UBND TP Hà Nội đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án Tuyến metro Nhổn – Ga Hà Nội từ 2009-2022 thành 2009-2027, điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư dự án tăng thêm 1.916 tỷ đồng.
UBND TP Hà Nội vừa có Tờ trình số 104 gửi Thủ tướng về việc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội với 2 nội dung.
Thứ nhất, UBND TP Hà Nội đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2009-2022 thành 2009-2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng), trong đó, đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2023 và đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào năm 2027 (gồm cả đoạn ngầm).
Thứ hai, UBND TP Hà Nội xin điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 34.826 tỷ đồng (tăng thêm 1.916 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố tăng 3.895,93 tỷ đồng và giảm vốn vay ODA 1.979,93 tỷ đồng).
Cơ cấu nguồn vốn đầu tư sau điều chỉnh sẽ gồm vốn vay ODA trị giá 24.781,99 tỷ đồng; trong đó, vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trị giá 374,62 triệu USD, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) 158,77 triệu euro, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) 125,5 triệu euro, vay của Chính phủ Pháp 355,41 triệu euro và vốn ngân sách thành phố Hà Nội trị giá 10.044,01 tỷ đồng.
Theo UBND TP Hà Nội, hiện nhiều hợp đồng gói thầu không thể gia hạn và thanh toán do dự án chưa hoàn thành các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng chủ đầu tư vẫn phải thúc các nhà thầu tiếp tục triển khai các hạng mục công việc để bảo đảm tiến độ khai thác vận hành đoạn trên cao trong năm 2023.
Vì vậy, UBND TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng thống nhất việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án gồm thi công, giải ngân, thanh toán cho nhà thầu và rà soát, đàm phán điều chỉnh các hiệp định vay, các hợp đồng gói thầu… đồng thời với việc thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư để không làm gián đoạn quá trình thực hiện Dự án.
Cũng tại tờ trình này, UBND TP Hà Nội nêu ra một số nhóm nguyên nhân chính ảnh hưởng đến việc dự án bị chậm tiến độ.
Trong đó, chậm trễ trong công tác giải phóng bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án.
Năng lực triển khai thực hiện dự án của chủ đầu tư và sự phối hợp giữa tư vấn, chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội là công trình lớn và phức tạp, lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam, do Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư, tổ chức thực hiện nhưng không có tổng thầu, được phân chia thành 9 gói thầu xây lắp thiết bị chính, tạo ra nhiều giao diện giữa các gói thầu, làm phát sinh điều chỉnh thiết kế và vướng mắc, khó khăn trong quá trình lập, phê duyệt thiết kế điều chỉnh và dự toán phát sinh gây chậm trễ tiến độ.
UBND TP Hà Nội nhìn nhận năng lực, kinh nghiệm của chủ đầu tư còn hạn chế, chưa am hiểu hết và đầy đủ về công nghệ, chưa có thực tiễn quản lý, điều hành dự án có quy mô lớn, có tính kinh tế – kỹ thuật cao, phức tạp…
Bên cạnh đó, Systra được chỉ định thầu là tư vấn thực hiện dự án (thực hiện các công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi; lập thiết kế kỹ thuật, dự toán, hồ sơ mời thầu; hỗ trợ đấu thầu; giám sát thi công và hỗ trợ quản lý thực hiện dự án) thông qua Nghị định thư giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam, nên việc quản lý thực hiện và thương thảo, điều chỉnh hợp đồng của chủ đầu tư với tư vấn luôn gặp khó khăn.
Đơn vị tư vấn chưa cung cấp đầy đủ, hiệu quả cho chủ đầu tư các giải pháp giải quyết các vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là các vấn đề khác biệt giữa Hợp đồng FIDIC và quy định pháp luật Việt Nam hiện hành để quản lý bảo đảm bảo tiến độ dự án.
Đặc biệt, từ ngày 1/8/2021 đến 13/9/2021, tư vấn đã tạm ngừng huy động dịch vụ (lần thứ 3 từ khi triển khai Dự án đến nay), gây sức ép chủ đầu tư trong việc thương thảo, gia hạn hợp đồng.
