tô, được gọi là tay lái nghịch.
Kế hoạch mở rộng đầu tiên của VinFast ở châu Á diễn ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo của công ty đặt mục tiêu có lợi nhuận vào năm 2025.
Để hỗ trợ hoạt động cấp vốn – VinFast mới đây đã công bố việc tiến tới niêm yết trên sàn chứng khoán New York (NYSE) thông qua việc sáp nhập với Black Spade Acquisition (NYSE: BSAQ). Gần đây, VinFast cũng đã nhận được tài trợ từ ông Phạm Nhật Vượng và Vingroup.
Những chiếc xe điện của VinFast đã cập cảng ở Canada trong tuần này, trở thành những chiếc ô tô đầu tiên của Việt Nam chạy trên đường ở Mỹ.
VinFast cho biết họ đang tiến gần đến những thị trường khó tính. Do đó, họ đã nhận được nhiều đánh giá từ tài xế Mỹ, vừa được công bố vào tuần trước.
Trong một email gửi tới Nikkei Asia, công ty cho biết họ có các mẫu xe có phạm vi hoạt động xa hơn và được xếp hạng 5 sao từ Chương trình Đánh giá Xe Mới cho Đông Nam Á (New Car Assessment Program for Southeast Asia).
Người phát ngôn của VinFast cho biết: “Hầu hết [các bài đánh giá] đều cân bằng và tích cực, cho rằng xe có ngoại thất phong cách, nội thất hiện đại, khả năng vận hành ổn định và nhiều tính năng công nghệ”.
Về những đánh giá khác, đại diện này cho biết: “Chúng tôi đã ghi nhận và sẽ nỗ lực cải tiến. VinFast không ngừng nỗ lực hoàn thiện mình để mang đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng và phục vụ vượt trội”.
”Ngoài hy vọng thu hút khách hàng châu Âu, bước đột phá của VinFast ở Đông Nam Á còn mang đến những cơ hội thị trường lớn hơn, đặc biệt là ở các nước láng giềng như Indonesia và Thái Lan, với sự thâm nhập cao hơn của phương tiện xe hơi. Tuy nhiên, VinFast cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của các đại gia ô tô ở đó, cũng như sự cạnh tranh ngay trên sân nhà” – Nikkei Asia nhận định.
VinFast thống trị thị trường xe điện cỡ nhỏ của Việt Nam nhưng các đối thủ Trung Quốc đang muốn gia nhập thị trường. Các mẫu xe được cho là sắp vào Việt Nam bao gồm BYD và Hongguang Mini EV , mặc dù giá của các mẫu này ở Việt Nam có thể cao hơn ở các thị trường khác. Tháng trước, VinFast đã công bố mẫu xe điện rẻ nhất tính tới thời điểm hiện tại của công ty, với giá 23.000 USD.
VinFast cho biết họ đang có kế hoạch mở rộng trong khu vực với “đầy đủ các loại” EV, bao gồm 8 mẫu xe tay ga, nhưng không tiết lộ thời điểm cụ thể.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: “Không lý do gì bỏ ra 500-700 triệu USD để cho đối thủ dùng chung trạm sạc của VinFast”
Ông Vượng cho biết, kể từ khi làm VinFast, ông nhận được rất nhiều câu hỏi về việc tại sao lại lựa chọn sản xuất ô tô, đặc biệt là ô tô điện khi đây là lĩnh vực quá khó, phải bắt đầu từ con số 0.
Theo Chủ tịch Vingroup, có 2 lý do quan trọng để ông làm VinFast. Thứ nhất là do nhu cầu đóng góp của Vingroup cho xã hội, đất nước, chứ không đơn thuần là kinh doanh. “Chúng ta là doanh nghiệp lớn, thành đạt, có năng lực thì phải đóng góp cho đất nước. Đóng góp ở đây là xây dựng thương hiệu công nghệ cao, đẳng cấp cao, có sức ảnh hưởng, được quan tâm trên trường quốc tế”, ông Vượng nói.
Ông Vượng khẳng định làm VinFast không đơn giản là câu chuyện kinh doanh kiếm tiền: “Nếu kinh doanh kiếm tiền, các lãnh đạo Vingroup không dại gì lao vào lĩnh vực khó khăn gian khổ thế. Còn nếu dễ thì lại không đến lượt chúng ta làm, bao nhiêu doanh nghiệp đã làm rồi. Chúng tôi làm VinFast để thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, thể hiện lòng yêu nước, không toan tính”.
