Có đến 320.000 xe tại Nhật Bản cùng gần 11.000 ôtô khác ở Philippines sắp bị triệu hồi, toàn bộ đều có liên quan đến Daihatsu, công ty con của Toyota.
Theo Nikkei Asia, Daihatsu cho biết đang cân nhắc triệu hồi 2 dòng xe mini do phát hiện lỗi ở cửa xe. Số lượng mẫu xe dự kiến bị ảnh hưởng trong đợt triệu hồi lần này là khoảng 320.000 xe tại thị trường Nhật bản.
Thông báo của Daihatsu diễn ra chỉ một ngày sau khi Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản chỉ thị công ty này xem xét thu hồi các mẫu xe Daihatsu Cast cùng Toyota Pixis Joy. Cơ quan quản lý của Nhật Bản ra thông báo nói trên do phát hiện Daihatsu đã gian lận trong bài thử nghiệm an toàn trên hầu hết mẫu xe mà hãng này sản xuất.
Trong khi đó, nguồn tin của chuyên trang Autoindustriya cho biết Sở Thương mại và Công nghiệp Philippines cũng chuẩn bị ban hành lệnh thu hồi liên quan đến gần 11.000 mẫu xe Avanza, Raize và Veloz để khắc phục sự cố ở hệ thống phanh.
Nội dung do Sở Thương mại và Công nghiệp Philippines đăng tải trên mạng xã hội cho biết một lỗi trong quá trình lắp ráp đã gây ra hư hỏng cho chốt trượt xy-lanh phanh. Khi nước lọt vào bốt chốt trượt trong thời gian dài, hiện tượng gỉ sét có thể xảy ra và khiến má phanh sớm bị mòn.
Có tổng cộng 10.975 xe bị ảnh hưởng trong đợt triệu hồi, theo nội dung bài đăng của Sở Thương mại và Công nghiệp Philippines. Số này bao gồm 3.119 xe Toyota Avanza sản xuất trong giai đoạn từ ngày 12/9 đến ngày 11/12/2022, 4.345 xe Toyota Raize sản xuất từ ngày 12/9 đến ngày 7/12/2022 cùng với 3.511 xe Toyota Veloz sản xuất trong giai đoạn từ ngày 12/9 đến ngày 13/12/2022.
Được biết, cả Avanza, Veloz và Raize đều là các mẫu xe Toyota đang sử dụng nền tảng Daihatsu New Global Architecture (DNGA).
Theo Autoindustriya, Toyota Motor Philippines sẽ tiến hành thay thế cụm chốt trượt xy-lanh phanh đĩa trước cho các xe bị ảnh hưởng. Nếu cần thiết, Toyota Motor Philippines cũng sẽ thay thế giá đỡ xy-lanh phanh cho các xe thuộc diện triệu hồi. Toàn bộ quá trình sửa chữa, thay thế sẽ được phục vụ miễn phí.
Theo một nguồn tin của Autoindustriya, thông tin triệu hồi đã được gửi đến các chủ xe bị ảnh hưởng thông qua ứng dụng myToyota. Trong khi đó, website chính thức của Sở Thương mại và Công nghiệp Philippines vẫn chưa xuất hiện thông báo này.
Daihatsu là công ty con trực thuộc tập đoàn Toyota, vào tháng trước đã vướng phải bê bối gian lận thử nghiệm an toàn khiến hãng xe này phải dừng mọi hoạt động sản xuất tại các nhà máy ở Nhật Bản. Daihatsu cũng bị buộc phải dừng vận chuyển các lô hàng ngay sau khi kết luận điều tra được công bố, nhưng đã sớm hoạt động trở lại ở Indonesia và Malaysia.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản cũng cho biết sẽ thu hồi các giấy chứng nhận cần thiết để Daihatsu có thể sản xuất hàng loạt đối với 3 mẫu xe, bao gồm Daihatsu Gran Max, Toyota Town Ace và Mazda Bongo.
Theo Reuters, quá trình kiểm tra của Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản cũng phát hiện thêm 14 trường hợp sai phạm khác của Daihatsu, bên cạnh các sai phạm từng được công bố trước đó.
Tại Việt Nam, chỉ duy nhất mẫu xe Toyota Avanza Premio bản MT thuộc diện ảnh hưởng từ sự vụ của Daihatsu. Toyota Việt Nam cũng đã ra thông báo tạm dừng bán Avanza Premio MT cho đến khi có thông tin tiếp theo.