Không chỉ đơn vị tư vấn ngoại, mà đơn vị nhà thầu nội duy nhất tham gia vào Dự án là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) thi công Gói thầu CP05 – Các công trình kiến trúc Đề pô (khu trung tâm điều khiển và bảo dưỡng, sửa chữa tàu) cũng liên tục khiến UBND TP Hà Nội và chủ đầu tư “thấp thỏm” về năng lực thi công.
Metro Nhổn-Ga Hà Nội sắp vận hành đoạn trên cao đến Cầu Giấy
Tuyến metro Nhổn-Ga Hà Nội, đoạn trên cao sẽ vận hành vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 tới đây. Hiện Sở GTVT Hà Nội tập trung điều chỉnh, bố trí hợp lý hành trình, các điểm dừng đỗ của 31 tuyến buýt đang hoạt động để tăng tính kết nối với tuyến metro này.
Theo tiến độ, tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội có kế hoạch vận hành đoạn trên cao Nhổn – Cầu Giấy vào đầu quý III-2023. Để hành khách dễ dàng tiếp cận với metro, Trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội (HPTC) đang khảo sát, xây dựng phương án điều chỉnh lộ trình mạng lưới các tuyến buýt theo hướng bố trí lại hành trình, các điểm dừng đỗ gần các ga tàu đã xây dựng trên dọc các tuyến đường Cầu Giấy – Xuân Thủy – Hồ Tùng Mậu – Cầu Diễn – Minh Khai.
Trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, dọc các tuyến đường trên hiện có 31 tuyến buýt đang hoạt động, có thể điều chỉnh, bố trí sắp xếp lại các điểm dừng đỗ để hành khách dễ dàng kết nối với tuyến đường sắt trên cao Nhổn – Cầu Giấy.
“Trong số này, có 28 tuyến trợ giá và 3 tuyến không trợ giá. Qua khảo sát, lưu lượng khách có nhu cầu đi lại bằng xe buýt hàng ngày khoảng hơn 118.000 lượt người có nhu cầu đi lại bằng loại hình vận tải hành khách công cộng”, đại diện Trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội thông tin.
HPTC cho biết theo kế hoạch đã được Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cung cấp, tuyến Nhổn – Hà Nội có thiết kế mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, mỗi toa chở được 230 hành khách, mỗi chuyến chở được 920 hành khách. Hoạt động tần suất giờ cao điểm 7,5 phút/chuyến (bình quân vào giờ cao điểm có 8 chuyến/giờ/hướng vào ga đón, trả khách).
Sau khi hoàn thiện phương án, năng lực trung chuyển, kết nối hành khách và giải tỏa của xe buýt tại các điểm đầu cuối, tại các ga dọc tuyến, dự báo sẽ có khoảng 15-20% người dân trên dọc QL 32 đoạn từ Cầu Giấy đi Nhổn sẽ chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội.
Mạng lưới vận tải hành khách công cộng dọc trục QL 32 từ Cầu Giấy đi Nhổn cũng được hoàn thiện theo hướng đồng bộ.
Ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết đơn vị đã nghiên cứu tổ chức giao thông và sẵn sàng điều chỉnh lộ trình các tuyến buýt theo phương án của Trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội khi đoạn trên cao Nhổn – Ga Hà Nội đi vào hoạt động.
Trong giai đoạn 1 vận hành đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 3, Sở GTVT Hà Nội tập trung điều chỉnh, bố trí hợp lý hành trình, các điểm dừng đỗ của 31 tuyến buýt đang hoạt động; giai đoạn tiếp theo sẽ triển khai mở mới các tuyến buýt thành phố đã có kế hoạch để phục vụ kết nối hành khách với đường sắt đô thị.
Xem thêm bài liên quan
- Thái Lan: Xe điện BYD giảm giá sâu “chưa từng có”, “chiêu” bán hàng gây mất niềm tin
- Hyundai Tucson 2024 chính thức ra mắt, ngoại thất cải tiến nhẹ, nội thất gần như “lột xác” hoàn toàn, giá từ 510 triệu
- Chủ xe điện Tesla Model Y “hết nước mắt” không chỉ vì chi phí sửa chữa mà thời gian chờ có thể kéo dài cả năm