Một lượng lớn mẫu xe tới từ thương hiệu Hàn Quốc là Kia Carnival và Kia Sportage tại Mỹ sẽ được triệu hồi để kiểm tra gờ nóc xe, chi tiết được cho là sẽ rơi ra khi xe di chuyển quá nhanh.
Theo Carscoops, nhiều xe Kia Carnival đời 2022-2024 và Kia Sportage đời 2023-2024 tại Mỹ sẽ được triệu hồi do đối diện với nguy cơ gây ra tai nạn khi di chuyển ở tốc độ cao.
Cụ thể, Kia đang tiến hành triệu hồi đối với 40.426 xe Sportage cùng với 60.623 xe Carnival tại thị trường Mỹ do lỗi sản xuất có thể khiến các đường viền gắn trên nóc xe không được cố định chắc chắn.
Dù chi tiết gờ trên nóc hoàn toàn không liên quan đến khả năng vận hành an toàn của xe, việc bộ phận này có thể rơi ra khi xe di chuyển tốc độ cao được cho là sẽ gây ra nguy hiểm cho những người cùng tham gia giao thông.
Theo Carscoops, Kia đã tiếp nhận vấn đề này từ tháng 9 năm ngoái, nhưng việc điều tra đã diễn ra không mấy thuận lợi. Hầu hết đường viền trang trí trên nóc các xe gặp sự cố đã không thể được thu hồi sau khi rơi ra, khiến quá trình điều tra của hãng xe Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn.
Dù vậy, Kia cho biết đã nhận rất nhiều phản ánh từ chủ xe, khiến hãng xe Hàn Quốc buộc phải tiến hành điều tra kỹ lưỡng. Để phục vụ mục đích điều tra, Kia đã cố tình lắp ráp bộ phận gờ nóc xe không đúng cách, sau đó mang chiếc xe này ra thử nghiệm và phát hiện rằng chi tiết đường viền trên nóc có thể bung ra khi xe di chuyển ở tốc độ khoảng 145 km/h.
Kia xác định rằng trong quá trình lắp ráp, sự can thiệp quá mức vào các kẹp giữ do sử dụng quá nhiều chất kết dính, hoặc quá trình lắp ráp không được thực hiện chuẩn xác là nguyên nhân có thể khiến các miếng gờ trên nóc rơi khỏi xe. Vì thế, hãng xe Hàn Quốc quyết định tiến hành một đợi triệu hồi.
Kia cho biết sẽ bắt đầu liên hệ với chủ xe vào ngày 15/3, đồng thời yêu cầu những người này lưu xe tại đại lý để kiểm tra. Đối với những chủ xe thuộc diện ảnh hưởng nhưng đã chủ động sửa chữa trước đợt triệu hồi, Kia cho biết sẽ hoàn tiền.
Theo: Znews
Sau Daihatsu của Nhật Bản, thêm một hãng động cơ ôtô bị tố gian lận khí thải và bị phạt gần 50 nghìn tỷ
Do cáo buộc gian lận khí thải, nhà sản xuất động cơ ô tô Cummins sẽ phải trả khoảng 2 tỷ USD (tương đương 50 nghìn tỷ đồng) sau khi đạt được thỏa thuận với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và bang California.
Theo đó, hãng động cơ ôtô Cummins đã lắp đặt thiết bị triệt tiêu để tránh, hoặc làm mất khả năng hoạt động của hệ thống kiểm soát khí thải, như cảm biến khí thải và các máy tính trên xe.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, Cummins đã gắn thiết bị này trên 630.000 động cơ của bán tải RAM 2500 và RAM 3500 đời 2013 – 2019. Đồng thời, công ty này cũng bị cáo buộc đã gắn thiết bị kiểm soát khí thải phụ trợ trên 330.000 động cơ bán tải RAM 2500 và RAM 3500 đời 2019 – 2023.
Theo Cummins, hãng ước tính mất gần 2,04 tỷ USD (49,99 nghìn tỷ đồng) cho tất cả những vấn đề liên quan đến vụ việc này, với gần một triệu động cơ bị ảnh hưởng. Hãng dự tính sẽ trả được 1,93 tỷ USD (47,29 nghìn tỷ đồng) trong nửa đầu năm 2024.
Trước sự việc này, tập đoàn Stellantis – đơn vị sở hữu thương hiệu bán tải RAM – đã từ chối bình luận. Cummins cho biết đã có khoảng 960.000 xe có liên quan bị thu hồi, đồng thời phần mềm kiểm soát khí thải cũng sẽ được cập nhật. Reuters cho biết trước đó, Cummins đã phải chi trả khoản phí 59 triệu USD (1,44 nghìn tỷ đồng) để thu hồi xe.
Bên cạnh việc phải trả một khoản tiền lớn để giải quyết các cáo buộc về việc gian lận kiểm soát khí thải, RAM cũng sẽ điều chỉnh lại phần mềm của các mẫu xe sản xuất từ 2013 đến 2019 để đáp ứng quy định về khí thải.
