Ngay trong tuần sau, phiên bản hybrid của “vua bán tải” Ford Ranger thế hệ mới sẽ được ra mắt.
Việc Ford Ranger thế hệ mới sẽ có phiên bản điện hoá không phải là một bí mật vì ngay từ đầu, hãng xe Mỹ đã phát triển mẫu bán tải này để lắp được động cơ điện.
Tuy nhiên thời điểm đó có vẻ sẽ tới sớm hơn dự kiến khi hiện tại, các kênh truyền thông của Ford đã bắt đầu đăng video hé lộ về một mẫu xe mới sẽ được ra mắt vào ngày 19/9/2023.
Dù không trực tiếp đề cập là Ranger, nhưng có thể chắc chắn mẫu xe mà video hé lộ này nói tới đó là Ford Ranger Hybrid. Đầu tiên, video đã được đăng tải bởi bộ phận Ford Pro chuyên làm xe tải và van.

Tiếp theo, một số cảnh quay từ xa và từ cửa sổ sau đã cho thấy chắc chắn mẫu xe mới là một phiên bản Ranger mới. Cuối cùng, khẩu hiệu “The best of both worlds” đã gợi ý rằng mẫu Ranger mới sẽ kết hợp các ưu điểm của cả 2 Thế giới xe xăng lẫn xe điện.

Không rõ hệ thống hybrid nào được dành cho Ranger. Các báo cáo chưa được xác minh cho rằng Ford muốn ghép nối động cơ EcoBoost 2.3 lít tăng áp với một hoặc nhiều mô-tơ điện, điều này có thể là một điểm mới trong số các mẫu xe plug-in hybrid của công ty.

Trước khi Ford hé lộ sắp ra mắt Ranger hybrid, Toyota cũng từng thể hiện mong muốn điện hoá cho mẫu xe đối thủ Toyota Hilux. Nhưng có vẻ như lần này, Ranger sẽ lại một lần nữa đi trước Hilux khi được công bố sớm hơn.
Theo NgheNhinVietNam
Chênh nhau tới 145 triệu, “anh cả” Toyota Hilux 4X2 AT có gì để đấu với “ông vua” Ford Ranger XLS 4×2 AT?
Cùng ở cấp độ tương đương với Ford Ranger XLS 4×2 AT nhưng trang bị nội, ngoại thất, tiện nghi và an toàn của Toyota Hilux 4×2 AT có xứng đáng với mức giá chênh 145 triệu đồng?
Mới đây, Toyota Hilux đã được bán trở lại sau hơn 1 năm tạm ngừng do không kịp đáp ứng quy định mới về tiêu chuẩn khí thải mức 5 và lần trở lại này, mẫu xe bán tải của Toyota sẽ được phân phối duy nhất 1 phiên bản Hilux 2.4L 4×2 AT với giá 852 triệu đồng thay vì 4 phiên bản như trước kia.
Toyota Hilux 2.4L 4×2 AT sẽ chủ yếu cạnh tranh với đối thủ Ford Ranger XLS 2.0L 4×2 AT (giá 707 triệu đồng), phiên bản được đánh giá vừa tầm tiền và phù hợp với nhu cầu của số đông khách hàng.