Theo: Znews
Nhìn lại những bê bối ôtô lỗi, hỏng đáng chú ý nhất tại Việt Nam năm 2023: Từ Toyota, Hyundai đến Mercedes, Porsche
Hỏng hộp số Porsche Macan khi đi thay cản trước, Hyundai Tucson lỗi động cơ phải bổ máy và Daihatsu ‘đóng’ logo Toyota vướng bê bối gian lận an toàn… là những vụ việc khiến người dùng ôtô ‘ngao ngán’ nhất trong năm 2023.
Ôtô đang là phương tiện di chuyển phổ biến nhất, đây cũng là tài sản có giá trị lớn, đặc biệt những chiếc xe mới có giá cả tỷ đồng là ước mơ của nhiều người dùng, gia đình Việt.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp bỏ ra cả tỷ đồng, nhưng nhận lại những chiếc ôtô lỗi hỏng ở Việt Nam khiến cộng đồng người dùng “ngao ngán” vì mua phải “cục tức” vào thân.
Cuối 2022, chủ Porsche Macan đời 2016 Phạm Anh Tấn (TP HCM) đến Porsche Sài Gòn để thay thế cản trước. Khoảng một tuần sau, xe hiện hàng loạt lỗi trên màn hình, không thể vào số để di chuyển.
Ngay sau khi liên hệ hãng thì được hướng dẫn thêm dầu máy vào động cơ, nhưng lỗi không được khắc phục. Do cơ sở thông báo trong kỳ lễ Giáng sinh, không tiếp nhận xe, nên anh đưa xe ra garage tư nhân để kiểm tra.
Garage tư nhân cho rằng xe Porsche Macan bị lỗi nặng, khuyên mang đến cơ sở chính hãng để sửa chữa.
Sau khi qua lễ, Tấn mang xe qua Porsche Sài Gòn kiểm tra, được thông báo là chiếc Macan của anh chảy dầu hộp số, hư van điều khiển, chi phí sửa chữa hộp số là 600 triệu đồng. Anh Tấn cho rằng hộp số chỉ hỏng sau khi nằm tại xưởng chính hãng, trước đó không bị.
Phía Porsche Việt Nam cho rằng dựa vào các bất thường như dầu hộp số được thay thế không đúng chủng loại, ron đáy các-te dầu hộp số có dấu hiệu dán keo, cho nên “việc xe hỏng hộp số không thuộc phạm vi trách nhiệm của Porsche” nhưng theo chủ xe thì điều này không đúng.
Phía Porsche Việt Nam thừa nhận có sai sót trong quy trình tiếp nhận, sửa chữa và bàn giao xe của anh Tấn, nên đã đề nghị mức ưu đãi 40% giá trị sửa chữa.
Tuy nhiên, chủ xe vẫn không chấp nhận yêu cầu trên và cho biết đã gửi thẳng thư khiếu nại sang Porsche ở Đức. Sự việc đã được chủ xe gửi đơn kiện đến Tòa án và vẫn đang trong quá trình giải quyết.
Hyundai Tucson lỗi động cơ, chạy 20.000km đã phải bổ máy – Sự việc diễn ra vào giữa năm nay, một chiếc Hyundai Tucson 1.6 Turbo của khách hàng tại Lào Cai mới chạy 20.000km đã phải bổ máy do lỗi động cơ. Theo chia sẻ từ người dùng, chiếc xe bắt đầu có dấu hiệu bất ổn về động cơ từ tháng 3/2023.
Thời điểm đó, người dùng phát hiện xe không tăng tốc khi ông đạp chân ga và khoang máy phát ra tiếng kêu lạ.
Qua quá trình kiểm tra của nhân viên kỹ thuật đại lý Hyundai chính hãng, chiếc Hyundai Tucson này được kết luận dây cam động cơ bị hỏng, gây ra hiện tượng bó máy, yêu cầu phải bổ máy để sửa chữa những phần bị hỏng.
Đại diện Hyundai Lào Cao đưa ra đề nghị bổ máy chiếc Hyundai Tucson để khắc phục, nhưng chủ xe không đồng ý bởi sẽ mất giá trị xe.
Honda Civic bị sơn lại cửa, chủ xe được đổi mới thuộc sở hữu của khách hàng Trần Thiên Thông mua tại đại lý Honda Ô tô Sài Gòn – Võ Văn Kiệt. Sau khi nhận xe, khách hàng phát hiện màu sơn ở cửa sau bên lại có sự khác biệt với tổng thể màu xe
Nghi ngờ có vấn đề, anh Thông đã liên hệ với tư vấn bán hàng của đại lý Honda Ô tô Sài Gòn – Võ Văn Kiệt để kiểm tra. Tuy nhiên, đại lý cam kết không phải bị sơn lại, còn khách hàng giữ nguyên quan điểm.
