Việc ô tô chạy điện của Trung Quốc đang dần “xâm lấn” châu Âu khiến ngành công nghiệp ô tô của các quốc gia ở lục địa già phải lo ngại.
Giám đốc điều hành tập đoàn sản xuất ô tô Stellantis, ông Carlos Tavares, người có nhiều năm trong ngành công nghiệp ô tô châu Âu dần nhận thấy sức ép ngày càng tăng bởi các hãng xe hơi tới từ Trung Quốc ngay trên chính sân nhà.
Chia sẻ tại Triển lãm Công nghệ Los Angeles 2023, ông Carlos Tavares cho rằng nếu các chính trị gia tại châu Âu không thể tìm ra cách giải quyết, ô tô Trung Quốc sẽ tạo nên một trận chiến “cực kỳ khủng khiếp”.
Ông Tavares còn chia sẻ thêm những dự đoán rằng ngành công nghiệp ô tô châu Âu sẽ buộc phải cắt giảm năng lực sản xuất do sự cạnh tranh tới từ Trung Quốc. Lợi thế của xe Trung Quốc là giá rẻ và sẵn công nghệ.
“Chênh lệch giá xe giữa xe châu Âu và xe Trung Quốc là rất lớn. Nếu không có gì thay đổi trong tình hình hiện nay, khách hàng tầng lớp trung lưu sẽ chuyển sang mua xe Trung Quốc và sức mua của người dân châu Âu đang giảm rõ rệt.” – Người điều hành Stellantis nói.
Các nhận định này của Carlos Tavares cũng tương tự như của Patrick Koller, giám đốc điều hành Faurecia phát biểu tại Las Vegas rằng các nhà sản xuất ô tô châu Âu cần phải phát triển phân khúc ô tô điện cỡ nhỏ giá phải chăng cho thị trường người tiêu dùng có nhu cầu di chuyển trong đô thị.
Ông này nói, những quy định khắt khe về khí thải ở châu Âu buộc ô tô điện sản xuất tại đây đắt hơn tới 40% so với các loại xe tương đương tới từ Trung Quốc
SAIC, MG, BYD, Geely hay Nio đều là các hãng xe hơi điện Trung Quốc nhắm tới thị trường châu Âu bằng các sản phẩm giá bình dân của họ, đúng vào thời điểm mà người dân lục địa già gia tăng nhu cầu về xe điện sau khi giá cả về nhiên liệu tăng đột ngột.
Theo ông Tavares, châu Âu đang đứng trước 2 lựa chọn.
Một là vẫn mở cửa và đón chào các sản phẩm có tính cạnh tranh cao tới từ ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc. Nếu vậy, một cuộc chiến khốc liệt sẽ xảy ra, doanh số và sản lượng sẽ sụt giảm trầm trọng. Điều đó có thể khiến các nhà máy sản xuất ô tô châu Âu sẽ phải di chuyển tới những địa điểm sản xuất mới thuận lợi hơn, điển hình như Trung Quốc.
Hai là tái công nghiệp hóa ngành công nghiệp ô tô châu Âu, nhằm khôi phục lại những chuỗi sản xuất đã mất và hạn chế ô tô Trung Quốc. Dẫu vậy, điều này sẽ rất khó khăn vì việc đó sẽ làm nổ ra một cuộc chiến trả đũa thương mại và các hãng ô tô châu Âu mất lợi thế tại thị trường Trung Quốc vốn rất béo bở mà không dễ bỏ qua cho các hãng xe lớn.
Elon Musk đang rất nể sợ nhân vật người Trung Quốc này vì đã cho xe điện Tesla ‘ngửi khói’ suốt năm 2022
Trong tháng 1 năm 2023, tỉ phú xe điện Trung Quốc Vương Truyền Phúc (Wang Chuanfu) đã có bài phát biểu về tình hình kinh doanh của hãng xe BYD. Tờ Wangyi của Trung Quốc ví von: ‘Bài phát biểu của Vương Truyền Phúc rất từ tốn, nhưng BYD năm qua thì đã tăng tốc rất ấn tượng!’