Lý do thứ hai là cơ hội của cách mạng xanh đang rất lớn. Đội ngũ VinFast hiện nay đang ngày càng vững mạnh, thực sự làm chủ công nghệ. VinFast sẽ là dự án tiềm năng, sau này sẽ là dự án tốt nhất của Vingroup.
Ông Vượng tự tin cho rằng tình hình tài chính của VinFast sẽ được cải thiện rất nhiều trong năm 2024 và 2025 khi sản lượng tăng lên.
Về kế hoạch sản xuất xe, VinFast dự kiến đến tháng 8 sẽ phủ đủ hết dải xe A B C D E, và sẽ thành hãng đầu tiên đủ dải sản phẩm tất cả phân khúc xe. VinFast sắp tới sẽ ra mắt một dòng xe mới siêu nhỏ nhưng có thiết kế rất đẹp. Bên cạnh đó, VinFast cũng nghiên cứu cả xe tải, thể hiện quyết tâm trở thành hãng xe điện hàng đầu thế giới, không bỏ qua bất cứ thứ gì nếu thị trường có nhu cầu.
Về các đối thủ cạnh tranh như xe điện Trung Quốc, ông Vượng cho biết quan điểm là “nước sông không phạm nước giếng”. Xe điện Trung Quốc không thể chiếm lĩnh 100% thị trường bởi ngay cả ở chính Trung Quốc thì vẫn có các hãng xe điện nước ngoài bán chạy.
Tại Việt Nam, ông Vượng tự tin rằng chỉ cần sản phẩm tốt, người Việt sẽ ủng hộ xe điện VinFast và hệ sinh thái của Vingroup sẽ hỗ trợ đắc lực cho VinFast, giúp VinFast cạnh tranh tốt hơn với các hãng xe khác. Còn về chuyện đắt rẻ thì sẽ do thị hiếu của từng người tiêu dùng, có người hợp, có người không hợp, có người thích, có người không thích.
Nội dung chính:
– Trước mắt VinFast chưa cho các hãng xe điện khác dùng chung trạm sạc, có thể cho dùng chung sau 10 năm nữa.
– VinFast đang triển khai, cân nhắc để ra mắt xe siêu nhỏ, đẹp.
– Năm 2023, Vingroup đặt mục tiêu doanh thu thuần 190.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.000 tỷ đồng.
Kế hoạch kinh doanh mảng xe điện của VinFast là vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 của Vingroup (mã: VIC) diễn ra sáng 17/5.
Tại đại hội, cổ đông đặt câu hỏi về việc liệu VinFast có cho các hãng xe điện khác dùng chung trạm sạc của mình, ông Phạm Nhật Vượng nêu quan điểm: “Chúng tôi xác định chiến lược 10 năm nữa sẽ cho các hãng xe khác được sạc cùng. Hiện tại, không lý do gì bỏ ra 500-700 triệu USD để cho đối thủ dùng”.
Ông Phạm Nhật Vượng cũng chia sẻ thông tin về việc sáp nhập với Black Spade Acquisition Co. để niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, cho biết Black Spade là công ty huy động vốn niêm yết sẵn trên sàn chứng khoán Mỹ. Khi VinFast hoàn tất thủ tục sáp nhập, được Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) chấp thuận, quá trình niêm yết mới hoàn tất. Khi niêm yết xong, VinFast sẽ nắm 99% vốn chủ sở hữu tại công ty mới, là chủ của công ty.
“Có thể nói VinFast đã niêm yết được một nửa, còn một số thủ tục nữa sẽ hoàn thành” , ông Vượng cho hay.
Chủ tịch Vingroup cũng cho biết đang triển khai, cân nhắc để ra mắt xe siêu nhỏ, một cửa. “Rất đẹp, tiện và hợp lý”, ông Vượng nói.
Người đứng đầu Vingroup một lần nữa chia sẻ về 2 mục tiêu khi phát triển VinFast. “Thứ nhất, khi chúng ta phát triển đủ lớn thì phải có trách nhiệm đóng góp cho đất nước. Câu chuyện không đơn giản là kinh doanh kiếm tiền, kiếm tiền thì không cần gia nhập lĩnh vực khó khăn, gian khổ thế. Chúng ta làm để hướng tới xây dựng thương hiệu công nghệ cao, đẳng cấp cao, không toan tính” .
