Từ ngày 22/3, các loại xe ô tô mới được miễn đăng kiểm lần đầu; xe gia đình, xe cá nhân dưới 7 năm được kéo dài chu kỳ kiểm định đến 24 tháng.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành từ ngày 22/3 về việc miễn kiểm định lần đầu đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng và có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định dưới 2 năm, có đủ hồ sơ hợp lệ. Chủ xe được cấp tem và giấy chứng nhận tại các trung tâm đăng kiểm mà không phải mang xe đến trình diện.
Thông tư cũng điều chỉnh chu kỳ kiểm định đối với một số loại xe cơ giới.
Cụ thể, với ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 30 tháng lên 36 tháng; thời gian sản xuất đến 7 năm thì chu kỳ tăng từ 18 tháng lên 24 tháng; thời gian sản xuất trên 7 năm đến 20 năm (trước đây là 12 năm) thì chu kỳ giữ nguyên 12 tháng; thời gian sản xuất trên 20 năm thì chu kỳ kiểm định giữ nguyên 6 tháng.

Với ô tô chở người trên 9 chỗ, chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 18 tháng lên 24 tháng; thời gian sản xuất đến 5 năm thì chu kỳ tăng từ 6 tháng lên 12 tháng; thời gian sản xuất trên 5 năm thì chu kỳ giữ nguyên 6 tháng.
Đối với nhóm ô tô tải, ô tô đầu kéo có thời gian sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ô tô tải, ô tô đầu kéo đã cải tạo thành ô tô chuyên dùng), ô tô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ô tô chở người có thời gian sản xuất từ 15 năm trở lên được kéo dài chu kỳ kiểm định từ 3 tháng lên 6 tháng.
Bên cạnh đó, thông tư cũng điều chỉnh một số nội dung nhằm giảm thiểu thủ tục, chi phí và thời gian cho người dân và doanh nghiệp.
Theo Bộ GTVT, thời gian qua, một số nội dung của Thông tư 16 đã bộc lộ bất cập như yêu cầu kiểm định đối với phương tiện mới, chu kỳ kiểm định chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tiễn, đặc biệt đối với phương tiện cá nhân (xe không kinh doanh vận tải)…
Bộ GTVT đã rà soát, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ và được chấp thuận cho phép sửa đổi Thông tư 16 theo trình tự rút gọn. Đến nay, sau 1 tháng tập trung triển khai, Thông tư sửa đổi Thông tư 16 đã hoàn thành và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 22/3/2023.
Việt Nam có tân Cục trưởng cục Đăng kiểm, người được đánh giá là “có trách nhiệm, đạo đức, uy tín cao”
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Vụ trưởng Quản lý doanh nghiệp, được Bộ trưởng Giao thông Vận tải trao quyết định bổ nhiệm Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam, sáng 11/3.
Cục trưởng Thắng sẽ thay thế người tiền nhiệm Đặng Việt Hà đã bị bắt tạm giam ngày 11/1 về hành vi Nhận hối lộ.
Ông Thắng có trình độ cử nhân Luật, từng đảm nhiệm nhiều vị trí ở Bộ Giao thông Vận tải, như Phó vụ trưởng, Vụ trưởng Tổ chức cán bộ; Vụ trưởng, Trưởng ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp (Vụ Quản lý doanh nghiệp).
Tháng 10/2014, ông Thắng được luân chuyển tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái, nhiệm kỳ 2010-2015 và giữ chức Phó chủ tịch tỉnh Yên Bái. Đến tháng 7/2021, ông trở lại Bộ Giao thông Vận tải làm Vụ trưởng Quản lý doanh nghiệp.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đánh giá ông Nguyễn Chiến Thắng là người trách nhiệm, đạo đức, uy tín cao, đã có quá trình rèn luyện dày dạn, cần thiết đối với lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Ông yêu cầu tân Cục trưởng khắc phục các yếu kém của ngành đăng kiểm, tiếp tục khẳng định vai trò của ngành đối với sự phát triển của đất nước.
Ba tháng qua, công an cả nước liên tiếp điều tra sai phạm trong hoạt động đăng kiểm, khám xét hơn 50 trung tâm, khởi tố hơn 300 người về các tội: Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Giả mạo trong công tác và Sản xuất, mua bán công cụ, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật.
Hai nguyên cục trưởng là Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà đã bị khởi tố vì hành vi Nhận hối lộ. Bộ Giao thông Vận tải giao Cục phó Nguyễn Vũ Hải điều hành hoạt động của cơ quan này từ 6/1 đến nay.
Ngành đăng kiểm đang gặp khủng hoảng khi phương tiện đến hạn kiểm định lớn, trong khi nhân sự thiếu hụt trầm trọng. Lượng xe dự kiến quá hạn kiểm định tháng 3 tại Hà Nội khoảng 78.600, các trung tâm đăng kiểm chỉ đáp ứng được 14% nhu cầu.
Tại TP HCM, lượng xe bị quá hạn dự kiến 29.900, khả năng đáp ứng của đơn vị đăng kiểm chỉ 49% nhu cầu.
Cảnh sát giao thông hỗ trợ công tác đăng kiểm từ hôm nay (11/3)
167 cán bộ sẽ được huy động. Trong đó, ngày 11/3, sẽ có 50 cán bộ đăng kiểm của cảnh sát giao thông sang hỗ trợ công tác đăng kiểm dân sự.