Theo: Tri Thức & Cuộc Sống
Sẽ có thêm hơn 330.000 xe bị triệu hồi do liên quan đến Daihatsu trong đó có gần 11.000 chiếc Avanza, Raize và Veloz
Có đến 320.000 xe tại Nhật Bản cùng gần 11.000 ôtô khác ở Philippines sắp bị triệu hồi, toàn bộ đều có liên quan đến Daihatsu, công ty con của Toyota.
Theo Nikkei Asia, Daihatsu cho biết đang cân nhắc triệu hồi 2 dòng xe mini do phát hiện lỗi ở cửa xe. Số lượng mẫu xe dự kiến bị ảnh hưởng trong đợt triệu hồi lần này là khoảng 320.000 xe tại thị trường Nhật bản.
Thông báo của Daihatsu diễn ra chỉ một ngày sau khi Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản chỉ thị công ty này xem xét thu hồi các mẫu xe Daihatsu Cast cùng Toyota Pixis Joy. Cơ quan quản lý của Nhật Bản ra thông báo nói trên do phát hiện Daihatsu đã gian lận trong bài thử nghiệm an toàn trên hầu hết mẫu xe mà hãng này sản xuất.
Trong khi đó, nguồn tin của chuyên trang Autoindustriya cho biết Sở Thương mại và Công nghiệp Philippines cũng chuẩn bị ban hành lệnh thu hồi liên quan đến gần 11.000 mẫu xe Avanza, Raize và Veloz để khắc phục sự cố ở hệ thống phanh.
Nội dung do Sở Thương mại và Công nghiệp Philippines đăng tải trên mạng xã hội cho biết một lỗi trong quá trình lắp ráp đã gây ra hư hỏng cho chốt trượt xy-lanh phanh. Khi nước lọt vào bốt chốt trượt trong thời gian dài, hiện tượng gỉ sét có thể xảy ra và khiến má phanh sớm bị mòn.
Có tổng cộng 10.975 xe bị ảnh hưởng trong đợt triệu hồi, theo nội dung bài đăng của Sở Thương mại và Công nghiệp Philippines. Số này bao gồm 3.119 xe Toyota Avanza sản xuất trong giai đoạn từ ngày 12/9 đến ngày 11/12/2022, 4.345 xe Toyota Raize sản xuất từ ngày 12/9 đến ngày 7/12/2022 cùng với 3.511 xe Toyota Veloz sản xuất trong giai đoạn từ ngày 12/9 đến ngày 13/12/2022.
Được biết, cả Avanza, Veloz và Raize đều là các mẫu xe Toyota đang sử dụng nền tảng Daihatsu New Global Architecture (DNGA).
Theo Autoindustriya, Toyota Motor Philippines sẽ tiến hành thay thế cụm chốt trượt xy-lanh phanh đĩa trước cho các xe bị ảnh hưởng. Nếu cần thiết, Toyota Motor Philippines cũng sẽ thay thế giá đỡ xy-lanh phanh cho các xe thuộc diện triệu hồi. Toàn bộ quá trình sửa chữa, thay thế sẽ được phục vụ miễn phí.
Theo một nguồn tin của Autoindustriya, thông tin triệu hồi đã được gửi đến các chủ xe bị ảnh hưởng thông qua ứng dụng myToyota. Trong khi đó, website chính thức của Sở Thương mại và Công nghiệp Philippines vẫn chưa xuất hiện thông báo này.
Daihatsu là công ty con trực thuộc tập đoàn Toyota, vào tháng trước đã vướng phải bê bối gian lận thử nghiệm an toàn khiến hãng xe này phải dừng mọi hoạt động sản xuất tại các nhà máy ở Nhật Bản. Daihatsu cũng bị buộc phải dừng vận chuyển các lô hàng ngay sau khi kết luận điều tra được công bố, nhưng đã sớm hoạt động trở lại ở Indonesia và Malaysia.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản cũng cho biết sẽ thu hồi các giấy chứng nhận cần thiết để Daihatsu có thể sản xuất hàng loạt đối với 3 mẫu xe, bao gồm Daihatsu Gran Max, Toyota Town Ace và Mazda Bongo.
Theo Reuters, quá trình kiểm tra của Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản cũng phát hiện thêm 14 trường hợp sai phạm khác của Daihatsu, bên cạnh các sai phạm từng được công bố trước đó.
Tại Việt Nam, chỉ duy nhất mẫu xe Toyota Avanza Premio bản MT thuộc diện ảnh hưởng từ sự vụ của Daihatsu. Toyota Việt Nam cũng đã ra thông báo tạm dừng bán Avanza Premio MT cho đến khi có thông tin tiếp theo.
Theo: Znews
Xem thêm bài liên quan
- “Giường ngủ di động bình dân” Kia Carnival 2024 ra mắt ĐNÁ: Đèn mới như xe Mỹ Cadillac, thêm động cơ hybrid, sẽ sớm về Việt Nam
- Kia Sportage Hybrid 2024 trình làng: Giá tăng nhưng bổ sung hàng loạt trang bị xịn sò, đối thủ khó chơi của CR-V HEV
- Kia Carnival 2024 lần đầu “làm chuyện ấy”: Trắng như Ngọc Trinh, nhặt nhạnh nhiều thứ từ xe điện