Bộ GTVT yêu cầu, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá và xử lý nghiêm theo thẩm quyền các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.
Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, nắm tình hình cân đối cung – cầu hàng hóa, dịch vụ để chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền phương án kịp thời nhằm bình ổn thị trường; kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá và xử lý nghiêm theo thẩm quyền các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.
“Các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giá để ban hành hoặc kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung các nội dung có vướng mắc, chồng chéo không phù hợp với thực tiễn tạo thuận lợi cho quản lý điều hành giá”, Bộ GTVT chỉ đạo.
Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành, các doanh nghiệp rà soát phương án giá đã kê khai, kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, thực hiện đồng bộ có hiệu quả các giải pháp tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm giá, hỗ trợ người tiêu dùng, đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.
Đối với hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành, các doanh nghiệp thuộc rà soát phương án giá, trường hợp yếu tố hình thành giá giảm, đề nghị trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định.
“Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp công khai, minh bạch thông tin giá, nhất là với nguyên, nhiên, vật liệu hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất; giá cước vận tải, hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát, tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống người dân. Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vi phạm”, Bộ GTVT yêu cầu.
Qua ghi nhận tại nhiều địa phương cho thấy, tuy giá xăng dầu đã giảm mạnh nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải không giảm giá vé, đặc biệt là các doanh nghiệp taxi và xe công nghệ trên địa bàn TP Hà Nội, TP. HCM khiến dư luận bức xúc.
Theo ANTĐ