Tesla đang bị BYD bỏ xa
Vào ngày 2/1/2023, BYD thông báo doanh số cộng dồn năm 2022 là của xe năng lượng mới (NEV) là 1.863.500 chiếc, tăng 208,64% so với cùng kỳ. Trong khi đó, con số tương ứng của Tesla chỉ là 1,31 triệu chiếc, bị BYD bỏ xa tới gần 500.000 chiếc.
NEV là thuật ngữ được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc, viết tắt của cụm từ ‘New Energy Vehicle’ hay ‘xe năng lượng mới’, gồm các nhóm xe như HEV, BEV, PHEV, …
Điều đáng chú là ban đầu phải mất tận 13 năm để doanh số xe năng lượng mới của BYD tăng từ 1 lên 1 triệu. Sau đó, chỉ cần 1 năm để tăng từ 1 triệu lên 2 triệu. Có thể thấy BYD đã vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu và bắt đầu có đà. Vương Truyền Phúc từng nói: ’Điều hành BYD như đi trên cầu khỉ, phải dứt khoát tiến lên thì mới tới đích được’.
Với doanh số bán hàng tăng vọt, CEO kiêm chủ tịch BYD Vương Truyền Phúc cũng trở thành người sở hữu công ty có giá trị nghìn tỉ đô.
Tesla cũng đã phải mua pin của BYD
Vào năm 2022, mảng kinh doanh pin của BYD đã tiếp tục mở rộng hoạt động. Do tuổi thọ tăng lên và có lợi thế rõ ràng về chi phí, pin của BYD đang được nhiều hãng xe hơi đưa vào danh sách ‘ứng cử viên’. Trên thực tế, Tesla, Weilai và Xiaomi đã trở thành đối tác của BYD.
Theo phương trang Teslamag.de của Đức, pin LFP của BYD hiện đang được đưa vào dây chuyền sản xuất mẫu xe Model Y tại nhà máy của Tesla ở Berlin. Đáng chú ý, trước BYD, CATL là nhà cung cấp pin duy nhất đến từ Trung Quốc của Tesla.
Cạnh tranh hai bên sẽ ngày một căng thẳng
Cách đây 11 năm, Vương Truyền Phúc đã ‘mạnh miệng’ tuyên bố: ‘BYD có thể làm ra một chiếc xe Tesla trong vài phút’. Elon Musk chỉ đơn giản nói BYD không phải đối thủ của Tesla.
Nhưng đến năm 2022, Steve Westly, cựu thành viên hội đồng quản trị Tesla, đã nói rằng đối thủ duy nhất của Tesla là gã khổng lồ ô tô điện BYD bênTrung Quốc. Thái độ của chính Elon Musk cũng thay đổi: ‘Các nhà sản xuất Trung Quốc như BYD rất có tính cạnh tranh.’
Nhìn vào các bước đi gần đây của BYD, ai cũng có thể thấy cường độ cạnh tranh giữa hai ông lớn Vương Truyền Phúc và Elon Musk sẽ còn tăng lên.
Tại thị trường Trung Quốc, vào ngày 2/1/2023, Tesla tung ra nhiều ưu đãi năm mới. Nếu hoàn tất thanh toán và giao nhận trước tháng 3 năm 2023 thì người mua xe sẽ được hưởng ưu đãi vận chuyển 6.000 NDT (khoảng 20 triệu VNĐ), tặng kèm trợ cấp bảo hiểm xe 4.000 NDT (gần 14 triệu VNĐ). Cộng đồng ô tô nhiều nơi đánh giá ‘đây thực chất là hạ giá trá hình’.
Trong khi đó, BYD lại thông báo kể từ ngày 1/1/2023, giá một số mẫu xe sẽ tăng từ 2.000 đến 6.000 NDT (khoảng 7 triệu – 20 triệu VNĐ). Khách hàng đã đặt cọc, ký hợp đồng trước đó sẽ không bị ảnh hưởng bởi đợt điều chỉnh này.
CEO họ Vương có chiến lược gì mà Elon Musk phải nể sợ?
Mở rộng sản xuất
Trong cuộc họp báo cáo tài chính vào tháng 9 năm 2022, Vương Truyền Phúc đã đặt ra mục tiêu cao hơn cho năm 2023: doanh số hàng năm phải là 4 triệu xe.