Trước đề nghị hỗ trợ của Bộ Giao thông Vận tải, từ sáng 11/3, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ được tăng cường để hỗ trợ công tác đăng kiểm.
Bên cạnh đó, trong tối 10/3, các trung tâm đăng kiểm thuộc lực lượng công an cũng được yêu cầu kết nối dữ liệu với Bộ Giao thông Vận tải để có thể hỗ trợ kịp thời khi có đề nghị.
Việc hỗ trợ lực lượng và dây chuyền đăng kiểm của lực lượng công an nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc đăng kiểm đang xảy ra, chủ yếu tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Trước đó, vào chiều 10/3, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đã triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường lực lượng CSGT hỗ trợ công tác đăng kiểm theo đề nghị của Bộ GTVT.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT cho biết, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong đăng kiểm phương tiện cơ giới, lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường cơ sở, trang thiết bị kỹ thuật, con người để hỗ trợ Bộ GTVT thực hiện công tác đăng kiểm, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung yêu cầu đơn vị chức năng phối hợp với Bộ GTVT rà soát các trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương xem trung tâm nào cần đăng kiểm viên thì sẽ tăng cường ngay lực lượng đăng kiểm của CSGT.
Cục trưởng Cục CSGT cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương lựa chọn cán bộ, chiến sĩ, tập huấn nâng cao, thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm khi có yêu cầu theo đề nghị của Bộ GTVT.
“Hiện nay, tình trạng quá tải đăng kiểm chủ yếu diễn ra tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chính vì vậy, ngay từ sáng 11/3, lực lượng CSGT sẽ tăng cường ngay lực lượng để hỗ trợ các trung tâm đăng kiểm của Bộ GTVT ở hai thành phố này.
Theo đó, lực lượng công an sẽ hỗ trợ kiểm tra kỹ thuật, nghiệp vụ để việc đăng kiểm của người dân được thuận lợi, nhanh chóng nhất, trên tinh thần giải quyết ngay vấn đề xã hội đang vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất, không để người dân phải mang chăn chiếu, thay phiên nhau xếp hàng 3-4 ngày tại các trung tâm đăng kiểm.
Quan điểm là không có ngày nghỉ, giờ nghỉ, khi cần lực lượng phải có mặt ngay, chung sức tháo gỡ khó khăn cho người dân”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung yêu cầu.
Quân đội chuẩn bị lực lượng chi viện cho các trạm đăng kiểm
Cục Xe – Máy thuộc Tổng cục Kỹ thuật đang làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam để tăng cường lực lượng đăng kiểm viên giải quyết tình trạng quá tải ở Hà Nội, TP.HCM.
Cục Xe – Máy (Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng), đơn vị phụ trách đăng kiểm ô tô cho lực lượng quân đội, đang rà soát các đăng kiểm viên trong ngành để tăng cường cho các trạm đăng kiểm dân sự trên cả nước.
Hiện, Cục Xe – Máy đang quản lý 15 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Mạng lưới trung tâm này có chức năng kiểm định cho các ô tô vận tải thuộc biên chế quân đội (biển đỏ) và không phục vụ các loại phương tiện dân sự.

Tuy nhiên, sau khi Bộ GTVT kêu gọi lực lượng đăng kiểm của công an và quân đội hỗ trợ giải quyết trình trạng quá tải, các đăng kiểm viên quân đội sẽ được tăng cường cho các trạm đăng kiểm tại Hà Nội và TP.HCM.
Về chuyên môn kỹ thuật, lực lượng này sẽ thực hiện quy trình đăng kiểm giống như các trung tâm của ngành GTVT. Tuy nhiên, đăng kiểm viên của quân đội sẽ do Bộ Quốc phòng cấp chứng chỉ hành nghề chứ không phải Cục Đăng kiểm.
Đại diện Cục Xe – Máy cho biết cần phải rà soát kỹ trước khi thống nhất cử bao nhiêu nhân sự chi viện cho ngành GTVT, do lực lượng này vẫn phải thường trực đáp ứng các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, Cục Xe – Máy cũng sẽ gọi những nhân sự từng là đăng kiểm viên, nay đã chuyển công tác, trở lại tập huấn để hỗ trợ hoạt động đăng kiểm.
Sáng 11/3, trong buổi làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đã đề nghị cục phối hợp với Cục CSGT, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng nhanh chóng tiếp nhận lực lượng đăng kiểm viên để sắp xếp vào các trung tâm phục vụ hoạt động kiểm định của người dân.
Theo VTCnews, Tổng hợp
Xem thêm bài liên quan
- Miễn đăng kiểm lần đầu xe ô tô mới: Chủ xe vẫn phải đến xếp hàng từ sáng đến trưa lấy phiếu hẹn
- Chủ xe Mercedes nguyên zin vẫn bị đánh “rớt” đăng kiểm 2 lần: Đề nghị xác minh tiêu cực, nhũng nhiễu
- Cân nhắc phương án tính chu kỳ kiểm định theo số km thay vì thời gian ô tô chạy: Chạy càng ít chu kì kiểm định càng dài?