Trong bài viết này, hãy cùng VietNamnet so sánh các chi tiết kỹ thuật và các tính năng của 2 mẫu xe Toyota Hilux 2.4L 4×2 AT và Ford Ranger XLS 2.0L 4×2 AT về cả điểm cộng và điểm trừ.
Ngoại thất
Trong cuộc so tài giữa Toyota Hilux và Ford Ranger, thiết kế ngoại thất là một trong những yếu tố quan trọng giúp người mua có cái nhìn ấn tượng ban đầu về chiếc xe mà họ muốn mua.
Trong đó, Toyota Hilux 2.4L 4×2 AT thể hiện dáng vẻ lịch lãm và nam tính, không quá hầm hố nhưng đủ sự cứng cáp đúng chất của một chiếc xe bán tải. Lưới tản nhiệt dù không phải quá lớn nhưng nổi bật với đường viền và thanh nan được tạo hình khá dày. Cụm đèn chiếu sáng trước ăn điểm nhờ thiết kế gọn gàng và sắc nét.
Ở phía Ford Ranger XLS 2.0L 4×2 AT lại được thiết kế vuông vức, thể thao và cơ bắp phong cách đặc trưng của dòng xe Mỹ. Lưới tản nhiệt của mẫu xe này cũng có kích thước lớn nhưng đáng tiếc hệ thống chiếu sáng trước thiết kế khá thô và chưa đem lại cảm giác tinh tế.
Về trang bị, Toyota Hilux 2.4L 4×2 AT sở hữu cụm đèn chiếu sáng trước Projector LED, đèn sương mù LED, tay nắm cửa và gương được ốp crôm, la-zăng 17 inch cùng bản lốp 265/65 R17. Còn Ford Ranger XLS 2.0L 4×2 AT sẽ chỉ có hệ thống chiếu sáng và đèn sương mù halogen, tay nắm cửa và gương đều đồng màu thân xe, la-zăng hợp kim 16 inch cùng lốp nhỏ hơn 255/70 R16.
Cả hai mẫu xe đều có gương chiếu hậu gập điện tích hợp xi nhan, đèn phanh phụ LED trên thùng xe, cụm đèn hậu halogen nhưng Ford Ranger XLS 2.0L 4×2 AT vẫn biết cách gây ấn tượng bằng dòng chữ RANGER dập chìm ở khu vực bửng thùng và bậc lên xuống ở hai bên hông xe.
Kích thước
Với Ford Ranger XLS 2.0L 4×2 AT, kích thước tổng thể của mẫu xe này lần lượt là 5.362 x 1.918 x 1.875 mm. Chiều dài trục cơ sở 3.270mm và khoảng sáng gầm 235mm.
Còn Toyota Hilux 2.4L 4×2 AT có kích thước tổng thể là 5.325 x 1.855 x 1.815 mm. Chiều dài cơ sở đạt 3.085mm và khoảng sáng gầm xe là 286mm.
Ford Ranger XLS 2.0L 4×2 AT | Kích thước (mm) | Toyota Hilux 2.4L 4×2 AT |
5.362 | Chiều dài | 5.325 |
1.918 | Chiều rộng | 1.855 |
1.875 | Chiều cao | 1.815 |
3.270 | Chiều dài cơ sở | 3.085 |
235 | Khoảng sáng gầm xe | 286 |
Những con số trên cho thấy Ford Ranger XLS 2.0L 4×2 AT là chiếc xe bán tải lớn hơn về mọi kích thước. Bù lại, Toyota Hilux 2.4L 4×2 AT có khoảng sáng gầm xe cao hơn 51 mm, điều này cho phép chiếc bán tải của Toyota có thể vượt địa hình tốt hơn.
Nội thất
Bên trong khoang lái của Ford Ranger XLS 2.0L 4×2 AT, người xem sẽ thấy cách thiết kế nội thất theo xu hướng hiện đại với bảng điều khiển trung tâm được định hướng theo chiều dọc, các nút nút bấm vật lý được bố trí gọn gàng và bề mặt táp-lô không tạo cảm giác rườm rà.
Đối lập với sự gọn gàng và hiện đại của mẫu xe bán tải Ford, nội thất của Toyota Hilux 2.4L 4×2 AT phân bố các khu vực tương đối rời rạc, thiếu đi sự đồng nhất.
Về tiện nghi, cả hai mẫu xe đều được trang bị tiêu chuẩn với khởi động bằng chìa khóa, vô lăng nhựa urethane 3 chấu, ghế nỉ chỉnh cơ, phanh tay cơ, điều hòa chỉnh cơ và hệ thống âm thanh 6 loa.
Tuy nhiên, Ford Ranger XLS 2.0L 4×2 AT có những trang bị gần như vượt tầm phân khúc như bảng đồng hồ kỹ thuật số 8 inch, màn hình giải trí cảm ứng cỡ lớn 10 inch cho phép kết nối Android Auto và Apple CarPlay không dây.
Trong khi, Toyota Hilux 2.4L 4×2 AT chỉ được trang bị màn hình giải trí trung tâm 7 inch có kết nối Apple CarPlay và Android Auto có dây, bảng đồng hồ kim kết hợp cùng màn hình thông tin 4,2 inch.
Ford Ranger XLS 2.0L 4×2 AT | Trang bị tiện nghi | Toyota Hilux 2.4L 4×2 AT |
Màn hình cảm ứng 10 inch | Hệ thống giải trí | Màn hình cảm ứng 7 inch |
Kỹ thuật số 8 inch | Bảng đồng hồ | Kim truyền thống + màn hình 4,2 inch |
Apple Carplay, Android Auto không dây, USB, Bluetooth | Tùy chọn kết nối | Apple Carplay, Android Auto có dây, USB, Bluetooth |
Chỉnh tay 6 hướng | Ghế ngồi | Chỉnh tay 6 hướng |
Không | Cửa gió hàng ghế sau | Không |
Không | Hộp lạnh | Có |
Chỉnh tay | Hệ thống điều hòa | Chỉnh tay |
Động cơ và hệ truyền động
Nói về hệ truyền động, cả hai mẫu xe đều sử dụng loại động cơ Diesel, hộp số tự động 6 cấp và dẫn động bánh sau. Tuy nhiên, động cơ 2.0L Turbo trên Ford Ranger XLS 2.0L 4×2 AT cho công suất 168 mã lực, mô-men xoắn 405 Nm, còn động cơ Toyota Hilux 2.4L 4×2 AT dù có dung tích lớn hơn 2.4L nhưng chỉ sản sinh công suất 148 mã lực, mô-men xoắn 400 Nm.
Hơn nữa, thay vì sử dụng hệ thống lái trợ lực thủy lực như trên Toyota Hilux 2.4L 4×2 AT, Ford Ranger XLS 2.0L 4×2 AT được trang bị hệ thống lái trợ lực điện, điều này giúp cho người lái dễ dàng điều khiển chiếc xe có kích thước dài hơn 5,3 mét.
Do đều sử dụng hệ thống treo trước xương đòn kép kết hợp với hệ thống treo nhíp lá phía sau nên Ford Ranger XLS 2.0L 4×2 AT và Toyota Hilux 2.4L 4×2 AT có khả năng tải lên tới gần 1 tấn.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, Toyota Hilux sẽ có khả năng đi địa hình tốt hơn nhờ khoảng sáng gầm xe cao.
An toàn
Gói trang bị an toàn tiêu chuẩn trên Ford Ranger XLS 2.0L 4×2 AT và Toyota Hilux 2.4L 4×2 AT khá tương đồng. Cả hai đều có hệ thống chống bó cứng phanh, phân bổ lực phanh điện tử, kiểm soát ổn định thân xe, kiểm soát lực kéo, hỗ trợ khởi hành ngang dốc và kiểm soát hành trình.
Mẫu xe bán tải của Ford có thêm camera lùi, còn mẫu xe của Toyota dù không có camera lùi nhưng lại có đầy đủ cảnh báo trước sau, hệ thống chống trộm,đèn báo phanh khẩn cấp và 7 túi khí an toàn, nhiều hơn 6 túi khí của Ford Ranger XLS.
Các tính năng hỗ trợ người lái tiến tiến ADAS sẽ không có mặt trên 2 mẫu xe này do đây chỉ là phiên bản tầm trung, người mua sẽ không có sự lựa chọn khác nếu mua Toyota Hilux nhưng nếu bỏ thêm tiền để lấy bản cao cấp của Ford Ranger, người mua sẽ có được những tính năng hiện đại mà họ muốn.
Kết luận