Để đáp ứng được số lượng đơn hàng ngày một tăng, BYD đã tích cực mở rộng sản xuất. Theo thống kê của truyền thông Trung Quốc, năng lực sản xuất theo tháng trong năm 2022 của BYD đã tăng từ hơn 90.000 xe vào tháng 1 lên 230.000 xe vào tháng 12. Với việc vận hành liên tiếp các nhà máy ở Giang Tây, An Huy, Tây An, Tế Nam và các tỉnh khác, năng lực sản xuất của BYD dự báo sẽ tăng lên 3,6 triệu xe vào năm 2023.
Bước chân vào phân khúc cao cấp
Tầm nhìn của giám đốc Vương là đưa BYD thoát khỏi hình ảnh ‘xe giá rẻ’ để tiến vào phân khúc cao cấp. Vào đầu tháng 11 năm 2022, Yangwang (trong tiếng Trung có nghĩa là ‘ngước nhìn’) được định vị là thương hiệu cao cấp triệu đô của BYD đã chính thức ra mắt. Sản phẩm đầu tiên mang tên Yangwang sẽ được trình làng vào quý 1 năm 2023.
Ngoài ra, BYD cũng sẽ dự định đưa ra một thương hiệu chuyên mang tính cá nhân hóa vào năm 2023. Trong tương lai, BYD sẽ sở hữu khoảng năm thương hiệu lớn: Dynasty, Ocean, Tengshi, Wangyang và một thương hiệu cá nhân hóa, nhằm thực hiện chiến lược đa thương hiệu và phát triển chất lượng cao.
Lấn sân thị trường nước ngoài
Vương Truyền Phúc chia thị trường nước ngoài của mình thành 4 khu vực chính: châu Mỹ, châu Âu, châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông và Châu Phi. Mỗi khu vực sẽ có một giám đốc điều hành riêng và CEO họ Vương sẽ ủy quyền ra quyết định cho họ để tăng tính linh hoạt.
BYD đang áp dụng mô hình tương tự như của Tesla và Volkswagen, đồng thời trực tiếp xây dựng nhà máy ở nước ngoài. Vào tháng 9 năm 2022, BYD đã ký thỏa thuận mua đất với Tập đoàn WHA của Thái Lan và sẽ sớm xây dựng nhà máy sản xuất xe điện đầu tiên ở Đông Nam Á. Vào tháng 10 năm 2022, BYD xem xét xây dựng nhà máy thứ hai ở Ấn Độ, với hy vọng đến năm 2023 sẽ chiếm được 40% thị phần tại thị trường này.
Mua tàu riêng để tự vận chuyển
Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển do sự mở rộng nhanh chóng của thị trường nước ngoài, Vương Truyền Phúc thậm chí còn chuẩn bị tự mua tàu vận chuyển. Có thông tin cho rằng BYD sẽ đặt hàng tới 8 tàu nhiên liệu kép khí hóa lỏng 7.700 CEU. Mỗi chiếc có giá 84 triệu USD, dự kiến giao hàng sau năm 2025. Tuy nhiên, BYD chưa phản hồi về thông tin này.
Vào tháng 5 năm 2021, lô 100 chiếc Tang EV đầu tiên đã được đưa đến Na Uy, đánh dấu bước đầu tiên của BYD ra nước ngoài. Tính đến đầu tháng 8 năm 2022, xe chở khách BYD đã thâm nhập 32 quốc gia và khu vực. BYD có kế hoạch tiến vào thị trường Bắc Mỹ vào năm 2023.
Dự đoán rằng đến năm 2023, doanh số xuất khẩu của BYD dự kiến sẽ đạt từ 300.000 đến 500.000 chiếc.
Theo autonews, Wangyi/Vietnamnet, Nhịp sống thị trường
Xem thêm bài liên quan
- Lỗ tới 850 triệu cho mỗi xe bán ra nhưng start-up đến từ Trung Quốc này vẫn khiến ngành xe Mỹ, Âu phải “đau đầu”
- Hãng ô tô điện lớn nhất Trung Quốc muốn sản xuất xe tại Việt Nam: VinFast lại thêm đối thủ lớn ngay trên sân nhà
- Tỷ phú Elon Musk: “Xe ô tô điện Trung Quốc là đối thủ lớn nhất với ngôi vương của Tesla”