Thứ hai, theo ông Vượng, là xu hướng xanh. “Chúng tôi kỳ vọng định giá của VinFast không phải chỉ là 23 tỷ USD. Sau này có thể là mảng kinh doanh tốt nhất của Vingroup” , chủ tịch Vingroup nói.
Nói về việc cạnh tranh khi xe điện Trung Quốc đang thâm nhập vào thị trường Việt Nam, ông Vượng cho hay các hãng xe Trung Quốc có khách hàng của họ, VinFast có định vị của mình, đây là câu chuyện cạnh tranh, làm ăn bình thường, khái niệm đắt hay rẻ phụ thuộc vào nhu cầu và thị hiếu của thị trường.
ĐHĐCĐ Vingroup đã thông qua kế hoạch doanh thu thuần 190.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.000 tỷ đồng. So với kết quả 2022, lợi nhuận Vingroup đi ngang nhưng doanh thu tăng trưởng gần 90%. Nếu hoàn thành kế hoạch, đây sẽ là mức doanh thu cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của Vingroup.
ĐHĐCĐ cũng thông qua phương án phát hành tối đa 5.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi theo một hoặc nhiều đợt chào bán, với lãi suất tối đa 15%/năm.
Vingroup sẽ chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng, căn cứ vào tình hình thực tế quyết định phương thức chào bán và khối lượng chào bán tương ứng. Trái phiếu có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và tối đa không quá 60 tháng.
Thời hạn phát hành dự kiến trong vòng một năm kể từ ngày ĐHĐCĐ thông qua. Số lượng cổ phần phát hành theo mỗi trái phiếu được xác định bằng mệnh giá trái phiếu chia cho giá mua cổ phần.
Năm 2022, doanh thu thuần của Vingroup đạt 101.794 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.044 tỷ đồng.
“Sau khi loại đi các khoản chi phí tài chính đến từ việc trích lập dự phòng lỗ tỷ giá, chi phí liên quan đến quyết định dừng sản xuất xe xăng, rút khỏi lĩnh vực sản xuất điện thoại, lợi nhuận sau thuế của Vingroup đạt 5.278 tỷ đồng, thực hiện 88% kế hoạch” – thông cáo báo chí của Vingroup cho biết.
Về định hướng phát triển từng lĩnh vực của Tập đoàn trong năm nay, lãnh đạo Vingroup xác định:
Trong lĩnh vực bất động sản nhà ở , Vinhomes sẽ tận dụng tối đa lợi thế về quỹ đất để phát triển những dự án đô thị xanh, thông minh, đầy đủ tiện ích nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Với mảng bất động sản khu công nghiệp , Vinhomes IZ sẽ bám sát dòng tiền đầu tư FDI, tập trung nghiên cứu và áp dụng các mô hình bất động sản công nghiệp thông minh, khu công nghiệp sinh thái, chuyên ngành quy mô lớn.
Lĩnh vực bất động sản bán lẻ , Vincom Retail dự kiến khai trương 2 trung tâm thương mại mới, đặt trọng tâm kinh doanh vào việc tiếp tục đồng hành với khách thuê chiến lược, đẩy mạnh mở rộng mạng lưới khách thuê mới theo hai nhóm thương hiệu quốc tế và thương hiệu Việt Nam.
Với lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí , Vinpearl đặt mục tiêu duy trì đà phục hồi mạnh từ kỳ vọng ngành du lịch khởi sắc trở lại trong năm 2023, với tỷ trọng đóng góp lớn đến từ mảng khách sạn, ẩm thực và vui chơi giải trí bên cạnh dịch vụ sân golf.
Theo Nhịp sống thị trường, Tổng hợp
Xem thêm bài liên quan
- Dân tình “Rần rần” khoe đặt cọc VinFast VF 3 thành công ngay ngày đầu tiên mở bán, hóng phiên bản Creators’ Edition tùy biến độc bản không ai giống ai
- Tất tần tật những điều cần biết trước giờ chính thức mở cọc sớm mẫu VinFast VF 3 đang gây sốt
- VinFast và “bộ ba thần tài” giúp người dùng “bỏ xăng sang điện”: Tiết kiệm hơn, xe ngon hơn lại còn bảo vệ môi trường