Do đó, anh Thông đã khiếu nại với Honda Việt Nam và sau nhiều lần kiểm tra, phía nhà phân phối đã cử chuyên gia xác minh và kết quả xác định có sự chênh lệch màu sắc trên cánh cửa. Sau đó, Honda Việt Nam đã thay một chiếc Honda Civic RS tương ứng cho khách hàng và lo toàn bộ chi phí lăn bánh.
Toyota Wigo đi 2 năm “bổ máy” 2 lần vẫn không hết lỗi là trường hợp của anh Nguyễn Tuấn Hòa tại Quảng Nam. Anh mua chiếc Toyota Wigo tại Đà Nẵng vào năm 2021 nhưng từ đó đến năm 2023, xe liên tục bị lỗi động cơ kêu lạch cạch. Đại lý Toyota thực hiện bảo hành sửa chữa nhiều lần mà không khắc phục được hết lỗi.
Hãng Toyota lại đề nghị anh Hòa cho phép “bổ máy” lần 2 để thay thế thêm hàng loạt chi tiết như mặt quy lát, supap, lò xo supap, cò mổ cam, xích cam, dẫn hướng cam, tăng cam tự động, dẫn hướng cam,…
Các chi tiết này được lấy từ một động cơ khác chưa sử dụng. Mặc dù rất chán nản, anh Hòa một lần nữa đồng ý với hi vọng, việc “tân trang” động cơ xe sẽ khắc phục dứt điểm được sự cố.
Anh Hòa cho biết, bản thân là một lái xe chuyên chở khách, anh rất hoang mang khi phải chạy một chiếc xe lỗi động cơ, có nguy cơ bị hỏng hóc giữa đường bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, mỗi lần gác lại công việc đưa xe vào đại lý sửa là một lần mất thời gian, công sức và tiền bạc. Hiện anh chỉ muốn thay động cơ mới hoặc mong Toyota Việt nam mua lại chiếc xe để anh ổn định cuộc sống.
Trong số các thương hiệu ôtô đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, Mercedes-Benz là hãng xe thực hiện nhiều đợt triệu hồi nhất.
Số liệu được tổng hợp từ dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy hãng xe sang đến từ Đức đã triển khai đến 9 đợt triệu hồi xe trong năm 2023, với số lượng xe bị ảnh hưởng lên đến 8.866 xe.
Ngoại trừ ôtô điện, còn lại gần như hầu hết các dòng sản phẩm xe Mercedes-Benz tại Việt Nam đều gặp những vấn đề khác nhau dẫn đến việc phải triệu hồi để khắc phục.
Từ những mẫu sedan như C-Class, E-Class, S450 4 Matic, GLE, AMG GLE cho đến những dòng cao cấp như Maybach GLS480 hay thế hệ mới của CLC ra mắt hồi tháng 5 cũng dính lỗi, phải triệu hồi.
Daihatsu “đóng” logo Toyota vướng bê bối gian lận an toàn là sự kiện nhận được làn sóng dư luận dữ dội nhất vừa qua.
Cụ thể, Daihatsu đã gian lận trong các cuộc thử nghiệm an toàn va chạm vào tháng 4 liên quan đến 88.000 ôtô, hầu hết các xe được bán dưới thương hiệu Toyota và cuộc điều tra mới nhất cho thấy phạm vi bê bối lớn hơn rất nhiều.
Các hành vi gian lận trong thử nghiệm túi khí, các bài thử nghiệm tác động tới tựa đầu ghế và tốc độ thử nghiệm với một số mẫu xe đã được Daihatsu thực hiện từ năm 1989, nhưng đến sau 2014 thì bắt đầu phổ biến.
Ở Việt Nam, hiện những chiếc xe Daihatsu “đóng” logo Toyota đang bán có thể kể đến như: Toyota Wigo, Yaris Cross, Avanza Premio, Veloz Cross..
Tuy nhiên, Toyota Việt Nam hiện mới chỉ đưa ra thông báo Toyota Avanza Premio MT bị ảnh hưởng và ngừng bàn giao đến người dùng. Trong khi đó, những chiếc xe còn lại vẫn bị đặt dấu hỏi lớn.
Theo: Tri Thức & Cuộc Sống
Xem thêm bài liên quan
- Triệu hồi 280.000 xe Toyota do lỗi hộp số khiến xe tự di chuyển, có cả “chuyên cơ mặt đất” Lexus LX600, Tundra, Sequoia
- Toyota Raize bất ngờ được “giải oan”: Không thuộc nhóm xe dính bê bối kiểm tra an toàn của Daihatsu
- Đại lý hé lộ thông tin về Toyota Corolla Cross 2024 sẽ ra mắt Việt Nam trong năm nay: Cắt bản G tiêu chuẩn, chỉ giữ lại 2 bản V và HV?