Ở bên ngoài, Ford Ranger XLS 2.0L 4×2 AT có một số trang bị thua thiệt so với Toyota Hilux 2.4L 4×2 AT nhưng nội thất của mẫu xe Ford sẽ là thứ ghi điểm tốt hơn. Những thiếu hụt ở các trang bị ngoại thất trên Ford Ranger XLS hoàn toàn có thể nâng cấp dễ dàng chỉ với vài chục triệu đồng.
Trong khi Toyota Hilux 2.4L 4×2 AT chỉ hơn một vài trang bị nhưng mức chênh lệch cao hơn tới 145 triệu đồng khiến nhiều người sẽ phải đắn đo rất nhiều trước khi đi tới quyết định sở hữu mẫu xe này.

Qua bài so sánh về trang bị kỹ thuật kể trên, Toyota Hilux dường như đang gặp nhiều bất lợi về giá, các trang bị dù nhỉnh hơn nhưng từng đó có lẽ chưa đủ để thuyết phục người dùng. Với những ai cần một chiếc xe ổn định, giữ giá, Toyota Hilux cũng là một trong những ứng viên để lựa chọn.
Nguồn: Vietnamnet
Xem thêm bài liên quan
- “Ế chổng vó” tại Việt Nam nhưng Toyota Hilux vẫn có phiên bản mới Revo GR Sport: Bán tải thể thao “thách thức” Ford Ranger Raptor
- Bán tải hạng trung Toyota Hilux 2024 sẽ có công nghệ mild-hybrid 48V những vẫn khó đấu “vua” Ford Ranger
- Tesla của tỷ phú Elon Musk khẩn cầu khách hàng thôi “đừng test độ chịu đựng” của “thùng tôn di động” Cybertruck nữa